Đăng bởi: Ngô Minh | 08.01.2015

NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐANG SỐNG NHƯ THẾ NÀO ?

        NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐANG SỐNG NHƯ THẾ NÀO ?

                       Ngô Minh

            Nhà văn Việt Nam ( NVVN ) là những người lao động sáng tạo trên 4 thể loại văn học : Văn xuôi (cả kịch) , thơ , lý tuận phê bình, dịch thuật đã được kết nạp vào Hội .Hội viên Hội nhà văn Việt Nam  là những người tiêu biểu cho toàn thể những người viết văn cả nước gồm 5 thệ hệ : Các nhà văn trưởng thành trước cách mạng Tháng Tám , thế hệ chống Pháp , thế hệ chống Mỹ  , thế hệ sau 1975, thế hệ thời đổi mới  .  Đến  cuối 2010 , Hội Nhà văn Việt Nam có 1255 nhà văn ( bằng 10% số tiến sĩ cả nước), hơn 250 người đã mất, còn hơn 1000 nhà văn . Khác với các nước trên thế giới , NVVN  không sống được bằng nghề văn , số đông các nhà văn Việt Nam là cán bộ, công chức ăn lương nhà nước ở các cơ quan báo chí, văn học. Viết văn chỉ là nghiệp dư , đến khi về hưu mới thực sự là người viết chuyên nghiệp. Trong Hội hiện chỉ có khoảng hơn 10 nhà văn là người viết chuyên nghiệp ngoài biên chế. Đa phần các nhà văn VN đều khởi đầu từ năng khiếu tự phát, qua thực tế cuộc sống chiến đấu, lao động mà tập viết văn, dần dần thành các tác giả.  Không ai đi được học trường dạy nghề viết văn ra mới bắt đầu sáng tác để thành nhà văn. Đó là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu của Nhà Văn VN ta vì thiếu tính chuyên nghiệp.

      Bình quân  NVVN cứ 5 năm cho ra một tác phẩm , mỗi năm có 140 tác phẩm ra đời. Con số đó rất ít ỏi ( ở Pháp mỗi năm 1500 tiểu thuyết xuất bản, ở Trung Quốc 700 – 800 tiểu thuyết  mỗi năm). Hơn 55 năm thành lập Hội Nhà văn VN, các nhà văn đã cho xuất bản khối lượng lớn tác phẩm và ở thời kỳ nào cũng có những tác phẩm xuất sắc như Dế mèn phiêu lưu ký, Bỉ Vỏ, Đất nước đứng lên, Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội, Hòn Đất, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Thân phận tình yêu.v.v... Thống kê cho biết các trong 10 năm, bình quân nhà thơ cho xuất bản bình quân 500 trang/ người, các nhà văn 2000 trang/ người. Những người có đầu sách cao nhất là Tô Hoài  150 tác phẩm , Ngô Văn Phú 140; Nguyễn Trần Thiết :80; Đào Vũ : 67; Văn Linh : 62. Ở Huế hiện có 19 NVVN. Các nhà văn ở Huế có nhiều đầu sách là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Đắc Xuân, Hồng Nhu, Mai Văn Hoan…  Đến cuối 2012 đã có gần 200 nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thường Nhà nước về VHNT trong 4 đợt trao tặng .Huế đã có 6 nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về VHNT là Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ. Đồng tiền giải thưởng 120 triệu đồng, không bằng cái mông cô hoa hậu, á hậu, chưa kịp mừng đã hết vì vợ ốm, con đau.   Có rất nhiều nhà văn có bản thảo những chưa xuất bản được vì 3 lý do : Chưa hài lòng về chất lượng; chưa tìm được đầu ra; chưa được nhà xuất bản chấp nhận vì các vấn đề nhạy cảm .Nhưng các nhà văn hàng ngày vẫn cặm cui viết , dù “ cơm áo không đừa với khách thơ”.

            Nhà văn Việt Nam đang sống như thế nào?  Nguồn thu nhập chính của NVVN là đồng lương theo hạng bậc công vụ và chức danh họ đảm nhiệm ở các cơ quan .  Về hưu thì sống bằng lương hưu. Như Ngô Minh lương hưu 4 triệu đồng, chưa được 200 USD. Chỉ sống được khoảng 15 ngày. Thu nhập phụ thêm chủ yếu là nhuận bút báo . Đang có xu hướng nhà báo hóa nhà văn . Nhiều nhà văn coi viết báo là sinh kế gia đình. Các nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân,  Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Thụy Kha, Ngô Minh, Mai Văn Hoan… đều là những nhà báo kỳ cựu.  Có nhà văn công tác với 50 tờ báo, bình thường là 2, 3 tờ. Một số nhà văn một cái Tết thu được 15- 25 triệu nhuận bút báo Tết . Tuy nhiên số này chỉ chiến khoảng 2- 3 % nhà văn VN. Có nhà văn được các báo thuê canh chuyên mục ,trả phụ cấp tháng. Nhờ các nguồn này có nhà văn thu nhập thêm một hai triệu đồng/ tháng, cao hơn lương nhà nước trả.. Một số nhà văn đi mở quán ẩm thực hay dịch vụ kinh tế khác để kiếm sống như nhà văn Ngọc Trai mở quán Cơm Huế ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có thời mở quán nhậu tại nhà. Nhiều nhà văn có thu nhập từ việc viết kịch bản phim tài liệu, phim truyện cho các hãng phim, các đài truyền hình như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh, Chu Lai…; Có nhiều nhà văn thu nhập rất thấp, vật lộn với cuộc sống từng ngày  như Nhà văn Sao Mai ( Phú Thọ- đã mất) lương hợp đồng 200.000 đồng/tháng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn ( Hải Phòng) thu nhập 190.000 đ/tháng; Võ Hồng ( Nha Trang- đã mất) 190.000 đồng /tháng,  Kim Nhất ( ĐăkLăk) 330.000 đ/tháng.v.v..Lại có nhà văn sống ở quê không có lương như nhà văn Hoàng Bình Trọng ở Quảng Bình!

         Đối với những  nhà văn viết báo được , cũng chỉ đủ trang trải đời sống gia đình, nhưng để yên tâm tập trung công sức ,chuyên chú vào một tác phẩm văn học bề thế thì không thể được . Nhà thơ Mỹ Hạnh, lương hưu 720.000 đ/tháng, mỗi năm viết được 3,4 bài báo, thu nhập thêm khoảng 300.000 đồng. Coi như không đáng kể. Người viết được nhiều như nhà văn Trần Đức Tiến, lương hưu tháng khoảng 2 triệu/tháng, nhuận bút 1,2 triệu /tháng. Nhưng nuôi 2 con  học đại học , thì cũng chỉ tạm đủ sống. Nhà văn Triệu Huấn  đẫ xuất bản 30 tác phẩm với 8.063 trang in  . Thu nhập của anh như sau : Mỗi năm in 2 cuốn sách, mỗi cuốn nhuận bút được 2 triệu,thành 6 triệu; viết kịch truyền hình mỗi năm thu nhập thêm 3 triệu. Sau khi trừ hết chi phí , còn lại chỉ được 600 ngàn đồng/ tháng. May mà anh có lương hưu, không thì không đủ trang trải chi tiêu gia đình !

          Đời sống nhà văn càng khổ hơn vì nhuận bút văn chương quá thấp,và ngày càng có xu hướng giảm về tỷ lệ tương đối . Nhuận bút không có ý nghĩa bù đắp sức lao động nghệ thuật, nói gì đến nâng cao đời sống nhà văn . Viết một bài báo mất hai ba ngày,nhuận bút chỉ  200- 300 ngàn đồng. Đài Phát thanh các tỉnh trả một bài báo chỉ 100- 150 ngàn đồng, tạp chí Văn Hiến trả 1 truyện ngắn 100 ngàn , báo Văn Nghệ trả 100.000 đồng một bài thơ , 600 ngàn đồng một truyện ngắn. Các tạp chí văn nghệ địa phương nhuận bủt còn thấp hơn.   Viết sách nhuận bút lại càng bất hợp lý hơn, nhà văn trên thực tế phải đóng lợi tức quá lớn.  Một cuốn tiểu thuyết 300 trang nhuận bút 1,5 triệu đồng. Nhà văn viết ra sách chỉ nhận được 6 – 8% ( cao là 10%) giá bìa nhân với số lượng sách in ra , mà không ai biết người ta in bao nhiêu cả vì nối bản liên tục nhà văn không thể biết !. Trong lúc đó, đầu nậu hưởng từ  8- 10% , khâu phát hành từ 40 – 50%  . Tính ra, tỉ suất như vậy cao gấp 1,5 lần thuế nhập xe máy, gấp 4 lần thuế nhập xăng dầu, gấp 16 lần thuế nhập máy tính .v.v..!Các nhà văn viết báo để sống, nhưng  một bài báo 1 triệu đồng phải nộp thuế ( gọi là tam thu) 10%, tức 100 ngàn đồng. Nhưng khoản tạm thu đó không bao giờ được  cơ quan báo hoặc thuế thông báo trả lại nếu tính không đủ mức để tính thuế thu nhập cá nhân. Người viết bài này ( cũng như anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê) rất nhiều lần bị tạm thu như thế ở báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, nhưng không được trả lại . Rõ ràng thu nhập bằng nhuận bút  của nhà văn thấp hơn nhiều so với thu nhập bằng cơ bắp của một người giữ trẻ hay một anh thợ cắt tóc, sửa xe máy ! Ngày trước, nhà văn Nguyễn Vỹ gửi nhà văn TRương Tửu bài thơ nói về kiếp nhà văn nghe thật não nề :… Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó/ Mỗi lần cầm bút nói văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Và nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm giời: Kiết vẫn kiết! / Mà thương cho tôi, thương cho anh / Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh…Bây giờ ngẫm lại, dù nhà văn là “nhà văn nhà nước”, có lương hẳn hoi, sự khổ ấy vẫn không buông tha !

            Tình trạng nhuận bút thấp  không khích lệ được sự đầu tư trí tuệ sức lực cho những tác phẩm lớn. Nó góp phần làm chậm quá trình hình thành đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp. Mà nền văn học hùng mạnh là một nền văn học có một đội ngũ nhà văn đông đảo. Đề nghị Nhà nước tìm cách tháo gỡ nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của nhà văn, giúp họ có điều kiện để thoát ra khỏi  chuyện miếng cơm manh áo, tập trung sức tạo ra những tác phẩm lớn, ngang tầm thời đại .


Chuyên mục

%d người thích bài này: