Anh Sơn uống rượu với anh em Huế: Ngô Minh thứ 3 (trái sang)
NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN
Ngô Minh
1. Trưa ngày 1-4 năm 2001. Nhà thơ Thạch Quỳ ở Vinh vào chơi, cùng Mai Văn Hoan, Phương Xích Lô uống rượu tại nhà tôi. Không hiểu do thần giao cách cảm hay linh tính mà câu chuyện bên chiếu rượu của chúng tôi hôm đó chỉ bàn về một thế hệ đông đảo người Huế tài hoa nổi tiếng suốt mấy chục năm qua : Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Đinh Cường, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao… Thế rồi buổi tối, hàng chục cú điện thoại của bạn bè ở Sài Gòn, Huế tới tấp phôn cho tôi báo tin dữ : Trịnh Công Sơn… mất rồi ! Ôi, nhạc sĩ thiên tài của đất nước, người con thân yêu của Huế đã về cùng cát bụi !
Đứa con trai út của tôi, sinh viên năm thứ hai Đại học kiến trúc Hà Nội, học ở Huế, đi học về vội vàng mở băng đĩa CD Hạ Trắng của Trinh Công Sơn do Khánh Ly hát thật to. Nó trầm ngâm bảo :” Ba biết không, bác Sơn đi rồi !”. Suốt đêm mùng một và ngày mùng hai tháng Tư, hầu như cả thành phố Huế mở nhạc Trịnh. Tôi ghé nhà của nhà nhiếp ảnh Thanh Tú, anh mở nhạc Trịnh Công Sơn , rồi nằm một mình lặng im bên chiếc máy hát… Mấy ngày đó tôi thẫn thờ như người mất hồn. Mới hôm nào đây anh Sơn ra Huế, nâng cùng bạn bè chen rượu. Tôi ôm eo anh nâng lên xem anh độ bao nhiêu ký. “Ôi, sao anh nhẹ như xốp thế này”. Anh nhẹ như hư vô :
Chiều mong manh quá nắng vàng ơi
Lá hát đời sông tóc trắng trời
Thân gầy bóng đổ dài phương gió
Người thôi thoáng chốc đã mù khơi
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…
Hàng cây long não lấp lánh lời
Tình tơ non thế chan chứa thế
Chuông nguyện bên trời Phú Cam rơi…( NM)
2. Trịnh Công Sơn là thiên tài âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX . Di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn là vô giá , mãi mãi là niềm tự hào của người Việt Nam. Bảy năm Trịnh Công Sơn về “với cát bụi”, đã có hơn 10 cuốn sách viết về ông, cuốn mới nhất là tập bút ký “ Cây đàn lia của Hoàng tử be” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu năm 2005. Âm nhạc Trịnh ngày càng lay động chiều sâu tâm thức hàng chục triệu người. Đã là người Việt, từ già đến trẻ không ai không hát Trịnh , không gia đình nào không có trong nhà một băng hay đĩa nhạc Trịnh ….Sống trong đời sống .Cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…
Không chỉ ở Việt Nam, âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng ngày càng chinh phục thế giới . Ngay từ năm 1972, Trịnh Công Sơn đã được Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài Ngủ đi con, trong Ca khúc Da vàng, qua giọng hát Khánh Ly, phát hành trên 2 triệu đĩa . Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển Bách khoa Pháp “ Encyclopédie de tous les pays du momde”. Nhạc Trịnh đã có mặt tại nhiều nước Châu Á, châu Âu, Châu Mỹ… Có một chàng trai người Đức mang họ Trịnh luôn cùng mới bạn bè hát Trịnh Công Sơn; Có một cô gái Nhật Bản năm nào cũng sang Việt Nam để viếng mộ Trịnh …
Đặc biệt , ngày 3-2-2004, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã công bố “Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới” (WPMA). Sáu tên tuổi âm nhạc nổi tiếng thế giới được giải thưởng lần này là Bob Dylan , Conuntry Joe & the Fish, Hary Belafonte, Joan Baez, Peter, Paul & Mary và Trịnh Công Sơn. WPMA tôn vinh những người đã đem âm nhạc của mình cống hiến cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và nhân đạo trên thế giới. Đây là sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay! Kể từ ca khúc đầu tiên Ướt mi công bố năm 1959 ,trải 40 năm sáng tác, Trịnh Công Sơn đã để lại gia sản trên 600 ca khúc lay động lòng người . Người ta chia ca khúc Trịnh thành “ ba dòng” : Dòng trữ tình, dòng phản chiến và dòng giải thoát bản ngã!. Lý thuyết là thế , nhưng tôi nghĩ dưới góc nhìn “ hòa bình và nhân đạo” thì hầu như ca khúc nào của Trịnh cũng là vút lên từ tận cùng sâu thẳm của tình yêu cuộc sống và nỗi đau phận người . Đó chính là tầm cao , sự vĩnh cửu của âm nhạc Trịnh
Nhưng phải nói dòng ca khúc phản chiến , ca khúc vì hòa bình của Trịnh Công Sơn có một sức nặng lớn lao trong cuộc chiến đấu của nhân dân ta vì hòa bình và thống nhất Tổ Quốc. Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng :”..Từ năm 1966, trong vòng 10 năm, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến duy nhất ở “ miền Nam” . Nhạc sĩ yêu nước thì có nhiều người, nhưng nhạc sĩ phản chiến duy nhất chỉ có một “. Những bài hát trong các tập Ca khúc Da Vàng và Kinh Việt Nam, không mô tả chiến tranh, mà vạch ra những vết sẹo chiến tranh : Mẹ cầu cho em. Tuổi xanh đừng biến mất… Tiếng hát Trịnh Công Sơn là tiếng hát đòi được sống, đòi được làm người, đòi được hưởng hạnh phúc trên đất nước thanh bình : Yêu quê hương nước mắt lưng tròng. Người con gái ngồi mơ thanh bình… Người con gái chợt ôm tim minh . Trên da thơm vết máu loang dần… Những ca khúc Chỉ có em, Chưa mất niềm tin, Người con gái Việt Nam da vàng, Kinh Việt nam, Đại bác ru đêm ,Gia tài của Mẹ… luôn xoáy vào lòng người vết thương nhân loại, cất lên như tiếng kinh cầu nguyện cho số phận con người, nên có sức cuốn hút, tập hợp con người đứng lên chống chiến tranh rất lớn :
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe
( Đại bác ru đêm)
Không chỉ “phản chiến”, âm nhạc Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn trước ngày 30-4- 1975 còn công khai rất nhiều bài hát về nỗi khát khao thống nhất đất nước : Huế -Sài Gòn- Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa…Việt Nam ơi còn bao lâu. Những con người ngồi nhớ thương nhau …. Ngày mai đây những con đường Nam-Bắc nở hoa… Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu… Mẹ dâng miếng cau mẹ dâng ngọn trầu…( Huế- Sài Gòn- Hà Nội) . Trịnh Công Sơn đã cùng bè bạn hát vang ở Sài Gòn ca khúc Nối vòng tay lớn loan tin thống nhất đất nước đến mỗi gia đình!
Mỗi ngày tôi chợt ngồi thiệt yên
Chợt nghĩ quê hương ,nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim…
Nhiều năm sau chiến tranh, Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Ca khúc Huyền thoại mẹ là một trong những bài hát hay nhất về cuộc chiến đấu, hy sinh của dân tộc ta vì hòa bình và thống nhất đất nước. Trịnh Công Sơn kể rằng : “ Dạo tôi ra Quảng Bình, được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn, rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, tôi nghĩ đến mẹ và tôi viết…” .Sau giải phóng 1975, sinh viên học sinh miền Nam phải đi đào mương, làm thủy lợi khắc phục tàn tích chiến tranh, có người cho rằng “ Nhà nước cộng sản đày đọa học sinh”. Nhưng Trịnh Công Sơn lại làm ca khúc để động viên họ : Em ở nông trường, em ra biên giới / Có những bước chân đi không về…Có tình yêu lớn bao trùm mọi thành kiến mới thấu hiểu được lòng người.
3. Anh Nguyễn Văn Hóa, giám đốc Xí nghiệp in chuyên dùng ở Huế là người rất say mê Trịnh Công Sơn. Trong phòng giám đốc của anh treo một bức anh phóng to chụp bức tranh của họa sĩ Bửu Chỉ vẽ khuôn mặt Trịnh Công Sơn trong cây đàn ghi ta rất ấn tượng . Anh Hóa hay ngâm những đoạn ca từ của Trịnh, như ngâm thơ vậy . Vâng, ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn là những áng thơ tuyệt tác. Đó là nhân xét của ất nhiều nhà thơ.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…
…Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi…
Bởi thế mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, khi làm tập sách :” Trịnh Công Sơn- Một Cõi đi về” đã chọn in riêng trên 60 ca từ của Trịnh, thành những bài thơ. Cách làm đó làm cho độc giả dễ nhận ra chất thơ bi tráng và sâu thẳm trong ca từ của Trịnh. Câu ca từ nào cũng là câu thơ hiện đại, ám ảnh : Nghe bao nỗi đau trên hai bàn tay ( Tôi đang lắng nghe) , Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ ( Có một dòng sông đã qua đời) , Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không / Để gió cuốn đi… ( Để gió cuốn đi) , Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau…
Trịnh Công Sơn có hàng trăm câu thơ viết ra từ cõi tâm linh, từ sự chiêm cảm của kiếp người. Lời ca đó là triết học, là nhân sinh thăm thẳm. Tôi thầm ước mình làm được những câu thơ thần linh đó !
4. Năm 1976, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi về Huế gia nhập đội quân văn nghệ của tỉnh Bình Trị Thiên. Mặc dù đã hát nhạc Trịnh Công Sơn suốt bốn năm trời ở rừng miền Đông Nam Bộ, nhưng những ngày tháng ấy tôi mới được làm quen với anh. Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thư nhất, Trịnh Công Sơn ngồi bên bàn trước hội trường để thu tem phiếu lương thực và ghi tên đại biểu . Đó là công việc hành chính ở cơ quan hội.Anh tươi cười bắt tay từng người , đeo kính cận ngồi đếm đi đếm lại từng ô tem phiếu, vì thời bao cấp ấy, thiếu tem phiếu thì không thể nào bù được, không thể báo cơm ở khách sạn cho địa biểu được ! . Rồi anh cùng cơ quan lên Bình Điền cuốc đất trồng sắn. Đất đồi thì cứng, thân anh thì mảnh mai, gầy yếu, cuốc được ngày thì anh phồng dộp cả bàn tay. Anh còn đi tham gia lao động tại công trường Nam Thạch Hãn… Không việc gì anh không làm. Nhưng thời gian đó, dường như anh viết nhạc ít đi. Một số nhạc sĩ ở miền Bắc vào ở Huế lúc đó cho rằng, nhạc Trịnh Công Sơn là “nhạc vàng” , họ tổ chức cho sinh viên hội thảo phản đối nhạc vàng ! Vì viết “ nhạc vàng” nên hơn chục sau ngày giải phóng miền Nam, Trịnh Công Sơn mới được “kết nạp” vào Hội nhạc sĩ Việt Nam ! Nhưng họp thì họp, nói thì cứ nói. Họp xong, nói xong sinh viên lại hát Trịnh Công Sơn suốt đêm ngày !
Tôi thường lui tới căn hộ chung cư của Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lam Thị Mỹ Dạ ở đường Nguyễn Tường Tộ, bên bờ An Cựu, gần nhà thơ Phú Cam. Đây chính là căn nhà Trịnh Công Sơn đã ở trong một thời gian dài. Khi chuyển vào sống ở Sài Gòn, anh Sơn đã bảo chính quyền tỉnh sang tên ngôi nhà cho vợ chồng Tường- Dạ. Đứng bên hàng long não, nhìn ra bờ sông, nhìn qua Thánh đường Phú Cam trong chiều sương tím Huế, nghe âm hưởng của cây lá, của gió, của sông của bước chân con gái đi bộ qua đường… Hoặc đi bộ dọc sông An Cự qua cầu Bến Ngự lên chùa Phổ Quang , nơi Trịnh Công Sơn gửi pháp danh của mình , nghe dế kêu trong cỏ, gió rì rào trong lá, tôi nhận ra đây chính là giai điệu Trịnh Công Sơn ! Trịnh Công Sơn đã viết hàng trăm ca khúc ở căn phòng này. Lần ra Huế dự “ Đêm nhạc Trịnh Công Sơn quyên góp tiền giúp trẻ em nghèo học giỏi”, anh Sơn nâng cùng anh em chén rươụ Chuồn, tâm sự :” Trong lời bài hát của mình không có một từ nào về các địa danh của Huế, nhưng toàn bộ âm nhạc của mình chính là Huế đấy, Huế của kiếp người…”. Vâng, trên 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn để lại là một phần của Di sản văn hóa Huế , tồn tại mãi với thời gian…
Âm nhạc Trịnh Công Sơn là âm nhạc vì con người nên ở lại mãi với hồn người, không biên giới, “cao hơn mọi thành kiến trên đời “ ( chữ Anh Ngọc) . Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới của Liên Hiệp Quốc là sự tôn vinh ở tầm cỡ thế giới về Di sản âm nhạc của Trịnh . Đây cũng là sự tôn vinh một nhân cách sống và bản lĩnh sáng tạo của một thiên tài âm nhạc.
Bình luận mới nhất