THÔNG REO NGÀN HỐNG
Nhà văn Nguyễn Thế quang
QTXM:Sau khi giới thiệu 2 chương , chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Theo yêu cầu của nhiều người, chúng tôi xin giới thiệu chương 5 phần V của tác phẩm,là chương cuối. Ở đây ta sẽ gặp lại tâm trạng của 3 nhân vật là 3 trí thức lứn của thời đó. Chế độ Quân chủ độc quyền ngày càng thối nát, bất lực, quan lại ngày càng tham những vô độ, dân chúng ngày càng khốn khổ điêu linh, giặc ngoại xâm đã tràn đến, nguy cơ mất nước hiển hiện. Trong nỗi đau tột cùng đó, những kẻ sĩ chân chính như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát càng thấy được trách nhiệm của mình, cốt cách vẫn cứng cỏi, vẫn vẹn nguyên khát vọng được mãi là người con của Đại Nam., sống hết mình vì sự toàn vẹn của giang sơn Đại Nam. QTXM xin gửi đến mọi người những điều tâm huyết đó. …
Chương 5- LÀM CÂY THÔNG ĐỨNG GIỮA TRỜI MÀ REO (trích)
Ra đi từ sáng sớm chưa tỏ mặt người nhưng mãi đến cuối giờ thìn ( gần 9 h ) cha con cụ Thượng Trứ mới đến đỉnh ngọn Mã Yên – ngọn núi cao nhất của Ngàn Hống 99 ngọn chập chùng. Bấy giờ đã là cuối tháng Mười, mùa đông năm Canh Ngọ (1858) khí trời lạnh và khô nhưng Công Nhị mồ hôi ướt đẫm cả áo (…) Đến chân núi, Nhị nhảy xuống dắt ngựa. -Con về đi. Giờ Thân ngày mai lên đón cha.Công Nhị trố mắt nhìn mái đầu bạc phơ: -Đêm nay cha một mình ở đây? -Phải! Ta muốn đêm nay một mình say cùng Ngàn Hống (…)
Mặc cho con xuống núi, Nguyễn vẫn đứng đấy, cái đầu bạc phơ quay nhìn bốn phía: đâu đâu cũng rừng cây xanh ngắt trải dài tít tắp tới tận chân trời. Không gian thoang thoảng mùi thơm ngào ngạt của nhựa thông, của các loại hoa rừng. Nguyễn hít căng không khí trong lành, dơ đôi bàn tay to khỏe và gân guốc ra đọng nắng vàng, da dẻ như hồng lên. Gió vi vu trên những ngọn thông, tạo nên muôn thanh âm nhẹ nhàng, trong trẻo ngập đầy cả núi rừng. Có tiếng rào rào trên không: một đàn cò trắng dang những sãi cánh rộng rạp xuống những cây cao trước mặt. Đẹp qụá Tất cả trong trẻo vô cùng. Không có con mắt ai dòm ngó. Không có bon chen kèn cựa, hãm hại lẫn nhau. Không có ai áp bức ai.Ta và cây cỏ, khí trời đều thân thiện. Tất cả như hòa cùng nhau. Đặt tay lên tảng đá. nắng đã làm cho ấm lên, Nguyễn khoan thai ngồi xuống. Lấy tấm thổ cẩm của đồng bào Khmer An Giang đặt xuống tảng đá, Nguyễn nằm gối đầu lên, bắc chân chữ ngũ, nhìn trời cao khoáng đạt, ngắm những cây thông cao vút, xanh rờn, chợt nhớ câu thơ của Tố Như, bèn thay vài chữ cho hợp cảnh mình, nghêu ngao đọc: Nghêu ngao vui thú yên hà, / Thông là bạn cũ, hạc là người quen.
Nguyễn thích thú ngắm bầu trời xanh trong vời vợi, tai lằng nghe chim hót ríu ran, tiếng suối róc rách xa xa. Đời này mấy ai, mấy lúc được như thế này- nhất là ở tuổi tám mươi như ta. Lát sau, Nguyễn ngồi dậy, rót đầy một chén rượu, nâng lên nói với cây cối, nói với chim muông: “Nào! Mời các bạn! Cạn chén!” Hơi rượu làm cho người ấm lên. Có tiếng con chim gì hót vang phía trái, Nguyễn nhìn sang: không thấy chim đâu, chỉ thấy những cây thông lực lưỡng, có cây to vừa vòng người ôm, có cây nhỏ hơn, da màu nâu đen, vỏ nứt dọc, xù xì.
Nhìn dọc lên những cành cây to cứng cáp vươn ra, xòe từng cụm lá thông xanh mướt. Ánh nắng mùa đông nhạt như mật ong non, trong trẻo tỏa ngập đất trời làm cho muôn lá như xanh hơn, như sáng hơn. Nguyễn nhìn xuống phía trước, núi thấp dần, những ngọn cây thông xanh rờn nhọn hoắt như ngàn mũi tên mọc lên giữa đất trời. Chếch về phía bên phải không phải là thông mà là rừng đủ các loại cây, có vạt lá đã úa vàng, có vạt lá đỏ ối. Thỉnh thoảng có một vài mảng xanh nhạt hơn, chứ không phải xanh rì như rừng thông ngay trước mắt mình. Nguyễn chợt nhớ câu thơ Thu đến cây nao chẳng lạ lùng/ Một mình lại thủa ba đông.
Nhớ thơ lại nhớ đến người,“Thơ dĩ ngôn chí,”Ức Trai tiên sinh làm thơ đâu phải để tả cảnh vật mà để nói lên lòng mình. Lòng Nguyễn Trãi qua bao bão giông vẫn xanh thắm một niềm trung hiếu. Nguyễn lại nhớ tiếp những lời thơ đầy tin
Tài đấng lương cao ắt cả dùng.
Đống lương tài có mấy bằng mày
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay
Tiên sinh đã là nhà mưu lược lớn nhất của triều đại nhà Lê. Không! Của mọi triều đại! Ức Trai không sống cho riêng mình, cho gia đình mình, hay cho một dòng họ, mà cho cả nước Đại Việt văn hiến, cả dân đen, con đỏ.
Hổ phách phục linh nhìn mới biết,
Dành còn để trợ dân này.
Nghĩ về Ức Trai, Nguyễn lại nhớ thân phụ mình.Từ ngày rời Thái Bình về quê, lớn lên học cha rồi học các thầy trong vùng, thỉnh thoảng những ngày trời mùa đông đẹp, người thường đưa Nguyễn lên Ngàn Hống dạo chơi ngắm cảnh sắc núi non, đàm đạo về đạo làm người, về trách nhiệm của đấng nam nhi. Người thường chỉ vào những cây thông, giảng về bài TÙNG của Nguyễn Trãi. Nguyễn hiểu lòng cha. Sau ngày cha mất, Nguyễn cũng hay lên núi ngắm rừng thông.
Những ngày ở chân trời góc biển, Nguyễn cũng thường luôn nhớ về Ngàn Hồng với những cây thông sừng sững mà luôn tự nhủ mình phải sống sao cho vững vàng. Giờ thì phụ thân đã về cùng tiên tổ. Nguyễn cũng đã vào tuổi tám mươi. Gần bốn mươi năm làm quan triều tung hoành khắp Nam, Bắc, Đông, Tây, trên rừng ngoài biển, ngất ngưởng Thượng thư hay trải đời lính thú, rồi đạc ngựa bò vàng nhạo cười thiên hạ, ai cũng nghĩ Nguyễn vui nhưng thực ra lòng Nguyễn nhiều khi rất buồn. Nỗi buồn ấy càng ngày càng trĩu nặng. Những ngày gần đây, thấy trong người rất khác, mình sắp chết, lòng lại càng buồn. Nguyễn buồn không phải vì sợ chết – đời ai chẳng phải đến điều đó! Đã tám mươi tuổi rồi, trải qua mọi nơi, mọi chức, lên voi xuống chó, lắm thành công mà cũng nhiều thất bại, nếm đủ mọi khổ đau và lạc thú, giờ con đàn cháu lũ, chết có tiếc gì. Giờ đây, bọn Tây dương đã chiếm Đà Nẵng, quân triều ngày càng bất lực, giang sơn đang dần dần vào tay bọn ngoại bang, lòng Nguyễn tan nát. Nhìn lại tám chục năm qua, những điều mình làm được cho Giang sơn này còn quá ít ỏi! Đi ra ngoài đường nghe những lời vè của dân chúng “Từ ngày Tự Đức lên ngôi/ chẳng khi nào yên ổn” rồi “Từ ngày ta lớn đến giừ ( đến giờ)/ Ông vua Tự Đức làm hư dần dần / Đói khát trong dân / Kêu vang không thấu…” Nhiều người nghĩ thế. Có lúc Nguyễn cũng nghĩ thế. Mọi hưng vong của quốc gia – người cầm đầu phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng nhiều khi nghĩ lại, lại biết không chỉ có thế. Từ nhỏ, Nguyễn đã được cha và thầy dạy:“Vũ trụ chi gian giai phận sự” – mọi việc trong trời đất đều là phận sự của ta. Hơn hai tháng nay, từ ngày bọn Tây Dương đánh chiếm Đà Nẵng, Nguyễn luôn thấy lòng mình không an, luôn luôn tự vấn mính, tự dày vò mình. Dở bức trướng các quan ở Kinh mừng mình về hưu, đọc lại các đôi câu đối mừng thọ thất tuần, bát tuần của triều thần và bầu bạn, toàn những lời ngợi ca mà lòng Nguyễn buồn. Bạn bè quá yêu mà khen chứ mình đâu được thế, đâu đáng khen thế. Nguyễn dừng lại trước đôi câu đối của Văn thân Hà Tĩnh mừng vào đầu năm nay nhân dịp khánh . Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu/ Phong lưu đáo lão thế gian vô.
Ừ! Phong lưu suốt đời thì đúng. Từ ngất ngưởng quan triều hay khi làm lính, từ trẻ cho đến khi bạc đầu ta vẫn sống theo cách của ta: thích chơi, dám chơi, biết chơi, mê đắm mà vẫn phong lưu lịch lãm. Hơn người hay không ta không biết mà cũng không cần biết, nhưng chắc chắn là ta khác bọn họ. Ta rất bằng lòng về điều đó! Còn sự nghiệp làm cho thiên hạ kinh sợ ư? Không! Cái đó thì không đúng rồi.
Ta có làm được điều gì cũng là bổn phận của kẻ làm tôi phụng sự quân vương, theo lệnh quân vương. Dẹp Lê Văn Lương, Phan Bá Vành, rồi Nông Văn Vân là chuyện bất đắc dĩ phải làm, làm để chấm dứt cảnh nồi da nấu thịt chứ có đáng kể công lao gì đâu mà gọi là sự nghiệp. Ta chỉ đắc ý khi ta làm được một số việc theo ý của ta: dựng Tiền Hải, Kim Sơn, khai sông Cửu An, dâng sớ xin rút quân khỏi Chân Lạp, khai sông ở An Giang. Thế nhưng suy cho cùng những điều đó người làm quan phải lo cho dân, ta không làm người khác cũng làm, có gì là to tát lắm đâu. Nhiều đêm, sau những cuộc vui, lòng Nguyễn lại thao thức, lại thấy bao điều cần làm mà chưa làm được, cần nói mà chưa nói được. Ngay cả một việc nhỏ: đề cử một người giỏi như Phí Quý Trại làm Huyện thừa huyện Tiền Hải mà cũng không được. Quý Trại bị đánh đòn, mình lại mất chức mà không bảo vệ được người tốt. Làm Tuần phủ An Giang, đang làm lợi cho dân thì bị vu tội. Được minh oan nhưng bị đày đi làm lính thú, mình cũng vẫn cam chịu. Cam chịu để sống, để có dịp được thăng quan làm cho dân no ấm nhưng mình không dám chỉ ra cái xấu, cái ác, không dám diệt nó. Suy cho cùng mình vẫn là kẻ cam chịu – cam chịu nô lệ để tìm sự yên ổn cho chính mình. Đời mình cũng chỉ là một viên quan trung thành và cam chịu, nô lệ nhất trong những người nô lệ. Mình chỉ lo làm được vai trò của một tên quan của một quân vương độc quyền mà chưa làm nổi vai trò của một kẻ sĩ. Quan lại – chỉ là một kẻ thừa hành. Kẻ sĩ – phải là người soi sáng. Phải làm cho mọi người – nhất là người cầm quyền, thấy đâu là cái sai cần bỏ, đâu là cái đúng cần theo, đó là điều cốt yếu nhất mà kẻ sỹ cần làm, phải làm!. Ta chưa làm được Nhìn đất nước ngày càng nghèo nàn, biết dân có phú, quốc mới cường, ta lặng lẽ làm điều đó ở Kim Sơn, ở Tiền Hải, ở xứ Đông, ở An Giang nhưng ta không biết làm cho mọi người làm điều đó. Ta biết sợ một quân vương toàn quyền mà lặng lẽ làm nhưng không dám nói cho quân vương hiểu để nhiều người cùng làm! Ta biết giang sơn này quyền lực tập trung trong tay một người, sự soi sáng cho người đó vô cùng quan trọng. Nhưng ta sợ chết, ta không dám nói trái ý Người. Ngồi dưới chân đỉnh núi Vân Phong, Cao Bá Quất đã nói với ta sức mạnh ghê gớm của bọn Tây Dương. Ta đã lặng đi. Cả hai cùng thấy họa mất nước đang đến rất gần. Thế mà ta không dám có lời tâu với đấng cửu trùng. Cao đệ chỉ là một viên hành tẩu, bị Trương Đăng Quế cấm không cho nói, còn ta: một đại quan, được hưởng nhiều lộc của triều đình mà ta cũng không dám nói! Ngay khi về làm Phủ doãn Thừa Thiên, gặp lúc bọn Tây Dương đánh Đà Nẵng lần thứ nhất, ta biết chúng đã có dã tâm cướp nước ta. Trong khi hoàng thượng chưa nghĩ ra, Trương Đăng Quế thì tâu: chúng chẳng qua chỉ muốn thông thương, ta biết đó là sai. Thế mà ta cũng không dám nói. Ta không sợ gì Quế. Ta đã mất niềm tin. Và từ trong sâu thẳm lòng ta, ta không muốn tuổi già còn chịu rắc rối. Ta vẫn là một thằng ích kỷ! Ta vẫn là một thằng hèn! Ta không dám chết để can gián nhà vua, cứu giang sơn. Để đất nước rơi vào tay ngoại bang, ta cũng là một kẻ có tội. Thế mà ta tự xưng mình là kẻ sĩ! Hy Văn ơi là Hy Văn ơi!
Ngước nhìn những cây thông cường tráng ửng sáng trong nắng, Nguyễn càng nhớ Nguyễn Trãi, càng đau, càng thẹn. Ức Trai biết được con đường cứu nước, dám gặp Lê Lợi để trình bày, biết nói cho chủ tướng nghe, cùng chủ tướng làm, đưa giang sơn Đại Việt từ trong nô lệ trở thành quốc gia độc lập! Còn ta, biết mà không dám nói, không biết cách nói để giang sơn Đại Nam từ chỗ độc lập rơi vào bọn Tây di. Ta thật là kẻ có tội! Ý nghĩ đó cứ trở đi trở lại trong đầu Nguyễn. Gần bốn mươi năm làm quan, tám mươi năm làm người, nợ tình ta trả được, còn nợ giang sơn ta chưa trả được! Suốt chín năm qua về sống giưa quê cha đất tổ, sức còn khỏe, mắt còn sáng, trí còn thông tuệ mà ta chỉ đủng đỉnh bò vàng, lấy mo cau che đít bò mà nhạo cười bè lũ tham quan, chẳng làm được điều gì để dân chúng đỡ khổ. Ta mang no ấm cho dân chúng bao nơi mà không làm được điều cần nhất đó cho quê nhà. Ta là đứa con bất hiếu. Ý nghĩ đó dày vò tâm trí Nguyễn. Cảm thấy sức mình đã kiệt, Nguyến lẩm bẩm “muộn mất rồi, muộn mất rồi!” nỗi buồn đè nặng trong lòng. Có gì nhói lên trong lồng ngực, cảm thấy váng vất, Nguyễn dơ tay níu lấy cành xanh bên cạnh, rồi đứng tựa vào gốc thông già, nhắm mắt lại. Gió lạnh đã thổi về vi vút trên những ngọn thông già. Lát sau, định tâm được, Nguyễn bước lại tảng đá, đưa mắt nhìn lên đỉnh núi: Thông sừng sững chọc trời. Nhìn ra chung quanh, bên phải bên trái, thông và thông xanh biếc, muôn cành như muôn cánh tay lực lưỡng mở ra đón nắng trời. Nhìn ra trước mắt: xa xa những làng quê lúp xúp. Dòng sông La hội lưu với sông Lam ở bến Tam Soa hiện lên như những dải lụa nhỏ. Đẹp quá! Nguyễn ngồi xếp gối, bắt chéo chân vào nhau trong tư thế ngồi thiền. Thế nhưng không thả lòng rơi vào sự quên, Nguyễn mở cúc áo ra, để hơi lạnh của núi rừng, của gió mùa đông bắc tràn về đang xoa lạnh thịt da mình. Nguyễn cảm nhận màu xanh của rừng thông, tiếng ríu ran của chim ca, tiếng róc rách của suối nhỏ và cả hương vị ngọt ngào của nhựa thông đang thấm vào da thịt, vào huyết quản mình. Hình như tiếng líu lo của chim muông đang gọi nhựa cây lên cành, lên nụ. Nguyễn nhắm mắt lại mà vẫn như nhìn thấy vè đẹp của âm thanh, màu sắc xung quanh đang thấm dần vào người. Nguyễn ngồi yên. Thời gian lặng lẽ . Chơt có tiếng động khác lạ đều đều đâu đó…Nguyễn mở mắt ra: Trời đầy mây. Gió mùa đông bắc đã về! Và kìa, trên đường dốc, Công Nhị trên con ngựa nâu đang đi lên. Sau Nhị, một con ngựa màu mun, trên lưng có người dáng nhỏ nhắn, quần áo màu sẫm, tay nải khoác ngang thân, đầu đội nón tre có vẻ như từ xa tới cũng đang thúc ngựa cùng đi lại phía mình. Ai nhỉ? Lát sau hai ngựa đến gần. Người đi sau trật nón ra sau lưng, khăn che mặt, nhảy xuống: “Chào đại huynh.” Ai nhỉ? giọng trong nhẹ mà quen. Người đó kéo khăn che mặt xuống, Nguyễn chợt kêu lên: “Phương Đình!” rồi vội rời phiến đá bước tới nắm tay giá lạnh của cố nhân, kéo bạn mình ngồi trên tảng đá.
– Sao đệ lại đến được đây? Đi đường xa có mệt lắm không?
Nguyễn Văn Siêu nhìn vào mái tóc bạc phơ và khuôn mặt vẫn cương nghị tuy có nhiều nếp nhăn hơn, nước da bánh mật đã xuất hiện nhiều chấm đồi mồi, nhưng đôi mắt vẫn sáng, thủng thẳng nói:
– Đi qua suốt mấy trăm dặm đường giá lạnh, đệ cứ nghĩ vào Nghi Xuân, phải cúi đầu dưới mái nhà tranh, tìm chào một cụ già phơ phơ râu bạc, lụ khụ bên bếp lửa hồng đỏ rực, thế mà đâu ngờ phải làm ngựa đổ mồ hôi, mệt đứt hơi, lên tận đỉnh non Hồng vời vợi xanh biếc bóng thông, ngẩng cao đầu lên để gặp một tiên ông đầu bạc, tay đàn, túi rượu như thế này. Mừng quá! Nguyễn mỉm cười, gật gù. Gặp ta, lòng đệ ấy vui, miệng lưỡi vẫn cứ hào hoa mang hình nét của đất Thăng Long cố đô thanh lịch. Công Nhị vừa rót rượu đầy hai chén, Nguyễn một tay nâng đặt vào tay bạn, một tay dơ trước mặt mình:
– Cùng đệ một chén tẩy trần.
– Được cháu cho hay đại huynh cùng Võ Trọng Bình vừa đi đến các cửa biển để lo việc bố phòng. Hay quá! Đời huynh thích thật, tuổi này vẫn hữu ích cho quốc dân. Còn đệ…
Siêu dừng lại. Nguyễn biết bạn mình còn nhiều tâm sự, nên im lặng chờ.
– chỉ là một kẻ vô tích sự.
– Sao đệ lại nghĩ vậy? Ở chốn triều đình, đệ là kẻ có tài năng được nhà vua tin cậy, người đời vị nể. Mấy năm qua, nghỉ việc quan, đệ làm được bao điều tốt: góp tiền nạo vét sông Tô Lịch, trùng tu Văn chỉ huyện nhà, sửa sang và xây dựng lại đền Ngọc Sơn.
Nguyễn Văn Siêu lắc đầu:
– Những việc cỏn con ấy có đáng kể gì.
– Đệ còn mở được Phương Đình học quán, sĩ tử theo học rất đông. Đó cũng là việc nên làm. Nghe đâu đệ còn viết được rất nhiều thơ và năm quyển địa chí cơ
– Điều đó có thật. Nhưng dạy học liệu có ích chi hay chỉ tạo nên những kẻ hám lợi hám danh? Thơ văn thì có làm được nhiều nhưng liệu một trăm bài thơ như thơ đệ có giết chết được một tên lính Tây dương?Địa chí thì có đó nhưng liệu đất đai tổ tông bao đời để lại có giữ được nguyên vẹn không?
Hai người lặng im. Nguyễn nhìn mái tóc Siêu đã bạc nhiều, lòng đầy thông cảm. Siêu nói tiếp như dốc bầu tâm sự:
– Đại huynh vừa nhắc: Ở chốn triều đình đệ có tài năng, được tin cậy… Tài năng ư? Được tin cậy ư?Không! Đệ chỉ là kẻ được dùng để… hầu hạ. Ôi! Những bài chiếu, bài nghị… chỉ tô vẽ cho kẻ quyền lực để người đó ngày càng sai lầm đó thôi. Hơn ba mươi năm đèn sách, ôm một bồ chữ mà không được giao một chút quyền lực, không được làm chút gì cho dân phú quốc cường, thì tài năng mà làm gì? Đời đệ có ý nghĩa gì?!
Dừng một lát, giọng Phương Đình càng chua chát:
– Mà đâu phải chỉ mình đệ. Nho sĩ và dân chúng kinh thành xếp Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận và Nguyễn Văn Siêu này là ‘tứ kiệt”. Thế nhưng Thánh Quát muốn làm một bề tôi trung bị dồn đến chỗ làm giặc, Nguyễn Hàm Ninh mất chức phải về quê ngao du sơn thủy, Tiến sĩ Đinh Nhật Thận vì mấy câu thơ vui hẹn đánh tổ tôm với Cao Bá Quát mà bị cầm tù, còn đệ dâng kế sách cải tạo đê điều ở Bắc Hà cho tốt hơn mà bị giáng cấp về vườn. Còn bao người tài giỏi khác muốn ra giúp vua dựng nước nhưng vì ý nghĩ khác kẻ cầm quyền mà bị loại bỏ. Thời nào kẻ sĩ có hiểu biết cũng muốn làm điều ích nước lợi dân, thế mà thời nay kẻ sĩ chúng ta lại bị đầy đọa đến bước đường cùng, phải sống một cuộc sống thừa.. Sao vậy?
Trời đã chiều, gió vi vút trên rừng thông già. Những đám mây đục đã phủ kín bầu trời, Nguyễn Công Trứ nhìn Nguyễn Văn Siêu nói:
– Chín năm trước, chiều cuối cùng trên sông Hương, Chu Thần cũng hỏi ta:
“Tại sao Đại Nam mênh mông, dân tình ngày càng khốn khổ, quan lại ngày càng tham tàn, họa xâm lăng đến gần mà bao kẻ sĩ như chúng ta muốn làm điều ích quốc lợi dân mà không được làm lại còn bị đày đọa không chốn nương thân?” Ta không trả lời được. Đến bây giờ Cao đệ bị chém đầu, Nguyễn Qúy Tân đã thành người thiên cổ, chúng ta thì bất lực, lão già Trương đứng trước nạn xâm lăng của Tây dương không biết làm gì, Vua Tự Đức nhấp nhổm trên ngai vàng cuống cuồng ra lệnh lấy xích sắt chắn ngang cửa biển Thuận An và Tư Hiền để chặn chiến hạm khổng lồ của bọn Tây dương!!Ngài không biết làm gì, vội kêu gọi sĩ,quan, quân, dân, bày mưu đánh giặc mà chẳng có ai có mưu chước gì dùng được!
Hai người lặng đi. Gió ngàn thông lại vi vu như lời mai mỉa. Nguyễn Văn Siêu quay lại nhìn Nguyễn:
– -Đại huynh ơi. Bọn Tây dương đã chiếm Đà Nẵng, nay mai chiếm Huế, chiếm An
–Tĩnh… Để non sông chết, kẻ sĩ sống thế này càng nhục nhã, thà chết còn hơn. Lần này, đệ gắng vào đây, gặp huynh lần cuối cùng…
Nói rồi Phương Đình nắm lấy tay Nguyễn, mái đầu hoa râm, mái đầu bạc trắng quay lại gần nhau, hai cặp mắt già đầy nếp nhăn như ứa lệ. Chợt Nguyễn Công Nhị dơ tay chỉ xuống đường dốc, miệng kêu lên: “Cha ơi! Có người lên.” Nguyễn nhìn theo: một con ngựa đen lực lưỡng, trên lưng có hai người: người ngồi trước quần áo đen, đội nón, tay cầm cương, người đi sau đầu trần, quần áo nâu như là người vùng mình. Ai nhỉ? Ai đến tìm ta chăng? Khi ngựa đến gần, Công Nhị nhận ra người ngồi sau là chắt Bảy- người cùng làng. Ngựa dừng lại, hai người nhảy xuống. Chắt Bảy chỉ vào người mặc quần áo đen, bịt kín
– Bẩm cụ Thượng. Anh này đến xóm, bảo tìm cụ có việc gấp, con mới đưa anh Người mặc bộ đồ đen cởi khăn ra để lộ gương mặt chữ điền, đôi mày rậm, mắt sắc, dơ hai tay vái chào rồi nói:
– Bẩm cụ Thượng. Ông chủ của con giao cho con một bức thư bảo phải đưa tận tay cho Cụ.
– Ông chủ của anh là ai? Anh từ đâu tới?
– Dạ. Con ở xa lắm. Chủ của con…Thấy anh ta ngập ngừng nhìn mọi người, cụ Nguyễn chỉ vào Nguyễn Văn
– Đây là ngài Phương Đình, bạn chí thân của ta.Người bận đồ đen bỗng nói như reo:
– Có phải là ngài người Kim Lũ, tổng Khương Đình người mà chủ con luôn
– Đúng vậy. Thế chủ anh là ai? Thư đâu?
Người đó vẫn không nói, nhìn Công Nhị và chắt Bảy. Nguyễn biết là có chuyện hệ trọng nên bảo hai người dắt ngựa đi chỗ khác. Khi Nhị và Bảy đi một quãng xa, người đó mới nói:
– Bẩm cụ. Chủ con là thầy… Chu Thần
– Chu Thần nào?
– Dạ bẩm: Chu Thần Cao Bá Quát, hiệu Cúc Đường người làng Phú Thị.
Người đó chưa nói hết lời thì cả Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Văn Siêu cùng
– Sao? Chu Thần chết rồi mà!
– Dạ không! Quân sư của chúng con không chết. Một người học trò có hình dạng hao hao như vậy đã chết thay cho thầy con ạ. Nói rồi, người đó thò tay vào túi áo trước ngực, lấy ra một phong thư, hai tay kính cẩn đưa lên. Nguyễn mở ra. Thoáng thấy nét chữ và một cánh hoa mai ở góc trái, Nguyễn Văn Siêu nói ngay: đúng của Chu Thần rồi. Cả hai cùng đọc:
“Thư của Cao Chu Thần kính gửi đại huynh Nguyễn Hy Văn. Đệ tưởng đã thành người thiên cổ, nhưng còn nặng nợ trần gian, giờ đây một mình trên đỉnh non ngàn, đứng nhìn về Nam lòng đau như cắt. Bọn Tây dương tàu đồng tàu sắt, tràn lên bán đảo Sơn Trà, cả dân ta ai chẳng căm hờn, muốn xông lên xả thịt lột da quân giặc. Đại huynh tuổi vừa tám chục, vẫn dâng tấu về triều xin được cầm quân, còn đệ đây năm chục tuổi xuân, bó gối ngồi im, nghe gió ngàn thông buông lời mai mỉa. Đại huynh mấy chục năm quan triều, tung hoành trên rừng dưới bể, công đức ai bằng, lừng danh kẻ sỹ, còn đệ và bao kẻ khác bị gạt ra rìa, lòng đau xiết kể. Thiên hạ bao đổi thay, sao nhà Nguyễn ngày càng tồi tệ, quân vương bưng tai bịt mắt, khư khư theo cách người xưa, để non sông mãi cảnh đói nghèo-thế mà mình không khai sáng được! Đau vì bao bạn bè có học, kẻ đem thân làm hề xu nịnh thì được tin yêu, kẻ hủ Nho thì được giao quyền, cả triều đình phổng đá ngồi im mà dân chúng ngày càng khốn khổ -thế mà không làm sao được!
Còn đệ, ôm một nỗi đau lớn khi hiểu điều hay mà không được nói, biết việc tốt mà không được làm, lòng chí trung mà bị coi là phản, muốn sống tốt mà không được yên- thế mà không thay đổi được! Căm phẫn quá dựng cờ dấy nghĩa, nào ngờ đại sự bất thành! Giờ đây non sông đã mất, đau đớn biết chừng nào. Lâm vào cảnh này, đệ không thiết sống nữa. Đệ sẽ “đi,” Dù đang ở gần cõi Phật nhưng đức Phật nhiệm mầu không giúp đệ thoát khỏi thân phận nô lệ, không làm cho giang sơn Đại Nam được vẹn nguyên. Đệ phải chết! Đức Phật dạy: chết là chấm dứt kiếp này mà đầu thai làm kiếp khác. Đệ muốn mãi là con người của Đại Nam, chỉ là con người của Đại Nam. Thế nhưng kiếp sau phải sống như kiếp này thì đệ xin không phải làm người. Xin được làm một cây mai nho nhỏ trên vách đá, chon von bên dòng suối mát, để được mãi ngắm nhìn bầu trời khoáng đạt của giang sơn Đại Xin gửi lại non sông lời tạ lỗi của một kẻ sĩ chưa làm tròn phận sự. Xin gửi bậc tri âm lời tâm sự cuối cùng. Xin vĩnh biệt huynh và chư hữu.
Ái Cúc Đường Mẫn Hiên Cao Bá Quát ở Phú Thị tuyệt mệnh thư
Hai người đọc xong nhìn nhau. Nguyễn tay cầm thư mắt nhìn ra xa tới dãy Thiên Nhận điệp trùng.- Thật tiếc cho một tài năng dường ấy mà phải lâm vào cảnh này.Giọng Nguyễn trầm xuống như tự nói với lòng mình, với ngàn thông. Lát sau, tiếng nói trở nên điềm tĩnh hơn:
– Cốt cách vẫn cứng cỏi, lòng ái quốc yêu dân vẫn vẹn nguyên, tuệ nhãn càng sâu sắc và rộng hơn. Dám hành động vì đại nghĩa như vậy mà vẫn nhận ra mình làm người chưa trọn, chứng tỏ nhân cách thật cao đẹp, kẻ sĩ như vậy được mấy người? Giá như hồi đó, đệ ấy biết giữ cân bằng trong suy nghĩ, quân bình trong nếp sống và chín chắn trong hành động thì có ích cho bách tính hơn biết bao nhiêu! Nguyễn Văn Siêu lặng im nhìn về phương Nam, về phía kinh thành Phú Xuân buông một tiếng thở dài. Nguyễn nói tiếp giọng trầm xuống. Siêu lắng nghe mà cứ nghĩ không hiểu Nguyễn Công Trứ nói với mình hay tự nói với lòng huynh ấy hay nói với cả đất trời:
– Suy cho cùng, nỗi đau đó của Cao đệ cũng là nỗi đau của tất cả kẻ sĩ chúng ta, điều đó đúng lám thay! Thế nhưng trong thư Cao đệ nói về ta “Mấy chục năm quan triều tung hoành lên rừng xuống bể, công đức ai bằng,lừng danh kẻ sỹ” là không đúng đâu.Trước đây nhiều người nghĩ thế, ta cũng có lúc nghĩ thế. Nhưng rồi, trải qua bao cảnh, gặp đủ hạng người, biết thêm nhiều điều ta mới hiểu ra không phải thế. Những điều ta làm được cho giang sơn còn quá ít ỏi. Còn bao điều muốn làm mà không được làm…!
Nguyễn Văn Siêu quá ngạc nhiên, nhìn vào từng sợi tóc bạc trắng trên đầu Nguyễn. Vầng trán rộng và đôi mắt với nhứng nếp nhăn khắc sâu đang nhìn về phía trời xa như nhớ về cõi xa xăm nào. Nguyễn vẫn nói, giọng rành rõ: Tháng Mạnh Đông năm Mậu Ngọ (1858)
– Hơn ba mươi năm làm quan, trải qua bao cảnh ngộ, lắm lúc tưởng vui mà lòng ta muốn khóc, lúc buồn mà ta muốn cười. Hồi dẹp Nông Văn Vân được về Kinh dự lễ “bảo tất” (ôm gối), uống chén rượu vua ban ta thấy đắng ngắt, nhớ đến máu của bao dân Việt đỏ ngầu rừng xanh. Ngày ở An Giang, việc Nhàn vu khống ta được làm sáng tỏ, nào ngờ ta lại bị phát vãng đi làm lính thú, ta bàng hoàng mà vẫn phải cười. Lúc đó, lòng đau đớn nát tan vì biết rằng niềm mong ước có một minh quân để phò đã tắt và giang sơn Đại Nam đến buổi suy vi!Nghe đến đó, Siêu bất giác rùng mình. Cứ tưởng huynh ấy luôn vui, không ngờ lòng cũng bao nỗi đớn đau, như mình, như Cao, như Hàm Ninh, như Đinh Nhật Thận như bao người khác. Tâm sự Nguyễn đại huynh giờ đây sao lại nặng nề đến thế. Câu thơ mình viết lúc về hưu “Sự đời nát ruột bầm gan” mấy năm nay cứ luôn trở đi trở lại trong đầu.Siêu cứ nghĩ: đó chỉ là nỗi lòng riêng của mình, chứ ngờ đâu cũng là nỗi lòng của Nguyễn huynh, của Cao, của bao người! Chợt Nguyễn Công Trứ quay sang hỏi người đưa thư:
– Chủ ngươi đang ở Yên Tử phải không?
Người đưa thư giật mình:
– Sao Cụ lại biết ạ?
– Qua giọng điệu trong thư, nhất là suy nghĩ về kiếp sau ta nghĩ tới điều đó.
-Dạ bẩm, đúng là Thầy con đang lánh mình ở đó.
Bấy giờ Siêu mới nói:
– Nghĩ về kiếp sau, nhưng con người như Cao đệ, sao lại ”Xin không phải làm người”? Ai cũng mừng “ được làm người” cơ mà! Sao giờ đệ ấy lại chán đời vậy? Nguyễn Công Trứ cầm bức thư của Cao, nói với Siêu:
-Đệ xem đây, con người ngang tàng, có chí lớn, suốt đời ôm hoài bão “Tiên ưu hậu lạc” nguyện làm tôi trung nhưng đời ”vô Nghiêu,Thuấn,” lại bị ruồng bỏ thì không muốn làm người là điều rất dễ có vậy. Nhưng“ Đệ muốn mãi là con người của Đại Nam, chỉ là con người của Đại Nam” lòng trung trinh với nước Việt không bao giờ đổi. Siêu buồn bã:
-Chính vì luôn nghĩ đến giang sơn Đại Nam lòng ta mới lại càng buồn. Huynh có nhớ không: trong buổi mừng huynh thất tuần đại thọ, huynh đã chỉ vào mặt đệ và Cao nói:”Giang sơn điên đảo, điêu linh thì kẻ sỹ sống mà làm chi.” Giờ Đại Nam đang mất, chúng ta sống mà làm chi! Nhắc lại điều này, Siêu đã đụng đến nỗi niềm lớn nhất của Nguyễn.
-Đệ nói đúng. Lòng ta cũng buồn lắm. Còn một chút sức tàn, ta muốn tận dâng cho giang sơn này mà không được! Lần này ta lên cùng Ngàn Hống lần cuối Gió chiều như thổi mạnh hơn. Mây đen ở đâu dồn về, trời trở nên u ám hơn. Hồi nãy đến giờ lắng nghe, biết câu chuyện của hai người còn dài, thấy trời đã chiều, người đưa thư chen vào:
-Bẩm cụ Thượng. Con muốn Cụ biên cho con mấy chữ, để Thầy của con biết chắc là con đã gặp ngài.
– Thư ư? Biết nói gì với chủ ngươi trong tình thế này. Mà nói sao cho đủ!Như chợt nghĩ ra điều gì, Nguyễn Công Trứ nhìn Nguyễn Văn Siêu:
– Đệ có mang giấy bút theo?
– Cái đó thì đệ lúc nào cũng sẵn.
Siêu đặt nghiên mức xuống, lấy nước chứa sẵn trong lọ đổ vào, trải giấy lên mặt đá phẳng. Nguyễn Công Trứ đứng dậy, xắn tay áo lên, cầm bút đưa mắt nhìn về phương Nam – nơi kinh thành Huế mây đen phủ dày đặc. Nơi đó, là quân vương, là tất cả quyền lực, là bắt đầu của tất cả mọi vui, buồn của Giang sơn, viết:
Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. Nguyễn đặt bút vào nghiên đứng dậy, ngoảnh nhìn bốn phía trời đất mênh mông: sao con người-nhất là kẻ sỹ không có chỗ dung thân? Nguyễn nhìn Siêu, biết lòng bạn đang“ nát ruột, bầm gan.”Lại nhớ mong mỏi của Cao Bá Quát kiếp sau” xin không phải làm người” mà lòng trĩu nặng. Đại Nam mênh mông, bao người mang nỗi đau ấy?! Tâm sự của Cao lại trở về trong đầu Nguyễn:”Còn đệ ôm một nỗi đau lớn khi hiểu điều hay mà không được nói, biết việc tốt mà không được làm, lòng chí trung mà bị coi là phản, muốn sống tốt mà không được yên.” Phải sống thế nên không muốn làm người, đâu chỉ là cái nghĩ của riêng Cao! Nghĩ thế, Nguyễn lại cầm bút, cúi xuống viết:
Kiếp sau xin chớ làm người!
Nguyễn dừng bút, đứng thẳng dậy, vặn mình, mắt vẫn không rời trang giấy.
Thế nhưng không muốn làm người thì làm gì? Chợt nhớ lời cuối trong thư của Cao:” Xin được làm một cây Mai nho nhỏ trên vách đá chon von…” Nguyễn mỉm cười, lắc đầu :
-Ước làm một cành Mai ư? Cứng cỏi và thanh cao-Quý lắm! Nhưng…
Nguyễn lại ngẩng đầu nhìn ra chung quanh; những cây thông lực lưỡng vẫn sừng sững, ngạo nghễ trong gió rét, vẫn xanh tươi tràn trề sức sống, những cục nhựa đỏ bầm trong suốt hương thơm ngào ngạt, lòng lại nhớ đến Nguyễn Trãi, nhớ bao người xưa“ rường cột đòi phen chống khỏe thay”và Hổ phách, phục linh “dành còn để trợ dân này,” nói tiếp:
-chỉ đẹp cho riêng mình! Còn muôn loài thì sao?
Dừng lại một lát, Nguyễn nói với lòng mình:
-Không nên. Ta vẫn muốn sống như những cây Thông cứng cỏi, vững chãi kia!
Nguyễn nhìn Siêu, rồi nhìn người đưa thư:
– Cả đệ, cả Chu Thần, cả ngươi và tất cả mọi người, dù “được làm người” hay”phải làm người” đều phải sống như thế.
Nguyễn cúi xuống, nhứng bút vào mực,viết tiếp:
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
Nguyễn Văn Siêu quá đỗi ngạc nhiên. Tráng chí của Hy Văn không bao giờ tàn, không bao giờ tắt. Nhìn mái tóc bạc đang cúi xuống trang giấy,Siêu nghĩ:” Con người huynh ấy…Lạ thật. Không gì quật ngã được!”Nghĩ đến cảnh ngộ mình, nhìn trời đất mênh mông mây đen đang dồn về, bèn nói:
-Khó lắm huynh ạ!
Nguyễn ngẩng đầu, đôi mắt sáng lên, nhìn vào mắt Siêu:
-Khó cũng phải làm, đệ ạ. Biết sai, biết dại rồi, thì phải sửa, phải làm. Không thể để Giang sơn Đại Nam gấm vóc vào tay ngoại bang. Không thể sống hèn! Nay và mai sau, ai là người Đại Nam đều phải sống như thế! Nói rồi, Nguyễn Công Trứ cúi xuống , đĩnh đạc viết tiếp:
Giữa trời vách đá cheo leo.
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!
Gấp bài thơ lại, trao cho người đưa thư, Nguyễn nói:
– Hãy bảo trọng. Đường còn dài, còn nhiều gian nan lắm!
Người của Cao dơ hai tay nhận thư, cất vào túi áo trước ngực. Rồi người đó
chắp tay, cúi đầu chào Nguyễn Công Trứ, chào Nguyễn Văn Siêu, nhảy lên mình ngựa, ngẩng cao đầu nhìn về phương Bắc, ra roi, thúc ngựa, lao vút đi. Gió mùa Đông Bắc từng trận, từng trận ào ào thổi.Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Văn Siêu đứng nhìn theo con tuấn mã và người đưa thư xuống núi, khuất dần vào làng quê xa. Gió vẫn nổi ào ào. Lát sau, Nguyễn quay lại nói với Nguyễn Văn Siêu đang đứng phía bên kia tảng đá:
– Đệ đưa cho ta cây đàn.
Siêu bây giờ mới chú ý nhìn, ngạc nhiên: một cây Nhị cầm, vội đưa lên nhìn: bát nhị gỗ chắc màu nâu sẫm hình hoa muống với những đường vân đẹp. Mặt bọc bằng da kỳ đà hoa mai. Cần nhị đen bóng, đầu ngã về phía sau với đôi trục dây xinh xắn. Dây đàn làm bằng tơ được lên rất căng. Chiếc cung nhị làm bằng bờm ngựa bach, hơi dài hơn mức bình thường. Siêu vừa nhìn đàn vừa nhìn Nguyễn. Dạo này không chơi đàn Đáy, đàn Nguyệt, chuyển sang đàn Nhị, huynh ấy định làm người hát rong chắc? Đưa đàn cho Nguyễn rồi, Siêu lặng lẽ nhìn.
Nguyễn cầm lấy, ngồi xếp bằng tròn trên phiến đá, tay bật thử dây đàn. Thấy dây đã căng, vẫn dịch Cử nhị xuống một bậc. Huynh ấy muốn tiếng đàn khỏe hơn, vang hơn đây. Cái gì ở huynh ấy, cũng mạnh mẽ, khác người. Nguyễn đặt bầu đàn lên đầu gối trái, tay trái vuốt trên phím, những âm thanh dìu dặt vang lên trong rừng chiều vắng. Đôi mắt nhìn thẳng về phía sông La, Nguyễn cất tiếng hát: Ngồi buồn …mà ..trách …ông xanh
Tiếng đàn như nỉ non cùng tiếng hát trầm xuống, nghe sao mà xót xa. Nguyễn hát mà như tự than thở với mình: Khi vui muốn khóc, buồn tênh l..ại c..ư..ời .
Bàn tay trái theo dọc cần đàn, lúc vuốt. lúc nhấn, lúc láy vừa rung rung vừa run rẩy vừa khắc khoải, hòa cùng tiếng hát lúc trĩu xuống, lúc cất lên, Siêu cảm nhận bao nhiêu cay đắng trong lòng Nguyễn. Gió rừng cũng như chậm lại. Đàn nhị quả thật thích hợp để nói lên nỗi buồn của con người. Dừng hát, Nguyễn lặng dạo những khúc nhạc nỉ non như để găm nỗi buồn trong lòng mình, trong lòng người nghe. Siêu chờ đợi. Nguyền hát tiếp;
Kiếp sau xin chớ… làm… người…
Tiếng đàn kéo dài ra, tay Nguyễn miết trên dây, rồi nhấn xuống và rung lên, cùng tiếng hát trầm hùng vừa xót xa trĩu nặng và có cả nỗi đau khôn cùng làm lòng Siêu rưng rưng. Chợt Siêu thấy Nguyễn chuyển hộp đàn lên bụng, chân trái duỗi ra rồi co lai, đầu gối phải quỳ xuống, xoay người nhìn lên rừng cây, trong một tư thế khác. Bàn tay phải da đã nhăn nhưng vẫn gân guốc cầm cung vĩ đưa đi, đưa lại vang lên một chuỗi âm thanh khỏe khoắn, rạo rực, miệng hát:
Làm cây thông đứng giữa trời mà r..e …o
Chiếc cung vĩ trong tay Nguyễn đưa đi đưa lại nhanh hơn, bàn tay trái lướt trên cần đàn cũng nhanh hơn, những nốt rung nhấn cũng nhiều hơn, âm thanh vang lên như gấp gáp và thiết tha. Siêu không ngờ cây đàn nhị chỉ có hai dây tơ mảnh mai trong tay Nguyễn mà tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, dồn dập như gió cuốn đến thế. Những cái bình dị vào tay Nguyễn huynh đều trở nên khác người, hơn người. Chưa bao giờ, Siêu nghe ai chơi đàn nhị hay và cuốn hút đến thế. Giọng hát của Nguyễn trở nên khỏe hơn, sảng khoái hơn. Gió Đông Bắc cũng ào ào về mạnh hơn. Nguyễn Văn Siêu cảm thấy lòng rạo rực như hòa cùng Đất Trời. Nguyễn. Công Nhị và Chắt Bảy cùng đứng sau lưng Siêu tự hồi nào. Cả ba người chăm chú nhìn. Nguyễn đứng dậy, chiếc đàn được tay trái tì vào bụng, tay phải vẫn kéo cung vĩ, vang lên những thanh âm dìu dặt. Nguyễn bước xuống đất, chân trái đạp lên tảng đá, đầu gối cao lên. Nguyễn khéo léo đặt bầu đàn lên, mặt nhìn về những làng quê, những dãy núi chập chùng, cất tiếng hát vang: Giữa rừng vách đá cheo leo,
Tiếng đàn giờ đây sao khoan thai, đĩnh đạc cùng những âm vang khỏe khoắn. Bàn tay kéo cung vĩ đưa dài ra, tay trái vuốt dọc cần đàn, bấm từng nốt, nhấn xuống rồi rung lên khoan thai, âm thanh dào dạt. Nguyễn mắt như sáng lên, ngẩng mặt đón từng trận, từng trận gió lạnh đang dồn về. Dáng người cao to, đầu tóc bạc phơ của Nguyễn Hy Văn nổi lên trên màu xanh bất tận của ngàn thông hùng vĩ, tay đàn, miệng hát: Ai mà chịu rét thì trèo với thông!
Tiếng hát của Nguyễn trầm hùng như lay động cả rừng chiều. Tiếng rì rào của suối ngàn đâu đó cũng nổi lên rõ hơn, mãi miết hơn. Lại có tiếng rào rào trên không trung. Siêu nhìn lên: muôn cánh cò trắng vố cánh rợp trời. Lạ chưa kìa: nó không đáp xuống, không sải cánh về rừng già mà lượn vòng trên đỉnh Ngàn Hống, rào rào, rào rào…Siêu ngỡ ngàng, không hiểu tiếng hát của Nguyễn gọi tiếng suối về, gọi muôn cánh chim đến hay tiếng của ngàn thông reo gọi gió về nâng tiếng hát tiếng đàn của Nguyễn cùng tiếng của non ngàn, tràn vào các thung lũng, chở nặng trên những cánh cò và mang nó đi xa, hòa cùng đất trời mênh mông. Bóng tối đang dâng và gió lạnh đang ào ào đổ về. Tiếng hát, tiếng đàn của Nguyễn vẫn trầm hùng, réo rắt. Phương Đình lòng xốn xang nhìn Nguyễn. Cây Thông Ngàn Hống hùng vĩ này đang hát bài ca bất tận của chính mình, của CON NGƯỜI. Bài ca của Nguyễn vượt lên sự phũ phàng của mưa gió, sự nghiệt ngã của thời gian với sự mời gọi cuốn hút và cả sự thách thức đầy kiêu hãnh. ./.
Bình luận mới nhất