Cần phải nhìn vào những sai sót căn bản của cuốn giáo trình ở bậc đại học
QTXM: Bạn đọc thân mến.Như vậy cuốn giáo trình của tiến sĩ Hoàng Thị Huế ở ĐH Sư phạm Huế đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của bạn đọc. Đó là một điều tốt. QTXM xin các tác giả có bài trao đổi phải hướng về chất lượng thực sự của cuốn giáo trình dùng cho sinh viên đại học ( và cả cao học?). So với các giáo trình của các thầy hàng đầu như Nguyễn Đăng Mạnh,Hà Minh Đức, Trần Đình Sử…thì giáo trình tiến sĩ Huế xếp ở mức độ nào ? Có xứng để cho sinh viên đại học học không? Giáo trình là sự đúc kết, nhưng riêng về tác giả tiêu biểu của giai đoạn 1930-1945 mà chọn nhà văn Hồ Chí Minh có đúng không ? Cụ Hồ là lãnh tụ của dân tộc, cụ có viết văn làm thơ, nhưng về văn chương thì cụ không phải là tác giả tiêu biểu của giao đoạn 30-45, tại sao lại được chọn? Nhà thơ Võ Văn Trực comment rất chính xác rằng,”Tiến sĩ Hoàng Thị Huế và tác giả bài viết này Lê Đức Quân, có biết chyện “Cái rắm thơm” chưa? Đừng khoác lên mình Cụ Hồ nhiều thứ mà thực tế không như lâu nay cứ nói đại lên mà thành nhé”. Mời các tác giả trao đổi về những nội dung trên để nó tập trung về học thuật. Còn những bài trao đổi “thiếu thiện chí”, “đả kích”… chúng tôi sẽ không dùng. NGÔ MINH
Võ Văn Kha
Thư hồi đáp ông Lê Đức Quân
Như tôi đã nói: tôi không phải là người am tường về lĩnh vực văn chương. Tôi chỉ nêu lên những suy nghĩ của mình về một cuốn giáo trình bậc đại học mà quá cẩu thả, quá sai sót như vậy. Tôi cám ơn ông Lê Đức Quân đã cho tôi một bài giáo huấn sâu sắc về khái niệm phong cách nghệ thuật và phương pháp tư duy. Tôi xin thành tâm tiếp thu.
Tôi đồng ý với tinh thần của tác giả Lê Đức Quân là phê bình học thuật phải xuất phát từ thiện chí. Thiện chí cao nhất của tôi là: mong cho môi trường giáo dục đừng có những cuốn giáo trình kém chất lượng như cuốn Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945 của tiến sĩ Hoàng Thị Huế. Vậy nên, xin đặt ra hai vấn đề:
Vì sao trình độ một tiến sĩ mà lại soạn một cuốn giáo trình cẩu thả, vụng về như vậy? Cẩu thả trong diễn đạt, trình bày, cẩu thả trong trích dẫn, diễn giải. Có những câu không đủ thành phần, có nhiều đoạn văn lủng củng, không thể chấp nhận được. Hàng loạt trang không có trích dẫn rõ ràng – một yêu cầu quan trọng của người nghiên cứu, giảng dạy.
– Vì sao giáo trình viết về Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945 mà lại đi phân tích miên man Di chúc (1969)? Đây cũng là một đặc điểm “tẩu hỏa nhập ma” của cuốn sách này. Thậm chí có chỗ tác giả lấy ông nọ chắp cằm bà kia, lấy ý người này chồng lên người khác (Xin xem tr.71). Giáo trình đại học mà như thế này ư?
– Đọc bài của ông, tôi nghĩ ông là một người có kiến thức. Vậy xin ông cho biết: khi cầm một cuốn giáo trình cẩu thả như vậy, ông không có cảm giác bị xúc phạm sao?
Tôi cám ơn ông lần nữa về những diễn giải thuộc các khái niệm như: phương pháp tư duy, lập luận, cá tính sáng tạo của nhà văn. Tôi là dân ngoại đạo nên chỉ biết nói về những gì mình hiểu. Tôi viết bài này với mong muốn: cuốn giáo trình kém chất lượng này cần phải được chỉnh sửa một cách nghiêm túc. Tôi không tư thù ai nên ông đừng suy diễn, kết luận nóng vội như vậy.Tôi xem như bổn phận của tôi đến đây đã kết thúc (Tất nhiên, trừ khi ông yêu cầu tôi dẫn ra những sai sót, tôi sẽ rất sẵn lòng. Và cũng phải nói với ông và tiến sĩ Hoàng Thị Huế rằng: không dưới 100 lỗi). Còn về chuyên môn, tôi xin nhường cho các bậc giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học luận bàn về cuốn giáo trình này.
Trân trọng cám ơn.
( Văn Kha commented on quick comments)
Bình luận mới nhất