Đăng bởi: Ngô Minh | 21.05.2016

VÀI NHẬN XÉT BÀI THƠ CỦA ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG GỬI CÔ GIÁO TRẦN THỊ LAM

VÀI NHẬN XÉT BÀI THƠ CỦA ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG GỬI CÔ GIÁO TRẦN THỊ LAM

 

ngo minhNgô Minh
( Nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn VN)

 

Ngày 30/4/2016 trên trang mạng trandaiquang.org có in bài thơ “Em hãy tin một ngày mai xán lạn!” ký tên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang(??) với đề từ: “ Gửi cô giáo Trần Thị Lam – Trường chuyên Hà Tĩnh nhân đọc bài thơ của cô cách đây mấy ngày” ( tức là bài thơ ĐÁT NƯỚC MÌNH NGỘ LẮM PHẢI KHÔNG ANH) . Tôi rất trân trọng trước việc một vị chủ tịch nước, lại xuất thân là Bộ trưởng Công an, lại sốt sắng làm thơ “đáp lễ” đối với một công dân trẻ, mà không “nhắc nhở”, “”mời lên đồn” hay “bắt bớ”. Điều đó làm tôi quý trọng ông, tin ông!

Nhưng cũng phải coi chất lượng của sự hồi đáp đó bằng thơ có thuyết phục không ?. Bài thơ của Trần Thị Lam là xúc cảm thực sự, chảy ra từ trái tim yêu nước, câu chữ mộc mạc, dân dã nhưng ám ảnh, đã gây nên “cơn bão mạng” kéo theo hàng loạt bài thơ họa, bản nhạc phổ thơ Trần Thị Lam với hàng ngàn lượt share và vạn lượt người like. Xin có vài nhân xét ban đầu về hai bài thơ:

1.Hai tác giả đều là dân “nghiệp dư” thơ. Nên có được bài thơ không dễ dàng như nhà thơ chuyên nghiệp. Bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam thốt lện từ trái tim đau, tứ rất mạnh, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng gần gũi với sự cảm nhận của người đọc, nên sự đồng cảm cao. Còn bài thơ của ông Trần Đại Quang cũng chặt chẽ, rõ ràng, nhưng tứ thơ không mạnh, lại xuất phát từ lý trí, nặng về giáo lý, nên thiếu thuyết phục.

2- Bài thơ của cô giáo Lam là là cảm xúc từ nỗi đau thực sự với tình cảnh đất nước hiện tại. Dân vẫn là “phận nô lệ”, cái từ “ do dân, vì dân” là từ đầu lưỡi, không ai thực hiện, cán bộ bảo gì dân phải nghe nấy (Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn), Xét về khía cạnh sự phát triển của đất nước thì bây giờ nước ta thua cả Lào, Cămpuchia ! Nước ta đang bị Trung Quốc không chế toàn diện, sắp không có đường ra Biển Đông. Trung Quốc đã dàn quân vây khắp Việt Nam. Ngay trên đất Việt Nam ,Trung Quốc đã đứng chân trên 300,000 km2 biên giới phía Bắc bằng việc thuê đất, đứng chân ở Vũng Áng, Đà Nẵng, Tây Nguyên…, những vị trí chiến lược then chốt nhất về an ninh quốc phòng. Biển chết, người chết, cá chết, dân đói…Chính quyền gần 50 ngày rồi mà không công bố nguyên nhân cá chết, phải vì liên quan đến Fomosa (?!). Người dân khổ trăm bề , thực phẩm độc, tai nạn giao thông, quan chức o bế (Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay..), bệnh thành tích, tham nhũng (Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ Những dự án và tượng đài nghìn tỉ), nợ công đổ lên đầu dân.v.v..Cô giáo Trần Thị Lam làm thơ vì những bức xúc đó!

Còn bài thơ của ông Trần Đại Quang lại nói về lịch sử oai hùng của dân tộc để giáo dục lại với cô giáo trẻ (Mỗi đứa trẻ sinh ra vẫn ấm vành nôi, ngọt sữa/ Di sản cho mai sau vẫn được bảo tồn, gìn giữ/ Đứng trước năm châu không hổ thẹn, cúi đầu…).Điều đó không sai, thậm chí ông Trần Đại Quang nói rất hay như tuyên giáo, nhưng không liên quan gì đến thực trạng đất nước hiện thời,nên người đọc không chú ý.

3- Ở đây xin nói một điều hệ trọng , rằng để viết bài thơ ĐẤT NƯỚC MÌNH NGÔ LẮM PHẢI KHÔNG ANH” xúc động như thế, cô giáo Trầm Thị Lam phải hiểu rất rõ lịch sử oai hùng của cha ông, kể cả lịch sử hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cô giáo rất am tường về tinh thần yêu nước của người Việt Nam . Đứng trên lịch sử oanh liệt ấy, với lòng yêu nước thiết tha ấy, nhìn vào thực trang hôm nay mới đau, mới phải ngước mắt nhìn trời mà hỏi: Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước / Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…. Đó là câu hỏi của gần 90 triệu người Việt Nam hiện nay (trừ những người vẫn cho rằng đất nước phát triển, dân ấm no hạnh phúc

Nhẽ ra, thơ ông Trần Đại Quang phải biết chia sẻ câu hỏi này. Nhưng không! Nhà thơ Trần Đại Quang ( tôi quan niệm đã người làm thơ là nhà thơ, mà cũng xin được gọi như thế cho oai!) lại đi giáo dục, tuyên truyền cho cô giáo thạc sỹ Trần Thị Lam, nên câu chữ hơi sáo: “Em hãy tin một ngày mai xán lạn/ Sánh vai cùng bốn bể, năm châu”. Với cách nói đó thì đất nước sẽ về đâu vẫn chưa có câu trả lời.

Viết thêm: Nghe bạn bè bảo, trang trandaiquang.org là không có thực, lại có người bảo là do anh em ” chống diễn biến trên mạng” lập nên, chứ không phải là của Chủ tịch nước. Nếu điều đó là có thật thì những lời bình trên tôi xin rút lại và gửi cho người đã mạo danh Chủ tịch nước viết bài thơ và ký tên Trần Đại Quang và xin lỗi ngài chủ tịch nước

Xin dừng lại đây và giới thiệu hai bài thơ để bạn đọc suy ngẫm tiếp

 

  

TRẦN THỊ LAM ( Hà Tĩnh)

Trần Thị Lam

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH ?

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

 

Đại quang

TRẦN ĐẠI QUANG

Em hãy tin một ngày mai xán lạn!

Gửi cô giáo Trần Thị Lam – Trường chuyên Hà Tĩnh! Nhân đọc bài thơ của cô cách đây mấy ngày.

Nếu đất nước bốn ngàn năm không chịu lớn
Thì bây giờ em chẳng thể gọi tên
Nếu dân tộc đớn hèn như em nghĩ
Thì còn đâu dải bờ cõi nối liền

Em đã quên những bài ca bất tử
Cha ông ta đã bao lần chiến quân Nguyên
Em đã quên máu trào Điện Biên Phủ
Để Việt Nam trên thế giới có tên

Em đã quên triệu người trong lòng đất
Để hôm nay Tổ Quốc ngẩng cao đầu
Em đã quên bao linh hồn bất tử
Đang vật vờ đâu đó giữa biển sâu

Sao không hỏi mình làm gì đi nhỉ
Mà lại trao câu hỏi ấy cho người
Dân tộc này không bao giờ chết được
Nếu diệt vong chỉ có lũ sâu thôi
Những đứa con dù sống hay đã chết
Vẫn ngàn năm quấn quít trái tim này

Đất nước mình có gì ngộ đâu em!
Bốn ngàn tuổi – bốn ngàn năm chinh chiến
Máu ông cha thấm đẫm núi sông này.

Đất nước mình có gì lạ đâu em!
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Những con thuyền vẫn vượt sóng tới trùng xa…

Đất nước mình có sầu thương lắm đâu em!
Mỗi đứa trẻ sinh ra vẫn ấm vành nôi, ngọt sữa
Di sản cho mai sau vẫn được bảo tồn, gìn giữ
Đứng trước năm châu không hổ thẹn, cúi đầu…

Đất nước mình rồi sẽ về đâu ư
Sẽ đứng vững dù can qua, bão tố
Yêu đất nước, em chuyên cần dạy dỗ
Góp sức mình xây đất nước phồn vinh.

Đất nước mình không ngộ lắm đâu em
Ai đi xa luôn dạt dào nổi nhớ
Là dân Việt lòng ai không trăn trở
Ai không người nặng nợ với non sông

Em có biết đất nước về đâu không ?
Khi lòng người vẫn nhỏ nhen ganh tị
Đem thù hận, đớn hèn và ích kỷ
Gieo vào lòng thế hệ trẻ hôm nay

Đất nước mình không ngộ lắm đâu em !
Anh vẫn nhớ những đói nghèo, khốn khó
Chuyện áo cơm nên dang dở học hành
Của ngày đầu đất nước thoát điêu linh

Đất nước mình không buồn thế đâu em
Đói khổ, đắng cay qua rồi từng năm tháng
Em hãy tin một ngày mai xán lạn
Sánh vai cùng bốn bể, năm châu

 

 


Chuyên mục

%d người thích bài này: