Đăng bởi: Ngô Minh | 26.10.2016

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: NƯỚC CHƯA HẾT GIẶC, CHỚ VỨT NỎ THẦN ĐI!

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: NƯỚC CHƯA HẾT GIẶC, CHỚ VỨT NỎ THẦN ĐI!

tran-nhuan-minh
NHÀ THƠ TRẦN NHUẬN MINH
CẦN QUAN TÂM HƠN NỮA ĐẾN CÁC TỔ CHỨC SÁNG TẠO CỦA ĐỘI NGŨ VĂN NGHỆ SĨ

 

Các tổ chức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ là các Hội chuyên ngành văn chương và nghệ thuật, tập hợp trong mái nhà chung là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, hiện do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội, kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là cấp trung ương. Hiện nay, tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc, đều đã có tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật cấp tỉnh. Riêng Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác còn có Hội Văn học Nghệ thuật cấp huyện. Sau Quảng Ninh,  Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An… đã tổ chức nhiều đại hội văn nghệ cấp huyện. Tổ chức cấp huyện này có ở Quảng Ninh từ năm 1970 và cơ chế càng ngày càng hoàn thiện, mà chủ tịch các Hội này, thường là các ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo, Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy… Và như thế, biên chế không tăng mà hiệu quả công tác tư tưởng và văn hóa văn nghệ của Đảng lại cao hơn. Đồng chí Phạm Minh Chính, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, rất đặc biệt quan tâm đến các tổ chức này, coi  đó là  những năng  lượng của cuộc cách mạng mới. Vì thế, cùng với sự chú ý về công tác tổ chức và chính trị, đồng chí đã cấp cho các Hội một lượng kinh phí cơ bản, đồng thời tạo điều kiện để mở rộng xã hội hóa, vừa tích cực tác động vào cuộc sống, vừa khích lệ các tìm tòi nghệ thuật để tạo dựng tác phẩm có thể sống được trong cơ chế thị trường.

Chúng ta đã đi qua ba cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại  và ghi nhận những đóng góp to lớn của các văn nghệ sĩ, của các loại hình văn chương nghệ thuật, đặc biệt là ca khúc và thơ, những bút kí chiến trường, những thước phim phóng sự của điện ảnh quân đội, và những tiếng hát tại chiến hào của các ca sĩ … chưa kể các trường ca và tiểu thuyết, các tác phẩm điêu khắc và hội họa… có khả năng khái quát và chuyển tải lớn hơn, để bè bạn quốc tế nhận ra những giá trị Việt Nam và  ủng hộ chúng ta….

Bởi thế, trong các nghị quyết caủa Đảng, bao giờ cũng mở ra cho các tổ chức của văn nghệ sĩ bước phát triển mới. Để ghi nhận và động viên những thành tựu sáng tạo cá nhân  của các văn nghệ sĩ, Đảng và Nhà nước đã xét 5 năm một lần để trao  Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm xuất sắc. Từ đó, chúng ta có lý do để hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm những tác phẩm hay hơn nữa, lớn hơn nữa, những tác phẩm có khả năng đồng hành với dân tộc trong bước đi lên hòa nhập với thế giới…

Chỉ có một điều tôi luôn thấy khó hiểu, từ nhiều năm nay,  là cứ mỗi lần Ban Bí thư của Đảng chỉ ra một bước đường phát triển nào đấy cho các tổ chức Hội và  các văn nghệ sĩ, thì Bộ Nội vụ và một vài cơ quan chức năng lại trực tiếp làm, hay tham mưu cho Chính phủ để ban hành một văn bản nào đấy, nhằm hạn chế nó…  Chúng ta rồi sẽ phải trả giá cho những quyết định hấp tấp, vội vàng…

Được biết sắp tới, Quốc hội sẽ bàn bạc để  thông qua luật về các Hội, tôi rất mừng và hy vọng rằng: Mọi việc sẽ được sáng tỏ và luật hóa, trong đó, các Hội Văn học Nghệ thuật với tư cách là các tổ chức chính trị xã hội và nghề nghiệp, sẽ  trở về đúng  vị thế của nó, không giống các hội nghề nghiệp, các hội sở thích khác… Còn kinh phí ư? Chỉ cần bớt đi mỗi năm một hai dự án hàng chục ngàn tỉ  đồng (hay nhiều hơn nữa) bị bỏ hoang… các tòa nhà  trụ sở công quyền cao tầng trên dưới trăm ngàn tỉ, vừa xây xong được hơn chục năm lại đập phá đi, để  xây tòa cao tầng khác dùng cho mục  đích khác mà tôi biết, chưa kể không ít cuộc bồi dưỡng, tập huấn tập thể một vài tháng  ở nước ngoài, mà người trong cuộc cho biết rằng, đó chẳng qua chỉ là các cuộc du lịch cao cấp dài hạn…

Đất nước ta chưa bao giờ như bây giờ. Thành tựu kinh tế xã hội thì phát triển mà tệ nạn xã hội, những suy thoái đạo đức thì phát triển không ngừng, làm cho lòng dân không yên. Giặc nội xâm phá ở bên trong, giặc ngoại xâm dòm ngó chủ quyền ở  bên ngoài… và những hiểm họa khôn lường vẫn không phải là không có nguy cơ xảy xa.

Lúc này, hơn lúc nào, những người có lương tri cần phải đoàn kết lại, vì lợi ích của dân tộc và sự đóng góp của văn nghệ sĩ cho sự nghiệp chung  trong đó có nhiệm vụ chấn hưng văn hóa chống lại sự suy đồi, xuống cấp của đạo đức là rất quan trọng và cấp bách.

Nước chưa hết giặc, chớ vứt nỏ thần đi…

(Nguồn: Báo Văn Nghệ- HNV)


Chuyên mục