Cảm nhận khi đọc bộ sách “Ngô Minh tác phẩm”:
NGÔ MINH VÀ NHỮNG ĐỐI THOẠI BỀ SÂU TRONG THƠ
“những gì sâu thẳm ngoài vô tận/đều có cho ta giữa bạn bè” (Ngô Minh)
YẾN THANH
( nhà văn- tiến sĩ Phan Anh Tuấn)
(Tặng nhà văn Nhất Lâm)
Thơ ca là thể lại luôn tìm kiếm những cuộc hồi đáp bất tận giữa người viết (thông qua cái tôi trữ tình) với người đọc, hoặc với những phóng thể của người đọc trong văn bản, dưới lốt những nhân vật trữ tình. Xuất phát từ khiếm khuyết không thể xây dựng nên những nhân vật hoàn chỉnh, có số phận, có tư tưởng, có tính cách, diện mạo như trong tự sự, đặc biệt là trong những tiểu thuyết có tính chất đa thanh mà Bakhtin đã chỉ ra, nên về thực chất bản chất thơ ca (trừ truyện thơ) không có những đối thoại hoàn chỉnh về mặt lời nói và cả về mặt tư tưởng, cũng như ý thức kiểu “con người trong con người”. Từ đó, thơ ca đã xây dựng cho mình những kiểu đối thoại đặc thù, mang bản sắc trữ tình. Nhà thơ, về cơ bản luôn kiếm tìm sự tri âm từ phía bạn đọc, kiểu Bá Nha – Tử Kỳ hay Nguyễn Khuyến – Dương Khuê. Thơ họ viết trước tiên hướng về những người đọc tri âm – lý tưởng, do đó, ta có thể thấy không một thể loại nào có những đề tặng nhiều hơn thơ ca. Có nhiều thi phẩm, tiêu biểu như Tơ sương của Hồ Thế Hà [Nxb Văn học, 2015], hầu như bài nào trong tập thơ cũng có đề tặng một ai đó, kể cả những người đã sống lẫn những người đã chết, cả với những người quen biết lẫn những tiền nhân. Bài thơ trong trường hợp này, như một tiếng nói cất lên để chờ đợi sự hồi đáp, hoặc đó là lời hồi đáp đối với những đối thoại trước đó của tha nhân. Người tri kỷ bao giờ cũng được đề tặng dưới tựa đề bài thơ, như một sự gọi mời đối thoại.
Cách đối thoại thứ hai, đó là đưa những chủ thể đối thoại vào trong văn bản thơ, biến họ trở thành những nhân vật trữ tình trực tiếp trò chuyện với cái tôi trữ tình, hoặc nương theo điểm nhìn của các nhân vật trữ tình ấy nhằm bộc lộ tâm tư tình cảm. Theo kiểu đối thoại này, bản thân những nhân vật được đưa vào trong thơ đã biến thành những “mã nghệ thuật”. Từ những nhân vật có thật trong đời sống, họ biến thành những phạm trù thẩm mỹ, những vấn đề tư tưởng, những hình tượng nghệ thuật. Đối thoại lúc này rõ ràng hơn, bởi vì nó hiển hiện lên trên bề mặt văn bản chứ không còn tồn tại dưới dạng thế năng như loại nói trên. Điều đó lại càng minh chứng rõ ràng cho chức năng giao tiếp của văn học. Viết nên một tác phẩm, nhất là tác phẩm trữ tình vốn nặng về tính tự biểu hiện, thì bao giờ nhà thơ cũng mong muốn hồi đáp, tri âm với độc giả. Nhà thơ càng lớn lại càng cảm thấy cô đơn như trường hợp của Nguyễn Du, do đó, nhu cầu đối thoại, giao tiếp lại càng khắc khoải trong tác phẩm văn học.
Trong nền văn chương Việt Nam đương đại, có thể nói hiếm có nhà văn nào có nhiều bạn bè và nhu cầu giao tiếp qua thơ với bạn bè như Ngô Minh. Đọc lại bộ Tuyển tập đồ sộ với năm tập [Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, xuất bản 2015] của ông, tôi lại càng thấy rõ đặc trưng này. Chỉ tính Tập 1 chuyên về Thơ, Ngô Minh đã dành riêng một phần dung lượng lớn dành cho bạn bè trong thi giới của mình. Thơ viết cho bạn bè như một sự tri âm đối thoại của Ngô Minh được để trong phần 3 (Thơ tặng) với lời đề từ: “Bạn ơi bạn ơi rượu hay nước mắt – cạn túi mươi đồng cạn cốc tặng nhau – cay đắng trong veo nồng nàn cũng trong veo – trong veo câu thơ thương người biết khóc”.
Phần thơ viết cho bạn bè của Ngô Minh bao gồm 48 bài [từ tr.222 đến tr.300] – đó là một dung lượng không hề nhỏ. Tìm hiểu đối tượng đối thoại cũng như nội dung đối thoại trong thơ Ngô Minh, chúng ta sẽ tìm ra cho mình cái chìa khóa để len lỏi vào trong cánh đồng mật ngữ và thế giới nghệ thuật đồ sộ của nhà thơ.
Tôi muốn chia những đối thoại đối thoại trong thơ Ngô Minh ra làm hai nhóm, nhóm thứ nhất bao gồm những tiền/danh nhân mà nhà thơ muốn thông qua cuộc đời, tư tưởng của họ để nói lên tâm tư, tình cảm và thế giới quan của mình. Những đối tượng đối thoại này do đó, chỉ là cái cớ để nhà văn hướng đến những đối tượng đối thoại đích thực là bạn đọc đương đại, hoặc là nhà thơ muốn tự vấn, phản tư, tự đối thoại với chính mình. Nhóm này xuất hiện hiển minh trên bề mặt văn bản (mà đặc biệt là hiện hữu ngay trên tựa đề) và được diễn đạt cụ thể bằng những câu chữ mà ta hiểu được. Nhóm thứ hai bao gồm những bạn bè của nhà thơ, những người mà ông có tiếp xúc trực tiếp và bài thơ như là một vật chứng chữ nghĩa cho sự tri âm, kỉ niệm của cả hai. Nhóm này đa phần chỉ được nhận diện thông qua những lời đề tặng chứ không xuất hiện trên bề mặt câu chữ hay tựa đề. Đọc những bài thơ này, chỉ một số dung lượng nội dung nhất định là có thể giúp chúng ta hiểu về quan hệ giữa tác giả và đối tượng đối thoại, còn việc giải mã trọn vẹn nội dung bài thơ thì có lẽ chỉ có những bạn đọc lý tưởng – tri âm, tức là những người được đề tặng mới có khả năng thực hiện trọn vẹn. Cả hai loại đối tượng trò chuyện này chuyển tải những mã nghệ thuật khác nhau, có vai trò tư tưởng khác nhau trong thơ Ngô Minh.
1.Mượn màu son phấn ra đi.
Tôi muốn đề cập trước tiên đến nhóm đối tượng đối thoại là những tiền/danh nhân, xuất hiện tường minh cụ thể trên bề mặt văn bản. Từ góc độ tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của nhà thơ, rõ ràng nhóm này đóng vai trò quan trọng hơn. Bởi vì, việc lựa chọn người này chứ không phải người kia, người khác chứng tỏ nhà văn phải tìm thấy một điều gì đó, một vấn đề tư tưởng nào đó từ họ mà người viết đồng cảm, hoặc cảm thấy có thể dùng nó như một phương tiện nhằm đưa ra thông điệp, tuyên ngôn nghệ thuật của mình. Ví dụ, khi Ngô Minh chọn Nguyễn Du chứ không phải Nguyễn Công Trứ hay Nguyễn Trãi hay Trần Nhân Tông – những đại thi hào dân tộc khác là bởi Nguyễn Du mang thân phận trí thức bên lề, quan lại suy tàn và Truyện Kiều có sự quan tâm nhân đạo nhất đến tầng lớp người dưới đáy xã hội. Những nhà thơ còn lại không kém tài, nhưng họ là những người thành đạt, đứng ở vị trí trung tâm (hoặc chủ yếu cả sự nghiệp nằm ở vị trí trung tâm) trong chế độ phong kiến dùng Nho giáo làm hạt nhân tư tưởng. Thơ của họ là thơ ca ngợi/tụng ca, thơ hành đạo hoặc là thơ hưởng lạc, tài tử của kẻ đã thành đạt, ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ). Rõ ràng, Ngô Minh thấy đồng cảm với Nguyễn Du hơn, hoặc thông qua Nguyễn Du nhà thơ được nói lên tư tưởng của mình dễ dàng hơn, hoặc cả hai ý nghĩa ấy.
Một số những bài thơ có đối thoại kiểu này bao gồm các thi phẩm tiêu biểu như Bên thành nhà Hồ nghĩ về Hồ Quý Ly, Đi bộ với cụ Tú Xương, Nguyễn Minh Châu, Ngô Kha, chào anh, Ghi ở đường Kim Ngọc, Trần Dần cõi lặng, Nhớ ông Nguyễn Tuân, Lạy cụ Nguyễn Du, Tưởng niệm Văn Cao, Trước mộ cụ Phạm Quỳnh…Dù có từng cấp độ cống hiến/danh tiếng khác nhau đối với lịch sử dân tộc và lịch sử nghệ thuật, nhưng ta có thể nhận ra điểm chung của tất cả những đối tượng đối thoại này là họ đã đi vào thiên cổ và đã vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Đa phần trong số họ là những vĩ nhân, những anh hùng dân tộc, hoặc là những nghệ sĩ lớn, những người có công phát triển nền kinh tế, văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Thông qua cuộc đối thoại với những tiền nhân này, Ngô Minh muốn gửi đến bạn đọc đương đại những thông điệp đang hiện hữu trong đời sống thực tại. Bởi một lẽ dĩ nhiên, chẳng ai lại đi nói chuyện với người chết. Ta có thể thấy qua cuộc trò chuyện với Nguyễn Du, Ngô Minh muốn nói về thực tại văn chương nước nhà, và rộng ra, là cả bối cảnh văn hóa nhiều biến động trong thời hội nhập. “lạy này xin cụ ngậm cười – văn chương trần thế chín mười đơn sai – chữ tâm rơi rớt dặm dài – chữ tài liền với chữ tai thôi thì” ( Ngô Minh tác phẩm (Tập 1 – Thơ), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.225 – Mọi trích dẫn thơ Ngô Minh từ đây về sau, nếu không có chú thích gì thêm thì đều từ nguồn này]. Qua cuộc đối thoại với Hồ Quý Ly, Ngô Minh thể hiện sự đồng cảm, ủng hộ, thương tiếc đối với những nỗ lực đổi mới, canh tân nước nhà trong cô đơn, bài thơ ra sức chiêu tuyết cho những hiểu nhầm (cố tình) của lịch sử về một triều đại soán ngôi, “ngụy” như triều Hồ. “Tôi thương ông đơn dộc – phát hành tiền giấy, dùng chữ Nôm – cải cách đo lường, cân, thước – ông đổi mới, nhưng chẳng ai nghe – trăm họ vinh thân trong cái cũ” [tr.300]. Thể hiện sự đồng cảm với nỗi cô đơn “canh tân trong đơn độc” của Hồ Quý Ly, về thực chất sâu xa hơn, Ngô Minh muốn cất một tiếng nói đồng cảm, ủng hộ với những người quyết tâm đổi mới nước nhà thời kì hội nhập quốc tế. Có thể thấy, nền văn học hậu hiện đại nước nhà từ tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly [Nxb Phụ nữ, 2000] của Nguyễn Xuân Khánh cho đến thơ ca Ngô Minh, bao giờ Hồ Quý Ly cũng là một mã nghệ thuật vượt ra ngoài ý nghĩa lịch sử, nhằm động chạm, đổ bóng lên những vấn đề đương đại, khi mà sự nghiệp đổi mới, cách tân ngày một trở nên bức thiết và tạo ra nhiều bước ngoặt. Do đó, đọc nhiều câu thơ trong thi phẩm ta hoàn toàn có thể nhận ra thông điệp đương đại mà Ngô Minh nhắc nhở mỗi người: “Hồ Nguyên Trừng bảo: “không sợ giặc – chỉ sợ lòng dân không theo – dân không theo thì triều đại nào cũng đổ – dù thành đá cao vững đến giờ” [tr.300]. Cái giới hạn, nhược điểm của một nhà canh tân, cải cách quân sự, kinh tế, văn hóa tài ba như Hồ Quý Ly là không được lòng dân. Bài học ấy, cho đến nay vẫn chưa hề cũ kĩ và ta không được phép sao nhãng một lúc nào.
Từ những ví dụ trên, ta có thể thấy đối thoại với tiền/danh nhân thực chất chỉ là cái khuôn khổ giả định mà thông qua đó, Ngô Minh đối thoại với bạn đọc đương đại, chuyển tải những thông điệp đương đại có tính cấp thiết. Thái độ trí thức và sự dụng hành của thơ ca với cuộc đời lúc này rõ ràng không bị mất đi khi trò chuyện với những người thiên cổ, mà ngược lại, càng được nhấn mạnh và làm dày lên. Từ một góc độ khác, thử lí giải tại sao Ngô Minh lại chọn một nhóm những tiền/danh nhân nhất định chứ không phải những người khác, vốn có thể còn nhiều cống hiến, thành tựu hoặc còn nổi tiếng hơn. Tại sao lại là những Hồ Quý Ly, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tuân, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Trịnh Công Sơn, Hải Bằng, Văn Cao, Nguyễn Minh Châu, Kim Ngọc… lại được chọn để đối thoại chứ không phải những tượng đài, những lá cờ đầu như Lê Lợi, Sóng Hồng, Tố Hữu, Huỳnh Thúc Kháng, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai, Hữu Thỉnh…
Theo tôi, xâu chuỗi lại các đối tượng được chọn, ta đều có thể nhận ra dù bao phủ trên nhiều địa hạt khác nhau như chính trị, văn hóa, văn học, âm nhạc cũng như có không ít thành tựu nhưng họ đều là những trí thức bên lề, hoặc đã từng mang thân phận “trí thức chịu nạn”, từng nếm trải những biến cố lớn trong đời. Hồ Quý Ly là một nhà cải cách nhưng xuyên suốt lịch sử vẫn bị xem là “ngụy triều” bởi hành động “cướp ngôi” nhà Trần vào thời mạt kì. Lòng dân không theo khiến vương triều của nhà Hồ nhanh chóng đổ sụp, Hồ Quý Ly cùng con trai Hồ Hán Thương bị giặc Minh bắt sống giải về Trung Hoa và chết nơi đất khách quê người. Kim Ngọc (1917 -1979) là Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú. Ông là cha đẻ của chính sách khoán hộ hay còn gọi là “khoán mười”, là người mở đầu cho công cuộc đổi mới nền nông nghiệp Việt Nam những năm thuộc thập niên 60 của thế kỷ XX. Mặc dù là một người có công lao lớn đối với đất nước, giúp Việt Nam từ một quốc gia đói ăn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, người đã được cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tri ân, nhưng cuộc đời Kim Ngọc trải qua nhiều biến cố buồn, sự cô lập và hiểu lầm một thời, bởi những cải cách của ông ở thời điểm nó được đề xuất còn quá mới mẻ, quá táo bạo và quan trọng hơn là quá khác so với cách nghĩ của phần đông lãnh đạo đương nhiệm. Kim Ngọc do đó, được lựa chọn không chỉ đơn thuần là trí thức canh tân, và là người cộng sản gần dân, dám đấu tranh vì cái đúng, mà còn bởi ông là trí thức chịu nạn, là người từng bị đẩy ra ngoại biên của đời sống chính trị. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – con người tinh anh mở ra kỷ nguyên đổi mới từ sau đại hội VI (1986) của Đảng từng đánh giá cao công lao Kim Ngọc và mong muốn có một con đường mang tên ông từ năm 1988. Mấy chục năm sau, thi sĩ Ngô Minh khi đứng trước con đường mang tên Kim Ngọc ở thành phố Việt Trì, một trong hai con đường đẹp nhất ở đây đã viết nên những vầng thơ cho người xưa:
– Tên ông vừa được đặt cho con phố nhỏ
nhưng 30 năm rồi
triệu triệu nông dân đã đặt tên ông
cho những thửa ruộng cứu mình
con đường mang tên ông nối dài muôn chân ruộng [tr.257].
Có thể nói, chính cái số phận “chui lủi” đi tìm sự thật, “lén lút” nửa đêm cày ruộng mình, được nhân dân “lén lút” khóc bởi bản thân ông bị kiểm điểm, bị cô lập của Kim Ngọc, đã khiến vị nguyên Bí thư tỉnh ủy được Ngô Minh lựa chọn để đối thoại. Đó cũng chính là điểm rất gần gũi của thân/số phận của Kim Ngọc so với những người còn lại như Phạm Quỳnh, Trịnh Công Sơn hay Văn Cao, Hồ Quý Ly… Phạm Quỳnh (1892 – 1945) cũng là một thân phận trí thức tiêu biểu khác gặp biến nạn trong cuộc đời. Là một trí thức nhà Nho yêu nước, với chủ trương chống Pháp bằng bất bạo động, Phạm Quỳnh từng là một nhà chính trị với nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn, tiêu biểu là chức Thượng thư Bộ Lại và Thượng thư Bộ Học. Tuy nhiên, vai trò và cống hiến quan trọng của Phạm Quỳnh lại được thể hiện trên địa hạt văn chương bao gồm dịch thuật, khảo luận và du ký. Có thể nói, ông là nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ XX, góp phần vào việc hiện đại hóa văn học nước nhà thông qua hoạt động khuyến khích sử dụng chữ quốc ngữ. Mặc dù có nhiều công trạng, nhưng số phận của Phạm Quỳnh lại rất long đong, với một cái chết oan khuất và bí ẩn. Một cái chết mang thân phận người trí thức canh tân lạc thời hoặc chưa hợp thời, một mất mát mà bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đầy chua xót, tiếc nuối. Từ những ý nghĩa ấy, Ngô Minh đã viết về Phạm Quỳnh khi đứng trước mộ của tiền nhân tại chùa Vạn Phước ở Huế. Cuộc đối thoại giữa Ngô Minh và Phạm Quỳnh lúc này được lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của cụ Phạm:
– Truyện Kiều còn
Tiếng ta còn
Tiếng ta còn
Nước ta còn
Từ đó, nhà thơ mở ra một đối thoại:
– Con xin cúi đầu bắt chước cụ…
Nước ta còn
Phạm Quỳnh còn [tr.259].
Đó là một lời khẳng định cho sự trường tồn, bất tử của những con người đã xả thân và chịu nhiều cay đắng trong những khúc quanh của lịch sử. Sự hi sinh của họ là không thể bù đắp, chữa lành, nhưng nó không hề vô ích và họ sẽ không bao giờ cô đơn, bởi thời gian sẽ trả lại cho Cesar những gì từng là của Cesar, nhân dân sẽ không bao giờ quên họ và sự bất tử của họ sẽ là món quà vĩ đại nhất mà mỗi kiếp người có thể nhận về.
Những trường hợp đối thoại còn lại như Nguyễn Tuân, Phùng Quán, Trần Dần, Văn Cao, Phùng Cung, Trịnh Công Sơn, Hải Bằng… đều là những văn nghệ sĩ lớn của dân tộc thời hiện đại, nhưng họ hoặc thuộc về nhóm Nhân văn giai phẩm, hoặc thuộc về nhóm những người cách tân, đổi mới từng chịu nhiều kì thị, cấm đoán. Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, “vụ án” văn chương “Nhân văn giai phẩm” có lẽ là biến cố quan trọng nhất trong quản lí văn nghệ. Bỏ qua thái độ chính trị hoặc những hoạt động báo chí không đúng đắn mà chúng ta chưa/không bàn đến ở đây, có thể nói vụ việc “Nhân văn giai phẩm” là một mất mát lớn cho nền văn nghệ nước nhà, khi hàng loạt những văn nghệ sĩ lớn bị đẩy ra ngoại biên đời sống văn học, bị “treo bút” không được tham gia sáng tác (mà thực chất là không được công bố tác phẩm công khai) hoặc sinh hoạt hội văn nghệ nữa. Biến cố ấy đã gây nên trạng huống chấn thương sáng tạo trong sự nghiệp của rất nhiều nghệ sĩ lớn, khiến họ mưu sinh và sáng tác hết sức khó khăn, thậm chí bị/được rẽ ngang theo một hướng khác, suy tư khác trong nghệ thuật. Vượt qua những biến cố, tai biến đầy bi kịch ấy, dưới quan điểm đổi mới, đề cao dân chủ và nhìn nhận thẳng vào sự thật của Đảng từ sau đại hội VI, đa phần những văn nghệ từng một thời bị đẩy ra ngoại biên đã dần tìm lại được sự thừa nhận, tôn vinh đúng với tài năng, nhân cách và vị thế nghệ thuật của họ thông qua những giải thưởng Hội nhà văn, giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội, giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh. Những người kém nổi bật hơn như Phùng Cung thì mãi gần đây (2012) cũng đã được xuất hiện lại trên văn đàn với tập thơ Xem đêm (Nxb Hội nhà văn).
Đối với cuộc đời những nhà văn từng chịu thân phận bên lề, ngoại biên, Ngô Minh luôn tìm thấy ở họ sự lấp lánh của tài năng, sự dữ dội của tính cách và sự cô đơn bản thể thường trực của kiếp người. Với Nguyễn Tuân, trong bài Nhớ ông Nguyễn Tuân, đó là sự hiên ngang trước bão lớn của một nhân cách thị tài và niềm đam mê cái đẹp như một tôn giáo:
– Không ai trùm che nổi ông
ông chẳng trùm che ai
bóng mát văn ông chim vể xây tổ…
…nói với tôi: Mình hãy cứ là mình
nếu mong đến một cái gì đích thực [tr.223]
Với Trần Dần, cuộc đối thoại thơ trong Trần Dần cõi lặng nghiêng về sự đồng cảm với thân phận bên lề của người “thủ lĩnh trong bóng tối” (Trần Ngọc Hiếu): “30 năm – lặng ngồi – lặng nghe – lặng du sổ bụi – 30 năm – lặng khóc – người bay khát bầu trời – tai ương như núi” [tr.237]. Cái tâm trạng sợ hãi, cô đơn, khắc khoải sáng tạo này ta cũng dễ dàng tìm thấy trong Một chút Phùng Cung, bởi nhà thơ đối thoại cùng Ngô Minh cũng là một trí thức trong Nhân văn giai phẩm: “gió quê – len lén – vén rèm… – thắc thỏm – trăng già tái mặt – phòng văn – vội khép – thở dài” [tr.246]. Cuộc sống mưu sinh gian khó giữa đời thường nhưng giản dị, gần gũi với nhân dân của Phùng Quán cũng được Ngô Minh khắc họa trong Phùng Quán II: “còn lại anh – nhân vật của chính mình – 30 năm – cá trộm – văn chui – rượu chịu – 30 năm – vịn câu thơ đứng dậy” [tr.256].
Những đối thoại thơ của Ngô Minh với những danh/tiền nhân trong trường hợp này không phải là sự chiêu tuyết, phục hưng, biện hộ hay giãi bày đối với những con người ít nhiều từng rơi vào vòng xoáy của sự bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài lề đời sống văn học, mà thực ra, đó là sự đồng cảm chân thành trước những tài năng nghệ thuật lớn, những cá tính sáng tạo tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Cuối cùng, khi tất cả đã trôi qua, chỉ còn tác phẩm văn học là cái còn lại, và cũng chỉ có cái đẹp là bất tử trước thời gian. Người nghệ sĩ có thể sai lầm trên mọi phương diện, kẻ khiếm khuyết và thất bại trong đời sống và mọi lĩnh vực, nhưng chỉ cần họ còn để lại những tác phẩm bất hủ cho đời sau thì họ sẽ còn mãi bất tử trước thời gian.
- Rượu ngon đã có bạn hiền
Phàm ở đời, nhất là ở trong thơ, thật may mắn cho ai đó nếu tìm được một tiếng nói tri âm, tức một người đọc lý tưởng có thể hiểu mình như chính mình hiểu mình. Trong mối quan hệ đối thoại ấy, chúng ta trở thành/nên chính mình, như cái bản lai diện mục bề sâu bên trong. Chỉ với những người bạn tri âm, nhà thơ nói riêng và mỗi cá nhân nói chung mới được nhìn nhận đúng với bản nguyên như họ muốn/có. Triết gia Montaingne từng cho rằng chỉ thông qua mối quan hệ bằng hữu với người bạn La Boétie thì ông mới được phép trở nên là chính mình, tức được bộc lộ con người thực của ông ta. “Điều này cho thấy chúng ta chọn bạn bè không chỉ vì họ tử tế và thú vị, mà có lẽ quan trọng hơn là vì họ hiểu chúng ta như cách mà chúng ta nghĩ về bản thân mình”1. Có lẽ cũng chính vì lí do này, mà Ngô Minh đề tặng hay viết về rất nhiều bạn thơ đương thời của ông trong xuyên suốt sự nghiệp thơ ca dài hơi và có nhiều thành tựu.
Xem lại những bạn thơ từng được Ngô Minh tặng thơ hay viết về, ta cũng sẽ phần nào hiểu rõ hơn cái tôi sáng tạo và nhân cách nhà văn, bởi “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Nhưng sâu xa hơn, tìm hiểu những cuộc đối thoại, những mối quan hệ này, ta cũng sẽ phần nào phác thảo nên được chân dung một thế hệ trí thức, thế hệ văn nghệ sĩ đầu thế kỉ XX, trưởng thành trong/sau chiến tranh chống Mỹ.
Nhóm những đối thoại thơ thứ hai này nhìn chung đa dạng, phức tạp hơn so với nhóm đầu tiên. Nhiều người được đề tặng và đối thoại là những người đời thường, không có danh tiếng mà có lẽ chỉ có nhà thơ mới là người hiểu rõ về đối tượng đối thoại. Ta có thể kể ra hàng loạt trường hợp như “nhà thơ Tôn Phong bán chè ở ga Nha Trang”, Phan Luận – một nhà thơ trẻ của Quảng Trị, Phùng Thế Ủy, Trịnh Thanh Sơn, Hải Yến, Huy Tập, Lê Xuân Đố, Hà Nhật… Một số người đối thoại được Ngô Minh ghi chú thích ngắn gọn về tiểu sử, hoặc thể hiện trên tiêu đề để bạn đọc phổ thông biết được họ là ai, quan hệ gì với người viết. Một số người khác, có lẽ hữu ý hơn vô tình mà Ngô Minh không hề ghi chú về thân phận của họ. Có lẽ, nhà thơ muốn cất dấu riêng những kỉ niệm, những vật chứng không thể/nên đẽo tạc thành lời. Trong trường hợp này, thơ đúng là tiếng nói tri âm mà chỉ những người đồng bệnh/cảm/điệu mới hiểu được cho đến tận ngọn nguồn.
Xem xét lại những bạn thơ được đưa vào để đối thoại, chúng ta nhận ra một số đặc điểm như sau. Thứ nhất, Ngô Minh là nhà thơ đi nhiều, quảng giao rộng trong văn giới. Những bạn thơ đối thoại của ông gần như kéo dài trên mọi miền đất nước, từ Quảng Bình quê ông (Hoàng Vũ Thuật, Lê Đình Ty, Đỗ Hoàng, Đào Tư, Lâm Mỹ Dạ), cho đến Thừa Thiên Huế nơi ông cư trú (Minh Tâm – vợ ông và các con tác giả, Xuân Hoàng, Phương Xích Lô, Hải Bằng, Nhất Lâm, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường…), cho đến Nha Trang (Tôn Phong), Quảng Trị (Phùng Thế Ủy), Hà Nội (Lan Hương), Đà Nẵng (Phan Luận – cư trú tại Đà Nẵng), Vũng Tàu (Xuân Sách), Hòa Bình (Bùi Thị Tuyết Mai), Nam Định (Huy Tập, Hải Yến), Cà Mau (Nguyễn Trọng Tín)… Nhà thơ luôn là sinh thể cô đơn và xê dịch, bởi cô đơn nên càng xê dịch và do xê dịch nên lại càng thấy cô đơn. Ngô Minh đi nhiều nhưng hình như luôn buồn, không thấy đâu thực sự là quê hương. Một cách cắt nghĩa tâm lý bề sâu theo lối phân tâm học tác giả, nhân đọc lại tiểu sử ta mới hiểu rõ căn nguyên sáng tạo này. Sinh ra sau Cách mạng tháng Tám (1949), Ngô Minh gần như trọn trải/trọn cuộc đời thanh xuân đẹp nhất của mình trong khói lửa của hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Mỹ và chống Pháp thần thánh của dân tộc. Nhưng biến cố bố ông bị qui oan là địa chủ và bị tử hình trong cải cách ruộng đất đã để lại một chấn thương tâm lý bề sâu trong tâm thức Ngô Minh [xin xem trang 442 tập 1, sách Ngô Minh tác phẩm]. Đó là một chấn thương dai dẳng trong tâm lí bề sâu của Ngô Minh, một vết thương gần như không thể chữa lành theo thời gian giống như trường hợp nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Đọc tiểu thuyết có tính chất tự truyện Biết đâu địa ngục thiên đường [Nxb Phụ nữ, 2010] của Nguyễn Khắc Phê, ta cũng có thể nhận ra chấn thương tâm lý mất cha từ cải cách ruộng đất đã ảnh hưởng lên tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ ra sao.
Chấn thương thiếu cha này, dưới góc độ phân tâm học đã cắt đứt sự lưu luyến, êm đềm của ông với quê hương Quảng Bình, bởi quê ông cũng là nơi cha nằm xuống. Cuộc đời và tâm thức Ngô Minh, có lẽ là một sự lưu đày, trốn chạy khỏi nỗi đau thiếu cha, mất cha oan khuất. Việc thoát ly đi bộ đội vào miền Đông Nam bộ năm 1973 lại càng khiến thói quen xê dịch, xa quê trong ông trở nên thường trực hơn. Hòa bình lập lại, ông trở về làm báo ở Bình – Trị – Thiên (Trưởng đại diện báo Thương Mại tại miền Trung), đó có thể xem như một cuộc hành hương về lại cội nguồn, một cuộc hòa giải với thực tại. Nhưng sau đó, quá trình chia tỉnh phút chốc lại biến ông trở thành kẻ xa quê, ngụ cư ngay trên mảnh đất nhà ông thực ra không hề dịch chuyển về mặt địa lý. Đọc lại bài Gió nồm tặng Hoàng Vũ Thuật – một nhà thơ đồng hương Quảng Bình với Ngô Minh, ta sẽ thấy khá rõ cái cảm thức ly hương mặc dù không xê dịch tí nào của Ngô Minh:
– người đã bỏ ta đi
sao gió còn trở lại?
gió nồm ơi
đêm có kịp về
đỡ buốt lòng
tóc bao người bay rối [tr.271].
Đây là một bài thơ đặc biệt không chỉ trong câu từ, hình tượng, mà cụ thể hơn, nó được chính nhà thơ chú thích cuối bài rằng được viết trong hoàn cảnh, thời điểm: “Đồng Hới, ngày chia lại tỉnh” [tr.271]. Cộng với những hình tượng, tâm trạng có tính chất lưỡng phân, đối lập: “chạy trốn – hay tìm về – vẫn người bến cũ – ngọn lá rách bươm trên nóc kì đài” [tr.271] càng cho thấy cảm xúc hỗn độn của tâm thức kẻ ngụ cư (tại Thừa Thiên Huế) trên nơi ngày hôm qua vẫn còn là quê hương (Bình – Trị – Thiên) của Ngô Minh. Điều này càng thúc đẩy tôi nghĩ rằng, nếu không có cảm thức ly hương, nếu không có sự kiện chia tách tỉnh Bình – Trị – Thiên, thì Ngô Minh sẽ không cần phải tỏ bày, đối thoại với Hoàng Vũ Thuật. Giải đáp được câu hỏi tại sao lại tặng Hoàng Vũ Thuật – một nhà thơ Quảng Bình mà không phải bất kì ai khác, ở những nơi khác, ta sẽ hiểu tại sao nhà thơ cần tri âm trong thơ. Rộng ra, cái ham muốn, nhu cầu tự nhiên cần đối thoại trong thơ với những tri âm bạn bè, chỉ là sự phóng chiếu một tâm thức cô đơn và tâm thức lưu đày, ly hương trong vô thức sáng tạo của Ngô Minh.
Quay trở lại với việc khảo sát tính chất, cuộc đời, thân phận những bạn bè thơ của Ngô Minh, ta thấy rõ có một dụng ý/quan niệm nghệ thuật khá rõ của tác giả. Như đã nói ở trên, chủ yếu bạn bè đối thoại trong thơ của Ngô Minh là những người bình thường, thậm chí vô danh. Trừ một số rất ít văn nghệ sĩ thành danh là bạn nối khố tuổi ấu thơ của ông như Lâm Thị Mỹ Dạ, Bửu Chỉ, Hoàng Vũ Thuật, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trương Bé, Nguyễn Trọng Tạo… thì đa số bạn bè trong thơ của Ngô Minh là những người nghèo khó, thuộc tầng lớp bên lề của xã hội. Có thể kể ra Phương xích lô, Nhất Lâm, Tôn Phong bán chè, Phan Luận, Lại Đăng Thiện… Họ lựa chọn tâm thế, vị trí bên lề, dưới đáy không hẳn là do điều kiện kinh tế, mà chủ yếu như một thái độ sống, một triết lý về tồn tại, một cách ứng xử xuất thế, nhàn vi ở ẩn như những nhà Nho ngày xưa. Thơ Ngô Minh giới thiệu và đưa đẩy chúng ta quen biết để ngưỡng mộ những nhân cách lớn trong lớp bình dân như thế. Ví dụ Lại Đăng Thiện là một cựu chiến binh từng hai lần được truy điệu sống trước khi lái ca nô kích nổ bom ở Khu Bốn, nhưng sau đó không được ghi nhận, chế độ gì, sau này ông lại trở thành người đỡ đẻ cho 400 em bé [tr.297]. “ừ, thêm chén nữa, cười khan – đã truy điệu sống chưa tàn cuộc chơi – đỡ trăm em bé ra đời – trắng tay trắng mắt trắng trời… còn thơ” [tr.297].
Đó là một nhân cách đẹp giữa đời thường, lại hết sức hào sảng, vô vi, một CON NGƯỜI đúng nghĩa trong cách viết hoa của nó. Với Phương xích lô – một trường hợp đặc biệt trong làng thơ Huế đương đại, khi một người đạp xe xích lô có khi điên, khi tỉnh và đa phần là say đã trở thành một nghệ sĩ chân chính dành được sự yêu mến, trân trọng của gần như mọi trí thức, văn thân ở Huế, Ngô Minh đã phác họa nên một nhân cách, tài năng đáng yêu. Trong Vái Phương xích lô, Ngô Minh đã đối thoại với một tri âm chữ có số phận lầm than “ăn mày thơ” nhưng nhân cách cao cả. “Phương ơi – thế cũng là sang – hoa sen một đóa, bia vàng tuổi tên – tưởng không mà có mới nên – Phương nằm nghĩ chốn sinh linh, đừng buồn” [tr.260] (YT nhấn mạnh). Bài thơ này đậm tính đối thoại, dù là đối thoại với người đã khuất nhân ngày mở cửa mả của Phương xích lô. Chính tâm thế/trạng bên lề xã hội, dưới đáy giai cấp “đi ăn mày rượu nuôi thơ – ngắm sông Phương ngỡ nguồn xưa Rượu Trời” [tr.261] của Phương xích lô đã giúp Ngô Minh đưa ra quan niệm sống của ông: “đôi câu cũng đã có chi – còn hơn bao kẻ chết vì lợi danh” [tr.261].
Một trường hợp bên lề nổi tiếng khác của văn nghệ sĩ Huế là Nhất Lâm. Ai ở Huế có đi lại với văn/thi giới cũng đều ấn tượng với Nhất Lâm, một người nghệ sĩ già tóc dài trắng phau đạp xe tha thẩn trên phố như một cao nhân ở ẩn đã đạt ngộ, đã vượt lên mọi cám dỗ tầm thường của cuộc đời. Trong căn phòng chật chội, tối tăm trong chung cư, hoặc trong văn phòng ẩm thấp, cô quạnh Hội văn nghệ, Nhất Lâm vẫn lặng lẽ sống và viết như một nghệ sĩ bên lề. Tôi vẫn luôn ám ảnh với màu tóc trắng phau phau và giọng cười hào sảng của Nhất Lâm, như chính Ngô Minh từng cảm nhận. Trong bài thơ Với Nhất Lâm đêm trắng làng Thượng Luật, Ngô Minh viết: “trắng tay – trắng tóc – thì về – gối đầu sóng trắng – mà chia nõ nồm – trắng khuya – cạn chén biển buồn – thấy mình cùng lũ dã tràng – xe trăng” [tr.235]. Với nhà thơ Tôn Phong, một nghệ sĩ bình dân mà hai vợ chồng đều lam lũ đi bán nước chè tại ga Nha Trang. “trắng tay – mê chiếu mòn đêm – Nào ai chè chén? – vợ chồng lạnh hiên hàng xóm – còi tàu thổi tắt ái ân” [tr.275], Ngô Minh đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc trước trước đồng nghiệp thuộc lớp cần lao. Sở dĩ Ngô Minh luôn có xu hướng lựa chọn bạn bè đối thoại trong thơ là những người bình dân, dưới đáy xã hội là bởi cái nhìn nhân đạo, muốn đứng về phía nhân dân của ông. Một nghệ sĩ lớn phải là người đứng về phía lẽ phải, về phía cái toàn thể, về nhân dân đại chúng để cất lên tiếng nói về/cho họ. “Ngoại biên hóa” (marginal) trong trường hợp này là một khát vọng dân chủ, một tiếng nói nhân văn đầy trách nhiệm của người trí thức.
Vẫn có những người đối thoại trong thơ Ngô Minh vốn là những thiên tài, hoặc những vĩ nhân nằm ở vị trí trung tâm, là những anh hùng, chí sĩ cùng thời với thi nhân như đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ chiến sĩ Ngô Kha, nghệ sĩ điêu khắc thế giới Điềm Phùng Thị (Phùng Thị Điềm), nguyên ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm… nhưng tất cả họ đều được đặt trong lập trường đối thoại của nhân dân, vì nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng thiên tài của dân tộc, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu vang dội địa cầu. Nhưng quan trọng nhất, ông là vị tướng của lòng dân, là biểu tượng chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước chủ nghĩa đế quốc. Đám tang đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là một sự kiện quan trọng và nhiều ý nghĩa của dân tộc. Đó là một cuộc kiểm chứng lòng yêu nước, thể hiện niềm tin vào tương lai đất nước, cũng như khẳng định ý thức về dân tộc tính trước sự đe dọa của chủ nghĩa đế quốc kiểu mới từ Trung Quốc. Đó cũng là sự nhắc nhở mỗi chúng ta ngày nay, nhất là những người cầm cân nảy mực về sức mạnh của lòng dân. Ngô Minh viết về đại tướng, nhưng kì thực là viết cho/dùm tình cảm của hàng triệu đồng bào bình dân Việt Nam:
– khi Ông nằm xuống
dòng người viếng kín chật đất nước
già trẻ gái trai Kinh, Thái, Ê đê, Tày…
không quen biết vẫn bên nhau thổn thức
lặng lẽ dòng người chầm chậm vào lịch sử…
trăm triệu trái tim buốt nhức vọng về
biển Đông đêm 13 dậy bão [tr.252-252]
Trường hợp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại nằm ở một góc độ khác. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một người làm thơ “thành đạt” hiếm hoi trong làng văn chương cách mạng Việt Nam, kể từ ngày Tố Hữu – một đồng hương xứ Huế của ông không còn làm lãnh đạo đất nước. Nhưng Ngô Minh viết tặng tác giả của trường ca Mặt đường khát vọng không dựa trên tư cách tặng một vị (nguyên) Ủy viên Bộ chính trị, hay (cựu) Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch. Cuộc đối thoại với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong thi phẩm Người về vườn chuối thực chất là sự ngưỡng mộ với một vị quan đã thôi quyền lực, quay về sống chan hòa với nhân dân. Chính cốt cách giản dị, kiệm lời, xem quyền lực chỉ nhẹ tựa lông hồng và hết sức gần dân, thân dân một cách hiền từ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới là điểm mà Ngô Minh ngưỡng mộ, chia sẻ. “dường như ông không nghĩ mình từng là đại quan – nghỉ là thoát về ngôi nhà vườn chuối – dép quai mũ chìa giống người thôn Vỹ… – Bây giờ làm quan thật dễ – làm dân mới khó hơn nhiều – dường như ông không để ý – trước màu lá chuối nõn xanh…” [tr.245]. Như vậy, điểm Ngô Minh đồng cảm và ngưỡng mộ nhất ở nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không nằm ở những kiệt tác văn học, cũng không phải ở những thành tựu, công trạng khi làm quan lớn, mà là ở sự thân dân, bình dân lặng lẽ trong trái tim nhà thơ dòng họ Nguyễn Khoa danh giá. Có lẽ cũng vì lí do tế nhị, tránh điều tiếng là làm thơ “nịnh” lãnh đạo, thơ ngoại giao, bốc thơm “người sang”, nên Ngô Minh chỉ đề tặng hết sức vắn tắt “Tặng nhà thơ N.K.Đ” [tr.245], đây cũng là đoạn đề tặng duy nhất mà người được tặng viết tắt tên trong toàn bộ sự nghiệp thơ Ngô Minh.
Thời gian sẽ thoáng chốc trôi qua, đời người cũng chỉ như ngọn đèn trước gió. Ngô Minh hiểu điều ấy. Bộ Ngô Minh tác phẩm của ông chưa phải là điểm dừng cho cả một sự nghiệp sáng tạo, nhưng cũng gần như là phần tinh hoa nhất mà ông để lại cho đời. Một đóa hoa mà tôi tin sẽ nở mãi không tàn ngay cả khi nhà thơ vẫy vào vô tận để bước chân vào cõi ta bà hoang vu. Có một điềm lạ, Ngô Minh thường viết thơ trò chuyện với bạn bè khi họ sắp bước chân qua thế giới khác (Hải Bằng, Hà Nhật, Hoàng Phủ Ngọc Tường) hoặc đã vĩnh viễn thuộc về cát bụi (Phương xích lô, Phùng Quán, Tạ Vũ, Bửu Chỉ, Trịnh Thanh Sơn, Lê Đình Ty, Điềm Phùng Thị…). Những cuộc đối thoại với người chết, hoặc sắp ra đi vĩnh viễn này dường như là một lời hẹn ước với cõi bất tử, vô thường. Nhưng, nhà thơ thì có thể chết đi, còn di sản thơ ca và những cuộc trò chuyện bất tận của họ với bạn thơ (người đề tặng và cả người đọc thơ) thì vẫn luôn vang vọng mãi. Như chúng ta vẫn cứ mãi trò chuyện với Tố Như, dẫu đã gần trọn hai thế kỷ trôi qua từ ngày đại thi hào dân tộc hóa thân thành cát bụi. Bao giờ còn người đọc, thông điệp thẩm mỹ và nhân văn còn được tiếp nhận, thì những cuộc trò chuyện trong thơ vẫn tiếp tục được phép cất lời, và nhà thơ, sẽ không bao giờ im lặng, ngừng đối thoại với chúng ta bất chấp những giới hạn nghiệt ngã khôn cùng của không gian và thời gian.
Y.T
Trường An, 10h33, ngày 3/11/2015
————–
1 Alain de Botton (2015), Sự an ủi của triết học, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.195.
Bình luận mới nhất