Đến với bài thơ hay:
Mạ NM ( ký hoạ của Đình Nô)
“NHỚ MẠ”- “TƯỢNG VÀNG DÂNG MẸ” BẰNG THƠ
Nhà báo Lê Quang Vinh ( Hà Nội
Bài thơ “Nhớ mạ” của Thi sĩ Ngô Minh là bài thơ thuộc loại hay nhất của Thơ Việt Nam đương đại viết về Mẹ. Tôi đã đọc đi đọc lại suốt mấy chục năm nay rồi.
Bài thơ như tác phẩm điêu khắc, được nghệ sĩ “đúc”, “chạm cực kỳ tài tình hình ảnh người mẹ với những đường nét, hình khối rất riêng không ai có. Nhưng qua những nét riêng, độc đáo đó, lại là người Mẹ của mỗi chúng ta: “góc dừa mạ ngồi têm nắng“, “nuôi con thờ chồng oan khuất / mạ mót khoai hà cát phơi“, “ngả nghiêng võng thuyền tao gió / câu ru mặn đắng chiều xưa“…
““Têm nắng”! Có ai làm điều này – chẳng ai cả. Nhưng đó đúng là mẹ của chúng ta “thường làm” mỗi ngày trong cả cuộc đời đấy. Ngô Minh không “hoang tưởng” khi đặt bút viết nên từ này. Cái sự “siêu thực” trong câu thơ, bài thơ hay chính là nhà thơ chắt lấy – chộp lấy được “hồn” của chủ thể mình đang muốn sáng tạo để “ngưng đọng lại” (đóng đinh, cố định) thành hình hài của vẻ đẹp tưởng như chưa tồn tại bao giờ. Đó là chất liệu “thứ thiệt” của đời sống thực, nên ai cũng chấp nhận và rung động theo.
Satobriang – Nhà văn lớn nước Pháp thế kỷ XVIII – Thế kỷ “Ánh sáng” của Văn học – nghệ thuật Châu Âu, nói – đại ý: Nghệ thuật là những gì nó hiển hiện qua tấm gương mà nhà nghệ sĩ đang xê dịch để soi chiếu trên con đường lớn của cuộc sống. Mọi thứ được phản ánh trong tấm gương là “hình ảnh thực”, nhưng đó hoàn toàn không thực – vì ta có sờ, nắm, cầm… được đâu? – đó chính là “nghệ thuật”. “Têm nắng” là hình ảnh như trong “tấm gương” mà Satobriang – Người mở màn cho Văn học Lãng mạn Pháp, từng quan niệm để về sau trở thành định nghĩa cốt lõi cho cả nền Văn học Hiện thực Pháp (cũng xuất hiện gần như song song với nền Văn học Lãng mạn Pháp cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX)*.
Trong bài thơ “NHỚ MẠ” có nhiều hình ảnh tượng trưng như “têm nắng” (“chân trời sóng đánh xác xơ”, “võng thuyền tao gió”, ”câu ru mặn đắng chiều xưa”, “nắng mưa mạ giấu nơi mô”, “trời xanh không hồn”, “tê tái sông hồ”, “cát trắng trắng mòn mắt biển / buồm về ngủ bến nồm quên”, “giã buồn đau cô quạnh”…). Đó là những biện pháp tu từ truyền thống, kiểu “ẩn dụ”, “nhân cách hóa”… ; nhưng ” BẢN CHÂT” trong “NHỚ MẠ” của Ngô Minh lại hoàn toàn phi truyền thống . Nó không “song đối” rõ ràng, mà “ẩn” (giấu) rất khéo, rất kín vế “được ví”, “được đối” – đa phần chủ thể là “người”; đến mức gần như… phi lý, siêu thực…); nên mức độ trừu tượng để tạo ra được đầy đủ các yếu tố “nội hàm” (bản chất của hình tượng thơ) cho một “biểu trưng” (khái quát hóa nội dung sâu xa, tột cùng cần chuyển tải), là vô cùng cao. Biện pháp này chỉ xuất hiện khi trái tim, trí não người nghệ sĩ đạt tới sự thăng hoa như “thần thánh”: sáng tạo mà như vô thức (rất say, mà lại rất tỉnh – tâm hồn cực kỳ bay bổng, cùng bản lĩnh, kỹ năng sáng tác). Sự đặc biệt và hiếm hoi ấy, không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có, mà phụ thuộc gần như 100% tài năng, kiến thức, kinh nghiệm được tích tụ trong quá trình học tập và thực tiễn cuộc sống. Thế nhưng, nó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro; như “con dao hai lưỡi”, không giỏi “xoay xở”, không tinh tế là câu thơ, bài thơ, tác phẩm văn học, bản nhạc, bức tượng… dễ bị tắc tị, sa vào “hũ nút” ngay.
Phải có phẩm chất nghệ thuật già dặn như Thi sĩ Ngô Minh, mới “múa may quay cuồng” suôn sẻ thế; điều đó đóng góp rất cơ bản, giúp việc xây dựng “Tượng đài Mạ” (bằng tác phẩm thơ) của tác giả đạt được độ hoàn hảo , thành Tượng đài của những bà mẹ Việt Nam thuở nào…
Chúng ta trân trọng, biết ơn tình cảm, sự sáng tạo của Thi sĩ “Bọ rin”, đã thay mỗi chúng ta tri cố lại hình ảnh người mẹ, bà, cụ… thân thương của mỗi chúng ta và con cháu.
Hiểu nguyên tắc cùng phong cách sáng tác đó; tôi tạm đặt tên là “Bút pháp thơ Ngô Minh”– Đây là nét “rất riêng” ở Thi sĩ Ngô Minh, người đọc không khó để liên tưởng ra hình ảnh phi phàm của “Mạ”, qua ảo ảnh trong câu thơ “góc dừa mạ ngồi têm nắng” (và những câu thơ khác trong bài thơ “NHỚ MẠ”): “nhớ mạ mỗi sớm mặt trời / thơm như miếng trầu đỏ thắm“.
Mặt trời đỏ lựng ấy chính là “miếng trầu” cay Mạ từng ăn hằng ngày; cũng là mong ước của người con: giá như Mạ còn sống thì sẽ “lên trời” chọc ”gan” đưa xuống trần gian cho Mạ ăn. Tứ thơ lột tả lòng dạ – thực chất viết về chữ “Hiếu” (tình thâm mẫu tử), vừa lãng mạn, trác tuyệt; vừa truyền thống như trong dân gian (cho “ăn gan trời”). Nhớ thương Mạ ruột rà, quay quắt đến độ nào, để Thi sĩ của chúng ta…”bạo gan” rứa?
Người Mạ Thi sĩ Ngô Minh hiển hiện trong toàn bộ bài thơ (thực sự đó là “Bức tượng Vàng ròng”) của con trai “tạo tác thật đẹp đẽ; ngỡ như chỉ có trong huyền thoại, vô cùng linh thiêng mà lại bình dị đến độ sâu lắng (“góc dừa mạ ngồi têm nắng“); cuộc đời thì vô vàn khổ cực (“câu ru mặn đắng chiều xưa“); trái tim nhàu nát, oan khiên, đau đớn tận cùng vậy (“nuôi con thờ chồng oan khuất / mạ mót khoai hà cát phơi“) – Tôi đã khóc khi mắt chạm đến mấy con chữ này: “mạ mót khoai hà cát phơi“. “Khoai hà” rồi thì sao ăn được, rứa mà vẫn phải “mót” về để “phơi” (dự trữ cho ngày đói). Đó cũng chính là Mự (mẹ) của Lê Quang Vinh thuở trước và bao bà mẹ Việt Nam trên đời khác cùng cảnh ngộ bần hàn cơ cực, cùng thời đại…
Tình thương Mạ, thật khó ai điễn đạt được đầy đủ, tinh tế, da diết như Ngô Minh: “nhớ mạ mỗi sớm mặt trời / thơm như miếng trầu đỏ thắm / con về tìm dấu cát xưa / góc dừa mạ ngồi têm nắng“, “nhớ mạ con ra với biển / chân trời sóng đánh xác xơ“, “con ngước lên trời tìm lại / nắng mưa mạ giấu nơi mô“… Rồi Thi sĩ gào lên như thấu tận trời xanh, sông núi, cỏ cây trước điều phi lý trong cả cuộc đời của một người con: “răng con bỗng không còn mạ ?“…
Đành rằng theo lẽ tự nhiên, Mạ đến khi có tuổi rồi thì cũng phải chịu sự chi phối của quy luật “sinh sinh, hóa hóa” (nợ tử sinh là lẽ thường tình). Nhưng câu hỏi “răng con bỗng không còn Mạ ?”… đó không còn chuyện bình thường nữa, mà là sự phi lý quá mức. Đối với Nhà thơ, rõ ràng chuyện “bỗng không còn Mạ”, hoàn toàn nằm ngoài quy luật tạo hóa (“trời xanh không hồn xa ngái / biết chi tê tái sông hồ !”).
Hai câu thơ vừa dẫn (ở trên), về hình thức là chuyện riêng tư (mẹ và con). Nhưng đây cũng là vấn đề xã hội rộng lớn được gói gém (ẩn chứa) trong đó: “Trời xanh” mà “không hồn xa ngái”; “biết chi tê tái sông hồ”… Xã hội hiện hữu bao điều tao loạn, vô lương, độc ác (ngày một trầm trọng), bởi bộ máy thượng tầng kiến trúc u mê, hão huyền; phụng thờ những hoang tưởng (thứ không bao giờ có trên thế gian này), cùng các trọng bệnh tham nhũng, ức hiếp người dân… Đấy là thực trạng đau lòng của đất nước Việt Nam suốt mấy thập niên qua, kéo dài cho đến tận bây giờ và không biết sẽ còn bao lâu nữa.
Bốn câu thơ tiếp theo, có lẽ là đỉnh điểm của sự nhớ thương vô vọng, khi Mạ thì đang ở nơi miền biên viễn chín tầng mây (“con ngước lên trời tìm lại”), còn dưới trần ai con khát thèm tình Mạ (lẽ ra “phải có Mạ” – “còn Mạ”), mà phương hướng cuộc đời đảo lộn đến bế tắc, tái tê (“nắng mưa mạ giấu nơi mô”, “câu ru ai thả bờ đêm” ?).
Bài thơ còn gợi cho ta hình ảnh người mẹ ôm con, cùng con hóa đá ngóng chồng, thương cha, chờ đợi mỏi mòn vô vọng nơi cuối trời, góc biển (“con về giã cối trầu cay / như giã buồn đau cô quạnh / mong mạ cho hết tháng ngày / về ăn miếng trầu đỏ quánh…”).
Chữ “đỏ quánh” là ngon, miếng trù (trầu) đang… cực kỳ “ngon” (màu ấy là màu trù đã giã nhuyễn bằng cối cát tút đồng sáng loáng (làm từ vỏ đạn 12 ly); hặc Mạ vừa nhai mới được dăm ba phút trong miệng. “Đỏ” và “quánh” là do đủ vị: có “vỏ” (của cây “chay” trên rừng), vê thuốc “Lào” Tiên Lãng bằng viên bi ve “cực kỳ nặng” do thái toàn là lá đã tra (già) thu hái từ dưới cội (gốc), cau hột (hạt) “nhì” (trấy cau không còn non cũng chưa bị tra quá và đã “đặc ruột” để có vị đắng chát vừa phải; nó cùng với vôi, thuốc, tinh dầu trong lá trù, vỏ… tạo nên độ “ngọt – say”, màu “đỏ quánh” của nước trù mới có thể nuốt được). “Miếng trầu đỏ quánh” này khiến ta cảm giác “thèm”, “ngon” và hấp dẫn hơn bất cứ “sơn hào, hải vị ” nào trên đời – Dù ta không biết “ăn trù” như các mẹ.
Rứa mà, nay Mạ còn đâu nữa; nên Thi sĩ của chúng ta dường như thành vô thức, hóa đá để hạ bút: “như giã buồn đau cô quạnh”.
Đây là một hình tượng thơ đặc trưng, giàu cảm xúc bậc nhất trong bài thơ, khiến ta càng thương Mạ, thương Ngô Minh và thương luôn cho “miếng trầu đỏ quánh” – Nét đẹp rạng ngời của người phụ nữ ăn trù xưa…
Bài thơ khiến ta ứa nước mắt nhiều lần, bởi những từ ngữ dung dị (thường nhật nhất, ai ai cũng đều đã bắt gặp), độc đáo (lột tả thấu đáo – không chê vào đâu được, bản chất thứ “vật liệu” để xây dựng nên hình tượng thơ), nên phát huy “tột bực” sự thăng hoa của ngôn ngữ trong “NHỚ MẠ”.
Không ai trên đời là không thương cha thương mẹ; nhưng thương nhớ, biết ơn đấng sinh thành rồi “đúc tượng” (hình hài, công đức, cả những nghiệt ngã mà cha mẹ đã phải gánh trên đường đời…) bằng văn chương lưu lại trong nhân gian, cho nền văn học nước nhà tài hoa và thành công như Thi sĩ Ngô Mình, thì cực kỳ hiếm.
Tác phẩm thơ, văn xuôi của Ngô Minh luôn được đánh giá cao; hàng vạn người đọc của nhiều thế hệ hâm mộ là do chữ Tâm đằm thắm, khoáng đạt trong hồn vía cốt cách con người và Văn chương của anh…
Cháu Lê Quang Vinh đau đớn, thương nhớ; cùng chia sẻ tình cảm với con trai Cụ – Thi sĩ Ngô Minh. Cầu nơi suối vàng, Liệt tông liệt tổ, các Cụ, Mự con, Anh hùng – liệt sĩ… “siêu sinh tịnh độ”, vui vầy, phù hộ độ trì cho nước Việt Nam ta sớm diệt trừ xong giặc tham nhũng, bán nước; để nhân dân được an lành, ấm no hạnh phúc…
LQV
Hà Nội, 5 giờ sáng, ngà 5/3/2017
———–
*Satobriang (Chateaubriand) 1768 – 1848, là người đã thể hiện những đề tài đặc thù của chủ nghĩa lãng mạn như tôn giáo, tình yêu, phong vị exotique, sự cô đơn của cái tôi cá nhân trong nhiều tác phẩm như Atala, René, Những kẻ tuẫn đạo (Les Martyrs), Tinh anh của đạo cơ đốc (Le Génie du Christianisme)…Ông còn nổi tiếng về sự điêu luyện, tài hoa trong ngôn ngữ văn xuôi.
Ngô Minh
NHỚ MẠ
nhớ mạ mỗi sớm mặt trời
thơm như miếng trầu đỏ thắm
con về tìm dấu cát xưa
góc dừa mạ ngồi têm nắng
con về với làng Thượng Luật
trắng khô nước mắt bao đời
nuôi con thờ chồng oan khuất
mạ mót khoai hà cát phơi
nhớ mạ con ra với biển
chân trời sóng đánh xác xơ
ngả nghiêng võng thuyền tao gió
câu ru mặn đắng chiều xưa
con ngước lên trời tìm lại
nắng mưa mạ giấu nơi mô
trời xanh không hồn xa ngái
biết chi tê tái sông hồ !
răng con bỗng không còn mạ ?
câu ru ai thả bờ đêm
cát trắng trắng mòn mắt biển
buồm về ngủ bến nồm quên
con về giã cối trầu cay
như giã buồn đau cô quạnh
mong mạ cho hết tháng ngày
về ăn miếng trầu đỏ quánh…
Làng Thượng Luật, 1983
NM
Bình luận mới nhất