Đăng bởi: Ngô Minh | 20.03.2017

“MÙA ĐÔNG” – BÀI THƠ HAY VÀ MỘT “SỰ CHƠI” ĐỘC ĐÁO TRONG THƠ…

“MÙA ĐÔNG” – BÀI THƠ HAY 
VÀ MỘT “SỰ CHƠI” ĐỘC ĐÁO
TRON
G THƠ…
Lê Quang Vinh
11 giờ 30’ – ngày 9/11/2016, tôi bất chợt đọc được bài thơ “MÙA ĐÔNG” của Lâm Thị Tú (trên FB “Lam Thi Tu”). 
Như mọi lần đọc “thơ FB”, có lẽ ai cũng thế, chỉ lướt qua rất nhanh; nhưng những con chữ trong bài thơ này dường như có “ma lực” (duyên thơ?), níu lòng tôi lại để rồi phấn chấn theo những dòng thơ rất giàu cảm xúc, từ câu đầu đến câu cuối.
Lâm Hồng Tú
MÙA ĐÔNG
Khi niềm tin thành mây khói 
Tôi đi như bóng vật vờ
Khi không còn gì để nói
Tôi về lặng lẽ câu thơ
Có chi phía trước đang chờ
Mặt trời nhập nhoà trên đó
Dòng sông nỗi buồn màu đỏ
Mây đen về phía cuối trời
Mịt mù bóng chiếc xa xôi
Con chim chiều tàn gãy cánh
Mùa đông mưa vùi gió lạnh
Nắng trời ngoảnh mặt quay lưng
Câu thơ dừng lại lưng chừng
Lưng chừng tiếng cười câu hát
Lưng chừng mùa đông lạnh ngắt
Lưng chừng tóc hãy còn xanh
Nỗi niềm xám xịt hao hanh
Mùa đông màu mây xoã tóc
Giọt lệ đọng màu khó nhọc
Rơi vào thăm thẳm mùa đông …
LHT
Ngay lập tức, tôi viết mấy lời post liền lên trên trang chính FB “Lam Thi Tu” (cho “đã”), chứ không ở phần “bình luận” (comment) thông thường phía dưới bài thơ, như mọi người.
Lê Quang Vinh‎ đến Lam Thi Tu
12 h • (9/11/2016):
“LQV vừa đọc cả hai phiên bản bài thơ “MÙA ĐÔNG” của bạn. Thật là một sự “chơi” độc đáo.
Trên thế giới FB, từ lâu đã bị “nghẽn mạch” do cái gọi là “thơ”; nhưng Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, lại có lần nói với LQV là: do cả triệu người “ngộ nhận”, nên cứ cho là “thơ” đó thôi. Vì thế LQV cũng ít khi đọc “thơ FB”. Thế mà giữa “biển thơ” ấy, gặp được một đôi áng thơ hay, thật là quý vô cùng.
Xin chúc mừng!”.
Hơn 6 giờ sau, (9 Tháng 11 – 2016 lúc 20h:36’), tác giả hồi tin:
Lam Thi Tu: “Thật cảm động khi đọc những lời khen của bạn. Có thể gọi đây là món quà cho tôi, tăng thêm sự khích lệ cho niềm đam mê của tôi.
Cám ơn bạn rất nhiều Lê Quang Vinh”.
Cùng “lời đẹp” của Người đẹp, tôi còn được nhận thêm một bông hồng trêm chùm lá tươi xanh xum xuê, cắm trong lọ thủy tinh nhỏ rất xinh xắn (hình ảnh gửi kèm theo comment trả lời của Lam Thi Tu).
Sau chưa đầy 10’ (9 Tháng 11 2016 lúc 20h:45′), tôi có comment đáp từ:
Lê Quang Vinh: “Bông hồng đẹp rứa, chỉ nên dành cho Lam Thi Tu thôi. Bạn có bao giờ vô FB “Lê Quang Vinh” chưa? Có lẽ chỉ “kết bạn” cho đông vui thế thôi, chứ khó mà có thời gian ghé qua hè? Khi nào rỗi rãi, ta gặp nhau nhé. Chúc thật khỏe, hạnh phúc…”.
***
Bài thơ dung lượng trung bình, tả “MÙA ĐÔNG”, nhưng thực ra là “tả” nỗi buồn của lòng người với bao nguyên cớ rất cụ thể mà… lại “không cụ thể” chút nào – “TRỪU TƯỢNG CÙNG CỰC” của thân phận con người, kiếp người và… “duyên lứa” (trắc trở), như muôn vàn cuộc tình trên thế gian. Bài thơ lại là “tiếng lòng” cực kỳ…”riêng tư”, như “chính ngay của tác giả”. Có lẽ thế. Nếu không, làm sao câu thơ, bài thơ, ý thơ đạt tới độ chuẩn xác và thâm sâu đến vậy?
Có thể thống kê ra được các loại “vật liệu” làm nên “MÙA ĐÔNG” Lam Thi Tu: “niềm tin”, “mây khói”, “bóng vật vờ”, “Mặt trời nhập nhoà”, “nỗi buồn màu đỏ”, “Mây đen về phía cuối trời”, “bóng chiếc xa xôi”, “Con chim chiều tàn gãy cánh”, “mưa vùi gió lạnh”, “Nắng trời ngoảnh mặt quay lưng”, “Câu thơ dừng lại lưng chừng / Lưng chừng tiếng cười câu hát / Lưng chừng mùa đông lạnh ngắt / Lưng chừng tóc hãy còn xanh”, “Nỗi niềm xám xịt hao hanh”, “Giọt lệ đọng màu khó nhọc”…
“Khi niềm tin thành mây khói” – Ngay câu “phá đề” của bài thơ, chúng ta “bị giáng” một đòn quay cuồng tại “điểm hẹn” đầu tiên rồi. “Niềm tin” là mỹ từ, tôn quý lắm…; thế mà thành ra “mây khói” thì nó đã nằm trong “đài hóa thân hoàn vũ” mất rồi. Một cặp từ đối lập triệt để, như “trắng” và “đen”, như “lửa” và “nước”… Câu thơ 6 chữ chắc chắn, đăng đối rất chuẩn xác. Hậu quả là “Tôi đi như bóng vật vờ”. Hình ảnh “bóng vật vờ”, đây đã là một “người điên” trong cuộc đời con người ta rồi. Khủng khiếp quá. Từ láy “vật vờ” được dùng khá đắt, gợi hình lắm; rất phù hợp với “bóng” của người “mất hồn” đi lang thang vô định mọi chân trời góc biển…
“Khi không còn gì để nói / Tôi về lặng lẽ câu thơ” – Câu thơ tài hoa. Hay. Tôi thực sự thán phục câu sau: “Tôi về lặng lẽ câu thơ”. Đây là motif “Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ”, trong “Ca dao em và tôi” của Nhạc sĩ An Thuyên. Nhờ tứ ấy mà bài hát lan tỏa, lôi cuốn bao người yêu nhạc. Ở đây (“MÙA ĐÔNG”), rõ ràng “câu thơ” trở nên như một con người, một lòng người…; cảm nhận được tất cả mọi mất mát vừa xẩy ra. Nhưng câu thơ phía trước “Khi không còn gì để nói”, thật ráo hoãnh, dứt khoát; ngỡ như “chẳng đau đớn gì” – Đó là nghệ thuật “nói giảm” nhằm dồn “trọng lực” (dung lượng cảm nhận nỗi đau) cho câu tiếp theo, như vừa phân tích.
Khổ thơ thứ 2, có 2 câu thơ cực kỳ chuyên nghiệp: “Mặt trời nhập nhoà trên đó / Dòng sông nỗi buồn màu đỏ”. Tôi nói “chuyên nghiệp” là biểu lộ sự thán phục của thi hứng Lam Thi Tu
Một nữ Bác sĩ, thời gian đâu để học hành “kỹ thuật sáng tác”, có lẽ cũng ít có điều kiện tiếp xúc các giáo trình về “lý luận văn học”; thế mà dùng những từ – ngữ khá điêu luyện, chẳng khác chi Thi sĩ “già rơ” (Thi sĩ Tài): “Mặt trời nhập nhoà”, “nỗi buồn màu đỏ” kéo dài như một “dòng sông máu”, thì quả là “tuyệt tác” (độ khéo trong câu thơ) khi tả tâm trạng “tình duyên đã chết” của con người ta trên đời.
Ai nhìn thẳng vào “mặt trời” được? Không ai cả, bởi sẽ bỏng mắt mất. Thế mà “mặt trời” trong câu thơ này lại “nhập nhoà”, chẳng còn ánh sáng nữa, hoặc là “rất yếu ớt” do lớp “mây” buồn đau phủ quá dày…
“Mịt mù bóng chiếc xa xôi
Con chim chiều tàn gãy cánh
Mùa đông mưa vùi gió lạnh
Nắng trời ngoảnh mặt quay lưng”
Khổ thơ này từ hơi thơ đến hình ảnh, cấu tứ vừa cổ kính, vừa nhẹ nhàng mà lại “rất mới”, do lối thơ 6 chữ thanh thoát, cộng hưởng mà mang lại.
“Mịt mù bóng chiếc xa xôi” là như trong “Chinh phụ ngân khúc” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm; “Con chim chiều tàn gãy cánh / Mùa đông mưa vùi gió lạnh” là “chất” của “Phong trào thơ mới – lãng mạn” (1930 – 1945); “Nắng trời ngoảnh mặt quay lưng” thì hiện đại vô cùng. Nó giống “câu thơ dịch” của Tây.
Những hình ảnh: “bóng chiếc xa xôi”, “Con chim chiều tàn gãy cánh”, “mưa vùi gió lạnh”… thật buồn nhưng rất “đắt” – Đúng theo quy luật tri giác (tâm lý) trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”… Đó cũng là những hình ảnh ví von rất chuẩn, giống tạng thơ Thi sĩ Ngô Minh: “… những biện pháp tu từ kiểu “ví von”, “ẩn dụ”, “nhân cách hóa”… nhưng hoàn toàn phi truyền thống (không “song đối” rõ ràng, mà “ẩn” (giấu) rất khéo, rất kín vế “được ví”, “được đối” – đa phần chủ thể là “người”; đến mức gần như… phi lý, siêu thực…); nên mức độ trừu tượng để tạo ra được đầy đủ các yếu tố “nội hàm” (bản chất của hình tượng thơ) cho một “biểu trưng” (khái quát hóa nội dung sâu xa, tột cùng cần chuyển tải), là vô cùng cao. Biện pháp này chỉ xuất hiện khi trái tim, trí não người nghệ sĩ đạt tới sự thăng hoa như “thần thánh” (khác thường trong nghệ thuật, ở nghệ sĩ “bình bình” không thể có): sáng tạo mà như vô thức (rất say, mà lại rất tỉnh – tâm hồn cực kỳ bay bổng, cùng bản lĩnh, kỹ năng sáng tác). Sự đặc biệt và hiếm hoi ấy, không phải nhà văn, nhà thơ (nói chung là nhà “nghệ sĩ”) nào cũng có, mà phụ thuộc gần như 100% tài năng, kiến thức, kinh nghiệm được tích tụ trong quá trình học tập và thực tiễn cuộc sống. Thế nhưng, nó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro; như “con dao hai lưỡi”, không giỏi “xoay xở” (không tinh khôn) là câu thơ, bài thơ, tác phẩm văn học, bản nhạc, bức tượng… dễ bị tắc tị, sa vào “hũ nút” ngay.” (“TƯỢNG VÀNG DÂNG MẸ” QUA BÀI THƠ “NHỚ MẠ” CỦA NGÔ MINH” – Lê Quang Vinh).
“Câu thơ dừng lại lưng chừng
Lưng chừng tiếng cười câu hát
Lưng chừng mùa đông lạnh ngắt
Lưng chừng tóc hãy còn xanh”
Tác giả dùng chỉ một hình dung từ “lưng chừng” tới 4 lần ở cả 4 câu thơ. Thông thường, đây là “điều tối kỵ” trong thơ. Nhưng Lam Thi Tu rất “ranh khôn” (giỏi), khi dùng “hình dung từ trừu tượng” này để dẫn dụ những hình ảnh cụ thể, nên tứ thơ trở nên hợp lý và hay: “Câu thơ dừng lại”, “tiếng cười câu hát”, “mùa đông lạnh ngắt”, “tóc hãy còn xanh”.
Cái đặc biệt ở đây là cả một khổ thơ “chuyên trách” chỉ để “thống kê” sự vật (thường khô khan, giản đơn…), nhưng sức biểu cảm (trữ tình) lại rất là sâu đậm do nữ Bác sĩ chuyển sang hình ảnh tươi mới, trẻ trung, không chút u sầu nữa. Rõ ràng Lam Thi Tu dừng sự u uất, buồn đau “tình đoạn tuyệt” đúng lúc, đúng chỗ; khéo léo đến độ…”tinh xảo” của thơ rồi đấy.
“Nỗi niềm xám xịt hao hanh
Mùa đông màu mây xoã tóc
Giọt lệ đọng màu khó nhọc
Rơi vào thăm thẳm mùa đông …”
Đây là “khổ thơ kết”, gói lại những tâm trạng, nỗi buồn đau đã mở, đã giải bày. Đương nhiên, tác giả phải “nhấn lại” những gì mình vừa trút bỏ – nhưng nào “trút bỏ” được “sạch sành sanh” đâu? Khó lắm. Nó như “duyên phận” đó mà: “Nỗi niềm xám xịt hao hanh”, và như “Mùa đông màu mây xoã tóc / Giọt lệ đọng màu khó nhọc / Rơi vào thăm thẳm mùa đông …”.
Chữ “hao hanh” là hay. Sao người Quảng Bình (“Bọ Zin”) mà thấu hiểu để dùng rất khéo từ “rành Bắc” ni ở đây?
Có một cô giáo người miền Bắc chính cống (Ninh Giang – Hải Dương), còn khá phân vân về câu thơ “Nỗi niềm xám xịt hao hanh” này, đã viết cho tôi như sau:
“… Nhưng thường “nắng hanh” vào mùa thu chứ thầy. Mùa đông cũng có thể có “nắng hanh” nhưng thời tiết trong khổ thơ cuối bài không thế. Mà “Nỗi niềm xám xịt hao hanh” có được không ạ? Đã “xám xịt” là có hơi nước làm sao “hao hanh” được ạ? Em thấy chỗ này chưa hợp lí.
Em xin lỗi vì hơi nhiều chuyện thầy ạ. Chúc thầy buổi chiều vui vẻ và phát hiện nhiều bài thơ hay trên diễn đàn facebook.”.
(“Bùi Thị Loan” – đến Le VInh <vinhhoaninh@yahoo.com>)
Khổ thơ này có mấy cặp ví cũng tuyệt hay như khổ thơ thứ 2: 
“Mùa đông” – ” màu mây xoã tóc”; “Giọt lệ – “đọng màu khó nhọc” (đăng đối về hình ảnh lẫn ngữ nghĩa). Cái cụ thể, ví với cái ước lệ đến “phi lý” (siêu thực) là rất khó hợp lý, thế mà Lam Thi Tu thu xếp, dàn hòa được hết.
Nhân đây, xin trích thư của tôi trả lời cô giáo Bùi Bùi Thị Loan, giải đáp điều cô ấy nên ra như phần trích ở trên:
“Đọc thơ phải trăn trở thế mới học được của người ta nhiều thứ.
Trên FB, cả mấy tháng mới có được một bài như vậy.
Cô giáo Loan có thấy, mình khen “thơ FB” bao giờ chưa? 
Tác giả Lam Thi Tu này (mình không quen biết) đón nhận “lời khen” vô tư của mình với tâm thế “có hiểu biết về thơ”, nên mới biểu lộ sự hứng khởi như vậy. Do đó, phải khen – chê đúng. Khen – chê không đúng là làm hại người ta.
Khen – chê những bài thơ hay và không hay của các nhà thơ giỏi, chuyên nghiệp mà người ta chịu; bạn đọc thấy bài phê bình nâng được hiểu biết của họ lên thì mới nên… “khen – chê”. Không là họ coi mình như rác luôn.
Cô giáo đừng để ý đến những lời khen “vô thưởng vô phạt”. Ngay trong “lời khen” đã thấy sự thiếu hiểu biết thì vui gì – phải không?
Những nhà thơ như Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Mai Văn Hoan và hàng trăm nhà thơ khác – hiện đang nổi tiếng và sung sức, mỗi năm người ta chỉ đưa ra công chúng một – hai bài thôi. Có thể họ cũng làm được nhiều hơn, nhưng để đạt được “thẩm mỹ thơ” cho công chúng, là ít vậy đấy. 
Trong khi các “nhà thơ FB”, ngày nào cũng có…”thơ”! Vì sao thế? Đa phần người ta…ngộ nhận. 
Nhưng đó là việc riêng của người ta, chỉ đăng trên trang cá nhân để mình và bạn bè đọc. Bạn bè thông thái thì người ta thấy cái được và chưa được; nhưng làm gì có các phản hồi “chê” đâu. Chỉ toàn tâng bốc ghê gớm. Đó là sự nguy hại đã liên tục làm hại các “nhà thơ FB”.
Nhân dịp Ngày nhà giáo VN 20/11, xin chức cô giáo cùng anh chị em giáo viên trong trường thật khỏe, hạnh phúc! – LQV”.
(Le VInh – Ðến Bui Loan 15 tháng 11 lúc 8:03 AM)
***
Như đã nói, “Bài thơ dung lượng trung bình”, chỉ 20 câu với vẻn vẹn có 120 từ ngữ, thế mà câu chuyện về “MÙA ĐÔNG” được chuyển tải, mở ra với biết bao số phận cá biệt; mà lại điển hình đến mức ngỡ như trong chúng ta, ai ai cũng đã từng – đang và sắp sửa “nếm trải” (đủ mọi mùi vị ngọt bùi, đắng chát “khổ tận trần ai” – có thể “chết người” được).
Tác giả khá cao tay, khi chọn thể thơ “6 chữ” thường rất khó thoát ý, không khéo sẽ dễ hụt hẫng; nhưng ưu thế là “đi thẳng” (trực tiếp) đến điều cần biểu đạt, khiến mạch thơ dứt khoát; tránh được “từ thừa” do phải “lựa vần” (gieo vần) trong câu thơ, khổ thơ. Đọc bài thơ, ta thấy “thi pháp” rất mới là thế. Các Thi sĩ chuyên nghiệp, cũng rất “kiêng kỵ” lối thơ này.
***
Lam Thi Tu còn độc đáo khi chuyển thể bài thơ “MÙA ĐÔNG” sang kiểu thơ “lục bát”. 
Thật thú vị.
Lúc này trên màn hình đã đã 23 giờ 15′ (19/3/2017) rồi. Xin hẹn bạn đọc sẽ gặp lại bài “MÙA ĐÔNG – LỤC BÁT” của Lam Thi Tu vào một dịp sau.
MÙA ĐÔNG 
(chuyển thể lục bát)
Niềm tin thành khói thành mây
Tôi đi như bóng như thây vật vờ
Còn chi mà nói mà chờ
Về thôi lặng lẽ câu thơ nhói lòng
Lạnh lùng cay đắng mùa đông
Nhập nhoà trên đó vừng hồng còn đâu
Dòng sông xanh hoá đỏ nâu
Mây đen phía trước phía sau cuối trời
Mịt mù bóng chiếc xa xôi
Bóng chim gãy cánh chiều rơi mảnh chiều
Mưa tuôn gió dập tiêu điều
Nắng trời ngoảnh mặt, ráng chiều quay lưng
Lời thơ dừng lại lưng chừng
Tiếng cười câu hát bỗng ngừng chơi vơi 
Mùa đông lạnh lẽo xám trời
Lưng chừng mái tóc nửa vời còn xanh
Nỗi niềm xám xịt hao hanh 
Áng mây xoã tóc dỗ dành cô đơn
Quay đi giấu giọt lệ hờn
Rơi vào thăm thẳm nỗi buồn mùa đông…
LHT
 
Hà nội, 23 giờ 51′ – ngày 19/3/2017
LQV.
( Tác giả gửi cho QTXM)

Chuyên mục

%d người thích bài này: