ĐỌC BỘ SÁCH ” NGÔ MINH TÁC PHẨM”, TẬP 4 :
ĐỌC “CHUYỆN PHÙNG QUÁN” CỦA NGÔ MINH
Nhà văn Lê Gia Ninh
Nhà thơ Trần Viết Thắng, hội viên hội LHVHNT Quảng Ninh, bạn học của tôi từ thời còn để chõm, từ Hà Nội vào thăm Huế. Mừng gặp nhau, chưa hỏi về bạn, anh Thắng đã hỏi về Ngô Minh. Anh biết nhiều Ngô Minh hơn cả tôi nhiều dù tôi đã thân thiết từ mấy chục năm nay rồi, khi anh không mấy khi gặp và có gặp có lẽ chẵng biết nhau là ai. Anh Thắng biết rõ thơ văn của Ngô Minh, biết Ngô Minh tập hợp tấm lòng hâm mộ, yêu mến Phùng Quán của bạn bè trên khắp thế giới “góp cát” xây dựng mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán, biết cả Ngô Minh giới thiệu, sưu tầm để xuất bản tác phẩm Phùng Quán và bảo vệ Phùng Quán…Mới biết tiếng tăm Ngô Minh lan tỏa trong lòng bạn khá xa.
Tạm gác những giờ phút hàn huyên của đôi bạn xa nhau lâu ngày, tôi đèo anh Thắng lạch cạch trên chiếc xe cà tàng từ An Hòa sang Phan Bội Châu thăm Ngô Minh. Vợ chồng Minh-Tâm thân mật tiếp chúng tôi như người thân. Ngô Minh tặng chúng tôi tập “ Chuyện Phùng Quán”. Cuối sách ghi rõ “ Ngô Minh sưu tầm và biên soạn”. “Bản thảo lần cuối, Huế-6/2012. Nói bản thảo nhưng là một quyển sách dày 220 trang, in rõ ràng trên giấy trắng đẹp, có minh họa nhiều ảnh. Bìa màu xanh đậm nổi lên ảnh chân dung Phùng Quán râu tóc bạc với đôi mắt sáng đượm nỗi buồn nhân thế, Chữ TRUYỆN viết in, màu trắng. Chữ Phùng Quán viết theo kiểu thư pháp. Bên trên, tên tác giả NGÔ MINH màu trắng. Bìa cuối màu xanh sáng hơn in câu thơ “Có những phút ngã lòng, Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy 1965” bút tích của Phùng Quán cùng chữ ký và tên. Chỉ nhìn phần mục lục với ba mươi tư bài bao gồm thơ, ký, tản văn, nghị luận…cũng đủ thấy tác giả công phu biết chừng nào. Trong từng trang viết, Ngô Minh tái hiện một cách sinh động chân dung Phùng Quán “ một con người nghĩa khí, một chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn trung thực, quyết liệt, một thi sĩ tài hoa, ngất ngưỡng và một nhân cách cao cả”( Thi sĩ Vê Quốc Đoàn-Ngô Minh ).
&
Đối với Phùng Quán, Ngô Minh mới thật là tri âm. Ngô Minh còn trẻ có tính ngang tàng của người lính có tài làm thơ, người tổ chức cán bộ của một ngành nắm yết hầu kinh tế của một tỉnh lớn nhưng lại giàu tình cảm và từng trải cuộc sống. Hình như tâm linh mách bảo với Phùng Quán rằng chính Ngô Minh sẽ là người thay anh tiếp tục hồi sinh anh trong lòng bạn đọc khi mình ra đi quá sớm đối với một nhà văn ở thời kỳ sung sức. Vì vậy, “ Mỗi lần anh Quán vô Huế, anh đều rủ tôi theo anh đi đọc thơ, uống rượu ở các cơ quan, trường học hay gia đình những người hâm mộ” ( Thi sĩ Vệ quốc đoàn- Ngô Minh). Ngô Minh được ân huệ “Từ ngày anh Phùng Quán qua đời, bao nhiêu bài viết của anh Quán hay những nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước viết về anh, chị Bội Trâm cắt gửi vào Huế cho tôi cất giữ.”( đ d ) . Ở cái thời hội chứng về lý lịch ấy, xuất thân từ bộ đội chuyển ngành, đảng viên lại có trình độ văn hóa, với cương vị tổ chức cán bộ Ty (Sở), nắm vận mạng của hàng trăm công nhân, cán bộ trong tay …cái ghế phó ty rồi trưởng ty, vụ phó, vụ trưởng..nằm trong tầm tay. Ngô Minh sau giờ làm việc đi uống rượu, làm thơ, chơi với bạn bè sống cuộc đời “cay đắng trong veo/ /. Nồng nàn cũng trong veo / Trong veo câu thơ thương người biết khóc” ( thơ Ngô Minh ). Và, chẳng có gì ngoài “ thơ là gọi có/ Làm bao nhiêu đem tặng hết cho đời” ( Có gì không- Thơ Ngô Minh). Bất chấp cả những rắc rối và cả nguy hiểm, Ngô Minh vẫn thân thiết với Phùng Quán như ruột thịt, đi “ làm người hát xẩm” xuyên suốt từ bắc đến nam, ăn ngủ với nhau, đàm đạo thơ văn, cuộc đời, khi đối tửu dưới trăng, khi “ ngất ngưỡng sống, ngất ngưỡng thơ, ngất ngưỡng say” (PQ). Phùng Quán đã trở thành thần tượng của Ngô Minh, hấp dẫn Ngô Minh về một “ Tuổi thơ dữ dội”, về nhân cách của một “ Thi sĩ Vệ Quốc đoàn”: “ Nghĩ về Phùng Quán, trong tôi hiện lên một con người nghĩa khí, một chiến sĩ Vệ Quốc đoàn trung thực, quyết liệt, một thi sĩ tài hoa ngất ngưỡng và một nhân cách cao cả” ( TSVQĐ- NM). Hình ảnh Phùng Quán trong đời thường có vẽ ngồ ngộ, hơi chút lập dị, qua Ngô Minh trở nên bình dị, thân thương: “ Anh lúc nào cũng một mốt áo Mán, quần bò, đeo cái bị cói, cưỡi cái chiếc xe đạp cuốc Liên Xô cao lêu nghêu và đi đôi dép cắt từ lốp ô tô nặng chịch. Anh bảo dép nặng như thế nầy mới đứng vững trên mặt đất đầy bão tố nầy” ( TSVQĐ ). Hình ảnh Phùng Quán trong bài thơ Phùng Quán I của Ngô Minh hiện lên ngộ nghĩnh, trong sáng tựa như Lý Bạch ngất ngưỡng giữa trời mây non nước vậy. Người chưa được gặp Phùng Quán bao giờ cũng nhận được chân dung Phùng Quán đang sừng sững trước mắt mình không lẫn với ai:
“ Mũ lá Nghệ
Áo Mán
Quần bò
Guốc lốp ô tô mười phân đế bố
Xe đạp cuốc Liên Xô
Lêu nghêu giải thưởng Cò Vàng
Bị cói đeo vai
Lủng củng
Be
Thơ.
Và đóm điếu
Phùng Quán
Ngất ngưỡng Bắc Trung Nam
Thơ rong
Một mình một mốt
Mồ hôi râu lóng lánh
Sang sảng reo
Những câu thơ lý lịch đời mình
Phùng Quán
Ấy là khi
Anh thành
NƯỚC MẮT NHÂN DÂN
Có thể nói Ngô Minh đã tạc tượng đài bằng thơ về Phùng Quán . Câu kết: “ Anh thành / NƯỚC MẮT NHÂN DÂN” đă thâu tóm được cái thần của Phùng Quán. Chỉ có thương lắm, yêu lắm mới viết lên những câu thơ đẹp như vậy.
&
Từ những năm tháng gần gủi, thân thiết với Phùng Quán, từ những tác phẩm của Phùng Quán, Ngô Minh bằng ngòi bút chân thật và sinh động đã nêu bật giá trị nội dung và nghệ thuật của văn, thơ Phùng Quán. Theo Ngô Minh, “ Phùng Quán ( 1932-1995 ) là nhà văn để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lịch sử văn học Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX, với hàng chục tác phẩm thơ, trường ca, truyện thơ, tiểu thuyết được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ.”( Lời đầu sách ).
Ngô Minh đã được chị Bội Trâm, giáo viên văn học, người vợ thủy chung son sắt của Phùng Quán tin tưởng cộng tác sưu tầm biên soạn những tác phẩm của chồng mà mình cất giữ như một báu vật và trong bạn bè để giới thiệu với bạn đọc trong nước và thế giới về Con người và Văn chương Phùng Quán.
Năm 2003, trước giải thưởng nhà nước bốn năm, “Thơ Phùng Quán”( Nhà xuất bản Văn học ) đã đến tay bạn đọc hâm mộ trong và ngoài nước. Tập thơ dày 300 trang, gồm 80 bài tuyển và 30 trang dành cho “Những tấm lòng bạn hữu tưởng nhớ cố thi sĩ Phùng Quán”( NM ).
Từ lâu, thơ Phùng Quán đã đi vào lòng người đọc. Từ chị bán chè, anh xích lô, học sinh, sinh viên, nhà giáo, đến những sĩ quan, viên chức… tâm đắc thơ Phùng Quán nhưng chỉ lẻ tẻ trong những bài thơ mình thích qua truyền miệng, Phùng Quán tặng khi đọc thơ hay những văn bản từ lâu dấu diếm cất giữ được… nay công khai say sưa truyền đọc để biết : “ Một Phùng Quán luôn xưng tụng đất nước, xưng tụng nhân dân, xưng tụng cách mạng, xưng tụng tình yêu bằng một lối thơ cuốn hút, bốc lửa và thiết tha, nhân bản và một giọng dọc thơ mê hoặc quyến rũ”. ( Phùng Quán-con người viết hoa – Ngô Minh).
Thơ của Phùng Quán còn lưu trử ngoài đời nhiều lắm. Uống rượu đọc thơ, xuất khẩu thành thơ, vô tư chép tặng rồi quên đi. Bạn bè, người được tặng thơ cất giữ như một kỷ niệm riêng tư. Ngô Minh đã kể lại “ Sự tích bài thơ “Tấm áo cũ” thật cảm động. Trong một đợt trinh sát, một số trinh sát thiếu niên bị địch bắt trong đó có Phan Nghi (sau nầy là bộ trưởng) và Phùng Quán. Được bà con chợ Đông Ba thương các em nhỏ đã bị tù tiếp tế cho nhiều thực phẩm và quần áo. Phùng Quán theo đương dây cơ sở trinh sát gửi thực phẩm và áo quần lên chiến khu cho đồng đội đang đói và quần áo rách tươm. Phùng Quán chọn một chiếc áo đẹp nhất gửi tặng Vĩnh Mẫn một đội viên cùng tuổi trong đơn vị trinh sát. Tặng bạn một tấm áo khi mình cũng đói, cũng rét và cái chết cận kề bên đáng quý biết chừng nào. Vĩnh Mẫn, một đội viên trinh sát từ khi mười bốn tuổi, trải qua “ Suốt ba mươi năm / Tắm mình trong đạn lửa”, qua các chiến trường trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp vẫn ôm ấp kỷ niệm với một tấm lòng biết ơn sâu sắc. Câu chuyện tưởng như quên đi, sau bốn mươi năm gặp lại, Vĩnh Mẫn kể lại kỷ niệm về tấm áo, Phùng Quán xúc động “hai thằng ôm nhau khóc”. Đêm ấy, sau chia tay vợ chồng Vĩnh Mẫn, Phùng Quán làm bài thơ “ Tấm áo cũ” tặng người đồng đội Vĩnh Mẫn” ( NM ).
Trong cuộc đời có những kẻ trong chiến tranh cách mạng gian khổ, nhân dân lấy mồ hôi, nước mắt mình để nuôi dưỡng, lấy máu mình để bảo vệ, che chở…, khi “ chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son / Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ / Chúng mưu toan dấu che từ bỏ” ( Hoa Sen – Thơ PQ ). Thậm chí, chúng còn vứt cả bàn thờ, di ảnh liệt sỹ để cướp đất, cướp cả cuộc sống của
Nhân dân để sống như đế vương. Từ những ngày đầu chiến thắng, Phùng Quán đã “…đúc thơ thành đạn / Bắn vào tim những kẻ làm càn / Vào lũ người tiêu máu của dân / Như tiêu bạc giả” ( Chống tham ô, lãng phí – PQ ).
Trong cuộc đời không chỉ có tối đen còn có những ánh sáng lóe lên như Vĩnh Mẫn. Bài thơ ánh lên một niềm tin. Và, bài thơ không nói Vĩnh Mẫn biết ơn tác giả cho áo mà Phùng Quán biết ơn Vĩnh Mẫn đã cho Phùng Quán niềm tin “ Tổ Quốc ta dưới bão lớn nghìn cơn / Vẫn đứng vững / Vì có hàng triệu người con như anh!”. Cũng như tấm áo trong lúc rét lạnh, niềm tin trong lúc “ Có những phút ngã lòng” đáng quý vô cùng. Tấm áo và bài thơ Tấm áo cũ một lần nữa cho ta thấy nhân cách của Phùng Quán. Đó là tình yêu thưong đồng đội trong tình cảm “ Thương người như thể thương thân”. Chính tình thương đó là động cơ giúp bộ đội vượt qua đói rét gian truân, chết chóc để chiến thắng. Và, sau khi chiến thắng tiếp tục “ Vì nhân dân quên mình / Vì nhân dân hy sinh”.
…Cảm ơn ông Vĩnh Mẫn và nhà thơ Ngô Minh đã cho chúng ta qua tấm áo và bài thơ Tấm áo cũ để hiểu thêm về nhân cách đẹp của Phùng Quán và yêu hơn cái đẹp cuộc đời.
Vĩnh Mẫn ( Phan Thắng ), cựu trưởng ban tuyên giáo D125, tức đoàn tàu không số, cựu Trưởng ban CK Bình-Trị-Thiên, đồng đội cũ của Phùng Quán, người đã kể câu chuyện cảm động kỷ niệm “ Tấm áo cũ” như đã nói ở trên nay lai cung cấp cho Ngô Minh tài liệu về Phùng Quán “ tiếp cháo cho cụ Võ Quang Nghiêm trong lao Thừa Phủ”. Cụ Võ Quang Nghiêm là thân phụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng đã làm cho quân đội viễn chinh Pháp thất điên bát đảo trên các chiến trường. Để lung lạc tinh thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thực dân Pháp bắt thân phụ của ông từ quê nhà làng An xá, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy giải lên Đồng Hới rồi vào lao Thừa Phủ ( Huế). Chúng tra tấn Cụ một cách dã man và biệt giam vào “ Ca sô âm phủ”.
“ Chuyện bất ngờ là thời gian cụ Võ Quang Nghiên bị giam trong ca sô nhà lao Thừa Phủ thì một số trinh sát thiếu niên của “ Giải phóng quân Huế”, trong đó có Phùng Quán cũng bị bắt vào đó”. “Ông Vĩnh Mẫn đưa cho tôi đọc tài liệu viết tay dày 17 trang vở học trò của anh Nguyễn Đình Dánh, 82 tuổi, một người Huế, cựu trưởng ban tham mưu Trường sĩ quan không quân, một người bạn của Phùng Quán và Vĩnh Mẫn, hiện đang còn sống ở Nha Trang, đã ghi lại ký ức những ngày chiến đấu đó” ( Tiếp cháo cho cụ Võ Quang Nghiêm ở lao Thừa Phủ- TCCCVQH). Tài liệu kể rằng: “…Quán còn nhỏ ( mới 15 tuổi ) nên trong ba tháng ở tù, xin được ra nhà bếp làm công việc giúp đưa cơm vào cho người tù…Từ đó, mỗi lần từ bếp vào các gian tù, Quán lấy cơm cháy nhà bếp bỏ đi, chịu nóng, chịu bỏng quấn quanh bụng , rồi nắn lại từng phần khi đưa cơm vào xà lim, vào ca sô cho thêm anh em tù đang bị giam, đang rất đói khát đêm ngày trong đó. Tôi ( Nguyễn Đình Danh ) cũng được Phùng Quán “ cho” cơm cháy nhiều lần.
Tháng 6-1947, trong lao anh em đồn nhau cụ Võ Quang Nghiêm, thân Phụ ông Võ Nguyên Giáp bị bắt ở Quảng Bình đưa vào lao Thừa Phủ giam vào ca-sô. Quán dò được ca-sô cụ nằm. Biết cụ đã già, đưa cơm cháy vào chắc cụ nhai không được. Quán thường làm công việc nhận xúp cháo của những người đi thăm nuôi tù để đưa vào cho người thân. Mỗi buổi sáng trước cỗng nhà lao, dù trời mưa hay nắng, trong số những người đi thăm nuôi, thường thấy một nữ sinh xinh xắn đến gửi quà cho người thân và đồng đội. Đó là cô gái từng là chiến sĩ giải phóng quân Việt Minh Huế đang hoạt động Nội thành tên là Nguyễn Phước Ngọc Toàn là người chuyên đưa quà là cháo, cơm cho các chiến sĩ Việt Minh bị tù. Từ cô chiến sĩ nầy, Phùng Quán đã nhận cháo, xúp, lén khi đưa cơm, để đưa vào ca-sô tiếp tế cho cụ Võ Quang Nghiêm. Mỗi lần tiếp cháo cho cụ Võ xong, đến chỗ giam của tôi để đưa cơm, Quán lại thì thào thông báo…”( Trích Tài liệu của Nguyễn Đình Dánh Ngô Minh “ xin ghi lại” ( TCCCVQN).
“ Đây là sự thật”, lời khẳng định từ tài liệu của cán bộ cao cấp quân đội, người đã từng tham gia và chứng kiến sự việc giúp cho đọc giả niềm tin.
Ngô Minh được cung cấp ngày càng nhiều những câu chuyện như vậy khẳng định thêm về nhân cách cao đẹp của Phùng Quán mà dù bị “ dìm trong bùn nhơ lăng nhục” vẫn sáng long lanh trong lòng đồng đội , nhân dân, bạn đọc. Trong khi có kẻ khai khống thành tích, đạo công đồng đội để được đề bạt, để được vinh danh thì Phùng Quán xem những việc làm nuôi dưỡng thân phụ của tổng tư lệnh và những chiến sĩ cách mạng là một chuyện bình thường trong cuộc sống.
Từ nhân cách, từ lý tưởng sống, từ tài năng và sáng tạo, Phùng Quán xứng đáng là “ một con người viết hoa”.
Ngô Minh dánh giá cao về giá trị nội dung, nghệ thuật và vị trí của văn thơ Phùng Quán trong nền văn học nước nhà và xem Phùng Quán là “một nhà văn viết hoa”. ( Phùng Quán, nhà văn viết hoa – PQNVVH) . Theo Ngô Minh, để trở thành một nhà văn viết hoa, Phùng Quán phải trải qua khổ luyện. “ Nhờ tự học nên Phùng Quán có nhiều tri thức, tạo nên cái phông văn hóa, tạo nên tầm nhìn xa rộng để soi xét các vấn đề trong cuộc sống khi đưa nó vào văn chương”. Khổ luyện trong cay đắng hơn cả M. Gooc-ky ( nhà văn Nga, tiếng Nga có nghĩa là cay đắng), trong “ khó khăn đau khổ, bị đói rách, bị miệt thị, bị treo bút 30 năm trời sau vụ “Nhân văn-Giai phẩm”, nhưng vẫn giữ vững khí tiết, bản lĩnh sống, nhân cách nhà văn “ ngay thẳng tột cùng/ sự ngay thẳng thủy chung/ của mỗi dòng chữ viết”. Cái cốt, cái nền tạo nên bản lĩnh Phùng Quán, văn chương Phùng Quán chính là “ lòng yêu Tổ Quốc, yêu nhân dân, chiến đấu hết mình vì cuộc sống nhân dân”( đ d ), “ Ấy là khi/ Anh thành/ NƯỚC MẮT NHÂN DÂN” ( Phùng Quán I- Thơ NM).
Trong nhiều bài viết đăng trên các báo, trả lời phỏng vấn, giới thiẹu sách, kể chuyện Phùng Quán… Ngô Minh đã dành những lời trân trọng để giới thiệu về cái hay, cái đẹp cái chân thực của văn thơ Phùng Quán từ ý tứ đến lời văn.
Từ “ Tiểu sử văn học Phùng Quán” đến “ Lời mẹ dặn, tuyên ngôn của người cầm bút”, “Bài thơ chống tham nhũng đầu tiên của văn chương cách mạng”, “ Bài thơ Hôn ra đời như thế nào”, “ Cỏ hoa Phùng Quán”, “ Nỗi niềm “ trăng hoàng cung” …Ngô Minh viết bằng cả tâm huyết của mình, có những phát hiện, khám phá tế nhị, độc đáo:
“ Lời mẹ dặn lại chứa đựng một tư tưởng nhân văn cực kỳ lớn lao, thể hiện bản lĩnh cao cường của tác giả trước cuộc đời. Vì thế, nó đã trở thành một “ kiệt tác” thơ Việt thế kỷ XX”.. “ Bài thơ lớp lang, đầy triết lý “ sống thật, yêu thật, nói thật, viết thật, thật đến tận cùng. Đoạn kết bài thơ là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn thơ…” ( Lời mẹ dặn, tuyên ngôn của người cầm bút- NM) .
Ngô Minh hiểu sâu sắc nỗi niềm Phùng Quán khi viết “Trăng hoàng cung”. Dẫu nói rằng: “ Mối tình cuồng si đơn phương, đau khổ vì không được “ yêu lại” đã sinh ra “ khoảng trống” hay sự “ biến đổi năng lượng tình cảm” làm khơi dậy trong Phùng Quán nguồn mạch thơ mới”…”Cái khoảng trống nhận được sau” tiếng sét ái tình” ấy đã biến thành Tình trường cực manh khởi động lại năng lực sáng tạo của nhà thơ. Những nỗi niềm đắng cay muốn giải bày cùng cuộc đời thông qua mối tình đau khổ chính là những tứ thơ mạnh hình thành nên những hình tượng thơ ám ảnh, những triết lý nhân sinh sâu sắc. Ngô Minh khám phá, phát hiện từ trong cái vỏ bọc tình đơn phương ấy là cái hồn của Phùng Quán “ Mạch thơ chủ đạo của Trăng hoàng cung là nỗi niềm Phùng Quán trước cuộc đời hay nói cách khác Trăng hoàng cung là câu trả lời của Phùng Quán trước cuộc đời đen bạc” (đ d)…
Đối với cuộc đời, thơ văn Phùng Quán không phải ai cũng hiểu trọn vẹn, đầy đủ. Ngô Minh bằng nhiệt thành của mình giải bày cho mọi người cùng hiểu, cùng thấy từ nỗi đau cuộc đời tác giả, từ hình tượng văn học đã phát ra lời tuyên ngôn cuộc đời và tuyên ngôn của người cầm bút: bằng sự thật trọn đời mà phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân mà chống lại cái xấu, cái ác, cái dối trá chà đạp lên số phận con người.
Bài “ Thư ngỏ gửi Phùng Xuân Bính và Huy Thắng” và “ Trong bài thơ Hoa sen, Phùng Quán không hề nhầm lẫn” là những lời trần tình của Ngô Minh để những người chưa hiểu và không hiểu cùng bạn đọc hiểu về những nỗi đắng cay, đau khổ của cuộc đời và nhân cách Phùng Quán. Nỗi đau khổ và đắng cay hơn cả “ rượu cất từ lá khổ sâm” đó đã tôi luyện Phùng Quán “ trong lửa đỏ và nước lạnh, khi đó thép sẽ trở nên cứng rắn và không hề biết sợ” ( Thép đã tôi thế đấy- Ni-cô-lai Ốt-stơ- rốt- xky). Sau một loạt thống kê những nỗi đau đời thường về vật chất, đói rét, đêm cưới không giường, con đói không sữa, mưa gió không nhà, kiếm sống bằng “ cá trộm”, giải buồn bằng “ rượu nợ”, Ngô Minh xoáy sâu vào nỗi đau về tâm linh. Đó là những nỗi đau vì bị tước đi cái quyền thiêng nhất của con người: Quyền được sống như một con người, quyền mưu cầu hạnh phúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong Tuyên ngôn độc lập Đặc biệt đối với nhà văn, quyền được lao động sáng tạo phục vụ nhân loại bằng những tác phẩm Văn học của mình là quyền thiêng liêng nhất. Khi nhà văn bị tước đi quyền sáng tác thì nhân loại cũng bị mất đi quyền đuợc hưởng thụ những sản phẩm tinh thần, nghèo đi về tâm hồn. Đau dớn biêt bao nhiêu khi cái tên Phùng Quán vang lên trên chiến trường, ăn sâu trong lòng đồng đội và nhân dân, sáng chói trên từng trang tiểu thuyết Vượt Côn Đảo, Lời mẹ dặn, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo…nay bị tước đi không chỉ vứt bỏ mà còn bị lăng nhục. Trong đời thường cái tên Phùng Quán chỉ được người thân, bạn bè gọi nhưng chỉ được gọi thầm, gọi để phê phán chứ gọi to, gọi để khen thì sẽ bị kết tội “ liên hệ với phản động”. Tác phẩm viết ra phải nhờ tên người khác để được in. Bị phát hiện, người cho mượn tên hay người biên tập cũng bị kỷ luật tùy theo nặng nhẹ kiểm điểm, phê bình, cảnh cáo, cách chức. Điều đó được nói một cách chua chát “ văn chui” còm thấp kém hơn những việc tầm thường khác “ rượu chịu”, “cá trộm”.
Đau đớn biết bao nhiêu khi một người chiến sĩ tham gia kháng chiến từ lúc 14 tuổi, trải qua chiến trận, đổ máu trên chiến trường để giải phóng đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, đã “ đúc thơ thành đạn / Bắn vào tim những kẻ làm càn / Tiêu máu nhân dân như tiêu bạc dả” ( Chống tham ô lãng phí) lại phải sống chui lũi như kẻ phạm pháp. Ngòi bút Ngô Minh như run lên, lời văn dồn dập như cật vấn: “ Là người yêu nước đến tột cùng, yêu nước từ trong cội nguồn máu thịt, yêu nước bừng bừng trong từng con chữ, vậy mà lúc nào cũng bị cấp trên nghi là “ phản động”, “ chống đối” , đi đâu cũng bị theo dõi dưới mọi hình thức. Đến nỗi, những người yêu mến in thơ cho Phùng Quán hay đưa Phùng Quán nói chuyện ở vài chỗ trong địa phương mình cũng bị liên lụy” ( Thư ngỏ gữi Phùng Xuân Bính và Huy Thắng -NM).
Phạm Xuân Nguyên và Huy Thắng dù đã sống với Phùng Quán 20 năm, cùng hưởng chế độ tem phiếu, cùng sinh hoạt, làm việc, cùng yêu mến Phùng Quán mà vẫn “ vô duyên đối diện bất tương phùng”, không biết, không hiểu nỗi đau tâm linh của Phùng Quán. Bởi lẽ, Phùng Quán sống với lý tưởng sống của mình “ Thà thắp lên ngọn nến hơn ngồi ta thán bóng tối” ( câu châm ngôn trong Luận ngữ mà Phùng Quán thích ), thương yêu mọi người, vui vẻ với mọi người, tận tình với mọi người không ta thán, kêu ca, không chì chiết, không mỉa mai chua chát, không phản ứng chỉ dành thời gian cho cuộc sống và lao đông sáng tạo thầm lặng của mình. Biết Phùng Xuân Bính đã từng giúp đỡ Phùng Quán trong lúc khó khăn, Ngô Minh thật lòng trân trọng, lời lẽ từ tốn, lễ độ chỉ đem sự hiểu biết của mình để giải bày, để chỉ rõ cho họ và mọi người thấy nỗi đau tâm linh của Phùng Quán và những hệ trọng của nó.
Ngô Minh thấm thía nỗi đau tâm linh của Phùng Quán như chính Phùng Quán thấm thía nỗi đau vì rét, vì đói, vì bị cực hình mà tiép áo, tiếp cháo, tiếp cơm cháy …cho người tù và đồng đội . Khi Ngô Minh lên bảy trong tâm hồn non trẻ đã chứng kiến cảnh cha mình bị bịt mắt, trói nghiến trên cọc bắn trước 12 họng súng của dân quan bần cố nông và những loạt đạn găm vào ngực vào đầu trong cuộc cách mạng long trời, lở đất CCRĐ để đến bây giờ hồn không được nhập xác. Đau lắm chứ! . Trong thời gian đó, Phùng Quán và đồng đội, đồng nghiệp của anh người thì bị biệt giam trong tù ngục, nguời thì “ 30 năm khổ đau, 30 năm bị ném ra vĩa hè, 30 năm bị dìm xuống bùn nhơ – lăng -nhục” ( Thư ngỏ…) . Đau lắm chứ! Từ tác phẩm, từ cuộc đời, từ đồng cảm, Ngô Minh đã hiểu từ tâm can nỗi đau tâm linh của Phùng Quán mà anh Bính và anh Thắng dù ở với anh Quán 20 năm hay lâu hơn nữa cũng không hiểu nổi. Cái đáng quý, đáng khâm phục là cả Ngô Minh cùng Phùng Quán nén nỗi đau, không “ngồi ca thán bóng tối” mà mỗi người đều cố gắng “ thắp nên ngọn nến” soi sáng cho đời. Và, cuối cùng, họ đã đứng thẳng, ung dung tự tại ở đời, bổ sung cho nhau. Đối với Ngô Minh, Phùng Quán là người thầy về nhân cách, nghị lực, lý tưởng sống… Đối với Phùng Quán, Ngô Minh là tri âm, hồi sinh những tác phẩm mà Phùng Quán chưa kịp hồi sinh.
Chưa hiểu nỗi đau tâm linh Phùng Quán là chưa hiểu nhân cách, sự nghiệp sáng tác văn học của Phùng Quán. Không hiểu, không đọc thơ của Phùng Quán, mà quy kết độc địa, phê phán gay gắt là điều thật trớ trêu. “ Trong bài hoa sen, Phùng Quán không bao giờ nhầm lẫn”, để đáp lại lời của nhà văn Hoàng Thái Sơn trong “ Về một bài thơ của Phùng Quán” đăng ở Tạp chí thơ số 39 2008 ) và đăng lại trong Tạp chí Nhật Lệ số 160 ( tháng 7-2008) cho rằng Phùng Quán đã có “ sự nhầm lẫn hồn nhiên”, “ một mình một ngựa quay lưng, ngược đường với triệu triệu đồng bào” yêu quý bài ca dao, Ngô Minh đă mượn lời của Mai Văn Hoan, thạc sĩ văn chương, giáo viên dạy chuyên văn trường Qốc Học- Huế “chí tình trao đổi lại” : “…Tuy diễn tả bằng thơ nhưng diễn tả của anh ( Phùng Quán ) khá chặt chẽ, khá lôgich và rất thuyết phục. Phùng Quán đứng về phía nhân dân để vạch trần bản chất phản trắc của bọn người vong ân bội nghĩa chứ đâu có quay lưng với triệu triệu đồng bào!”(đ d). Như thế rõ ràng và khách quan hơn.
Trên trannhuong.com có bài bình bài thơ Hoa sen của Phùng Quán của tác giả Đường Văn rất độc địa. Để rộng đường dư luân, Ngô Minh đã trích đủ một đoạn dài và tô đậm những phán quyết chính về bài thơ Hoa sen của Phùng Quán của Đường Văn và những commets . Tôi cũng đã dọc bài nầy trên trannhuong,com và cũng ghi lại nguyên văn đoạn mà Ngô Minh trích trong bài viết của Đường Văn dù hơi dài để mọi người khỏi cho răng tôi không đọc mà nói.
“…Tác giả Đường Văn cho rằng: “ Đọc kỹ, tôi cho rằng, ở đây, Phùng Quán đã hiểu không đúng bản chất tư tưởng của bài ca dao cũng như tư tưởng và tính cách của tác giả của nó. Xuất phát từ quan niệm giai cấp xã hội rất cực đoan và có phần bảo thủ, dung tục để phan tích tác phẩm, đánh giá thiên lệch tác giả và kết án ông ta ( giả định ) là kẻ vong ân bội nghĩa, phản trắc, xảo quyệt, tráo trở, tinh vi mượn sen nói chuyện người…thật xấu xa, đáng căm ghét, ghê tởm, không hiểu vì sao Phùng Quán đã suy diễn, khái quát, áp đặt và kết án bài thơ-ca dao cùng tác giả của nó một cách cực đoan, chủ quan, thiên lệch và sai lầm?” ( NM tô đậm ). Sau khi bài viết Đường Văn được đăng tải, một số bạn đọc đã comments với lời lẽ chì chiết hơn về những ý thơ của Phùng Quán trong bài thơ Hoa sen. Bạn đọc Nguyễn Hiếu viết: “ Bài bình thơ Phùng Quán hay, có phát hiện, bằng giọng văn kiên quyết phẩn nộ được giấu khá kỹ dưới sự bình tĩnh của chuyên môn. Hay nhất là vạch ra được sự cố chấp và có vẽ hơi tiểu nhân của Phùng Quán khi nói về câu ca dao toàn bích. Tôi cũng hơi lạ tại sao Phùng Quán lại có lúc lẩm cẩm như thế?. Cảm ơn ĐV vì tôi chưa đọc bài thơ nây. Nhờ bạn mà biết thôi! (LGN tô đậm) Hay Phùng Quán dốt, hay Phùng Quán cố chấp…để rồi chửi mèo quèo chó?. Tôi không hiểu. Còn bạn đọc xưng là Thạch Bàn, Long biên thì viết: “ Phùng Quán lừng danh với “ Vượt Côn Đảo”, “ Lời mẹ dặn” khi còn rất trẻ “ chết thảm” với “ Hoa sen”khi về già. Đôi khi lần mần đọc một số tác phẩm kiểu “ xác chết vĩ nhân” như Hoa sen” của Phùng Quán, tôi trộm nghĩ một cách xúc phạm rằng: “ Giá như, vâng, giá như sau tác phẩm ấy, vì một lý do nào đó mà họ đột tử thì họ là vĩ nhân trọn vẹn!”. tiếc thay, họ lại không có may mắn “ chết đúng lúc”!”. Đọc những lời phán quyết, thẩm đinh thơ trên, tôi thấy rợn người” ( Trong bài thơ Hoa sen, Phùng Quán không hề nhầm lẫn-NM). Ngô Minh thấy rợn người là phải lắm! Cú đánh hội đồng, kẻ tung người hứng nầy những người như Ngô Minh, Phùng Quán…đã chịu trận nhiều rồi. Bây giờ, họ không còn “ như con én lạc đàn/ Phải cung nên sợ cả làn cây cong” nữa. Học được bản lĩnh “ vuốt râu cười tủm tỉm, nâng cốc với những người “ phê phán” mình” của Phùng Quán, Ngô Minh bình tĩnh như một luật sư trước một tòa án với bản án mù mờ kết tội dân oan, với lập luận chặt chẽ, chứng cứ cụ thể, ý tưởng xác đáng , dõng dạc tuyên bố “ thân chủ của tôi” là “ Phùng Quán không nhầm lẫn, Phùng Quán không cực đoan, Phùng Quán không dốt, Phùng Quán không suy diễn cố chấp. Phùng Quán nghĩ rất đúng, rất khoa học. Đúng một cách chí lý, chí tình”.
Ngô Minh đã bảo vệ Phùng Quán không chỉ ở bài này: “ Tôi đã làm rất nhiều việc để góp phần làm cho mọi người hiểu đúng nhân cách và tài năng Phùng Quán hơn, giải tỏa một phần những định kiến của chế độ đối với anh, người đã: “ Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn- nhơ – lăng nhục/Nhưng cuối cùng/ Quê hương đã nhận ra/ Trái tim thơ trong sạch/ Va gương-mặt- thơ-bi thiết-của tôi…( Thơ Phùng Quán, NXB Văn học, 2003, tr211). ( đ d )
Ở đời, chê cái tốt, cái đẹp là tự chê mình. Khen cái xấu, cái ác là tự nguyền rủa, tự chê mình. Nhân dân công bằng lắm. Ngô Minh “ rất yêu thơ và nhân cách nhà thơ Phùng Quán”. Nhưng cũng “ công bằng mà phán, thơ Phùng Quán không phải tất cả các bài đều hay, cũng có bài “thường thường bậc trung”, có bài dở, lên gân, hô khẩu hiệu…”(đ d). Cái không hay của thơ Phùng Quán là cái thô về nghệ thuật của người lính trẻ tuổi tấp tểnh làm thơ, viết văn. Khi trao đổi riêng với nhau, Ngô Minh chê văn Vượt Côn Đảo còn “thô” nhưng lại được đọc giả hâm mộ và khóc khi đọc là vì viết quá chân thật về những nỗi đau tưởng chừng như con người không thể chịu đựng nổi…Còn những bài hay, Ngô Minh vô cùng khâm phục, như bài Hoa sen chẳng hạn:
“ Còn bài thơ Hoa sen là bài thơ chưa hoàn bích, nhưng khẩu khí, phát hiện tứ rất giỏi và có sức thuyết phục cao, hoàn toàn “ đứng về phe nước mắt” (chữ của Dương Tường)”. Xác định “chỗ đứng” của nhà thơ mới xác định cảm xúc của nhà thơ. Khi xã hội còn tồn tại về cái thiện, cái ác, cái tốt, cái xấu, cái thiên lương, cái vô lương…tất là có phe, đâu là “ quan niệm giai cấp xã hội rất cực đoan và có phần bảo thủ, dung tục” ( ĐV). Bài thơ Hoa sen có ba nhân vật ( nhân vật trữ tình là tôi ( tác giả), nhân dân, và kẻ quyền lực vàng son. Nhân dân thì “ Gian truân, thầm lặng, vô danh/ Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghẹ sĩ…”. Nhân vật thứ ba là “ Vốn con cái của giai cấp cùng khô/ Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ/ Chúng mưu toan dấu che từ bỏ.”. Ba nhân vật, hai phe. Nhân vật “tôi” tức tác giả Phùng Quán đứng về “ phe nước mắt” để phê phán phe “chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son”. Còn những người “phán quyết thẩm định” Phùng Quán trong bài Hoa sen để đến nổi Ngô Minh “ thấy rợn người” đứng về phía nào đã rõ.
Dù “rợn người” khi đọc những lời phán quyết thẩm định thơ của Đường Văn, nhưng Ngô Minh không phản ứng bằng chì chiết, không mỉa mai mà phân tích chí lí, chí tình về bài thơ Hoa sen từ chỗ đứng ” của mình để thuyết phục người đọc. Từ “chỗ đứng” của “ giai cấp cùng khổ”, Phùng Quán phát hiện ra chữ “gần”, “ một chữ mà ta thấu gan thấ ruột” đối với “ những phường bội nghĩa vong ân”. Cũng từ “chỗ đứng” “Của nhân dân lao động/ Đang buộc bụng thắt lưng để sống” mà Phùng Quán phát hiện được “ Đài xem lễ họ cao hứng dựng lên/ Nửa chừng bỏ dở// Nửa triệu đồng dầm mưa giải gió/ Mồ hôi máu đỏ bốc rêu” (Chống tham ô lãng phí ) mà biết bao người bao cán bộ, đảng viên thấp cao chứng kiến vẫn xem như chẵng có. Để rồi, Phùng Quán phẩn nộ, quyết “đúc thơ thành đạn/ Bắn vào tim những kẻ làm càn/ Tiêu máu nhân dân như trieu bạc giả” .
Không cùng chỗ đứng nên Đường Văn và một số người khác không thấy được Phùng Quán phẩn nộ “ những phường bội nghĩa vong ân” mượn sen để tô vẻ cho mình. Những kẻ “bội nghĩa vong ân” đó nhiều lắm, ở đâu cũng có, “ những phường” chứ không phải một vài tên. Ngô Minh liên kết chúng lại, từ “Hoa sen”, “ Chống tham ô lãng phí” đến ngoài đời để lôi ra một lũ “lúc nhúc như dòi bọ” . Chúng chính là mầm họa của Đất nước, Nhân dân, Đảng, là mối nguy cơ làm “ mất Đảng, mất chế độ“. Lời văn của Ngô Minh đến đây đanh lại như lời kết tội của một bản án: “ Có không ít người, khi chòi lên cuộc đời quyền lự là vơ vét, tham nhũng làm giàu bằng nhiều thủ đoạn, sống phè phởn trên mồ hôi xương máu của nhân dân. Có người con nông dân chính gốc, nhưng khi lên làm quan, vì ham giàu mà quay lại, hùa với bọn đại gia để cướp đất nông dân. Chúng đông nhung nhúc như dòi bọ. Mỗi lần mở báo ra, đọc những tin bài về tham nhũng, cướp đất của dân, tôi lại nhớ hai câu thơ của Tố Hữa “ Mỗi lần mở báo ra/ Căm thù lên tận cổ”.”
Đọc giả cùng “ chỗ đứng”: “ Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác,/ Dân máu lệ tuôn trào/ Thơ chết áo đắp mặt” ( Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đổ Phủ cho vợ nghe-Thơ PQ ) với Phùng Quán dễ dàng đồng tình với Ngô Minh: “ Bài thơ là tuyên ngôn sống, là máu thịt Phùng Quán chứ không bao giờ có sự nhầm lẫn hay bảo thủ, dung tục gì ở đây cả”.
Đối với “ lời lẽ chì chiết” của Trần Hiếu trên comments, Ngô Minh không tranh luận mà chỉ ghi nguyên văn để đọc giả phán xét. Đọc giả đặt câu hỏi “ Sao Trần Hiếu lại “ Cảm ơn Đường Văn vì tôi chưa đọc bài thơ nầy. Nhờ bạn mà biết thôi!”. Cũng lạ! chưa đọc mà chì chiết người ta nào là “ cố chấp và có vẻ hơi tiểu nhân”, “ dốt”. Kiểu nói như thế dân gian gọi là “ nói leo”. Thành ngữ có câu: “ Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” hay “ Tri chi vi tri chi, bát tri vi bất tri, thị tri giả” ( biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, như thế là biết đấy). Trần Hiếu lại viết: “Bài bình thơ Phùng Quán hay, có phát hiện, bằng giọng văn kiên quyết phẩn nộ được giấu khá kỹ dưới sự bình tĩnh của chuyên môn.” Ngừời đọc lại hỏi “ chuyên môn” mà Đường Văn giấu kỷ “kiên quyết, phẩn nộ” là “chuyên môn” gì đây nhĩ? Tự nhiên tôi nhớ đến lời dạy của Hồ Chủ Tịch “ đối với kẻ địch phải kiên quyết và khôn khéo”.
Ngô Minh viết “ Trong bài thơ Hoa sen, Phùng Quán không hề nhầm lẫn!”
không có ý định tranh luận với Đường Văn hay một số người khác, vì theo Ngô Minh “ đọc thơ rồi khen chê là quyền của mỗi người, theo cái “gu” và sức cảm nhận, không ai có quyền phản đối điều đó.” (đ d) . Ngô Minh viết là để “góp phần làm cho mọi người hiểu đúng nhân cách và tài năng Phùng Quán hơn, giải tỏa một phần những định kiến của chế độ đối với anh…”( đ d ). Ngô Minh góp phần tập hợp niềm tin yêu Phùng Quán.
Ngô Minh cùng với chị Bội Trâm đã hồi sinh những trang viết tưởng chừng như sẽ bị “ mối xông” cho bạn đọc những bài học nhân thế .
Trong “ Tiểu sử văn học Phùng Quán”, Ngô Minh đã cho bạn đọc biết Từ năm 1954 đến 2007, Phùng Quán đã có 27 tác phẩm chính đã xuất bản gồm tiểu thuyết, trường ca, truyện thiếu nhi, truyện thơ, thơ…, 60 truyện tranh và nhiều tác phẩm khác viết về nghệ thuật sáng tác và diễn tấu, truyện ngắn, truyện thiếu nhi và nhiều bài báo cảm động, in trên các báo Văn nghệ, Người Hà Nội, NXB Văn Hóa dân tộc, Tiền Phong…Tất cả những tác phẩm mang chính tên Phùng Quán, do hoàn cảnh mà ghi tên khác, mượn tên người khác đều trả về chính danh cho tác giả mà không một ai tranh chấp. Chỉ tính một khối lượng tác phâm đồ sộ, “ chữ sắp kín cả một Cồn Dã Viên” ( P Q ) với giá trị nội dung và nghệ thuật đã “ để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lịch sử văn học Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX”, Phùng Quán xứng đáng được tôn vinh.
Ngô Minh xem Phùng Quán là một “con người viết hoa” hiện lên từ tư cách trong văn chương cũng như trong đời thường. Đó là một con người yêu thiết tha và một mực trung thành với Tổ quốc, nhân dân mình. Đó là “ một Phùng Quán nhân hậu, hiền từ, luôn sống hết mình vì đồng đội, anh em, bạn bè…là một nhân cách lớn, rất mẫu mực luôn ung dung tự tại, mà thân thương gần gũi!”. Tin tưởng và tín nhiệm Ngô Minh, nhiều bạn bè, đồng đội của Phùng Quán đã kể lại, trao lại tài liệu nói về những nét đẹp trong tư cách đời thường của Phùng Quán. Ngô Minh đã viết và cho đăng đàn để bạn đọc thấy được “ nhân cách lớn” của Phùng Quán. Trong “ Mối tình đầu” (\Truyện Phùng Quán tr 96 ), Ngô Minh kể cảm động về “ mối tình đầu” của Phùng Quán với cô gái miền biển tên là Nhủ ở Hải thôn, Sầm Sơn mà anh đã chôn chặt trong lòng cho đến khi qua đời. Một chàng lính trẻ vừa qua trận mạc, khao khát tình yêu, đang thai nghén đứa con tinh thần của mình lại gặp một cô gái “ hai má màu hoa lựu và cặp môi đỏ ướt một cách khác thường”, lại là bạn đọc đầu tiên xúc động, say mê văn mình “ vừa đọc, vừa khóc” như một tri âm, yêu mình một cách tha thiết, Phùng Quán không “ như đang mê sảng…cúi xuống hôn vụng về trên môi em. Cả người tôi như tan ra trong hoan lạc” là một điều lạ. Nhưng vì kỷ luật nghiêm khắc của quân đội mà Phùng Quán là một người lính phải chấp hành và bảo vệ hạnh phúc của vị hôn phu cô Nhủ mà anh hy sinh tình yêu của mình, rời khỏi Hải thôn, Sàm Sơn như một người chạy trốn.
Xét về mặt kỷ cương, đạo đức truyền thống thì sự hy sinh tình yêu ấy cao thượng biết chừng nào. Đáp lại mối thiện tình ấy là chị Bội Trâm, người vợ hiền thục, thủy chung của Phùng Quán đã nhờ người cất công đi tìm người tình đầu của chồng và kết nghĩa thân thiết chị em…
#
Cháu Phùng Đỗ Quyên (con gái đầu anh PQ mà anh thường nhắc đến trong những bài viết của anh ) điện thoại cho tôi: “ Cháu sẽ đưa ba mẹ cháu về quê. Trăm sự nhờ các chú giúp cháu…”. Tôi cảm động đến nghẹn ngào vì được cháu tin yêu và trao cái việc thiêng liêng mà bấy lâu nay chúng tôi thường bàn đến. Tôi chợt nghĩ đến những khoảng đồi trên đường du khách hành hương lên Huyền Không Sơn Thượng ( một ngôi chùa nổi tiếng ở Huế) và khu du lịch sinh thái. Thầy trụ trì chùa Huyền Không là một nhà thơ, một họa sĩ có tài thư pháp đã từng đải đằng Phùng Quán. Lãnh đạo xã Hương Hồ, bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch, uv thư ký…đều là học trò tôi nên ý tưởng của tôi được tiếp thu và hưởng ứng rất nhanh. Họ rất mừng vì trên quê hương mình có một danh nhân tọa lạc, khách đến ngày càng đông trở nên miền quê văn hóa. Tôi mừng lắm. Nhưng rồi, một thực tế làm tôi sửng sốt. Với đồng tiền hưu còm của vợ chồng tôi có đủ để làm một mâm cơm cúng anh, chị không? Giáo viên, học trò, bạn bè tôi vốn “ cùng khổ” dù sẵn lòng đóng góp làm sao cáng đáng được. Tôi bằy tỏ nỗi niềm với vợ tôi, người đã từng chăm sóc anh Phùng Quán trong những ngày anh ở Huế, giặt áo quần cho anh, gở túi tóc rối lấm bụi đường của anh và ra Hà Nội chăm anh trong những ngày trước lúc anh lâm chung. Thủy mỉm cười : “Anh có cái ngu thật dễ thương. Anh Quán, chị Trâm là của dòng họ Phùng ở Thủy dương, họ Vũ ở Hà Nội, của Nhân dân, của đất nước, của nhân loại trên thế gới nầy rồi sau cùng mới là của bạn bè và của anh”. Được vợ cho là ngu mà mừng khấp khởi như gỡ được khúc rối trong lòng. Tôi điện cho Ngô Minh giải bày tâm sự. Ngô Minh bảo : “ Anh chị yên tâm, mở “Quà xứ mưa” và quechoa.Info mà xem.” Hóa ra Ngô Minh, Nguyễn Đắc Xuân, bác sĩ Dương Đình Châu…ban đầu cũng nghĩ như tôi, cũng bàn nhau đi xin đất, đi xin ý kiến gia tộc hai bên rồi cũng gặp bế tắc “ Tôi làm gì có tiền. Lương hưu hai vọ chồng tôi năm 2010 là 6 triệu đồng không đủ sống” ( Ngô Minh ). Hình như tâm linh anh Phùng Quán mách bảo “ đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác…”, anh em quyết định đi đường thẳng “ ngay thẳng tột cùng? Sự ngay thẳng thủy chung/ của mỗi dòng chữ viết”(PQ). Thế là, chương mục “ góp cát đá xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán” được in trang trọng trên ‘Quà xứ mưa” và “ quechoa.info”của Nguyễn Quang Lập. Đọc danh sách những tấm lòng tận tình “ góp cát đá xây lăng mộ Phùng Quán” từ những văn nghệ sĩ, trí thức, những người lao đông kiếm sống, cô giáo nghèo, con cháu của những nhà lãnh đạo, những người còn nằm trên giường bệnh, chịu những cơn đau hành hạ chưa biết mình sống chết như thế nào đến những bạn hữu mến mộ Phùng Quán từ phương trời xa xăm trên thế giới…mỗi lúc một dài thêm, tôi không cầm được nước mắt. Người đóng góp nhiệt thành, vô tư lắm. Có người gửi hàng triệu trong thư qua bưu điện, có người trao tận tay, có người nhờ bạn bè mang đến, có người gửi qua tài khoản không đòi hỏi ghi tên, biên nhận. Niềm tin của họ đối với Ngô Minh quá lớn và đó cũng là trao trách nhiệm cho Ngô Minh quá lớn. Tôi chợt nghĩ đến ông Nguyễn Hữu Đang mà Phùng Quán viết trong “ Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn độc lập” Người dân vô tư góp vàng, bạc để xây dựng khi đất nước gặp khó khăn trong tuần lễ vàng qua Nguyễn Hữu Đang mà không cần biên nhận vì quá tin ông. Nguyễn Hữu Đang không phụ lòng tin của nhân dân. Nguyễn Hữu Đang quyên góp tiền bạc để xây “ Lễ đài Độc lập”, còn Ngô Minh “ góp đá cát xây lăng mộ Phùng Quán” nhà thơ của nhân dân. Bạn đọc tin Ngô Minh. Ngô Minh minh bạch hơn cả minh bạch.
Ngô Minh đã vận dụng sức mạnh tập thể, chính quyền để cấp đất, nhà phong thủy để được đất đại cát, kiến trúc sư để xây dựng bản vẽ, thợ giỏi để xây mộ. Lăng mộ cơ bản đã được xây dựng xong đầu tháng 1 năm 2010. “Trong khu lăng có khắc phần cuối bài thơ Lời mẹ dặn, bút tích bài thơ Thơ đề trên thơ. Có những phút ngã lòng tôi vịn thơ mà đứng dậy của Phùng Quán, câu đối chữ Hán của hàn sĩ Hà Sĩ Phu viếng Phùng Quán khi nhà thơ qua đời rất hay và rất sâu sắc: Nhất Quán tận can trường/ Trùng Phùng lưu cốt cách” (Chúng tôi xây lăng mộ Phùng Quán-NM), có bàn ghế cho bạn hữu đến thăm ngồi uống rượu, đọc thơ, có cây hoa quý bạn hữu trồng để thưởng thức. Thế là, Phùng Quán có thể ung dung “ rước nàng về dinh” trong một chiếc xe tang sang trọng mà một người bạn tình nguyện rước từ Hà Nội về tận Thủy Dương.
“ Lăng mộ nhà thơ Phùng Quán và bà Vũ thị Bội Trâm ở vị trí rất thơ mộng. Đầu gối núi, chân đạp hồ, mắt nhìn ra rừng thông núi thẳm”, trên đường đi lên chiến khu Dương Hòa nơi Anh đã từng sống chiến đấu một thời “ Tuổi thơ dữ dội”. Con đường nối quê Anh làng Thanh Thủy Thượng qua lăng mộ Anh lên tận Dương Hòa đã mang tên Phùng Quán.
“ Tên anh đã thành tên một con đường,
Thành địa chỉ trong trái tim đôi lứa
Như cuộc đời anh
Trong trái tim người tri kỷ”
( Trên đường Phùng Quán- Thơ Ngô Minh)
Số tiền còn lại, Ngô Minh đề xuất lập quỹ khuyến tài. “ Nguyên tiêu năm 2012, cùng với viếng mộ, tôi đã tổ chức trao Giải thưởng khuyến tài của quỷ Phùng Quán ngay tại mộ cho nhà văn Tô Nhuận Vỹ với tiểu thuyết Vùng sâu và nhà văn Nhất Lâm với tiểu thuyết Xa Hà Nội trước sự chứng kiến của nhiều nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà…. Cuối năm 2013, để tạo điều kiện thuận lợi cho những người mến mộ Phùng Quán viếng mộ, nhất là các nhà văn già, Ngô Minh đã vận động các mệnh thường quân đóng góp làm con đường bê tông từ đường cái lên mộ Phùng Quán- Bội Trâm, làm tay vịn ở bậc tam cấp, mở rộng không gian mộ.v.v..Dường như lúc nào Ngô Minh cũng lo lắng, chăm sóc phần mộ. Vài ba ngày, một tuần anh lại lên mộ Phùng Quán một lần…
Giới thiệu và bảo vệ Phùng Quán, hồi sinh và trao cho bạn đọc những tác phẩm mà Phùng Quán ra đi chưa kịp xuất bản, chủ trì việc xây lăng mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán, đề xuất con đường mang tên Phùng Quán, lập quỹ Khuyến tài Phùng Quán rôi sắp tới xây nhà Lưu niệm Phùng Quán…, là những việc làm cao cả của Ngô Minh. Ngô Minh đáng được bạn đọc xa gần yêu mến Phùng Quán, nói rộng hơn là NHÂN DÂN mà Phùng Quán suốt một đời phụng sự, tin yêu, cảm phục.
Bình luận mới nhất