Đăng bởi: Ngô Minh | 23.08.2013

Kỷ niệm về tướng Nguyễn Sơn

 Một lễ phát phần thưởng “không tiền khoáng hậu”

(Hay là một kỷ niệm sâu sắc của tôi về Tướng Nguyễn Sơn)

G.S. Đinh Xuân Lâm

QTXM :Bạn đọc thân mến. Nguyễn Sơn là Lướng quốc tướng quân. Thời ông về Việt Nam tham gia chống Pháp ở Liên Khu 4, vị tướng tài ba này đã để lại nhiều kỷ niệm trong giới văn nghệ sĩ và nhân dân. Sau đây là bài viết của GS Đinh Xuân Lâm mà chúng tôi cóp về từ Blog nhà văn Từ Nguyên Tĩnh.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), thị xã Thanh Hoá nghiêm chỉnh thi hành lệnh phá hoại. Các cơ quan và trường học của tỉnh nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức, rồi dời lên đóng tại các huyện miền Tây của tỉnh, phân tán trên một dọc dài từ Thiệu Hoá lên Thọ Xuân, Nông Cống, Vĩnh Lộc… Cũng không phải chỉ có các cơ quan và trường học của tỉnh, mà còn có cả các cơ quan ở Khu IV ra, các trường trung học của Liên khu III vào nữa. Trường trung học tỉnh Thanh Hoá mang tên Trường trung học Đào Duy Từ1 tản cư lên Thọ Xuân, một huyện cách xa bờ biển và tựa lưng vào các huyện miền núi Lang Chánh, Ngọc Lạc, Thường Xuân… là một địa bàn tương đối an toàn để tiếp tục việc giảng dạy và học tập của thày trò trong kháng chiến.

Sư đoàn 304 của Liên khu IV do Khu trưởng Nguyễn Sơn trực tiếp chỉ huy cũng đóng quân trên hai huyện Thọ Xuân và Nông Cống, trải dài trên một vùng rộng lớn, từ làng Sim dưới chân núi Nưa (Nông Cống), qua các làng Tam Lạc, Lạc Lâm, Hà Lũng, Thuỷ Tú, Thành Tín, Quả Hạ… thuộc huyện Thọ Xuân. Nhân dân trong vùng – từ nông dân địa phương đến các cán bộ và học sinh tản cư tới – vì vậy thường được gặp trên các nẻo đường làng một người trung niên tướng mạo uy nghi, “râu hùm, hàm én, mày ngài”, khi thì đang trên con đường “ngoắt ngoéo chữ chi” với chiếc “xe đạp đua” ghi-đông bẻ cong xuống khiến người đi xe cứ như nằm dài trên thân xe, khi thì trên mình ngựa men theo đường đồi đất đỏ dẫn tới các thôn xóm nấp kín sau luỹ tre xanh. Trường trung học Đào Duy Từ hồi đó đặt tại vùng Chợ Cốc thuộc xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân, cũng là nơi Khu trưởng Nguyễn Sơn hay lui tới. Phần vì sư đoàn bộ đóng ở gần đấy, phần vì vùng Chợ Cốc hồi đó có các cán bộ các ngành và học sinh các trường tập trung về nên khá đông vui. Hơn nữa, các văn nghệ sĩ dưới trướng của Khu trưởng Nguyễn Sơn bấy giờ như Nguyễn Đình Lạp, Bửu Tiến, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Trúc Quỳnh v.v… cũng thường qua lại nơi đây vì có bạn bè quen biết tản cư theo cơ quan trong vùng. Lính của Khu trưởng những ngày chủ nhật cũng thường ra đấu bóng giao hữu với học sinh Trường Đào Duy Từ. Lại có cả nhóm văn nghệ sĩ tản cư trong làng Quần Tín cách Chợ Cốc không xa với các tên tuổi được nhiều người biết đến như Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Trương Tửu v.v… Cũng phải kể tới một số gia đình các cán bộ cao cấp theo Trường Đào Duy Từ để đảm bảo việc học tập cho con cháu, như các gia đình Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, Thứ trưởng Đặng Phúc Thông…, mỗi khi các vị về thăm gia đình lại là dịp gặp gỡ, hội họp các trí thức có tên tuổi trong vùng. Trường trung học Đào Duy Từ mặc nhiên trở thành trung tâm văn hoá của cả vùng, là nơi đã tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết với các diễn giả nổi tiếng như Nguyễn Mạnh Tường, Hải Triều, Nguyễn Khánh Toàn…, kể cả Nguyễn Sơn nữa. Chính trong bối cảnh đó, Hiệu trưởng Trường trung học Đào Duy Từ là Đoàn Nồng khi đưa ra Hội đồng giáo sư bàn việc tổ chức lễ phát phần thưởng cuối năm học 1947-1948, đã có ý kiến mời Khu trưởng Nguyễn Sơn làm Chủ tịch danh dự buổi lễ, và ý kiến đó đã được Hội đồng nhất trí tán thành. Xin nói thêm rằng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, theo một truyền thống tốt đẹp, các trường trung học khi kết thúc năm học và phát phần thưởng cho học sinh trước khi về nghỉ hè, Hội đồng giáo sư có cử một giáo sư đọc một bài diễn văn với nội dung là một vấn đề văn học, lịch sử hay khoa học tự nhiên tuỳ theo chuyên môn của người được cử và bài diễn văn đó được xem như bài học cuối năm chung cho học sinh các lớp. Buổi lễ kết thúc và phát phần thưởng đó thường được đặt dưới sự chủ toạ danh dự của một vị khách quý, có thể đó là một nhân vật chính trị, một nhà khoa học, nhà văn…

Tôi lúc đó còn trẻ, lại có xe đạp riêng là một điều hiếm có trong kháng chiến ở Thanh Hoá, nên được ông Hiệu trưởng cử vào Khu bộ mời Khu trưởng. Trước khi tôi đi, ông Đoàn Nồng còn cẩn thận dặn tôi: “Anh nhớ yêu cầu ông ấy (chỉ Khu trưởng Nguyễn Sơn – Đ.X.L) phải có bài viết hẳn hoi, không được ứng khẩu!”. Tôi hiểu rằng ông Hiệu trưởng tuy rất phục tài hùng biện của Khu trưởng Nguyễn Sơn, nhưng cũng rất sợ ông ta nói ứng khẩu dễ lạc đề, không đúng với yêu cầu của nhà trường. Vào gặp Khu trưởng, tôi đã trình bày cụ thể yêu cầu và được ông sốt sắng nhận lời. Trước khi ra về, tôi nhắc ông viết bài sẵn để đọc hôm dự lễ, và ông tươi cười đồng ý.

Hôm tổ chức lễ phát phần thưởng đã tới. Chiều hôm đó Khu trưởng Nguyễn Sơn đúng hẹn đi xe đạp ra rất sớm, y phục quân nhân chỉnh tề. Buổi lễ khá đông người tham dự. Hai ông Đặng Thai Mai và Tôn Quang Phiệt đều có con học ở trường nên đã đi lên từ Thiệu Hoá là nơi các cơ quan tỉnh đóng, các văn nghệ sĩ như Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Sỹ Ngọc v.v… từ Quần Tín ra. Nhân dân Chợ Cốc lúc đó có một lớp huấn luyện cán bộ tư pháp Liên khu IV nên có rất đông học viên tới dự. Cũng có một số luật gia nổi tiếng có mặt trong buổi lễ, như các ông Hồ Đắc Điềm lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Tu luật Liên khu, ông Trần Kiêm Lý là Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu…
Với tư cách là Chủ tịch danh dự buổi lễ, Khu trưởng Nguyễn Sơn được mời ngồi vào một chiếc ghế bành đẹp đặt trên hàng đầu phòng họp. Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và diễn văn kết thúc năm học đã xong, đến lượt mời Khu trưởng Nguyễn Sơn lên phát biểu ý kiến. Mọi người từ quan khách đến học sinh đều hồi hộp chờ đợi, phần vì Khu trưởng vốn nổi tiếng hùng biện, phần lại có người lần đầu tiên được nghe ông nói chuyện. Đặc biệt khi Khu trưởng đĩnh đạc đi lên diễn đàn đặt trên bục cao, rồi khoan thai rút từ túi trên ra mấy tờ giấy đánh máy thì ông Hiệu trưởng Đoàn Nồng đưa mắt nhìn tôi mỉm cười, tỏ vẻ yên lòng. Rồi sau khi đeo kính, Khu trưởng bắt đầu đọc theo bản đánh máy.

Nhưng sao lại thế? Chỉ đọc được hơn một trang – mà đọc một cách khó khăn, chật vật, theo kiểu một người vốn xưa nay quen ứng khẩu, không lệ thuộc vào bài viết sẵn – ông Nguyễn Sơn đặt ngay tập giấy xuống bàn, tháo kính đặt chặn lên, rồi bắt đầu nói vo, tốc độ cứ nhanh dần, thao thao bất tuyệt. Và quả là “danh bất hư truyền”, khi Nguyễn Sơn đã nói thì sức thu hút đối với người nghe thật là mãnh liệt! Mọi người đều chăm chú lắng nghe. Nhưng vấn đề ông nói là những gì? Và nội dung bài nói chuyện có thích hợp với buổi họp không? Đến nay thời gian đã quá xa, đã hơn 40 năm rồi, tôi không còn nhớ cụ thể những điều ông Nguyễn Sơn đã nói trong buổi lễ phát phần thưởng của Trường trung học Đào Duy Từ mùa hè năm đó. Tôi chỉ còn nhớ mấy ý chính sau đây: Đó là thầy giáo và học trò không phân biệt nhau, trò học thầy đã đành, nhưng thầy cũng học trò. Chính trong quá trình dạy học, thầy giáo đã học hỏi được nhiều ở học sinh của mình. Học hỏi lẫn nhau trên lớp và ngay cả trong giờ chơi. Thầy và trò phải thân ái, gắn bó với nhau, không được cách biệt nhau. Không có trò kém, trò xấu, trò nào cũng tiến bộ được. Tiếp đó, ông nhấn mạnh rằng học trong nhà trường là quan trọng, nhưng chỉ mới là một phần, mà quan trọng hơn là học ở ngoài đời, ở ngoài xã hội. Để minh hoạ ý này, ông tự liên hệ nói rằng thuở nhỏ đi học ở Hà Nội, ông thường trốn buổi học chiều – trước Cách mạng học sinh học ngày hai buổi, rồi vào Vườn Bách thú (và Bách thảo) gần Phủ toàn quyền Pháp (nay là Dinh Chủ tịch nước) để cùng với bạn bè vừa ngắm các chú hổ trong chuồng thú vừa xỉa răng sau buổi cơm trưa, nên mới có hiệu “xỉa răng cọp”. Rồi sau đó bỏ nhà đi hoạt động cách mạng, thế mà bây giờ đã trở thành Khu trưởng.

Câu chuyện của ông Nguyễn Sơn vừa hùng hồn, vừa thân mật, được điểm xuyết bởi những câu chuyện thực sống động làm cho học sinh rất thích thú. Hàng tràng vỗ tay ran lên khẳng định sự hưởng ứng nhiệt liệt của họ. Còn các quan khách thì cũng không khỏi có phần bất ngờ trước các ý kiến “táo bạo” của Khu trưởng. Riêng về phần nhà trường thì từ Hiệu trưởng đến các thầy cô giáo đều có phần lo ngại, không hiểu câu chuyện rồi sẽ đi đến đâu?

Công bằng mà nói thì những ý kiến Khu trưởng Nguyễn Sơn phát biểu hôm đó chính là những tư tưởng lớn về một nền giáo dục mới. Nhưng hồi đó, trong những năm đầu Cách mạng thành công và kháng chiến, các thầy cô giáo chúng tôi hầu hết từ nhà trường cũ ra nên đều còn chịu ảnh hưởng cũ, như tính trung lập của trường học, quan hệ thầy trò theo lối phong kiến…, vì vậy không khỏi có phần “phản ứng” trước những ý kiến của Khu trưởng. Phải tới “Cải cách giáo dục” hè năm 1950, sau khi dự những lớp “Rèn cán chỉnh cơ” của ngành giáo dục, rồi học tập trong dịp hè về “Một nền giáo dục mới” thì chúng tôi mới có điều kiện nhận thấy rằng những ý kiến của Khu trưởng Nguyễn Sơn hồi đó là đúng, chỉ có điều là phát biểu hơi sớm, trước một đối tượng chưa được chuẩn bị tốt và trong một bối cảnh chưa thực sự thích hợp.

Khu trưởng Nguyễn Sơn càng nói càng hăng, tưởng chừng không thể nào dứt. Nhưng rồi chính ông cũng nhận thấy sự nôn nóng của ban tổ chức buổi lễ, ông xem đồng hồ rồi kết thúc bài nói chuyện để dành thời gian cho lễ trao phần thưởng. Buổi lễ kết thúc tốt đẹp. Quan khách và học sinh ra về vui vẻ, ông Nguyễn Sơn cũng có phần hỉ hả. Riêng đối với tôi thì bài nói chuyện hôm đó là bài học nhập môn về nghề sư phạm cao quý mà tôi theo đuổi cho tới ngày nay. Kỷ niệm sâu sắc của tôi về Khu trưởng Nguyễn Sơn, một võ tướng đối với một người làm công tác giáo dục là như vậy đó.
Tháng 10-1993


Chuyên mục