Đăng bởi: Ngô Minh | 17.09.2013

“QUỐC HỌC HUẾ XƯA &NAY” BỘ SÁCH LỚN VỀ NGÔI TRƯỜNG VĨ ĐẠI

QUỐC HỌC HUẾ XƯA &NAY,
BỘ SÁCH LỚN VỀ NGÔI TRƯỜNG VĨ ĐẠI
Ngô Minh
Tôi rất bất ngờ khi nhận được bộ sách quý “Quốc học Huế xưa & nay” do nhà văn Trần Phương Trà từ Hà Nội gửi tặng. Bộ sách 2 tập do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành dày tới 1612 trang có 24 trang ảnh màu,nặng gần 2,5 kg. Sách do nhóm Trần Phương Trà (chủ biên) cùng với Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Xuân Hoa, Phạm Khắc Lãm, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục thực hiện. Các anh là cựu học sinh Quốc học và đều là những người nổi tiếng. Các anh phải làm việc cật lực trong nhiều năm ròng. Sở dĩ tôi được tặng sách vì tôi có bài “ Khi quan được dân thờ” viết về anh hùng Phan Thế Phương, học sinh Quốc Học, nguyên giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên Huế, in ở trang 1162. Tôi đặt đề bài viết là “Quốc học Huế xưa & nay- cuốn sách về một ngôi trường vĩ đại” vì ngôi trường này đã sản sinh ra nhiều thế hệ học trò nổi tiếng trong lịch sử đất nước mà không có bất cứ ngôi trường nào ở nước ta sánh được.

Đặc biệt nhất là cựu học sinh Quốc Học sau này có những người trở thành lãnh tụ, tướng lĩnh, trong đó có những người mà hoạt động của họ đã làm thay đổi diện mạo lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới . Nổi bật nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh ( Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong 10 vị tướng thiên tài của nhân loại trong mọi thời đại. Bên cạnh đó có hàng ngàn giáo chức, cựu học sinh Quốc Học sau này trở thành những chính khách, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những trí thức văn nghệ sĩ tiếng tăm lẫy lừng ở khắp nơi trong và ngoài nước. Tôi xin không nhắc nghề nghiệp và chức vụ của họ, chỉ kể tên thôi là ai cũng biết. Thế hệ đầu tiên như Trần Phú, Bùi Công Trừng, Hà HuyTập,Nguyễn Chí Diểu, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Vĩnh Mai, Lê Chưởng, Hồng Chương,Trịnh XuânAn,Trần Quỳnh…các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, TônThất Đào, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, Đặng Thai Mai,Tạ Quang Bửu, Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư, Bích Khê,Thúc Tề, Nguyễn Đình Thư, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy,Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Hữu Ba, Lê Đình Thám, Nguyễn Hữu Đính, Đào Duy Anh, Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Khắc Viện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Hải Triều,Nguyễn Xuân Sanh, Lê Văn Miến, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Trí Viễn, Hoàng Tuệ, Lưu Trọng Lư, Phan Khắc Lãm, Thảo am Nguyễn Khoa Vỹ, Bình Thúc Dạ Thị, Nam Trân, Lê Trí Viễn, Nguyễn Văn Thương, Phạm Hầu, Phạm Khắc Hòe, Phan Văn Dật, v.v.. Thế hệ tiếp theo như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Trần Hoàn, ,Hoàng Thị Châu, Hoàng Tụy,Võ Quý, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Thi Thơ,Lê Mộng Nguyên, Lê Đình Phi, Gia Ninh, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Quang Vịnh, Thân Trọng Ninh, Trần Kiêm Đoàn, Cao Huy Thuần, Bùi Minh Đức, Hoàng Nguyên Nhuận,Võ Quang Yến, Lê Đình Cát,Trần Thanh Vân, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phạm Quỵ, Nguyễn Hưu Hanh,Võ Sum, Thái Kim Lan, Vĩnh Quyền, Vĩnh Phối, Võ Quê, Phân Thuận An, Nguyễn Xuân Thâm, Bửu Chỉ, Mai Văn Hoan, Lê Ngã Lễ, Bửu Nam (Trần Hoàng Phố), Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Phương Trà, Trần Hữu Lục, Nguyễn Xuân Hoa.v.v…Thế hệ sau năm 1975 với Phạm Nguyên Tường, Nguyễn Thiền Nghi, Ngô Cang.v.v.. Sau nữa là Lê Bá Khánh Trình, Hoàng Ngọc Chiến, những tài năng toán học quốc tế. Không thể kể hết được. Tất cả họ đã góp công lớn trong việc tạo dựng nên lịch sử, tư tưởng, tri thức và nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Đúng là một ngôi trường vỹ đại.

Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc 850 bức chân dung thầy, trò trường Quốc Học Huế qua nhiều thế hệ (gồm vài nét tiểu sử, ảnh, những bài viết về họ, những sáng tác thơ ,văn, họa, nhạc…tiêu biểu của mỗi người), cũng chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ so với tổng số cựu giáo viên và học sinh Quốc Học suốt 117 năm qua. Mới đây nhất là hình ảnh các em Đinh Anh Minh, học sinh Quốc Học Huế, huy chương vàng Quốc tế về môn vật lý tại Croatia 2010, em Hồ Ngọc Hân, giải nhất Đường lên đỉnh Olympia VTV năm thứ 9 ( 2009). Hay em Nguyễn Ngô Bảo Ngọc, sinh năm 1995, lớp 12 chuyên Anh Quốc Học có tổng số điểm 6 môn cao nhất tỉnh và toàn quốc ( 59 điểm : 5 điểm 10, 1 điểm 9) trong kỳ thi tốt nghiệp TPTT khóa 2012-2013. Tất nhiên trong trí nhớ của tôi, có những cựu học sinh Quốc học Huế rất nổi tiếng những chưa có tên trong sách như nhà thơ Hà Nhật ( Lương Duy Cán), nhà thơ Trần Vàng Sao ( Nguyễn Đính),…Tôi hỏi anh Trần Phương Trà, chủ biên, được biết, có người không liên lạc được, cũng có người có thư mời nhưng không có hồi âm.

Đọc 1612 trang sách ta biết được nhiều điều rất thú vị về lịch sử 117 năm hình thành và phát triển trường Quốc Học Huế. Quốc Học Huế cùng với trường Lê Quý Đôn (Sài Gòn) và trường Chu Văn An (Hà Nội) là 3 ngôi trường trung học phổ thông sớm nhất và lớn nhất nước ta lúc bấy giờ. Trường do vua Thành Thái ban dụ thành lập ngày 23-10-1896 và toàn quyền Đông Dương A.Rousseau ký nghị định phê chuẩn ngày 18-11-1986. Sách còn cho biết ngoài tên Quốc Học ban đầu và cho tới ngày nay, một số thời gian trường còn mang tên Trường Khải Định ( từ niên khóa 1936-1937 đến niên khóa 1954- 1955), Trường Ngô Đình Diệm ( từ 1955 đến 12- 1956) . Điều ngạc nhiên đối với tôi là Trường Quốc học ( trường Khải Định) có thời gian di dời ra Hà Tĩnh, Nghệ An. Đó là lúc chiến tranh Việt –Pháp xẩy ra 19-12-1946, một phần giáo sư, học sinh trường Khải Định di tản ra Hà Tĩnh. Lúc này trường Khải Định chia làm hai trường : Trung học Đệ nhất cấp học ở Hương Khê (Hà Tĩnh) .Trung học Đệ nghị cấp mang tên Trường chuyên khoa Khải Định, niên khóa 1947-1948 ở Châu Phong, Đức Thọ. Các trường này sau đó nhập với trường Trung học Nguyễn Công Trứ ( Nghệ An), Trường Cấp 1 Bạch Ngọc ( Anh Sơn) thành trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thức Kháng. Ngày 12-6-1947, bộ phận Trường Khải Định mới hồi cư về Huế khai giảng lại. Đến năm 1956, trường mới mang lại tên ban đầu là Trường Quốc Học Huế.

Từ ngày thành lập cho đến nay (1896- 2013) , Quốc Học Huế đã trải qua 39 đời hiệu trưởng. Đầu tiên là ông Ngô Đình Khả ( 1896-1902), tiếp theo là 21 vị người Pháp làm hiệu trưởng từ khi mới thành lập cho đến năm 1945. Sau đó là 17 vị hiệu trường người Việt. Từ năm 1975 đến nay có 5 vị hiệu trường. Bộ sách Quốc Học Huế xưa & nay rất tôn trọng lịch sử của trường, nên tên các vị mà trường từng mang tên như ông Ngô Đình Diệm, hay từng là hiệu trưởng trường như ông Ngô Đình Khả, từng là giáo viên của trường như ông Ngô Đình Nhu, hay một số cự học sinh là sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ đều được tôn trọng và được đưa rất chi tiết như các cựu giáo viên hay học trò có vị trí lịch sử khác.

Một điều thú vị là từ trước đến nay, Quốc học Huế luôn nằm cạnh trường Đồng Khánh, nên thầy trò hay gọi đùa là “Trường Anh” ( Quốc học-Khải Định) – “Trường Em” ( Đồng Khánh). Hai ngôi trường đó luôn duyên nợ với nhau. Hàng trăm cặp đôi Trường Anh kết duyên với Trường Em được nhóm biên soạn sách giới thiệu ảnh cả hai vợ chồng, có khi cả con của họ. Đó là những kỷ niệm rất đặc trưng Huế mà chỉ có Quốc Học Huế mới có. Xin nêu vài cặp vợ chồng nổi tiếng : Đào Duy Anh – Trần Thị Như Mân ; Hà Huy Tập- Nguyễn Thị Giáo; Nguyễn Hữu Đính- Tôn Nữ Thị Anh ; Đặng Văn Ngữ- Tôn Nữ Thị Cung; Võ Nguyễn Giáp- Nguyễn Thị Minh Thái ( vợ đầu, đã hy sinh); Lưu Trọng Lư- Tôn Nữ Lệ Minh; Phùng Văn Nguyện – Công Tằng Tôn Nữ Thị Tứ ( song thân của nhà văn Phùng Quán); Nguyễn Xuân Sanh- Nguyễn Thị Cẩm Thạnh ; Nguyễn Thúc Hào- Lê Thị Vân Dung; Nguyễn Đình Tứ – Nguyễn Thu Nhạn; Tố Hữu- Vũ Thị Thanh, Bửu Chỉ- Trần Thị Tường Vy.v.v..Lịch sử hai ngôi trường nổi tiếng ở Huế gắn liền với lịch sử hàng trăm gia đình vợ chồng, con, cháu là một điều hiếm thấy.

Từ những điều tóm lược trên, tôi nghĩ rằng bộ sách Quốc Học Huế xưa&nay không chỉ là lịch sử một ngôi trường, mà còn là lịch sử dân tộc,lịch sử cách mạng, lịch sử một vùng văn hóa, là tài liệu nghiên cứu, tham khảo rất tốt cho giảng dạy và học tập. Rất cám ơn nhóm biên soạn đã cho tôi có điều kiện để đọc cuốn sách về một ngôi trường vĩ đại.


Chuyên mục