Đăng bởi: Ngô Minh | 20.04.2014

TRÊN LỄ ĐÀI ĐÊM KHAI MẠC FESTIVAL CÓ MỘT “NGƯỜI LÍNH GIÀ HUYỀN THOẠI!

CHUYỆN BÊN LỀ FESTIVALHUẾ 2014 :

 

         TRÊN LỄ ĐÀI ĐÊM KHAI MẠC FESTIVAL

      CÓ MỘT “NGƯỜI LÍNH GIÀ HUYỀN THOẠI!  

      

                                                                       Ngô Minh

 

           Tôi muốn nói đến “cụ lính” Đặng Văn Việt. Gọi là cụ năm nay ông đã 95 tuổi. Hôm 12/4, vừa bay vào Huế ông đã nhờ Ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế mời bạn bè đến gặp gỡ. Tôi cũng được mời vì tôi quen thân với anh Phan Tân Hội, con cụ Phan Anh, hiệu trưởng Trường Thanh niên tiền tuyến thời ấy. Thế là lần đầu tiên tôi được bắt tay, trò chuyện với người lính lừng danh thời chống Pháp, như là bắt tay, trò chuyện với nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt. 95 rồi mà tay ông rắn chắc. Từ Hà Nội vào ông mang theo 3 thùng sách nặng để tặng bạn bè. Ông bảo ông được UBND Thừa Thiên Huế mời dự lễ khai mạc Festival Huế 2014. Ông mừng lắm vì có mời mới được bao vé, bao ăn ở. Chứ ông rút hết cái sổ tiết kiệm của mình không đủ một chuyến vào Huế. Được vào Huế dự Festival ông coi như “về nhà”. Ông bảo:” ngồi xem lễ khai mạc mình sẽ ngắm lại Cột cờ Phu Văn Lâu, nơi mình đã ra lệnh cho lính triều đình treo là cờ đỏ sao vàng lên 69 năm trước”. 3 tuổi ông đã theo gia đình ở Huế. Lớn lên học trường Quốc học Huế. Đậu tú tài , ra Hà Nội học y khoa Đông Dương. Đang học năm thứ 3 y khoa thì Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, lại vô Huế theo Việt Minh kháng chiến…

 

Gia đình ông là danh gia vọng tộc. Ông nội là Đình nguyên  Hoàng giáp  Đặng Văn Thụy  (khoa Giáp Thìn – 1904), từng làm Tế tửu  Quốc tử Giám . Bà nội là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ  Cao Xuân Dục . Cha ông là Phó bảng  Đặng Văn Hướng  (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình  triều đình Nguyễn , Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim . Từ năm 1947, theo lời mời của Cụ Hồ , ông Hướng làm Quốc vụ khanh  đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ – Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh . Ngày 17 tháng 8  năm 1945 , ông cùng người bạn học Cao Pha  được giao nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh lên cột cờ Phu Văn Lâu . Hai ngưởi cuốn lá cờ to bằng gian nhà trên hai chiệc xe đạp hiên ngang đẩy ra cột cờ Phu Văn Lâu, bắt bọn cận vệ triều đình tháo cờ Tam Tài xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Lúc đó ông không hề hay biết là 120 lính khố vàng đã nằm rạp dọc thành cửa Ngọ Môn, chỉa súng vào 2 người, sẵn sàng nổ súng . May mà ông Lãnh binh Đội cận vệ Hoàng gia xin ý kiến của Hoàng Đế. Bảo Đại thét lên :” Chớ, chớ ! Việt Minh đấy. Các người mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó !”. Ông là anh lính giải phóng quân “số 1” ở Huế. Số 1 vì lúc đó ( 8-1945) chỉ có một trung đội mà ông là trung đội trưởng.. Cuộc đời chinh chiến của ông ở Huế, đường 9, đường 7 ở Lào, đường số 4 , đặc biệt là trận phục kích trên đèo Bông Lau  từ năm 1947, tiêu diệt hơn 100 xe giới quân sự Pháp. Năm 1950, ông chỉ huy trung đoàn 174, phối hợp với trung đoàn 209, đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, mở đầu Chiến dịch Biên giới thu đông 1950 , sau đó bao vây cô lập Cao Bằng .v.v.. Cuoocjd dời binh nghiệp của ông đã từng chỉ huy bộ đội .đánh 116 trận thì thắng 100 trận. Ông là Trung đoàn trưởng một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Minh. Khi Trung đoàn 174 chủ lựcđược thành lập ngày tháng 8  năm 1949 , ông được cử làm Trung đoàn trưởng đầu tiên và Chu Huy Mân  làm chính ủy đầu tiên với những trận đánh khét tiếng dọc đường 4 Cao-Bắc- Lạng. Nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng xưng tụng ông là “Đệ tứ lộ Đại vương“,”Anh hùng đường 4”.Còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như “Hùm xám đường số 4” “tiểu tướng Napoléon”, “Đặng Siêu Việt”…

           Ông lừng danh huyền thoại như thế nhưng cuộc đời ông có nhiều điều kỳ lạ. Điều kỳ lạ thứ nhất là từ năm 1947 ông đã là Trung đoàn trưởng , tương tương hàm trung tá. Cho đến năm 1960, tức 13 năm sau, khi chuyển ngành ông vẫn chỉ là trung tá. Câu chuyện này liên quan đến ông bố là cụ Đặng Văn Hướng, khi đang giữ Quốc vụ khanh  đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ – Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh , năm 1953, bị Đội CCRĐ quy sai là địa chủ, mà đến sửa sai chẳng ai sửa. Cái lý lịch ấy ảnh hưởng đến sự tiến thân của ông. Nhiều người cán bộ cấp dưới ông đã lên tướng từ lâu, ông vẫn là trung tá. Nhưng ông vẫn không nản chí. Cái lạ kỳ thứ hai là ông “đánh giặc như thần”, được dân phong là “Anh hùng đường số 4”. Nhưng đến nay ông vẫn không được tuyên dương anh hùng. Đã có đến 7 là thư gửi đến ĐẢng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đề nghị phong anh hùng cho chiến binh Đăng Văn Việt, trong ssos có thư của Ban liên lạc Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, của Hội Sử học Việt Nam… Đặc biệt trong thư đề nghị phong anh hùng LLVT cho thủ trướng cũ của mình, đại tá, anh hùng La Văn Cầu viết rất xác đáng :” Đáng ra việc này đã được giải quyết trên 60 năm qua, nhưng vì bị vướng lề lý lịch, nay việc lý lịch đã được xác minh lại ( văn bản của Bộ Nội vụ 03/01/2012), việc xem xét khen thưởng cho một vị chỉ huy tài ba là một việc bình thường, hợp với lòng dân. Nếu tôi được phong Anh hugnf một lần, thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần ( 5-10 lần).”Có lẽ do ông không có “râu hùm hàm ém mày ngài”, hay như nhận xét một nhà văn biết xem tướng số mà ông ghi lại trong cuốn hồi ức Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời:”Ông không có đôi lông mày rậm đen, thiếu cái cằm vuông chữ điền, nên không có tướng làm tướng”.Tôi hỏi :” Không được anh hùng, bác có buồn không ?”. Ông cười ha hả:” Anh hùng dân phong sang lắm rồi !”. Trong cacvidit của ông ghi:” Đặng Văn Việt – Người lính già- Anh hùng dân phong”. Những chuyện thăng trầm ấy là chuyện quá khứ một thời.

        Cái kỳ lạ nhất là năm năm 1985, nghỉ hưu, ông bắt đầu nghiệp viết sách, dịch sách. Ông bảo :” Trẻ đánh giặc, già kể chuyện”. Ông đọc thông viết thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anhvà đọc được cả 2 cổ ngữ là chữ Latin  và ổ. Ông lại là con nhà nòi, được học hành tử tế, Ông mở cái túi ra lấy tặng anh em cuốn hồi ký : Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời”. Cuốn sách dày 600 trang, bìa cứng rất đẹp. Đây là cuốn sách ông tự bỏ vốn ra in, nên anh em ai cũng góp tiền để ông trả tiền in sách. Ông cho biết đây là cuốn sách thứ 15 của ông. Ông viết sách có chất lượng hẳn hoi. 3 cuốn đã được giải thưởng. Do từng là một trong những sĩ quan cao cấp thời kỳ đầu và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông đã viết và dịch nhiều hồi ký liên quan đến con đường lịch sử này. Đặc biệt, với hồi ký “Đường số 4 rực lửa”, ông đã được tặng giải nhất, giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng  Võ Nguyên Giáp  đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái  viết lời giới thiệu. Một số tác phẩm của mình được ông dịch qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu ra quốc tế. Xin kể một vài tên sách của ông . Một phác thảo lịch sử quân sự. Chủ biên: Đặng Văn Việt (chưa xuất bản). Tóm tắt và đối chiếu lịch sử quân sự Việt Nam với lịch sử quân sự thế giới: Từ cổ đại tới hiện đại(NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1998).Con đường tử địa (La Route Morte). Tác giả: Charles Henry de Pirey, dịch giả: Đặng Văn Việt.Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương (L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine). Tác giả: Pierre Quatreponit, dịch giả: Đặng Văn Việt.Người lính già Đặng Văn Việt – chiến sĩ đường số 4 anh hùng (Hồi ức) (tác giả: Đặng Văn Việt, NXB Trẻ. 2003. Đường số 4 rực lửa (tác giả: Đặng Văn Việt), NXB Giáo dục, 1985.Những trận đánh của tôi, NXB Hà Nội, 2009.v.v.. Không có một người lính già nào đến tuổi 95 vẫn còn viết sách, xuất bản sách !

         Riêng tư của ông cũng rất lạ. Năm 1946, đang dạy Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, ông yêu một cô gái nữ sinh Đồng Khánh tên là Lan Huệ . Hai gia đình các cụ tổ chức đám cưới cho hai người. Vừa mới cưới thì có điện gọi anh ra Hà Nội gấp, vậy là chú rể trở lại đơn vị mà không kịp có đêm tân hôn với nàng dâu xinh đẹp tuổi mới 20 . Mấy ngày sau ,Lan Huê xin phép bố mẹ chồng về thăm bố mẹ đẻ ở Huế và không trở lại nữa. Có lẽ vì cô gái ấy sợ lấy chồng lính sẽ xa chồng, cô đơn suốt đời. Ngay một đêm tân hôn cũng không có.

       Trong cuốn Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời, ông tự bộc bạch về mình ở tuổi U100 :” …tôi hai cánh tay dài đến đầu gối với đôi bàn tay dùi đục rắn chắc, Đẹp nhất và là cái mà tôi thích nhất là cặp chân thép của một cầu thủ bóng đá đội tuyển ( UC/Clup), một cua rơ xe đạp nổi tiếng, một vận động viên quần vợt nhiều năm liền đạt giải nhất, nhì. Nếu đóng bộ quần soọc vào, ai cũng phải tấm tắc. Cắp giò của lão chiến binh trông vẫn còn “ngon”, da thịt phẳng phiu không nhăn nheo đồi mồi như các cố”. Ông thường thức viết đến 10 giờ đêm và 4 giờ sáng đã dậy. Ông kể, năm ngoài ông đi đo huyết áp : 120/70; Nhịp tim : 68/phút, đường máu, 5,2; siêu âm: Lục phủ ngủ tạng như mới. Ông bảo:” Mình vẫn ra sân quần vợt 2 lần một tuần, khiêu vũ ngoài trời 2 giờ mỗi buổi sáng, Vẫn vi vu trên chiếc DD/nữ hoàng” .Anh Phan Tân Hội mở máy ảnh , khoe với tôi cảnh ông Đặng Văn Việt đang nhảy với một người đẹp U50 cách đây mới 20 ngày ở Hà Nội, Ôi, một người lính giá chinh chiến khắp nơi, nay đến tuổi 95 vẫn trai tráng thế, thật lạ kỳ và thật tuyệt vời!

         Có lần ông nghĩ, không biết đến bao giờ mình mới thoát khỏi cái cõi trần tục này để lên Thiên đường. Nhưng rồi ông lại nghĩ :” Phải rồi, thiên đường là đây, nơi tôi đang sống và làm việc quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên những thèm khát phù phiếm, sống vui, sống có ích trong tình bạn, tình người…”. Vâng, cuộc sống đẹp luôn là thiên đường người lính già Đặng Văn Việt ạ.


Chuyên mục