Đăng bởi: Ngô Minh | 21.06.2012

HẢI KỲ, NHỊP TIM ÁNH NHỮNG ĐIỆU BUỒN

alt
TS Nguyễn Thị Nga

THƠ HẢI KỲ – NHỊP TIM ÁNH NHỮNG ĐIỆU BUỒN

            (Nhân đọc Hải Kỳ tuyển tập)

                                                             TS. Nguyễn Thị Nga  

                                                                         Trường Đại học Quảng Bình

              Một tác phẩm văn học ra đời là cả một quá trình thai nghén, ấp ủ, nuôi dưỡng, nâng niu trong tiềm thức của chủ thể sáng tạo. Dù có cố tình vượt thoát khỏi cái tôi trữ tình, tìm đến một phương trời lạ để mượn một tiếng nói khác thì trong tác phẩm cũng không thể xóa nhòa bóng hình, tình yêu, nỗi buồn, tính khí, cách nhìn nhận, cách cảm thụ, phương thức tư duy, năng lực trí tuệ,  … của chủ thể sáng tạo thẩm mỹ. Đặc biệt trong thơ trữ tình, nguyên lý tự biểu hiện là một trong những đặc điểm quan trọng nhất, vì thế chủ thể nghệ thuật luôn hiện diện trong tác phẩm để trở thành một hình tượng tác giả như một nhân vật văn học đặc thù. Dẫn lời V.Kataev, M.B.Khravchenko khẳng định “Nhà văn trong khi xây dựng những hình tượng nhân vật của mình, tự mình lần lượt hoá thân thành từng nhân vật một. Trong sự hoá thân ấy, cái được nhận thức và cái được thể nghiệm đã kết thành một hợp chất hữu cơ” [2; 242]. Trong quá trình sáng tạo, tác giả không thể hiện tư tưởng xã hội thẩm mỹ, tư tưởng của mình trực tiếp dưới dạng thuần túy quan niệm, mà thông qua hình tượng, thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Tiếp xúc với văn bản tác phẩm, người tiếp nhận chỉ có thể nghe thấy lời nói của hình tượng nghệ thuật mà tác giả sáng tạo ra để biểu hiện, truyền tải tư tưởng, quan niệm xã hội thẩm mỹ. Chỉ thông qua những hình tượng nghệ thuật ấy, tác giả tiểu sử mới tồn tại trong tác phẩm như một nhân cách, một tài năng văn học. Ở một góc nhìn riêng về chủ thể thẩm mỹ, bài viết muốn tập trung làm nổi rõ những điệu buồn được nhà thơ Hải Kỳ hình tượng hóa qua hành trình sáng tạo và tập trung biểu hiện rõ nét trên thi phẩm. Anh từng tự bạch lòng mình trong thơ:

Những dòng đây máu thịt của mình

Như sự sống chẳng bao giờ hiểu hết

Thơ ra đời không mượn giấy khai sinh

          Đọc thơ Hải Kỳ, ta gặp cuộc sống, con người tác giả tiểu sử hiện diện rõ nét trong từng chi tiết nghệ thuật. Tác giả đã chạm vào trái tim mình để ánh lên những sắc màu kỳ diệu trong thơ. Những nỗi buồn đau cuộc đời đã theo anh suốt dọc hành trình thơ. Anh thành thực thú nhận:

Bao âm điệu buồn vui đời thực

                             Tất cả vào tôi và hóa thành thơ

                                                (Chuyện tình)

Giữa cuộc đời nhà thơ với cái tôi trữ tình trong sáng tác của Hải Kỳ luôn có sự thống nhất đặc biệt. Bạn đọc tiếp nhận hình tượng thơ để rồi hình dung rõ gương mặt, dáng hình, tâm trạng, gia cảnh nhà thơ. Hải Kỳ đem điệu buồn ở đời thực nhập cuộc cùng thơ. Trong thi phẩm của Hải Kỳ có một cái tôi trữ tình thấm đẫm nỗi buồn đau xa xót về thân phận. Một thân phận cay đắng, đầy nghiệt ngã, đơn côi trước giông bão cuộc đời:

                                         Cha tôi đi biệt từ lâu

                                      Tôi còn bé, mẹ khấn cầu đất đai

Có phải hoàn cảnh ấy, thân phận ấy, những bụi trần của tác giả tiểu sử ấy cộng với vốn tài năng văn chương bẩm sinh là nguồn cội, là cơ duyên góp cho mầm thơ nảy nở? Tuổi thơ anh thiếu hồn nhiên mà thừa mặc cảm số phận. Mới chín tuổi đầu anh đã “linh cảm qua một vài lời cạnh khóe” của người đời và cảm thấu được “tiếng thở dài của mẹ”. Dù là một cậu bé từng tham gia thi học sinh giỏi Văn miền Bắc, anh cũng khó lòng bước chân vào cổng trường Đại học vì dòng lý lịch “cha đi miền Nam” của một thời quan niệm. Anh đem tâm trạng ấy, nỗi lòng kia đặt vào trang thơ hằn in những lời da diết như nức nở, như thổn thức, như neo, như khảm vào lòng bạn đọc. Giọng trầm buồn là giọng chủ đạo xuyên suốt trong các tập thơ anh. Có những tên đề tác giả trực diện đưa chữ “buồn” làm tiêu điểm để khái quát tâm trạng. Anh cảm được “Nỗi buồn mùa hạ”, thấu được “Nỗi buồn của biển”, lắng được “Nỗi buồn mùa thu”, xa xót khi nhận “Tin buồn”, nghe “Tuổi đá buồn” trong từng “câu hát em”, đểRơi đầy kỷ niệm tan vào trong anh” (Buồn vương). Lại có vô số tiêu đề khác ở phần ngoại diên không hề nhắc đến chữ buồn nào mà trong nội hàm đặc quánh nỗi buồn. Anh tâm sự: “Ấy thế mà sao nỗi buồn lạ tiếp nỗi buồn hơn nữa” (Cách xa). Ta nghe giọng thơ trầm ngâm tuôn chảy trong từng dòng, từng chữ chứa chất tâm trạng tác giả. Đó là nỗi buồn đau âm ỉ, không thể nói nên lời mà nên hình, thành khối trong máu trong tim.

Anh buồn, em chẳng biết

Cứ tưởng là anh vui

Hay đâu lòng đã chết

Còn ánh trăng mồ côi

                                         (Lặng im)

Dù cố tỏ rõ bản lĩnh cứng cõi, cố che dấu nỗi buồn dưới nụ cười tươi, gắng nuốt cơn đau vào sâu trong lặng câm nhưng ngòi bút anh tự trải lòng cùng thơ, tự bật lên một ánh trăng mồ côi đơn chiếc.

Trước cuộc đời dông bão, với thiên nhiên, vũ trụ, cây cỏ anh luôn mang nỗi buồn đau. Hãy nghe thi nhân thổ lộ lòng mình với mùa thu:

                             Mây trôi vô định xa vời vợi

Như mảnh lòng tôi chẳng ngọt ngào

Ôi, hỡi mùa thu ngọn gió ơi!

Cứ se se lạnh cả hồn tôi

Hàng cây trước ngõ buồn trong gió

Lá rơi… rơi lá… lá vàng rơi… 

                             (Nỗi buồn mùa thu)

Lặp lại chữ “lá” cùng động tác “rơi” đổi chỗ cho nhau và các dấu chấm lửng như một điệp khúc buồn dằng dặc, cô đặc khảm vào nỗi lòng nhà thơ.

Mùa thu buồn lắm thu ơi

Cây chơ vơ đứng giữa trời quạnh hiu

Lạnh lùng sương gió cô liêu

Với bao lá rụng tiêu điều dưới chân

                             (Cô liêu)

Với mùa hạ, thơ anh lắng lại nỗi buồn thương cũng không kém phần da diết.

Lòng anh buồn thương mùa hạ xa xăm

Nồng cháy thế và mùa thu dịu thế

Phong lan nở, cánh tròn như giọt lệ

Treo từng chùm trong nắng mỏng manh

                             (Mùa thu, phong lan)

Trước nhân tình thế thái, anh cởi lòng, ru hồn mình cùng ảo vọng, đem nỗi buồn trải với biển quê hương:

Anh lại buồn với ảo vọng xa xôi

Em phương ấy anh phương này vòi vọi

Chao! Giây phút gần nhau sao chẳng nói

Để lúc xa nhớ vô hạn vô hồi

                                                   (Biển nhớ)

Trong anh luôn có nỗi đau đời, một nỗi buồn nén sâu vào lặng lẽ: Những gì không nói được/Đành câm lặng không lời/Những gì không khóc được/Đành giấu trong nụ cười (Lặng im). Khi nỗi đau cần nói mà không được thổ lộ, không được xẻ chia thì:

Để vết thương càng sâu

Để lòng đau muối xát

Để xích xiềng trói chặt

… Bỗng hóa thành bụi đất

Bỗng hóa thành nước mắt

Bỗng hóa thành hư vô… 

          (Giá anh đừng gặp em)

Điểm nhìn nghệ thuật trong thơ Hải Kỳ luôn gắn với một điểm tựa nhân sinh để anh giãi bày tâm trạng. Anh phả lòng vào mọi cảnh đời, mọi con người và đau đớn xót xa, thổn thức dù chỉ một dòng tin ngắn ngủi. Thơ trào ra từ những dòng chảy như thế để bạn đọc đón nhận trái tim anh:

Cứ hai giây một trẻ nhỏ còn đâu

Chỉ một phút hơn ba mươi cháu mất

Vì ốm đau, khổ nghèo, đói rách

Vì Sự-thờ-ơ-người-lớn đi qua 

                             (Hai giây)

Sự thờ ơ của người lớn trước những đói rách, bệnh tật của trẻ thơ đã làm anh buồn. Giọng buồn của thơ anh cứ trầm xuống lắng lại, rồi có khi vang lên thảng thốt để đối lập những nghịch cảnh tưởng như phi lý ở cõi đời này:

Ôi cái hành tinh chật chội thủ đô to

Dày phấn sáp, mỏng áo quần đúng mốt

Bom đạn như non, của tiền như nước

Mỗi trẻ nhỏ chết nghèo trong nháy mắt hai giây

                      (Hai giây)

Mắc bệnh nan y, vào bệnh viện, thấy cảnh ông cháu ốm đau, đói rách anh cảm thương mang tiền đến biếu bằng những lời thơ thương xót khẩn cầu tha thiết, dù biết rằng mình cũng chẳng đủ thuốc thang:

Tôi xin ông cầm đỡ

Vài đồng bạc trưa nay

Ăn lấy chút cháo phở…

Ông ngập ngừng run tay

                                         (Trưa bệnh viện)

Trong trái tim nhân hậu ấy luôn đập nhịp với cuộc đời và buông sợi cô đơn dù đang tíu tít  giữa bạn bè tứ phía:

Đông đủ hết bạn bè thân thuộc

Tôi cô đơn như cỏ rối lấp vùi 

Rồi lại mọc buồn đau dai dẳng

Chẳng bao giờ chịu chết lật nhào lên

                             (Không đề 2)

Cảm giác buồn đau luôn đeo đuổi cho dù nhà thơ đã cố nén chặt để rồi bật ra tiếng “khóc và say/ Đã uống đến kiệt cùng cỏ đắng/Đến kiệt cùng day dứt cỏ may”.

Có thể nói dằng dặc trong thơ anh là tiếng thở than của nỗi buồn đau mất mẹ. Trong thơ anh có người mẹ mẫu mực, hiền dịu, phúc hậu, khuôn mặt trái xoan với đôi mắt đầy ngấn nước: “Mẹ tôi hiền chẳng nói chi/Ôm tôi lo lắng thường khi người buồn”. Người mẹ ấy thương con vô bờ, chắt chiu, vượt qua mọi xoi mói, đàm tiếu của người đời để nuôi con khôn lớn đã bị bom Mỹ cướp đi khi tóc còn quá xanh. Trong những câu thơ anh viết về tình mẫu tử, mẹ hiện lên thật dịu dàng, trìu mến, đoan trang: “Mẹ ru tôi canh chầy không ngủ/đêm thức đợi đến ngày đoàn tụ/đợi bình minh lại về”. Hằn in trong anh là bóng hình mẹ, là đôi mắt buồn, là trái tim mang đập nhịp của tình thương con và lòng thủy chung son sắt với chồng:

Lật những trang buồn nhớ mẹ tôi

Chờ đợi ba tôi suốt một đời

Để buồn khép lại bao mong nhớ

Trong mắt, ngàn thu vĩnh biệt rồi

                                                (Theo với thời gian)

Trong anh luôn dằn vặt neo mãi một nỗi ân hận không lời. Dường như nhà thơ đang tự bộc bạch tâm trạng, tự trách mắng những khờ khạo của riêng mình khi không thấu hiểu hết tâm tư và nỗi buồn đau ở mẹ:

Mười lăm năm sống một mình

Mẹ như chiếc bóng lặng im đi về….

Lúc buồn mẹ hát tôi nghe

Tôi đâu hiểu những ngẩn ngơ ru hời

“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

                   (Mẹ tôi)

Còn đây là những vần thơ sám hối đầy xót xa của đứa trẻ ngây thơ khi hiểu ra mọi sự đã rồi.

            Đến khi tôi biết vâng lời

 Chiến tranh đã khép mắt người buồn đau

     Hay:

Bây giờ tôi  đã là tôi

Mẹ thành nấm  đất cuối đồi sim mua

                                             (Mẹ tôi)

Chính điều đó đã để lại trong lòng tác giả những khoảng trống không gì bù đắp nổi. Suốt dọc chiều dài thời gian, chiều rộng không gian và bề dày thơ anh, ta luôn nghe tiếng than khóc khi nhói buốt, khi bất lực, khi nức nở âm thầm. Dù đi đâu về đâu, dù trải qua ngàn triệu năm sau, nỗi đau buồn đó không thể nguôi ngoai, nỗi cô đơn vẫn xót như muối xát trong lòng nhà thơ:

Tôi đi cuối đất cùng trời

Lòng riêng đã chết những lời thương yêu

Triệu năm sau, những sớm chiều

Cô đơn vẫn xót trăm điều trong tôi…

                                                          (Triệu năm)

          Hình bóng mẹ luôn ám ảnh, ẩn hiện thường trực trong lòng nhà thơ như nguồn cội của yêu thương và những khát vọng vô bờ:

 Tôi về nơi mẹ tôi sinh

 Mẹ không còn nữa

 Chân trời mây bay

 Mỗi khi ngồi một mình trên gác, anh nghe được miền nhớ, thấy mẹ lại hiện về: “Tôi nghe được trong ngọn gió chiều mùi vị của kỷ niệm, thấy được trong mây dáng điệu của người thân. Bất chợt mẹ tôi hiện về với vết thương rốc két làm chảy máu….Tôi trò chuyện với mẹ tôi và Người đã khóc. Tôi còn nghe văng vẳng tiếng Người gọi tôi trước khi từ giã cõi đời” (Chiều nay). Anh lắng được “Lời ru trời biển mênh mông/ Nghe như tiếng mẹ bay quanh thuở nào”. Đó phải chăng là tiếng ru hắt ra từ những nỗi niềm da diết của người mẹ.

Có thể nói những thi phẩm viết về mẹ là những vần thơ đẫm nước mắt. Anh đã dựng bức chân dung mẹ bằng tượng đài thơ – một tượng đài hiện hữu cuộc đời người mẹ không hề bình lặng, lắm bất hạnh truân chuyên. Người đọc dù có lạnh lùng, trầm tĩnh đến mấy cùng khó có thể cầm lòng trước nỗi niềm sâu lắng xót xa của chủ thể trữ tình. Những dồn nén buốt đau đã đọng thành nước mắt trong anh “Bây giờ thì Người chỉ còn trong kỷ niệm thôi. Mãi mãi cho đến khi tôi nằm xuống, tôi chẳng còn bao giờ được gặp lại Người…Bây giờ tôi đến viếng mộ Người trên vùng đất đồi sỏi đá của Đồng Hới lãng quên. Khói hương nhòa nước mắt tôi và lại vụt lên hình bóng Người đang âu yếm xoa đầu tôi và lời ru em tôi hồi tấm bé…”(Chiều nay).  Nhìn ngọn gió chiều bay, khao khát tình thương trong chân trời có mẹ và ao ước đến cháy bỏng một ngọn suối mẹ mát ngọt trong lành tưới cho sa mạc hồn anh. Mỗi khi ngồi một mình, anh thường nghe lời thì thầm của gió để lắng tiếng mẹ ngày xưa mà trút tâm sự vào không gian, rồi hoài vọng và suy tư: “Ngọn gió chiều nay đưa con về với mẹ, hay đưa mẹ về với con, con cũng không biết nữa, chỉ biết lòng con thương nhớ mẹ vô cùng. Mẹ ơi! Đâu những ngày xưa, gió chiều trở lạnh, con về bên mẹ, tình mẹ thương con ấm cả mùa đông? Đâu những ngày xưa, tuổi ấu thơ, con theo chuồn chuồn nghịch nắng, mẹ thương con mẹ mắng, con dỗi hờn làm mẹ không vui? Đâu những ngày xưa, mưa rơi trên mái, sấm chớp không làm con sợ, vì ở bên con có mẹ rồi? Đâu những ngày xưa…” (Trong gió chiều). Câu hỏi “Đâu những ngày xưa?” cùng với dấu chấm lửng cứ lặp đi lặp lại dâng trào như từng đợt sóng nhớ ào lên, nén tủi hờn cuốn nước mắt nhòe ướt đẫm trang thơ. Đâu là những ký ức về mẹ, một ám ảnh gợi anh nhớ về thủa bé thơ với những ngày hồn nhiên, tinh nghịch, rong ruỗi theo con chuồn, con bướm bờ ao: “Tôi còn bé đã rong chơi/ Nhiều khi đến tắt mặt trời còn đi”? Anh hỏi trời, hỏi đất và luôn thắc thỏm trong lòng: “Ở hiền sao chẳng sống lâu/ Ngoài ba mươi, tóc trên đầu đang xanh” (Mẹ tôi). Người đọc không khỏi rưng rưng xúc động. Chưa bao giờ cái cảm giác mồ côi thấm đau đến thế, anh như gào lên trong chiều buồn khi gặp ngọn gió lang thang:

Mẹ ru ta ngày nào

Giờ ở đâu? Ở đâu trong cát?

Giờ ở đâu? Ở đâu trong hồn?

Giờ ở đâu? Ở đâu trong cỏ?

                   (Làng)

Bao câu hỏi cứ xoáy vào tâm khảm, cứ neo ký ức trong anh. Hình như tác giả nhận ra một điều kỳ lạ trong cõi vô thức trong ảo ảnh vời xa: “Gió trong chiều lang thang ấy là NGỌN GIÓ MỒ CÔI!” của chính hồn mình. Mất mẹ là niềm đau vô bờ, là nỗi buồn bất tận đối với bất cứ ai. Đặc biệt với Hải Kỳ, anh càng đau đáu ưu tư hơn, hẫng hụt hơn khi mẹ là điểm tựa duy nhất, là chỗ nương thân duy nhất trong cuộc đời. Bởi thế trong nhiều bài thơ của anh, hình ảnh người mẹ luôn hiện hữu với những dòng hôi hổi nồng nàn và ngập tràn nước mắt. Dù đi với bạn bè, chơi với em, hay nghĩ về mùa thu cuộc đời, trong anh luôn có mẹ:

Mẹ đã khuất với cuộc đời của mẹ

như bóng mây ở  cuối chân trời

Tôi đã lớn gần nửa đời vắng mẹ

gần nửa đời tôi mới được em hay

                   (Mùa thu)

Tôi đi – Đồng Hới – không lời

Nấm mồ mẹ, khuất dưới đồi sim mua

                     (Tôi đi với bạn)

Rồi những tháng ngày vợ chồng ly biệt, chị đi làm ăn xa, anh một mình nuôi con vò võ đợi chờ. Nỗi buồn thương trong anh càng trơ trọi côi cút, không nơi xẻ chia, không chút diệu vợi. Tác giả làm thơ để “tặng nỗi buồn”, mang giọt “mưa khuây” và “xanh xao hao gầy” của lòng mình tan chảy vào lòng người. Những “giọt nhớ”, “mưa buồn” của nhà thơ cứ rơi hoài, rơi hoài cho “lòng lay phay”:

                             Em là cỏ tôi là mưa khuây

Những xanh xao hao gầy giọt nhớ

Rơi nhiều chi cho lòng lay phay

                                      (Thơ tặng nỗi buồn)

Có lẽ lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam,  tôi bắt gặp một điệu buồn “lòng lay phay” mang cung bậc lạ, khó diễn tả thành lời của Hải Kỳ. Những giọt nhớ, điệu thương trong anh cứ to dần, to dần … nối nhau thành gió, gió cuốn làm mây, mây trôi thành bão. Từ cảm xúc tuôn trào, chủ thể trữ tình cứ thế để thơ đi… “Tôi ra cửa biển” là một trong những bài thơ như thế. Mở đầu bài thơ là nỗi cách xa tưởng đến nghìn trùng giữa tôi (chủ thể trữ tình) và em (đối tượng để trữ tình), được tác giả triển khai theo hình thức tương phản. “Tôi” và “em” “đi’ và “về” hai hướng ngược chiều nhau vời vợi chia ly: “Em đi góc biển chân trời” còn “Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên”. Cách cấu tứ bài thơ theo kiểu tương phản đã đẩy niềm thương nỗi nhớ của nhân vật trữ tình dâng cùng dòng cảm xúc. Em ra đi để lại trong anh một khoảng trống vắng đến lạ lùng. Anh nhớ em đến da diết cháy bỏng và tha thẩn tìm nhặt lời yêu, hy vọng còn sót lại đâu đó trong không gian ngoài kia. Nhưng nơi “chân trời góc biển” em đến là một bến bờ xa lạ. Anh thương em vất vả cực nhọc, phải khốn đốn lăn lộn kiếm tìm, chắt chiu gom góp cho cuộc sống, cho hạnh phúc nên đành nuốt nhớ, ngậm buồn, trải tình yêu lên trang thơ:

                             “Biết là nhớ cũng bằng không

Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm

Câu thơ bỗng trở nên tài hoa hơn nhờ diễn tả được cả thế giới nội tâm của chủ thể trữ tình. Anh ra cửa biển để nhìn vào mông lung tít tắp, tìm trong biển trời cao rộng hình bóng người thân. Bóng dáng thi nhân ngồi “trông cách buồm” để hồn mình rơi đến “cuối ngọn nồm” là một cách nói lạ, mới và đầy ấn tượng …Suy cho cùng nỗi buồn của thi nhân là em – một nửa của chính mình đang nơi chân trời xa vắng:

Tôi rơi vào cuối ngọn nồm

Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi

Nỗi buồn như tấm gương soi

Gặp em không gặp thì tôi gặp mình”

Những suy ngẫm trong thơ Hải Kỳ có sự gia tăng chất triết lý, chiêm nghiệm nơi thế giới nhân sinh. Những chiêm cảm trong chiều sâu suy tư ở thơ anh là có thật. Bài thơ đang nói là một minh chứng cụ thể. Giữa biển trời mênh mông, nỗi nhớ như dâng lên trải rộng, anh ao ước được gặp người thân. Chả thế mà trong câu thơ tác giả dồn góp 3 từ “gặp” để cuối cùng thoát ra một tiếng thở dài:“ thì tôi gặp mình”. Nhà thơ gặp lại chính nỗi buồn thương của mình. Điểm nhấn của câu thơ là một nỗi buồn không hề dịu lắng, một mình ta với nó, cứ đong đầy, dâng cao, quanh quẩn nơi ta, xoáy vào ta, nhân lên vời vợi. Bài thơ khép lại lắng sâu trong thắc thỏm không yên một niềm thương nỗi nhớ da diết, dâng trào, đầm đìa nước mắt:

Mùa thu mặc áo gì  kia

Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu

Những sợi nhớ, sợi thương vây bủa, dệt thành “đầm đìa mưa ngâu ” để anh choàng phủ lên mình. Đó chẳng phải là gương mặt thi nhân trong đời thường đã thăng hoa thành thơ? Đó chẳng phải là những bài thơ hằn in ký ức, gọi về nỗi nhớ,  đầm đìa nước mắt của Hải Kỳ.

          Hình tượng nhân vật Lý trong thi phẩm của anh là điểm đến, là nơi ngưng tụ tình yêu, là ngọn suối mát, là mảnh đất lành, là cảm hứng cho thơ. Từ “Một chuyến em đi”, “Bất ngờ câu lý”, “Anh ở trong này”,  “Em ốm”, nhà thơ đã gửi lời yêu thương, lòng biết ơn và cả sự nâng niu, trân trọng trong tiềm thức đến với người bạn đời trăm năm của mình.

Như ngụm mát trong khát cất dành

Mười năm em, mạch nguồn lặng lẽ

Cho anh đất cháy nảy chồi xanh

                             (Em ốm)

Ngay cả những vần thơ mang khá rõ nét tươi trẻ, hồn nhiên, yêu đời, đầy âm hưởng của hạnh phúc nhưng cũng không thiếu điệu buồn của thi sỹ:

Mình nghèo quá, tiền thơ anh dành dụm

Cỏn con thôi, không đủ được dăm ngày

Cả hai đứa đều cười điều dự tính

Nhiều quá trời mơ mộng hái đầy tay

                                      (Một chuyến em đi)

 Trong “Bất ngờ câu lý”, anh phát hiện ra một thi tứ đặc sắc:

Để rồi trở về em

Nghìn năm sau vẫn thế

Núi đèo và điệu lý

Cũng chỉ vì nhau thôi !

Sự đồng điệu tâm hồn giữa câu hát “ Lý qua đèo” và tên chị Lý trong cuộc tình của đời anh đã dẫn dắt nhà thơ đến với thi phẩm. Tác giả nhìn: “Mây ùn lên nỗi niềm/ Vương từ câu lý ấy” rồi liên tưởng đến “Tình người xưa lửa cháy/Trắng bạt ngàn lau bay”. Điều đó khẳng định chị Lý là một phần đời như máu thịt trong anh.

Có thể nói trong dòng chảy viết về Mẹ và cho Lý là những vần thơ như trút hết tân can, đầy ân nghĩa thủy chung đã góp cho mạch nguồn thơ Hải Kỳ thêm đa dạng, đẫm sắc hương và ấn tượng. Điều đáng nói là với Hải Kỳ hiện thực đời sống đã ùa vào trang thơ nhưng tác giả luôn quy đối tượng trữ tình về điểm nhìn đặc biệt. Anh luôn để dành lời tâm sự cho nhân vật trữ tình “mẹ” và “em”. Vai giao tiếp nghệ thuật xuất hiện hầu như thường trực trong thơ Hải Kỳ vẫn là: “ta”, “anh”, “tôi” và “con” để thổ lộ cùng “em”, “mẹ” và một vài hình tượng nghệ thuật khác (biển, quê hương, gió, trăng, sao…). Dày đặc trong thơ anh vẫn là sự xuất hiện của những từ và cụm từ kiểu “hoài niệm”,“khóc”, “đơn côi”, “dòng đời cuộn xiết”, “lạnh lùng”, “ngóng trông”, “nhớ mong”, “ngậm ngùi”, “ nỗi niềm”, “thương nhớ”… để biểu hiện những sắc màu của trái tim đau. Từ buồn được sử dụng với một tần số lớn, nó rải hầu hết cả 5 tập thơ và diễn tả đủ mọi cung bậc, lắm sắc thái: “buồn thương”, “buồn đau”, “buồn nhớ’, “Buồn lay phay”,“đơn côi buồn”, “chiều buồn”, “trưa buồn”, “thu buồn”, “hạ buồn”, “buồn nhiều”, “mắt buồn”, “tim buồn”…Thơ anh đầy ắp không gian ký ức buồn đau đọng thành nước mắt. Sự xuất hiện của 57 lần từ “buồn” với nhiều những đau đớn, xót xa, tủi cực … là một dẫn dụ không thể chối từ cho cõi đời và trong cõi thơ anh. Trong “Những điều không thể” tác giả ví “Hồn ta là cõi cô liêu” khi cảm nhận rõ tử thần đã đến rất gần và như chạm phải, nó đang nằm đâu đó trên cơ thể mình. Biết “đời chẳng chiều ý ai”, “hai nửa tâm hồn” rồi phải li biệt, anh “gửi lời huyền bí” của trái tim bằng việc thổ lộ tâm tư qua vần thơ dặn dò sau chót thật tha thiết buồn đau, nhưng cũng thân thương trìu mến và vô cùng cảm động.

Nếu ngày tôi chết, em ơi

Xin chôn Thơ xuống cùng nơi tôi nằm

Dù tôi ngủ giấc nghìn năm

Cây Thơ xanh – Rễ từ tâm xanh đầy

Hồn tôi gửi gió vào cây

Và cây sẽ hát như ngày tôi yêu.

                   (Nếu ngày tôi chết)

 Anh dành cả cuộc đời cho thơ. Thơ đồng hành cùng sự sống của anh, nói hộ lòng anh, đi bên anh, ở cạnh anh, tâm tình, xẻ chia như người tri kỷ. Trong thơ, cũng như ngoài đời anh đã “Sống hết mình, tôi không làm kẻ khác/ Tôi là tôi như thể tự ngày xưa”(Chuyện tình). Khi biết mình sẽ phải về bên kia thế giới, anh muốn “Cây Thơ” theo cùng để ấp iu hôm sớm. Lời thơ ngọt ngào và mang đầy âm hưởng của ước ao hy vọng có ngày “Cây Thơ” sẽ đâm chồi nảy nụ, xòe tán trùm bóng tỏa mát cho hồn anh. Tâm niệm đó chắc chắn sẽ được bạn thơ, người thân và cả độc giả đáp lòng mong mỏi. Xin được thắp nén nhang lòng gửi đến hương hồn người đã khuất và xẻ chia cùng anh mong vơi bớt cơn buồn và vỡ òa niềm vui. Cầu mong cho linh hương nhà thơ nhà du nơi tiên cảnh và được ấm lòng nơi chín suối.

———————

Tài liệu tham khảo

  1.M.B.Khrapchenkô (Lê Sơn, Nguyễn Minh – dịch) (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của Văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.

  2.M.B.Khrapchenko (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Sơn, Duy Lập – dịch) (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

 3.M.Bakhtin (Phạm Vĩnh Cư – dịch) (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

 4.M.Bakhtin (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn – dịch) (1979), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 5- Thơ trích từ Hải Kỳ tuyển tập, NXB Thuận hóa, 2912


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục