Đăng bởi: Ngô Minh | 23.07.2012

Chuyện PHÙNG QUÁN (1)

     

 

                THI SĨ VỆ QUỐC ĐOÀN 

             Tôi quen thân anh chị Phùng Quán-Bội Trâm từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nghĩa là đã hơn 30 năm rồi. Mỗi lần anh Quán vô Huế, anh đều rủ tôi theo anh đi đọc thơ, uống rượu ở các cơ quan, trường học hay gia đình những người hâm mộ. Anh lúc nào cũng một mốt áo Mán, quần bò, đeo cái bị cói, cưỡi chiếc xe đạp cuốc Liên Xô cao lêu nghêu và đi đôi dép cắt từ lốp ô tô nặng chịch …Anh bảo dép nặng như thế này mới đứng vững trên mặt đất đầy bão tố này. Ở Huế, anh đọc thơ tại cơ quan Hội Văn nghệ tỉnh ở  26-Lê Lợi, đọc thơ nhiều đêm ở Trường Đại học Tổng hợp, Trường Cao Đẳng Sư phạm , Trường dạy nghề Thương nghiệp, đọc thơ cho các thầy giáo phổ thông trung học nghe, rồi đọc thơ ở làng quê Thủy Dương..v.v.. Ở đâu anh cũng được người nghe đón đợi và vỗ tay hoan nghênh nồng nhiệt. Trái  với các diễn giả khác, lúc đọc thơ, nói chuyện Phùng Quán thường uống rượu. Những người yêu thơ đổ rượu vào  chiếc ấm trà  rồi rót từng chén cho nhà thơ nhâm nhi. Mỗi cuộc đọc thơ kéo đến  hai ba tiếng đồng hồ, anh Quán mồ hôi mồ kê đẫm áo. Càng ngấm rượu Phùng Quán đọc thơ càng diễn cảm, xúc động…

           Ngồi với bạn bè văn chương, cuộc nhậu nào  hết  mồi là anh lẳng lặng đứng dậy đi mua, không bao giờ sai em út như tôi . Cơ quan tôi Báo Thương Mại ở Lò Đúc, có  phòng khách, nhưng mỗi lần ra Hà Nội tôi đều về ở với anh trên Chòi ngắm sóng cạnh Hồ Tây. Anh chị coi tôi như đứa em, có chuyện gì cũng kể. Khi tôi vô Huế, anh thức dậy rất sớm , nấu cơm, hơ lá chuối gói cơm nắm, vót cật tre làm dao cắt cơm, rồi muối mè để em ăn dọc đường cho an toàn bụng dạ. Từ ngày anh Phùng Quán qua đời, bao nhiêu bài viết của anh Quán hay những bài các nhà văn nhà báo trong và ngoài nước viết về anh, chị Bội Trâm đều cắt gửi vào Huế cho tôi cất giữ. Nhờ đó mà tôi đã cùng với chị Vũ Bội Trâm làm được mấy cuốn sách cơ bản về Phùng Quán như Nhớ Phùng Quán, Phùng Quán còn đây, Ba phút sự thật được dư luận đánh giá cao.



Phùng Quán có hàng chục tác phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ. Tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung , tiểu thuyết  Tuổi thơ dữ dội, bài thơ Lời mẹ dặn , Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe là những tác phẩm để đời. Bài thơ Lời mẹ dặn là tuyên ngôn long trọng nhất của người cầm bút. Tiểu thuyết Vượt Côn Đảo ( 1955) đã được tái bản  hơn 13 lần. Tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội ( 1988) được dựng thành phim cùng tên, được giải thưởng Hội nhà văn , giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 2000, được in đi in lại gần chục lần. Phùng Quán đã được Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1955 và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987, truy tặng Giải thưởng Nhà nước 2007. Chỉ chừng ấy thôi cũng là mong ước của hàng trăm nhà văn xứ sở. Nhưng với anh Quán, cái quan trọng nhất, hơn cả giải thưởng là văn chương được đời nhớ, nhân cách được người tôn trọng, thương mến.

           Phùng Quán đã phải vượt qua vô vàn tai ương, đau khổ, bị treo bút suốt 30 năm trời sau vụ “Nhân văn-Giai phẩm”.  Nhưng anh vẫn  giữ vững được bản lĩnh của chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn, sống nhân cách

                                      ngay thẳng tột cùng

                                      sự ngay thẳng  thuỷ chung

                                      của mỗi dòng chữ viết

Anh  còn giữ được sự đam mê văn chương cho đến ngày cuối đời.  Nghĩ về Phùng Quán trong tôi luôn  hiện lên một con người nghĩa khí, một chiến sĩ Vệ Quốc đoàn trung thực, quyết liệt , một thi sĩ tài hoa ngất ngưỡng và một nhân cách cao cả.

    

Phùng Quán mới học hết tiểu học ( primair) thời Pháp, rồi mò cua bắt ốc ở làng  Thanh Thuỷ Thượng . Anh trốn mẹ đi theo Vệ Quốc Đoàn năm 14 tuổi ( 1946) ở trong đội liên lạc thiếu niên của Trung đoàn 101 Trần Cao Vân, Huế. Chính liên lạc viên Phùng Quán là người cầm mệnh lệnh nổ sứng kháng chiến đêm 19 tháng 12 năm 1946 của Mặt trận Huế từ phía Nam bơi qua sông Hương đưa sang cho cánh quân bên kia sông. Những trang đầu tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội- cuốn tự truyện xúc động, nhà văn kể “ anh đã trốn mẹ, chui bừa vào hàng ngũ đội thiếu nhi trinh sát của Vệ Quốc Đoàn với “độc cái áo cộc nâu hở cả rốn với cái quần đùi xanh bạc phếch, đít vá hai miếng to tướng”. Đó là thằng Mừng. Anh đội trưởng hỏi :” Em có thích đánh Tây không ? – Dạ, thích lắm. – Tại sao thích ? … – Dạ, dạ… vì tuy Tây hay đá đít người mình…Phùng Quán yêu Tổ Quốc, yêu nhân dân, chiến đấu hết mình vì Tổ Quốc.  Anh là nhà văn chiến sĩ đã đi trọn đời với lý tưởng mà mình đã chọn từ thuở thiếu thời, không tạt ngang, không dừng bước, không bỏ cong ngòi bút .

 

         Thi sĩ Vệ Quốc Đoàn Phùng Quán làm rất nhiều thơ về Tổ Quốc, về cách mạng. Trước vụ  Nhân văn , anh có những bài thơ bốc lửa như : Đất : Đất ơi ! Con nguyện yêu người với tất cả máu xương. Với tất cả cuộc đời con  mười bảy tuổi ( 1950), Hôn : Nhưng dù chết em ơi. Yêu em anh không thể. Hôn em bằng đôi môi. Của một người nô lệ ( 1954) ; Chiều hành quân : Chiều mưa hành quân. Nước đầm trấn thủ…(1953) ; Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo viết về anh hùng Võ Thị Sáu ( 9-1954); Trường ca hòa bình ( 1955) ; Tôi muốn mời đến Tổ Quốc tôi  (1956).v.v.. Trong mạch thơ lính viết trước vụ Nhân văn ấy, quyết liệt nhất và xúc động nhất là bài thơ Di chúc chiến sĩ. Đây là quyết tâm thư Phùng Quán viết nộp cho chỉ huy trong trận đơn vị anh công đồn diệt viện ở Phò Trạch, một đồn Pháp cách Huế 30 cây số  về phía Bắc , năm 1952 :

                             Nếu tôi chết

                             Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả

                             Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã !

                             …Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn

                             Xin các đồng chí đừng do dự gì hết cả

                             Hãy đào mộ tôi lên

                             Quẳng xác tôi đi ! 

                             Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ !         

           Thơ viết sau vụ Nhân văn đằm hơn , những cũng mạnh mẽ tinh thần chiến sĩ ấy. Đi cải tạo lao động ở các công trường như Việt Trì , Trạm bơm điện Cổ Đan, Ý Yên, Nam Định,  anh làm thơ ca ngợi người công nhân xây dựng ( 1959) ;  Quà tặng anh bộ đội ( 12-1959), thơ tặng các cô gái xây trạm bơm điện (1964) ; Bài ca về Nguyễn Văn Trỗi ( 1964) ; Cây mận Vĩnh Linh (1967) ; Hai lần đi thực tế về đất lửa Quảng Bình , Phùng Quán đều có thơ : Giấc mơ ở Ngư Thủy ( 1967) ; Ca ngợi cây Cỏ rười : Cây cỏ rười chỉ mọc trên cát mặn. Nhà ngư dân cỏ lợp thay tranh. Bếp ngư dân cỏ cho lửa ấm. Khói cỏ rười mấy dặm biển còn thơm (1970) … Đọc thơ ta thấy dường như cái án Nhân văn ấy không ảnh  hưởng gì mấy đến tình yêu của Phùng Quán đối với đất nước, với cách mạng, với nhân dân cả.

 

            Chính tình yêu Tổ Quốc nồng nàn đó đã tạo cho anh một bản lĩnh kiên cường , không dung thứ với những tệ nạn xã hội sau chiến tranh. Trong bài thơ Chống tham ô lãng phí  ( 1956) anh viết :

                                    Về Nam Định mà xem

“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên

Nửa chừng bỏ dở

Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió

Mồ hôi máu đỏ mốc rêu…

Bởi thế mà anh đòi phải lập một đội quân chống tham ô lãng phí, và anh thét lên :

                                    Trung ương Đảng ơi!

                                    Lũ chuột mặt người chưa hết  

                                    Đảng cần lập những đội quân trừ diệt

                                     Có tôi  

                                     Đi trong hàng ngũ tiên phong

 Tiếc thay bài thơ đầy tâm huyết khí phách cách mạng đó đã bị một số người suy diễn quy vào tội nói xấu chế độ . Và tai ương đã giáng lên đầu anh bộ đội Cụ Hồ 23 tuổi Phùng Quán .

 

            Nhưng, nhà thơ -chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn ấy 30 năm sau vẫn một-mất -một-còn-với –thói-tham-nhũng- đạo-đức-giả. Năm 1988, viết Tiểu thuyết tình 13 chương Trăng Hoàng Cung, ngay trong phần “Khai Từ” nhà thơ tỏ rõ thái độ đó. Anh vẫn là người lính cầm khẩu- tiểu –liên-báng-gập-Thơ đánh vỗ mặt thói dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu tham nhũng… đang có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng, cao quý mà cả triệu người suốt thế kỷ qua không tiếc máu xương để tạo dựng, bảo vệ..” Chương mở đầu của “Tiểu thuyết tình 13 chương” là tuyên ngôn Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng. Là nhà văn  Tôi yêu tha thiết / Sự ngay thẳng tột cùng / Sự ngay thẳng thuỷ chung / Của mỗi dòng chữ viết. Vì thực tế đã  không ít nhà văn Khi bàn tay đã đuối/ Khi tấm lòng đã mỏi/; Khi con mắt bớt trong/ Khi dũng khí đã nguội…thì không còn  viết ngay viết thẳng được nữa. Lúc ấy ngòi bút của họ sẽ uốn theo nóng lạnh cuộc đời để kiếm bổng lộc, chức tước, mặc nhân dân đói cơm, rách áo.

 

           Phùng Quán tự vấn : Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn ? / Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo ?/ Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một mét vuông nhà ở ? / Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa / Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường ?!… Những câu thơ như tiếng gọi khẩn thiết của lương tri gửi đến con người, đánh trực diện vào bọn “tiêu máu nhân dân như tiêu bạc giả “!


           Cái chất Vệ Quốc Đoàn ấy đã giữ cho Phùng Quán những năm bị tai ương trong các cuộc đấu tố  kiểm điểm đã không làm cái việc hèn hạ là “tố cáo” các văn sĩ đồng nghiệp của mình , anh đã không quỳ gối như một số nhà văn bị nạn khác viết nhiều bài thơ văn xưng tụng giả dối, gửi lên trên để cầu mong “tha tội”. Theo tôi được biết trong những người “dính” Nhân Văn-Giai phẩm thời đó, chỉ có Phùng Quán và Hữu Loan là không cần cầu xin ai. Hữu Loan bỏ về quê Thanh Hoá đập đá nuôi con. Còn Phùng Quán dự  định vào Quảng Bình câu cá  trên sông Nhật Lệ. May nhờ có chị Bội Trâm mà anh đã ở lại Hà Nội . Để sống anh đã câu cá trộm, viết văn chui. Anh viết lời cho hàng trăm tập truyện tranh của Nhà xuất bản Văn Hoá Dân tộc ký tên này tên nọ để kiếm nhuận bút nuôi con. Còn cái tên Phùng Quán  thì chỉ dành cho thơ : Thơ là mạng sống – là lý lịch đời tôi.  Trong tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung có chương thơ Tình tuyệt vọng . Phùng Quán muốn  nói đến sự hắt hủi, vùi dập của cuộc đời đối với mình và những người cùng ý chí. …

                         Em giận dữ la lên :

–         Đứng trong xó nhà cũng không được đứng

… Thì tôi xin ra đứng trước hiên

                        – Đứng trước hiên cũng không được đứng!

                        …Thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ…

–         Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng

 …Thì tôi xin ra đứng đầu đường…

 – Đứng đầu đường cũng không được đứng

 – Lời yêu thương cũng không được nói!

  …Thì tôi xin chết

   Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt

   Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…

    Dù hoả táng

    Dù chôn xuống chín tầng đất

   Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình…

Bài thơ quá đau buồn. Mỗi lần tôi đọc lại đều nổi da gà trước hình tượng thơ ám ảnh . Đích thị đây là chân dung Phùng Quán từ một anh Vệ Quốc Đoàn, trở thành  một nhà văn trước sau vẫn thuỷ chung như  nhất dù cuộc đời đen bạc, không chấp nhận mình.  Vâng, trái tim dập nát của tôi vẫn thắm đỏ một mối tình !

 

            Phùng Quán có bài thơ Hoa sen gần đây gây tranh luận.Với trực cảm của một chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn, nhà thơ đòi đuổi câu ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng là sen / Gần bùn mà chẳng hôi tanh  mùi bùn ra khỏi kho tàng văn học dân gian vì nó mang “mùi phản trắc”. Anh cho rằng câu ca dao trên không  phải do nhân dân làm ra, mà do bọn phản trắc “vốn con cái của giai cấp cùng khổ / Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xâu hổ”, nên chúng cho rằng  chúng gần bùn mà chẳng  hôi tanh mùi bùn . Tất cả là ở trong cái chữ gần. Tôi cho rằng sự phát hiện ra tứ thơ đó là có lý, xuất phát từ sự nhạy cảm , của một người lính luôn đối mặt với các ác, cái  giả dối, sự vong ân bội nghĩa. Và qua sen-bùn một lần nữa Phùng Quán ca tụng nhân dân đã sinh  ra vĩ nhân, anh  hùng, nghệ sĩ. Đó là sự gửi gắm của nhà thơ . Những điều nhà thơ nghĩ ngợi về chuyện sen-bùn là chân lý sâu sắc, thấm thía . Mỗi lần đọc bài thơ này trước đông người , Phùng Quán vung tay giận dữ rồi giọng trầm xuống run run nén lại như nguyện cầu :

                          Bùn với sen đâu phải chuyện gần ?

                           Chính là sen mọc lên từ trong đó

                           Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen

                        … Ngay cả hương thanh  khiết ta đặt lên bàn thờ cúng

                          Cũng là xương thịt của bùn tanh

                          Như nhân dân , gian truân thầm lặng, vô danh

                           Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng. nghệ sĩ.

Tất nhiên đó là cách  luận giải  theo nhận thức của Phùng Quán. Câu ca dao vẫn có cái hay, sâu sắc của nó theo  quan điểm của người khác. Nhưng cái tứ thơ bùn- sen ấy là bắt nguồn từ  trực cảm thi sĩ mà cái chất Vệ Quốc Đoàn  đã ngấm vào máu thịt anh.

 

            Đời sống thì quẫn bách, chui đụt, nghèo xơi xác, lấy vợ không đi sêu, không dạm hỏi, không có rước dâu, lễ cưới, đẻ con không đủ tiền mua sữa, mua tả lót…Lấy vợ sinh con 20 năm vẫn chưa có căn phòng để trú thân, Vợ  ở một nơi, chồng  lang thang một nơi, nhưng Phùng Quán không kêu ca, phẫn uất, mà trái lại văn chương Phùng Quán  lại  luôn hướng đến cái cao cả . Đó chính là nhân cách của một nghệ sĩ đích thực . Trong trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, hình tượng chị Võ Thị Sáu chính là  hình tượng người cộng sản trước quân thù :

                        Trên đường vào đảo hôm qua

                        Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng

                       Cài lên mái tóc rối tung

                       Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê

       Hình tượng thơ hư cấu này của Phùng Quán đã biến thành sự thực, tạo nên một nét đẹp được ghi trong hồ sơ anh hùng của chị Võ Thị Sáu mà người đời nhắc đến như một biểu tượng quen thuộc. Trong bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, cái cao cả được đúc kết khổ thơ minh triết: Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/ Thơ chết áo đắp măt. Dân ta ngàn đời nay đều chân lấm, tay bùn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đồng hành với nhân dân như vậy, thơ không thể mải mê với  trăng hoa tuyết nguyệt được, mà thơ phải cất lên tiếng nói trung thực, giúp nhân dân đỡ khổ hơn. Phùng Quán đã thể hiện tuyệt đối chính xác lý tưởng cao cả  trong thái độ tôn vinh các yêu tố “ chân thật”, “trung thực” trong bài thơ nổi tiếng “Lời mẹ dặn”:

                         …Yêu ai cứ bảo là yêu

                           Ghét ai cứ bảo là ghét

                           Dù ai ngon ngọt nuông chiều

                           Cũng không nói yêu thành ghét

                           Dù ai cầm dao doạ giết

                           Cũng không nói ghét thành yêu

               Đây là tuyên ngôn long trọng của người cầm bút, thứ mà các nhà văn Việt Nam trong suốt  tám kỳ Đại hội vẫn luôn đau đáu, bàn luận, hội thảo , mà  chẳng có kết luận nào. Đó chính là chân lý  Tự do Sáng tạo. Mới hay Phùng Quán đã rất mới trong tư duy sáng tạo văn chương từ 56 năm trước, khi anh mới ngoài tuổi  20, đang còn rất trẻ.. 

              14 tuổi đã tham gia Vệ Quốc Đoàn, Phùng Quán không có thời gian để đến trường học tập. Nhưng Phùng Quán đã đọc sách rất nhiều, nhờ đó anh đã tạo được cho mình cái phông văn hoá, một tầm nhìn xa để viết  nên các tác phẩm để đời. Từ sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, bị đuổi khỏi quân đội, khaỉ trừ  khỏi Hội Nhà văn một năm (mà 30 năm sau mới phục hồi),  không nghề nghiệp kiếm sống, tứ cô vô thân, phải đi cải tạo lao động hết nơi này đến nơi khác, rồi lấy vợ, sinh con, 30 năm treo bút… đã đúc nên một Phùng Quán khác : Một Phùng Quán trầm tĩnh, chiêm nghiệm, một Phùng Quán đau đời, một Phùng Quán nhân tình thế thái. Tất cả thơ  Phùng Quán viết trong giai đoạn này đều thấm đẫm triết lý cuộc đời như Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe., Lời mẹ dặn, Tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung, Cây xương rồng.v.v..Còn tất cả các tác phẩm văn xuôi của Phùng Quán   như Tuổi thơ dữ dội. Dũng sĩ chép còm là anh viết về chính mình. Viết về nỗi đau của mình. Viết để nói với người đời rằng :Tôi không phải là nhà văn phản động , chống chế độ như người ta buộc. Tôi là thi sĩ Vệ Quốc Đoàn “. Điều lạ lùng là các tác phẩm  này đều kết thúc bằng cái chết  của các nhân vật .  Trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội , đoạn kết thúc, chú bé chiến sĩ trinh sát thiếu nhiTrung đoàn Trần Cao Vân tên là Mừng vĩnh biệt người mẹ ( là tổ trưởng dân công anh hùng) hấp hối:” Mừng nhào xuống đáy huyệt, ôm chặt xác mẹ, nức nở kêu gào :” Con không phải là Việt gian. Con là Vệ Quốc Đoàn mạ ơi!”. Rồi khi Mừng tử thương, áo quần đẫm máu, trên đài quan sát bảo vệ chiến khu Hoà Mỹ, trước khi chết, Mừng đã  hét qua điện thoại với Trung đoàn trưởng lời trăng trối :”Anh ơi, đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí !”. Thật đau đớn và xúc động.

        Phùng Quán có lần  viết “Đằng đẵng suốt hai mươi năm trời, với nghị lực và lòng can đảm chiến sĩ, tôi tận sức chiến đấu để tự minh oan cho mình”.   Phùng Quán không thù hận ai, anh chỉ lẳng lặng viết để người đời hiểu rằng mình là một nhân cách, một Vệ Quốc Đoàn thứ thiệt. Điều đó thật khó đối với một con người trong môi trường cực đoan tệ hại. Thế mà Phùng Quán đã làm được. Đó là bản lĩnh và nhân cách của kẻ sĩ Phùng Quán.

           Bây giờ tôi xin nói về chất thi sĩ của Phùng Quán.  Đời bầm dập như thế nhưng Phùng Quán luôn ngất ngưỡng với thơ. Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…Anh luôn khát thơ. Đọc thơ mình trước mọi người đối với Phùng Quán là một niềm hạnh phúc. Anh về làng Thuỷ Dương quê nội, đêm bà con tập hợp  kín sân đình  để nghe đứa con thi sĩ của làng xa cách 40 năm trở về đọc thơ. Anh quỳ xuống sân gạch, rưng rưng cụng trán vào đất làng đến rớm máu, lạy bà con ba lạy , rồi ứng tác đọc  bài thơ “Tạ” : Con tạ/ Manh chiếu rách con nằm/ Con tạ / Bát cơm nghèo mẹ con ăn/ Con tạ/ Câu dân ca mẹ con hát…Hàng  ngàn bà con Thuỷ Dương đêm ấy đã khóc . Ai đã từng nghe Phùng Quán đọc thơ mới thấy thơ Phùng Quán do chính anh đọc thì cái hay, cái xúc động nhân lên gấp bội. Nhà báo Nguyễn Trung Dân đã kể chuyện Phùng Quán đọc thơ cho cả huyện uỷ  huyện Điện Bàn , Quảng Nam nghe đầu năm 1988 :” Trời ạ ! có thể nói như thế nào về cái “không khí thơ” ở cuộc họp Huyện uỷ Điện Bàn năm ấy. Từng con người, đa số là nông dân chân chưa sạch phèn mà sao tiếp nhận những bài thơ do anh Quán đọc một cách tự nhiên, hồn hậu . Và tôi tin tự đáy lòng  mọi người hôm ấy bật ra những giọt nước mắt. Cả huyện uỷ khóc. Hội trường im phăng phắc, chỉ nghe sang sảng tiếng thơ Phùng Quán…”. Một lần ở Đà Nẵng, một ông Hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học (Cấp 3 ) mời Phùng Quán đọc thơ. Đến giờ hẹn rồi mà không thấy xe đến đón vì lý do tế nhị “trục trặc kỹ thuật”. Thế là Phùng Quán đã chạy bộ 10 cây số để kịp buổi đọc thơ. Đúng là không có chất Vệ Quốc Đoàn mãnh liệt, không sống chết vì thơ anh sẽ không có cuộc chạy maraton vĩ đại như thế.

          

          Năm 1988, anh Lê Quang Vịnh ( nhân vật trong bài  hát Lê Quang Vịnh người con quang vinh của Nguyễn Văn Tý, sau  này là Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ , đã hồi hưu ở Huế), lúc đó là bí thư huyện  uỷ Côn Đảo, gửi thư mời tác giả Vượt Côn Đảo ra thăm đảo. Phùng Quán nhận được thư, xúc động và mừng lắm. Liền khoác bị cói lên đường ngay. Nhưng rồi đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng-Quảng Nam.v.v..ở đâu anh cũng dừng để “đọc thơ phục vụ nhân dân” nơi một tuần, nơi cả tháng. Say đọc thơ, mãi tới sáu tháng sau anh mới đến Nha Trang. Đang thơ-rượu với bạn bè thành phố biển thì nhận được tin vợ ốm , thế là trở ra Hà Nội. Nghĩa là nhà thơ đi sáu tháng mà chưa tới Côn Đảo. Có một đêm 22 Tết, đêm Ông Táo về trời , trong phòng đợi tàu ga Huế, vợ chồng tôi, anh Lê Gia Ninh, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, cựu ca sĩ quân đội Vĩnh Cường, các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch và nhạc sĩ Huy Tập thức tiễn anh đi Hà Nội tới một giờ sáng. Anh uống rượu, sang sảng đọc thơ cho lữ khách nghe. Mọi người rất xúc động. Thơ anh đọc ở đâu cũng làm cho mọi người  xúc động vì chất bi hùng thống thiết. Đang đọc thơ anh bỗng ngã mũ đi hành khất. Dáng anh đi từng bước y chang người hàng khất ở ga. Hầu như ai cũng bỏ tiền vào mũ anh. Có cả những du khách nước ngoài. Tất cả số tiền kiếm được anh chia luôn cho những ngườì ăn xin ở ga ngay khuya hôm đó !

       

            Có người  nói thơ Phùng Quán là thơ quảng trường, không cần tìm tòi câu chữ.Tôi cho rằng không phải như vậy. Phùng Quán có những bài thơ thuộc loại hay nhất thế kỷ XX ở Việt Nam như Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tám đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Say  Cuối đời, Phùng Quán có tiểu thuyết thơ “Trăng Hoàng Cung” cũng hay không kém. Thơ trong Trăng Hoàng Cung  tinh diệu, đằm thắm và sâu sắc . Có nhiều bài thơ tình viết như đồng dao, đọc lên thấm đẫm chất quê dân dã, da diết chất Huế , như bài Đợi đò:

                             Tôi ngồi đá mọc thành thơ

                             Ngóng về  cửa Thuận… tôi chờ đò lên

                             Một đò lên…

                              Hai đò lên…

                             Ba đò lên…

                             Mà sao tôi chẳng thấy em trong đò

Có những câu thơ tình thuộc vào loại “ Những câu thơ tài hoa” của Việt Nam : Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em ?…/ Một vùng tóc như một vùng biển tối / Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn / Những ngón tay ngón chân có mùi hoa đại / Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương (Trăng Hoàng Cung ); .v.v.. Có yêu đắm đuối mới viết được những câu thơ đẹp đến nao lòng như thế !

 

            Nhiều người đọc Trăng Hoàng Cung cứ tưởng nhầm đây là những bài thơ tình yêu nam nữ . Không phải ! Mạch thơ chủ đạo của Trăng Hoàng Cungnỗi niền Phùng Quán trước cuộc đời . Với Phùng Quán tình yêu đơn phương đối với người phụ nữ đài các Nguyễn Khoa Như Ý ( tức nhà văn Hà Khánh Linh) ấy là có thật , nhưng đó chỉ là cái cớ, cái “từ trường” để anh giải bày tư tưởng của mình về nhân cách người cầm bút, về triết lý sống, thái độ hành xử giữa con người với con người. Mạch thơ Trăng Hoàng Cung là mạch thơ khởi nguồn từ “Lời mẹ dặn” và “Chống tham ô lãng phí “ 30 năm trước.

 

              Trong Trăng Hoàng Cung , viết về mưa Huế , Phùng Quán có những câu thơ rất minh triết: Làm gì có chứng mực thơ/ Làm gì có chứng mực mưa!/ Làm gì có chừng mực yêu! / Làm gì có chứng mực thiên tài! / Làm gì có chứng mực khổ đau ! Không có chừng mực nào cả khi con người  tự do sống và viết vì thân phận, kiếp người. Trong chương thơ Tôi khóc trong  Trăng Hoàng Cung có đoạn thơ thế sự rất sâu sắc :

                               Vào thời buổi  ngày nay

                               Vào Hoàng Cung là chuyện quá dễ dáng

                               Cả con bò, con heo cũng đi trên Trung lộ

 Đó là hiện thực cuộc đời đau đớn ! Những nỗi đau ấy là tiếng thổn thức của lương tri  hướng con người tới hoàn thiện.  

 

        Phùng Quán là như vậy .Văn chương tài hoa. Nhân cách cao cả. Nhưng cuộc đời có quá nhiều cay đắng. Bởi thế mà có lúc anh đã phải thốt lên: Thượng đế ơi !/ Tôi đã làm gì ? / Mà ly rượu đời Người ban cho tôi / Đắng thế ?…          

 

        Giá mà sau cái Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, cơ quan chức năng của nhà nước chính thức đưa ra một thông cáo, hay một lời xin lỗi, để thi sĩ Vệ Quốc Đoàn Phùng Quán và những đồng nghiệp “Nhân văn” của anh được chính danh thì tử tế và trọng vẹn biết bao nhiêu.

  

—————

– (Tham luận  đọc  tại “Hội thảo Họ Phùng  trong lịch sử Việt Nam” ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày 19/3/2011 . Đã in lại trong tập Họ Phùng Việt Nam, NXB Lao Động, 2011)

– Bìa sách PHÙNG QUÁN do Hải Trung thiết kế


Trả lời

  1. […] CHUYỆN PHÙNG QUÁN   –   Chuyện PHÙNG QUÁN (1) (Ngô […]

  2. […] CHUYỆN PHÙNG QUÁN   –   Chuyện PHÙNG QUÁN (1) (Ngô […]

  3. […] 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (DV). – CHUYỆN PHÙNG QUÁN   –   Chuyện PHÙNG QUÁN (1) (Ngô Minh). – Truyện ngắn của PHẠM LƯU VŨ: CÁI KẾT CÓ HẬU (Nguyễn Trọng […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục