Đăng bởi: Ngô Minh | 22.08.2013

SÁCH “QUÊ QUÁN CỦA THƠ” (12)

SÁCH “QUÊ QUÁN CỦA THƠ”( 12)

Ngô Minh

NGÔ CANG- HỘT LÚA NUÔI THƠ

Thơ là cuộc chơi tâm thức thú vị, nhưng rất mất thời giờ. Tập trung trí lực làm xong một bài thơ, người cứ bã ra, như vừa qua một cuộc thoát xác. Nhưng đã ghiền thơ rồi thì khó mà bỏ được, bị nó hớp hồn cả đời. Người rảnh rỗi chơi thơ còn khổ, người lao động kiếm ăn từng bữa mà “dính” vào thơ là sự khổ tăng lên gấp vạn lần. Ở Huế tôi thấy nhiều anh chàng đạp xích lô, xe thồ, đi biển.v.v.. như Phương xich lô (Nguyễn Văn Phương), Mẫn xích Lô ( Phạm Huy Ngữ), Ngô Thái Dương…làm lụng quần quật suốt ngày, mà vẫn có thơ ra đều đều thì lạ lắm, phục lắm.
Ngô Cang cũng là một “nhà thơ chân đất” đúng nghĩa đen của từ này, lại rất có danh, được bạn bè văn nghệ ở Huế và nhiều thành phố ở miền Nam biết tiếng và yêu mến. Thơ Ngô Cang đã in nhiều ở Tạp chí Sông Hương, Kiến thức Ngày nay, Áo Trắng, báo Thanh niên, Thừa Thiên Huế.v.v và có mặt trong nhiều tuyển tập thơ của tỉnh và cả nước. Anh làm thơ rất nhanh, viết như nói và dường như không phải sửa đi sửa lại nhiều lắm. Thi si- nông dân Ngô Cang gầy gò, đen nhẻm, hốc hác y như tượng gỗ lũa. Ba mươi hai năm nay, anh làm ruộng một nắng hai sương ở đồng quê Đông Phú, Quảng An cách Huế hơn chục cây số. Năm trúng mùa được hơn tấn thóc thì phải đóng năm sáu loại phí như phí an ninh trật tự, phí trường học, y tế, phí hội phụ nữ.v.v…Phí nào cũng thu bằng thóc. Năm lụt lội mất mùa gia đình phải ăn đong từng bữa. Làm ruộng, đến ngày gọi là nông nhàn cũng tất bật, lam lũ, mồ hôi mồ kê hơn người phố thị. Chiều về, buông cuốc là mỏi nhừ chân tay, làm xị đế đánh một giấc, sáng lại tất tả ra đồng. Đã thế điện đóm lại chập chà chập chờn, cái bàn viết cũng không ra hồn, muốn đọc trang sách cũng không được, thì làm sao mà sáng tác văn chương ?
Có năm ông bạn chủ Cà phê Sơn bên sông Hương thương tình, mời Ngô Cang lên Huế phụ bán cà phê để giúp anh tiếp xúc với những người sáng tác, có thời gian đọc báo, đọc sách. Làm được bữa đầu, ông chủ phát hiện ra Ngô Cang lãng tai nặng, khách nói yêu cầu thứ này, anh lại bưng ra thứ khác.Thế là đành phải bố trí cho “thi sĩ làng” nghề rửa cốc thìa. Được một thời gian Ngô Cang lại bận ruộng đồng phải về quê…Cách đây đã nhiều năm, có lần ra huyện Quảng Điền công tác, tôi cũng quên mất là Ngô Cang bị lãng tai nặng, mới khẩn khoản đề nghị các anh ở Phòng Thông tin Văn hoá huyện giúp Ngô Cang lên làm việc viết tin bài ở Đài Truyền thanh huyện để anh có thêm chút thu nhập, có thêm thời gian đọc sách, làm thơ. Anh cán bộ Phòng Thông tin văn hóa Quảng Điền vui vẻ giải thích :” Bọn em biết anh Ngô Cang không chỉ làm thơ hay, mà còn viết tuỳ bút, tạp văn in trên báo Kiến Thức Ngày nay cũng rất hay…. Nhưng khốn nỗi, anh đi làm tin bài mà người ta nói anh không nghe được, thì làm sao nắm được tư liệu mà viết. Thế là thương mà đành chịu anh Ngô Minh ơi” !
Thế mà từ ngôi nhà cấp bốn nép bên con đường làng cao bằng người đứng ấy, thơ Ngô Cang cứ ra đều đều. Cách đây 8 năm, năm 1999, nhờ bạn bè trong Nam ngoài Trung giúp tiền, anh đã cho ấn hành tập thơ “ Dòng sông thắp nắng”. Từ đó đến giờ anh đã 8 năm rồi, anh có thêm vài trăm bài thơ, nhưng vì nghèo quá, không có tiền để in tập tiếp, đành “xuất bản miệng” cho bạn bè nghe. Gửi đi đăng báo thì nhuận bút quá bèo. Một bài thơ bốn năm chục nghìn, một tháng may lắm in đây đó được vài bài thơ, không đủ tiền thay săm xe đạp, vì săm lốp bây giờ chất lượng thấp, mới thay đã mọt thủng, tiền vá nhiều hơn tiền thay săm mới. Thay cái săm mới hết nửa tiền nhuận bút bài thơ. Khổ thế nhưng thơ đã thành nghiệp chướng đối với anh nông dân này. Anh làm thơ sau buổi cày, thơ sau giấc rượu tỉnh lại trong đêm, làm thơ dưới ánh trăng quê, bên ngọn đèn dầu đêm mất điện : Nơi ấy mẹ già thân áo nối / Hai sương một nắng nặng vai gầy… Ở quê, anh luôn nhớ bạn bè :
Người cứ hẹn
Chưa chịu về thăm Huế
Phương Nam hành đành vỗ điệu du ca
Lang thang mãi mái hiên đời quạnh quẽ
Câu thơ buồn lạc nẻo quê xa…

Thời trẻ, học xong tú tài II ở trường Quốc Học, Ngô Cang bị bắt đi lính Sài Gòn. Đó là thời gian anh được đi nhiều nơi ở Miền Trung- Tây Nguyên, nhờ đó có bạn bè ở nhiều nơi. Còn từ năm 1975 đến này, về quê cày ruộng, một chuyến đi đối với Ngô Cang là một mơ ước. Bốn mùa quanh quẩn ruộng đồng, có dịp nào đó được bạn bè “bao”đi xa một chuyến coi như phần thưởng quý giá đối với Ngô Cang. Những chuyến đi ấy anh có rất nhiều thơ. Những bài thơ ấy chứng tỏ Ngô Cang không bị khuôn vào sau luỹ tre làng. Anh luôn tự vượt lên, mở rộng không gian thơ của mình bằng sự nhạy cảm thường trực và độ tươi mới trong cảm xúc thơ trước cuộc sống ở nhiều miền quê đất nước. Rừng mưa trắng xoá cây già / Có người đứng nhớ tình qua… thuở nào ( Trở lại B’Lao) .
Rượu Tháp Mười, em mời anh chơi tới
Đêm Tràm Chim, sếu hót, tặng người nghe
Em giấu tình nơi bờ kinh gió thổi
Anh đã tìm thấy góc hồn quê…!
( Về Tràm Chim, nghe sếu hót)
Ngoài thơ, Ngô Cang còn là người viết tản văn, bút ký có duyện. Những kỷ niệm tuổi thơ làng quê khảm vào ký ức được anh rỉ rả kể. Mùa nào thức ấy. Khi thì trưa hè trần truồng lặn tắm sông Bồ, khi thì nâng niu phong cốm dành để đơm cúng ông bà tiên tổ ngày Tết…Những hoài niệm làng quê củ khoai hột lúa đậm chất thơ ấy làm cho hoạt động văn chương của Ngô Cang phong phú hơn lên. Thơ, rồi thêm tản văn bút ký, mỗi cái Tết anh cũng kiến được dăm ba trăm ngàn góp vào cái Tết của gia đình. Tôi đã về dự cưới con gái Ngô Cang ở đồng đất mưa là lụt bên sông Bồ ấy. Anh bây giờ đã thành ông ngoại . Ông ngoại rồi mà sáng nào cũng phải ra đồng. Trước Tết Đinh Hợi , Ngô Cang đạp xe đến nhà tôi chơi. Tết này tôi đã là dân hưu trí, nên không còn có lịch các cơ quan tặng để biếu anh như các tết trước. Tôi rót mời anh cụng chén rượu gạo, rồi hét lên thật to, hỏi “anh có quan điểm như thế nào về văn chương thơ phú”. Anh ngỡ tôi hỏi chuyện ruộng đồng ở Quảng An, xuýt xoa kể : “ Lúa vừa cấy xong là lụt ngập đồng. May mà lụt chưa ngập đọt mạ, nên chắc chân lúa vẫn lên được. Lúa lên được là may rồi. Nếu là phải cấy lại vất vả lắm, hết Tết luôn !”. Tôi nhắc lại quan niệm của anh về sáng tác, anh “à” một tiếng rồi cười nói thật to :” Mình làm ruộng, làm thơ lang thang. Thích gì viết nấy. Thơ ỗi lòng đi tìm đồng điệu. Thế thôi..!” Rồi anh đọc mấy câu ứng tác :

Sầu thì nhậu, thích thì chơi
Hứng thì viết vẽ những lời cỏ cây
Một mai ta vắng nơi này
Vẫn còn cái bóng tháng ngày lãng du…
Vâng, Ngô Cang sinh ra để làm ruộng và… làm thơ. Anh làm ra hột lúa, hột lúa lại nuôi anh sống được với niềm đam mê thơ dằng dặc của mình…Từ ba năm nay, Ngô Cang không còn làm thơ được nữa vì anh bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não nắng. May là sống. Không làm thơ nhưng nhắc đến Ngô Cang bạn đọc bốn phương vẫn thấy anh như cái bóng tháng ngày lãng du…với thơ.

 

THƠ MANG MÙI BÙN ĐẤT

 

Ngắm tập thơ Kiều Mây (*) từ miền châu thổ Cà Mau gửi tặng, tôi cứ thẫn thờ. Sao lại Kiều Mây ? Cái tựa sách nghe nó như tên một vở cải lương! Nhưng khi đọc đi đọc lại 36 bài thơ, tôi mới nhận ra cái tên sách ấy có lý. Kiều Mây là sự bay bổng, là cõi tâm linh của thơ miền châu thổ.“ Nghiêng vạt gió hứng ánh trăng từ đỉnh trời rơi xuống…Thu vào mây bóng kinh thành buốt nụ sao hoa…”; “ Nước mắt sững sờ rơi choáng váng bờ hoang tưởng…”; “ Trăng ngoái đầu say tấm chăn mây”; “ Lẻ bạn tình nước mắt chảy trăng non” … Những câu thơ tôi nhặt ngẫu hứng ở các bài trong tập thơ nói lên cái chất Kiều Mây la đà ấy…
Kiều Mây là tập thơ mang đến cho người yêu thơ sự thích thú, khoái cảm thực sự. Người đọc bị hút hồn bởi cái tình thơ nồng đượm, sâu thẳm được thể hiện trong những hình tượng thơ đẹp với những câu thơ, chữ thơ rất “quê mùa” mà mới mẻ, hiện đại. Tôi nghĩ, có lẽ đến Huỳnh Thúy Kiều, chất thơ vùng châu thổ miền Tây mới được gọi tên chăng ? Miền đồng bằng phì nhiêu mênh mang sông nước lạ lùng cổ tích ấy đã làm nên văn xuôi của Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Ngọc Tư…. Và bây giờ đúc nên hồn thơ mới lạ HTK. Vẻ đẹp hồn đất hồn người chân chất miền châu thổ được HTK phát hiện dưới nhiều cách nhìn mới, vừa thật vừa ảo. Cửu Long Giang trong Kiều Mây là nỗi lòng người tha hương mở đất: Ngẫu hứng chín dòng sông tiếng gà rải giọng tha phương/ Máu Cửu Long đỏ quặn lòng chảy mềm dấu chân chim mắt mẹ ( Ngẫu hứng chín dòng sông). Nghĩ về phù sa mà dùng hình tượng “Máu” là rất mới và rất ám ảnh. Hay“Cá trê nấu với dây tơ hồng/ Ăn để về khóc đầm lưng áo mẹ”…Câu thơ dung dị mà sâu thẳm. Cái món “cá trê nấu với dây tơ hồng” rất Nam Bộ ấy là hồn cốt một vùng đất. Chữ “khóc đầm” rất đắc địa tạo ra hình hài nỗi nhớ, hình hài tình yêu.
Đọc thơ HTK ta như lạc vào tâm thức miền châu thổ mênh mang , phóng túng, ắp đầy mà quặn thắt ký ức:“Nồi canh rau tập tàng/Vị cua nêm hương ngọt/ Lùa chén cơm mồ hôi rơi nước mắt”. Cái chất hương hỏa Miền Tây ấy làm nên da thịt hồn vía thơ Kiều, làm lay động tâm can người đọc : Bên luống cày mồ hôi cha rớt hạt/ Lấm láp mầm xanh/ Nhọc nhằn bùn đất ( Quê hương)…Đồng ngửa cổ / Ào ào cơn ngực sấm / Dẫm cuồng phong / Vác cuốc bửa màu chiều. / Con dế nhủi khóc đêm thanh vắng / Lẻ bạn tình nước mắt chảy trăng non (Nói với quê hương). Những sản vật Nam Bộ trong Kiều Mây như bông điên điển, cá lìm kìm, bìm bịp, sợi khói rơm, trái bần, bông bí, đàn cò co chân, hoa mù u, trái giác nấu canh chua, nhịp cầu tre… không chỉ là sự tái hiện mà chính là biểu trưng của tình đất, là cái còn lại của đời người. Những hình ảnh như cổ tích ấy khi đứng vào đội hình thơ chúng sẽ thành lửa, thành bão xoáy lòng :
Muốn quên đồng bằng. Dễ đâu quên được ?
Màu ký ức cứ xoè ra như bàn tay năm ngón
Đây bếp lửa thơm mùi tro bánh tét
Mắm sặc kho bông súng chấm trưa nồng
Nợ khói ụn dừa buổi sớm lạnh đông
Nợ dọc đời người đau đáu chốn cưu mang …
( Mắc nợ đồng bằng)
Màu ký ức cứ xoè ra như bàn tay năm ngón là hình tượng thơ mới mẻ, chưa từng có trong thơ Việt. Hãy đọc thêm vài câu thơ nóng rãy nữa trong Kiều Mây để hiểu thêm giọng thơ đa mang nồng đượm của cây bút nữ Cà Mau này : Con dế nhủi khóc đêm thanh vắng/Lẻ bạn tình nước mắt chảy trăng non…; Cá lìm kìm rượt nhau xé dòng vọng tưởng / Châu thổ buồn thèm vực khúc đỗ quyên ;…Ngói mái đình lợp kín ấu thơ em / Rêu mốc câu nghĩa nhân ngày hôm qua bà gởi / Con đom đóm niết lòng bay quanh vạt lau, bụi sậy / Thả chéo khăn ru đất khóc vùi…/Dây bìm bìm rướn leo bám chặt / Nợ cả đời ta ngọn khói bếp len chiều…/ Sông đã giữ giùm ta bao nhiêu nước mắt ?/ Rửa trôi xuôi hơi phố xá lạnh lùng… Thơ ấy là thơ thốt lên, thơ bật ra tự đáy lòng trắc ẩn.
HTK có bài thơ “Hơi thở tôi mang mùi bùn đất” đoạt giải nhì cuộc thi thơ online của wesite: http://www.thotre.com/ 2007. Theo tôi đây là một trong những bài thơ hay nhất trong tập Kiều Mây. Âm hưởng bài thơ là sự hoài niệm về cha ông thuở đi mở cõi : Sực nức cánh đồng mùi khói rạ rơm / Mùa đìa cạn cá tung lên hứng khởi / Tôi được sinh ra nơi đất rừng huyền thoại / Đêm Phương Nam buồn / Phím nhạc cũng chùng rơi…Những câu thơ vừa cụ thể vừa khái quát, vừa gần gũi vừa xa xôi ấy như là hơi thở hổn hển của lịch sử . Hơi thở tôi mang mùi bùn đất là tứ thơ đẹp, độc đáo, mang tính hàm chứa cao nói về tình đất tình người châu thổ. Đây cũng chính là hồn thơ trong tập Kiều Mây.
Mấy năm nay tôi đọc rất nhiều thơ trẻ. Có nhiều nhà thơ trẻ rất chú trọng cách tân chữ nghĩa, cấu trúc câu thơ, rất nhiều ý tưởng thơ bạo liệt, không ngại các vùng “cấm kỵ”. Nhưng dường như thơ trẻ ít “đọng lại” trong lòng người đọc. HTK là nhà thơ thế hệ 7X, nhưng thơ chị không giống với các nhà thơ trẻ khác. Thơ chị rất hiện đại trong câu chữ, cấu trúc, đa phần là thơ tượng trưng, nhưng lại gần gũi thiên nhiên, phong tục, lời nói, gắn bó mật thiết với con người và cuộc sống vùng đất Tây Nam Bộ, đọc là say, là nhớ. Chị làm thơ từ năm 18 tuổi . Chị đã có thơ in chung trong tập thơ Những vần thơ nghịch ngợm ( nhiều tác giả – 1998 ) và tập thơ Một thoáng U Minh( nhiều tác giả – 2000 ). Nhưng từ năm 2007 đến nay, chị mới được sự chú ý của bạn đọc bằng những bài thơ độc đáo về hình tượng và sự cách tân mạnh mẽ về cấu trúc, ngôn ngữ. Câu thơ của HTK không câu nệ vần vè, số chữ mà phóng khoáng rộng mở như sông nước Cửu Long Giang. Mỗi câu thơ của Kiều đều là câu cảm. Câu thơ không sa vào tả, mà ngắt nhịp, tạo chữ đột ngột, tạo nên khoảng mờ nhòe đa nghĩa, lung linh . Ví dụ câu thơ trong bài “Và em, một mình..” : Ánh lửa hoang ròng mắt ướt thổn khóc buổi hẹn hò là câu thơ hiện đại, rất nhiều tầng nghĩa nhờ sử dụng liên tục các động từ ướt, thổn, khóc… làm cho câu thơ có tính tạo hình, mạch thơ gập ghềnh, đứt đoạn, lay động, biến ảo. Hay đoạn thơ Điệu đàn đáy sinh nụ môi bí ẩn đời khát vọng / Dắt díu màu em / Anh ngắt đứt khúc ưu phiền ươm ngọc bích nhớ thương trên ngực / Vương quốc bình minh thức dậy rụng tiếng cười. (Dắt díu màu em) vừa có nhạc, có họa, vừa thực, vừa huyền ảo làm nên sự hấp dẫn, thích thú với người đọc. Cách cấu trúc câu thơ như thế tạo nên sự mới lạ trẻ trung về cả nội dung lẫn hình thức mà không cầu kỳ, khó hiểu. HTK sáng tạo nhiều chữ thơ lạ như: lợp kín ấu thơ, quằn quật, vắt ngõ, ngực thu, nước mắt chảy trăng non, đom đóm niết lòng, gặt xong mùa bão táp, gặt đầu ngày nhan sắc…Những chữ lạ như thế làm cho câu thơ như lung lay, cựa quậy.

Kiều Mây là tình yêu quê hương hòa quyện tình yêu đôi lứa, nồng nàn và lan tỏa. Thơ tình HTK luôn “Cháy hết nỗi mình” với những câu thơ tượng trưng sống động : Hạt giống anh gieo đang cựa quậy rất khẽ từng tế bào cảm xúc ; Trăng lưỡi liềm khuyết giữa xác xơ em; Hôn vào lòng bàn tay cho đỡ nhớ…Tôi nhận ra mênh mang chất “sex”, sự “hoan lạc” (chữ của Nguyễn Trọng Tạo), phồn thực trong thơ Huỳnh Thúy Kiều. Sự phồn thực ấy là chất men làm cho câu thơ luôn nóng . Nhưng nếu quá trớn sẽ thành dung tục, phản thơ. HTK mãnh liệt nhưng kín đáo: Mây nhan sắc bừng bừng khoe ngực nõn… Vô tình mây phơi xiêm y vắt ngõ / Sắc hồng trần cởi khuy áo ngực sương/… Sợi tơ loang em hứng đỉnh phím tràn… Hạt giống anh gieo đang cựa quậy rất khẽ từng tế bào cảm xúc / Biển hồi sinh hay em hồi sinh / Ngực thu hờn tuột cúc…

Kiều Mây không chỉ là thơ hồn quê, tình người. Kiều Mây còn có nỗi đau lịch sử, nỗi đau nhân thế. Đó là nỗi đau chiến tranh còn hằn trên da thịt quê hương : Mảnh pháo chiến tranh vắt ngang thân cây gòn mồ côi bám đất; Dừa lồi lõm vết chiến tranh còn sót nhức…Nên nhà thơ luôn hỏi : Sông đã giữ giùm ta bao nhiêu nước mắt? Đó là nỗi lo mất dần những nét quê chân chất : Trò chơi dân gian bật tăm bóng dáng / Chú dế than buồn nghẹo cổ gãi râu. Đó là thân phận thương hồ : Hết cuộc trăm năm / Treo mộ phần vào ngao ngán lãng du. Đó là : Tượng đài đắp móng từ lồng ngực / Gió một chiều có thổi mát được nỗi đau …
Những cảm thức nhân văn ấy trong thơ HTK tuy chưa nhiều, nhưng nó báo hiệu về một cây bút thơ tài năng được bạn đọc cả nước yêu mến trong tương lai. Tuy nhiên trong tập Kiều Mây có một số hình ảnh trùng lặp như “ngực”, “cúc áo”, cũng có một số bài thơ giống nhau về cấu trúc tạo ra sự đơn điệu khi đọc. Nhưng đây chỉ mới là tập thơ đầu tay. Con đường thơ của Huỳnh Thúy Kiều còn dài phía trước…
Tôi đã về Cà Mau, đã đi, đã ăn nằm, hít thở mùi bùn đất dọc ngang miền châu thổ. Đọc Kiều Mây, tôi như được trở lại miên man với miền đất hứa Cửu Long Giang…
Huế, cuối năm 2008
(*) – KIỀU MÂY của HTK, NXB Văn học, 2008 .


Chuyên mục