Đăng bởi: Ngô Minh | 17.07.2012

TÔN PHONG – TIẾNG THƠ TỪ ĐÁY CUỘC ĐỜI

 TÔN PHONG – TIẾNG THƠ TỪ ĐÁY CUỘC ĐỜI

 Ngô Minh

 

NHÀ THƠ TÔN PHONG

 

Người yêu thơ thành phố biển Nha Trang và miền Trung ai cũng mến mộ thơ Tôn Phong . Nhà thơ rất đẹp lão. Ông vóc dáng to cao, phong độ,  tóc râu trắng như cước, đôi mắt sáng long lanh .Buổi sáng nào ông cũng ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa nóng, để nhìn người qua đường. Ngồi với vạn bè thì đọc thơ sang sảng. Ông làm thơ tặng nhà thơ Hữu Loan ngày tái ngộ :  Bè bạn thương anh đi cày / anh em thương anh gánh củi/  Anh gánh cả đời mình đá nặng / còng lưng miếng ăn và thơ ca …Ông làm thơ tặng hương hồn Lưu Quang Vũ :

                              Có loài chim gọi mặt trời không mỏi

                             Vẽ cánh bay trên vườn cấm địa đàng

                               Khát hạt sương trái tim chùm táo ngọt

                                 Tiếng kêu yêu huyết đọng thành trang

 Ông làm thơ nhân ngày giỗ đầu Phùng Quán, thơ tặng bạn Đông Trình,Thanh Hồ, thơ tặng con tặng vợ, thơ tình tặng những bóng hồng. Ông làm thơ gửi Huế thân yêu quê ông.v.v.. Thơ Tôn Phong da diết tình yêu và tâm trạng : lãng đãng đời / lãng đãng thơ / tóc râu lãng đãng bơ phờ thời gian…( Thơ trong cơn say) .

  Mới gặp ông lần đầu ai cũng ngỡ đây là một người phong lưu giàu có lắm. Nhưng gần gũi ông mới ông chỉ giàu tình yêu, giàu bạn bè, giàu thơ ,còn cuộc đời ông nghèo rớt mùng tơi. Vâng , ông là người dưới đáy cuộc đời, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này ! Nhưng điều lạ lùng là suốt mấy chục năm không nhà cửa, bán chè chén ở ga, “ kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi”  ,nhưng ông  không hề bỏ thơ ! Ông bảo :” Với mình thơ là người bạn thủy chung nhất, người bạn luôn biết sẻ chia, an ủi”. Vâng, nói như Phùng Quán, ông đã “ vịn thơ mà đứng dậy”! Làm thơ đầy mấy sổ tay , nhưng chẳng gửi in đâu cả . Nhờ bạn bè góp tiền, góp sức, năm 1992, khi ông 60 tuổi, Tôn Phong mới ra tập thơ đầu tay của mình có tựa đề là Mộng du .  Mười hai năm sau ( 2004) , bạn bè trong Nam ngoài Trung một lần nữa lại góp tiền in cho ông tập thơ Cổ tích buồn . Họ còn “dọa” sang năm sẽ in tiếp cho ông tập nữa…Vừa mới xuất bản tập thơ Cổ tích buồn đã được Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa trao giải thưởng. Ông có bài thơ “Trắng” ám ảnh tôi như chính cuộc đời ông vậy :

 Nỗi trắng ,trắng sao , trắng lạnh lùng

  hai bàn tay trắng, trắng hư không

  đã nhiều đêm trắng chong mắt trắng

  trắng nguyện không thành trắng cố nhân.

             Vâng, trắng đến tận cùng sự trắng!Trắng rợn cõi người! Thời bao cấp, tôi làm báo Thương Mại, trong một chuyến vô công tác ở Nha Trang, tình cờ được làm quen với ông. Câu chuyện của cuộc đời Tôn Phong như là định mệnh đối với người thơ giữa cõi đời đen bạc, cay nghiệt và phong trần lắm . Lúc đó  gia đình ông như “ người ngoài cuộc đời”, không biên chế, không lương bổng, không việc làm, không chỗ nương thân … Chỗ ở thì xin che tạm mái tranh vào một góc hiên nhà một ông đại tá nghỉ hưu, vừa đủ chỗ kê cái giường đôi , anh gọi là “ lều”. Năm sau ông đại tá vì lý do gì đó không cho trú nhờ nữa, thì sang trú ở góc sân nhà người khác. Ông kể rằng, từ năm 1975 vào Nha Trang cho đến năm 1992, ông đã 13 lần che lều trú ở sân nhà người khác như thế . Mỗi lần mưa gió cả nhà ướt như chuột lội. Trên đầu ểnh ương dóng dã / Dưới chân rền rĩ dế kêu / Nằm trong xó tôi căn lều / Cứ tưởng thân nình như đã… / Bỗng từ mái tranh mưa dột / gió lùa lạnh buốt sống lưng / dậy ngồi xo ro tựa cột / hóa ra sự sống chưa  dừng ( Viết vào đêm lều dột) . Có thời gian 3 tháng ròng không ai cho trú, cả nhà ông phải trải chiếu rách nằm ngủ ngay trên hè phố Nha Trang ! Có lần đang đêm tôi kiếm chai rượu gạo về để uống với ông cho vui. Nhưng ông bận đi “bán nước chè * trà) chén” ngoài ga. Tôi phải nhét chai rượu vào chỗ lỗ tường nơi giường ngủ của vợ  chồng ông !

               Ban ngày và nhiều  đêm trắng ông và ba đứa con  Tôn Khoan, Tôn Toại, con gái Tôn Nữ Minh Tuệ phải lên ga Nha Trang  bán chè chén .  Mới giải phóng đưa con vào Nha Trang không có việc gì làm để kiếm sống, ông phải nghĩ ra nghề “bán chè chén” cho hành khách trên tàu hỏa. Anh sắm cho các con mỗi đứa một “ bộ đồ nghề” gồm cái khay gỗ, mấy cái chén thủy tinh,  ấm trà, cái bếp quạt  than đun nước bằng sắt treo. Nhưng muốn bán được chè chén ở ga không phải dễ. Vào ga không có vé bảo vệ không cho vào, mua vé thì tiền đâu, nên đành phải chui lủi. Nhiều bữa đứa con gái chín tuổi của ông bị bảo vệ ga đánh đuổi :” Bán nước suốt ngày trời / may kiếm được bữa vơi / lỡ người ta bắt được / đánh đau quá cha ơi !”, rồi “ Ra ga người đánh đuổi / Về nhà sợ mẹ  la / dáng con đi lủi thủi / cha bưng mặt khóc òa “ .

            Tôn Phong kể rằng, ngay cả ông , râu tóc bạc trắng cũng nhiều lần bị nhân viên ga mắng nhiếc thậm tệ. Vì miếng cơm manh áo, họ mắng mấy  mình cũng im lặng, nhịn nhục để kiếm dăm ba lon gạo nuôi con ! Nhưng vào được ga chưa phải là khổ, khổ nhất là khi chờ đợi tàu đến. Hồi đó một ngày có 6 chuyến tàu vào ga Nha Trang . Tức là chờ thật  lâu mới đớn được một đòan tàu , nếu ngủ quên thì hết bán. Thế là con ngủ, cha thức ngồi nghĩ thơ. Ông toàn làm thơ như thế. Gạch xóa sữa chữa luôn ở trong đầu . Sau đó mới chép lại vào sổ tay. Vừa nghĩ được tứ thơ, tàu hú còi là thơ tan biến vào mây gió ! Có lần mãi nghĩ thơ, bảo vệ ga đến bên mà không hay biết, nên cha con ông bị phạt. Thế là đi toi tiền lời một ngày bán nước . May là hồi đó tàu đi chậm, lại dừng ở sân ga lâu, nên người uống chè chén trên tàu cũng như dưới sân ga nhiều. Một lần vào ga đưa người nhà lên tàu ra quê Quảng Trị ,  nhà thơ Triệu Phong gặp Tôn Phong và các con đang bán chè chén . Nhà thơ xúc động viết : Khuya khoắt sân ga / còi tàu khản đặc /  những tiếng rao hàng/ không còn lời đáp… Mưa nghiêng đèn vàng/ ông hát thơ mình / câu thơ bầm tím / quất vào giá băng. Bởi thế mà :

                             Uống rượu đọc thơ

                             mềm môi bạc tóc

                             đi giữa cõi người

                             khó hơn vượt thác !

               Khi không bán chè chén ở ga thì cả mấy cha con đi nhặt chai bao bán cho mấy bà đồng nát. Túi nhỏ trắng trong / phập phồng ngực đất / Tôi cúi nhặt… Ngày ngày / tôi gom nhặt / chồng chất trắng trong / những ai đã vứt ( Trắng trong) . Thời kỳ đó , ngoài vài thân hữu , ở Nha Trang không ai biết có một người thơ tên là Tôn Phong. Ông âm thầm  làm nhiều thơ buồn về cuộc mưu sinh lận đận của gia đình mình . Làm xong chép vào sổ tay, mang theo bên người như một bảo vật.  Thơ ông khi thì kêu lên :“ Xin đừng đánh con tôi / đừng chửi già hiếp trẻ / miếng ăn chừ khó lắm...Khi thì ngẫm nghĩ  chua chát :

                             Vì người khô khát mới ra đây

                             Âúm lạnh nào ai nước nước này

                             Dưới đất kẻ kêu chân vắt cổ

                             Trên toa người gọi miệng liền tay… !   ( Bán nước)

            Nhà thơ Tôn Phong sinh năm 1930, người Huế, dòng Tôn Thất. Ở miền Bắc ngày mới giải phòng họ Tôn Thất là họ vua chúa Triều Nguyễn “bán nước”, thuộc loại không được tin dùng, thậm chí còn bị nghi ngờ, Nên đa số  nhà văn ,hnà thơ phải đổi họ hay chữ lót đi để không ai phát hiện ra. Vì dụ Nguyễn Phước Vĩnh Tôn, tức nhà thơ Hải Bằng, đổi thành Văn Tôn . Tôn Nữ Ngọc Trai đổi thành Nguyễn Thị Ngọc Trai, Tôn Thất Phong, thành Tôn Phong.v.v..Năm 18 tuổi, ông tham gia bộ đội Việt Minh  ở đơn vị 321 huyện đội Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Ông bị thương  trong lúc chiến đấu ngay tại quê hương mình.  Năm  1954, ông tập kết ra Bắc ở nông trường quân đội ở Thanh Hóa. Năm 1961, Tôn Phong và Phùng Quán gặp nhau. Hồi đó , sau vụ “ nhân văn”, Phùng Quán  đi lao động cải tạo tại Nông trường Thắng Lợi ở Thọ Xuân, Thanh Hóa . Phùng Quán ở đội 6 khai hoang, Tôn Phong ở đội canh nông Ngọc Anh. Gặp nhau hai người đồng hương , lại cùng lứa, nên thân nhau ngay. Sau đợt gặp Phùng Quán đó , Tôn Phong  bị tù  6 năm vì “truyền bá tư tưởng nhân văn giai phẩm”.  Ra tù anh mất hết biên chế, mất chế độ thương binh , hai bàn tay trắng , không đồng xu dính túi, một mình cuốc bộ 75 cây số lên Cẩm Thủy làm nghề tiều phu kiếm sống .Ở Cẩm Thủy ,  chàng Tôn Thất đa tình thông minh đẹp trai ấy phải lòng cô Dương Thị Tám, lúc đó là đảng viên, chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán xã . Do  lấy một người từng đi tù vì “nhân văn” , chị Tám cũng bị mất đảng, mất chức chủ nhiệm Hợp tác xã .

               Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, nhờ liên lạc được với  người em gái ruột ở Nha Trang, vợ chồng Tôn Phong dắt 3 đứa con vô thành phố biển, với cái giấy thông hành duy nhất :” Tôn Phong – Người ra tù  cải tạo tốt” ! Cuộc mưu sinh khốn khó bắt đầu từ đó ! Ở Nha Trang được  mấy năm, Tôn Phong yêu đắm đuối ca sĩ Phạm Thị Aïi Mỹ . Hai người thành vợ chồng. Chị Aïi Mỹ cũng bắt đầu thức đêm bán chè chén với chồng và con chồng  ở ga từ đó! Năm 1986, một “sự kiện” làm thay đổi cuộc sống của gia đình ông  . Âúy là sự xuất hiện của người bạn thơ tri âm là nhà thơ Phùng Quán ở Nha Trang. Dạo đó Phùng Quán được anh Lê Quang Vịnh ( lúc đó là Bí thư huyện ủy Côn Đảo) mời tác giả tiêu thuyết Vượt Côn Đảo ra thăm đảo. Phùng Quán nhận lời, nhưng đi “ đọc thơ phục vụ nhân dân” mãi sáu tháng ròng mới tới được Nha Trang . Trong các cuộc đọc thơ bốc lửa của Phùng Quán , Tôn Phong cũng tham gia đọc những bài thơ của mình. Nhà thơ Tôn Phong xuất hiện trước công chúng Nha Trang từ đó . Sau đó ông làm nhiều thơ trữ tình đăng ở Tạp chí Nha Trang , báo Khánh Hòa , tạp chí Sông Hương …, rồi ông tham gia Hội văn nghệ Khánh Hòa .

            Nhà thơ Giang Nam lúc này là Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa rất hiểu và thông cảm với tình cảnh gia đình của Tôn Phong. Nhân các chuyện đi họp Hà Nội, ông về Thanh Hóa tìm lại những người lính cùng thời với Tôn Phong, rồi từ đó tìm được cho Tôn Phong các thứ giấy tờ như  Huân huy chương  chống Pháp, giấy thương binh. Nhờ có thẻ thương bình, lại tham gia Hội Văn nghệ , ông được tỉnh phân phối cho căn hộ 16 mét vuông ở tầng hai một khu chung cư. Ở một năm, hai vợ chồng không sao trả được 5 triệu tiền nhà cho nhà nước, bèn bán  căn hộ để  trả nợ . Số tiền còn lại mua miếng đất trong xóm khuất lấp  ở Đồng Đế làm cái nhà cấp 4. Nhưng rồi lại nợ tiền làm nhà không trả được. Hai vợ chồng  lại phải bán cái nhà tự tay mình  xây dựng ấy, để trả nợ. Số tiền còn mua một chiếc Chaly cũ để đi, còn lại gửi vào ngân hàng, số tiền lãi trên 350 ngàn hàng tháng , dùng để thuê một căn phòng nhỏ ở phố Nhà thờ Vĩnh Hải để sống những năm tháng cuối đời! Như vậy 75 tuổi, Tôn Phong vẫn là người không nhà . Từ hơn mười năm nay, ông không còn đi bán chè chén trên ga nữa. Các con cũng đã có gia đình riêng. Hai vợ chồng ông  hàng ngày cơm rau bằng đồng lương thương binh  450 ngàn đồng còm cõi. Thế mà gặp ai ông cũng độc thơ. Không chỉ đọc một bài mà đọc một lúc năm ba bài.

              Vâng, nhà thơ Tôn Phong đến già vẫn  không  có  bất cứ thứ của cải vật chất nào, ông chỉ có thơ. Tiếng thơ cất lên từ đáy cuộc đời da diết và thánh thiện lắm :

                             Một đời anh một đời em

                             có đem cộng lại cũng thành chiêm bao…


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục