Đăng bởi: Ngô Minh | 25.07.2012

Chuyện PHÙNG QUÁN (3)


ÔNG CHÚ RUỘT ĐÃ NHẬN LẠI ĐỨA CHÁU

 

          Năm 1955 , sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán xuất hiện như một hiện tượng văn học cách mạng làm xôn xao dư luận. Bộ đội khắp các đơn vị chuyền tay nhau đọc. Trong hồi ức của mình, nhà văn Hồng Nhu viết :” Hồi hòa bình mới lập lại , đơn vị tôi  đóng ở cạnh sân bay Đồng Hới, Quảng Bình. Tôi đi thị xã Đồng Hới, mua về một cuốn Vượt Côn Đảo . Đọc, tôi như bị hút hồn . Tôi kể lại câu chuyện cho  anh em trong đơn vị nghe . Ai cũng háo hức.  Ban chỉ huy đại đội cũng bị hấp dẫn . Cả những anh em “đau ốm” cũng ngồi dậy nghe. Có anh hưng phấn nhảy lên hô khẩu hiệu. Nhiều anh em nước mắt ròng ròng. Đồng chí chính trị viên khoái quá , phân công tôi đọc lại liền một hơi  cuốn tiểu thuyết trước toàn thể đại đội , xem như một đợt học tập…”. Anh Quán kể rằng, đã có lần anh  được Ban Thống nhất Trung ương hồi đó mời đến để dự lễ ký tặng 3000 cuốn Vượt Côn Đảo cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Một chồng sách lớn bày trên bàn, hai cô gái Hà Nội xinh đẹp, mặc áo dài màu thanh thiên đứng hai bên bàn, lật mở từng cuốn Vượt Côn Đảo cho nhà văn bộ đội Phùng Quán ký tặng. Sau khi ký xong toàn bộ số sách Vượt Côn Đảo đó đã được bí mật chuyển vào Nam để cho  các chiến sĩ và bà con đọc.  Kể rồi Phùng Quán chớp mắt rưng rưng :” Đó là giây phút sung sướng hạnh phúc nhất của một  người viết văn mà mình được hưởng. Lúc ấy mình thấy làm nhà văn oai phong thật !”

 

            Sau những ngày hạnh phúc đó, Phùng Quán suốt ba mươi năm lao lực, cơ cực khôn lường . Ở Hà Nội lúc đó, Phùng Quán có ông chú  ruột làm ở Bộ văn Hóa, có ông cậu họ là một ông quan lớn, nhưng mọi người đều“ từ” và tránh xa Phùng Quán . Bạn thân, đồng chí, đồng đội cũ thân không ai dám đến chơi nhà vì sợ bị liên lụy. Từ “Nhân văn” là một từ vô cùng tốt  đẹp ( Nhân văn là văn hóa của loài người ), thế mà cái từ “Nhân văn” ấy bỗng chốc trở thành từ  xấu xa, nguy hiểm nhất, đến nỗi người đời ai cũng phải lánh xa . Buồn thế , nhưng Phùng Quán vẫn vượt qua số phận để nuôi vợ con, nuôi nghiệp văn chương , không bao giờ oán thù ai ! 

 

          Anh Phùng Quán có ông chú ruột tên là Nguyễn Vạn, tức Phùng Lưu, một  lão thành cách mạng , nguyên Ủy viên Khu ủy , Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế,  về hưu và đã mất ở Huế cách đây 5 năm. Ông Phùng Lưu không tập kết ra Bắc, mà ở lại chiến đấu ở quê hương suốt mấy chục năm ròng.  Trước đây ông Nguyễn Vạn, trong nhiều năm kiên quyết không chấp nhận, không  tha lỗi cho đứa cháu bị “Nhân văn-Giao phẩm ” của mình. Đối với ông, đứa cháu đó đã phản bội lại lý tưởng của cả gia đình, dòng họ. Năm 1984, lần đầu tiên sau 40 năm xa quê, xa bà con ruột thịt , Phùng Quán vô Huế, đến thăm ông, xin ở lại nhà chú, ông không những không tiếp , mà mắng mỏ, đuổi  thằng cháu ruột ra khỏi nhà !

 

        Nhưng từ 1988, khi Phùng Quán được phục hồi hội tịch Hội Nhà Văn, sách của  anh được in bán khắp nơi, phim “Tuổi thơ dữ dội” được chiếu ở Huế, Quảng Trị và cả nước. Sau khi đọc sách, xem phim, hiểu thêm về bản chất cách mạng của Phùng Quán , ông Vạn bắt đầu thay đổi thái độ. Tôi đến thăm ông để hỏi chuyện bố mẹ anh Phùng Quán phục vụ cho việc làm sách Nhớ Phùng Quán, ông dắt tôi vào bàn thờ, kéo cái  màn che lên để giới thiệu ảnh của bố mình. Tôi thấy bàn thờ có thờ hai bức ảnh. Một bức là  ông nội anh  Quán ở chính giữa, và bên cạnh là ảnh Phùng Quán, phía duới có lời đề :” Nhà văn Phùng Quán, cháu đích tôn của ông “. Có nghĩa là ông  Nguyễn Vạn đã nhận lại đứa cháu ruột mà  mình đã “từ” bấy lâu nay. Từ đó những năm cuối đời, mỗi lần vô Huế, Phùng Quán đều ở tại nhà ông Vạn . Ông đã nói chuyện vui vẻ , chú chú cháu cháu với anh. Tôi hỏi chuyện ông Nguyễn Vạn về ba mẹ anh Quán, ông kể rất nhiệt tình , nhờ đó tôi đã lập được bản lý lịch văn học tương đối đầy đủ của Phùng Quán .

  


Trả lời

  1. Chờ đến khi đảng phục hồi cho thì mới dám nhận cháu, không biết nhục mà còn khoe…..


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục