Đăng bởi: Ngô Minh | 15.12.2014

CÓ MỘT BÍ THƯ THÀNH ỦY HUẾ KHÔNG CÓ TÊN TRONG LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ

CÓ MỘT BÍ THƯ THÀNH ỦY HUẾ KHÔNG CÓ TÊN TRONG LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ

 QTXM: Sách “Lịch sử Đảng Bộ thành phố Huế từ năm 1930 đến năm 2010”, giai đoạn năm 1945 đến giữa năm 1947 Huế không có bí thư thành ủy.Trong lúc đó nhiều cán bộ lão thành cách mạng ở Huế và hai cuốn sách  quan trọng là Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn ấn hành và Từ điển danh nhân Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng đều khẳng định ông Vĩnh Mai ( Nguyễn Hoàng) là Bí thư thành ủy Huế 1945-1947. Tại sao lại có sự lãng quên ấy ? Do kiến thức hay do định kiến cá nhân ? QTXM xin trân trọng giới thiệu bài viết Có một bí thư thành ủy Huế không có tên trong lịch sử Đảng bộ thành phố của nhà văn Nhất Lâm, người rất am tường về Vĩnh Mai, người đã từng xây mộ Vĩnh Mai- Phương Chi trên đồi Tự Hiếu, người vừa xuân bản tập truyện ký về Vĩnh Mai :NGƯỜI TÙ THÔNG MINH . Xin giới thiệu với  độc giả để cùng chia sẻ, bàn luận.

 

   Nhà văn Nhất Lâm

          Đến tháng 2 năm 2015 này, nhà thơ Vĩnh Mai đã về với thế giới người hiền được 34 năm. Kể cũng đã khá dài. Vậy mà còn đó nhiều vấn đề chính trị xã hội, văn học của con người này đang còn để chúng ta quan tâm luận bàn. Vĩnh Mai tên khai sinh là Nguyễn Hoằng. Nhưng khi vào học Quốc Học các giáo sư người Pháp phát âm không có dấu á. Thế là Nguyễn Hoằng thành Nguyễn Hoàng. Và bây giờ thì chẳng còn ai nhớ đến Nguyễn Hoằng hay Nguyễn Hoàng nữa. Mà bí danh Vĩnh Mai đã thành tên gọi từ năm 1940.

Vĩnh Mai sinh năm 1918 (theo kỷ yếu của Hội nhà văn Việt Nam). Vậy là đã đến 97 tuổi. Nhưng qua một điều tra của chúng tôi tại quê nhà ở làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với người đáng tin cậy; Vĩnh Mai sinh năm 1916 (chính người anh ruột của nhà thơ là Ông Nguyễn Ước cũng xác nhận điều này).

Vậy thì sang năm 2015, nhà thơ Vĩnh Mai đã 99 tuổi. Rạch ròi để tham khảo, còn tuổi 97 hay 99 thì không thành vấn gì cần nói ở đây. Bởi có những vấn đề quan trọng hơn về Ông trong giai đoạn hoạt động cách mạng. Đó là nhà thơ Vĩnh Mai, từ năm 1945 đến khi Pháp chiếm lại thành phố Huế năm 1947, là Bí thư Thành ủy Huế, nhưng sách “Lịch sử đảng bộ Thành phố Huế” không thấy ghi. Đúng hay không ?. Và giữa năm 1947 được xứ ủy Trung bộ mà trực tiếp là Ông Nguyễn Chí Thanh điều Vĩnh Mai ra tăng cường cho tỉnh Quảng Trị đến hết năm 1949, chỉ định ông  Thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, đồng thời là Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Trưởng ty văn hóa thông tin tuyên truyền tỉnh Quảng Trị .Nhưng sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị” không thấy ghi. Đúng hay không ?

 

Nhân những người bạn văn thơ, nhạc họa… trong tháng 12 năm 2014, chung tay sửa lại ngôi mộ của vợ chồng Vĩnh Mai Phương Chi trên đồi thông Từ Hiếu, thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Để có thêm tư liệu chúng tôi đã tìm đọc những gì đã công bố từ năm 1947 đến nay… về văn học nghệ thuật, tiểu sử Vĩnh Mai. Mới đây nhà nghiên cứu Dương Phước Thu Phó Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế đã dày công nghiên cứu để viết lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1930 đến năm 2010, thời gian 1945-1947Vĩnh Mai là chủ bút báo Quyết Chiến của thành ủy Huế.

Tài làm báo của Ông được khẳng định. Bởi gần số báo nào cũng có bài viết của Vĩnh Mai hay Nguyễn Hoàng. Có số đến 5 bài. Ngoài ra còn chủ bút tờ tiếng Pháp có tên là VIỆT PHÁP.

Sau năm 1947 đến hết năm 1949 ở Quảng trị Vĩnh Mai cũng trực tiếp viết bài bằng tiếng Pháp và chủ bút tờ báo ECHO.Giáo sư tiến sĩ Phan Hữu Dật đã đánh giá tài năng viết báo bằng tiếng Pháp của Vĩnh Mai như sau: “Ở Miền Trung người biết tiếng Pháp có nhiều, nhưng biết đến độ người Pháp chính gốc cũng phục và viết báo bằng tiếng Pháp như Vĩnh Mai thì có mấy người”. Có người đánh giá tài năng này ở Huế chỉ có Hải Triều và Vĩnh Mai.

Chúng tôi đã tìm đọc “Lịch sử Đảng Bộ thành phố Huế từ năm 1930 đến năm 2010” vừa xuất bản. Lạ lùng thay; giai đoạn năm 1945 đến giữa năm 1947 thành ủy Huế không có vị nào làm bí thư thành ủy. Một lỗ hổng lịch sử như vậy hãy còn bỏ trống của cuốn lịch sử một đảng bộ danh tiếng là thành phố Huế.

Tất nhiên trong cuốn lịch sử thành phố Huế giai đoạn này chẳng có tên Vĩnh Mai hay Nguyễn Hoàng. Trong khi đó thì có quá nhiều sách báo in ra và cả lý lịch Vĩnh Mai… đều khẳng định Vĩnh Mai là Bí thư thành ủy Huế giai đoạn 1945, 1946, 1947. Nhiều cán bộ lão thành cao niên như Ông Xuân Tốn nhà thơ Lê Trọng Sâm đã từng là trưởng phòng văn hóa thành phố Huế sau năm 1975. Và sinh hoạt cùng chi bộ với Vĩnh Mai giai đoạn 1955 đến 1960 đều thừa nhận Ông là Bí thư Thành ủy. Kể cả nhà báo đáng kính Nguyễn Khoa Bội Lan vừa qua đời đầu năm 2014 hưởng đại thọ 100 tuổi hơn. Đã từng làm báo thời đó với Vĩnh Mai, và sau này cùng làm việc tại báo Văn Nghệ của Hôi nhà văn, có trụ sở 17 Trần Quốc Toản Hà Nội, là người biết rõ nhất.

Năm 1992, Bà Phương Chi vào Huế làm đêm thơ và in tập thơ “Đất Đen Hoa Thắm” do nhà xuất bản Thuận Hóa bỏ kinh phí ra in, đồng thời làm lại bia mộ trên đồi TỪ HIẾU. Tôi đã đưa Bà Phương Chi đến tặng sách thành ủy. Lúc bấy giờ có trụ sở đường Hoàng Hoa Thám. Ông bí thư thành ủy Nguyễn Văn Quang tiếp đón niềm nở. Tôi nhớ không nhầm, Ông Dũng lúc ấy là Phó bí thư có nói: “Làm gì có Ông Vĩnh Mai bí thư thành ủy Huế”. Ông Nguyễn Văn Quang nói luôn: Có đấy anh Dũng à. Thành ủy đã can thiệp mới đưa hài cốt của ông về an táng trên đồi Từ Hiếu. Vì đây là khu di tích không được chôn cất. Bây giờ mộ Ông bà Phương Chi (bà Phương Chi mất năm 2009 và đem một ít tro về cùng mộ Vĩnh Mai). Bên cạnh mộ chủ tịch thành phố Huế Lâm Hồng Phấn. Còn ở Quảng Trị ông Trưởng ban tuyên giáo Nguyễn Văn Hùng còn quyết liệt hơn và khẳng định là Vĩnh Mai không có trong thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị. Trước đó nhân đến dự ngày ra đời Tổ chức cách mạng cộng sản đầu tiên của Quảng Trị tại xã Hải Phú, tôi đã tiếp xúc với Ông Phó ban Tuyên giáo về Ông Vĩnh Mai. Và Ông Phó ban còn quyết liệt hơn cả ông Hùng.

Tháng 8 năm 2014, tôi may mắn có trong tay cuốn “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Trị” giai đoạn từ năm 1930 đến năm 2010, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Những gì in ấn trong tập sách này đã nói lên tất cả. Tôi đã đến gặp Cô H ban tuyên giáo tỉnh Quảng Trị , chính Cô H đã đem ấn phẩm này đi in. Nhưng Cô H nhiều lần cũng nói Vĩnh Mai không là thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị. Trời ạ. Chính Ông Nguyên Văn Hùng thường vụ tỉnh ủy Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Trị là người chỉ đạo để có ấn phẩm này.

Ở giai đoạn 1945 đến năm 1950, sách Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Trị”  đã viết đầy đủ “giữa năm 1947 tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương cho xuất bản tờ báo Giết giặc, đồng chí Vĩnh Mai ủy viên Thường vụ trưởng ban Tuyên Huấn làm chủ nhiệm trực tiếp điều hành tờ báo”.Ngay ông Hùng,  cô H cũng lấy làm ngạc nhiên.

Từ tháng 7 đến tháng 11 đã mấy lần tôi đến thành ủy Huế (tại đường Trần Cao Vân) và gặp Ông Dũng bí thư, Ông Hòa cũng ủy viên thường vụ trưởng ban Tuyên giáo, đem theo đầy đủ các bài viết của Ông Trần Hoàn nhạc sĩ. Bộ trưởng Bộ văn hóa là ủy viên Trung ương Đảng đều viết rất rõ ràng trên báo chí khẳng định Vĩnh Mai từ năm 1945 là Bí thư thành ủy Huế.

Từ năm 1947 đến hết năm 1949 là ủy viên thường vụ, trưởng ban Tuyên Huấn, Trưởng Ty văn hóa thông tin tuyên truyền tỉnh Quảng Trị.

Tôi đã cho in toàn bộ những bút tích này vào tập truyện ký NGƯỜI TÙ THÔNG MINH và đã tặng sách cho các vị ủy viên thường vụ thành ủy Huế.

Nhưng xem ra họ không chấp nhận những chứng liệu này, kể cả quyển kỷ yếu nhà văn Việt Nam (do Hội nhà văn xuất bản). Đó là việc làm của chúng tôi với các ông trong thường vụ Thành ủy Huế, có đến 3 lần trong tháng 10 và 11 năm 2014.

Riêng ở ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Trị, tôi đã gặp Ông Trưởng ban Nguyễn Văn Hùng. Tôi đã đưa ra những tư liệu và cả lời xác nhận của các vị lão thành cách mạng đã ở tuổi 93 như ông Trần Kim Hồ. Thế này là thế nào Cô H ?. Chẳng biết Cô H đã báo cáo với 2 thủ trưởng này mà Lịch sử báo chí cách mạng Quảng Trị do các ông chỉ đạo đã in thành sách.

Khi đem tập truyện ký NGƯỜI TÙ THÔNG MINH đi tặng bạn bè tôi đã phát hiện cuốn từ điển danh nhân Việt Nam của hai tác giả Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thể. Tự điển dày hơn 1000 trang in ra và tái bản lần thứ 4.

Tại mục V có ghi chú mục N để xem chi tiết. Từ điển viết: “Vĩnh Mai tức Nguyễn Hoàng sinh năm 1918 tại làng An Tiêm xã Triệu Thành huyện Triệu Phong Quảng Trị sớm giác ngộ cách mạng và bị Pháp đày lên Buôn Ma Thuộc. Đã giữ chức bí thư thành ủy Huế và thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị. Là nhà thơ… Ông là người yêu nước nhiệt thành”

Tôi đã đem từ điển này đến thành ủy Huế hy vọng gặp Ông Dũng bí thư, nhưng chỉ gặp Ông Ngự, ủy viên thường vụ và trưởng ban tổ chức. Tôi đã trình bày những gì viết về Vĩnh Mai trong cuốn từ điển danh nhân.

Khi một con người đã có tên trong từ điển danh nhân một quốc gia với lời đánh giá “yêu nước nhiệt thành”…

Thì việc lịch sử đảng bộ thành ủy Huế hay lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có ghi tên Vĩnh Mai là bí thư thành ủy hay ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị không còn ý nghĩa với chức danh thật mà ông đã từng kinh qua một cách đầy trách nhiệm. Vì sức nặng của Từ điển danh nhân Việt Nam vượt xa các văn bản khác. Và tôi đã nói với Ông Ngự, ủy viên Thường vụ Trưởng ban tổ chức thành ủy Huế: Lần cuối cùng đến đây để kết thúc vấn đề nhà thơ Vĩnh Mai có là bí thư thành ủy Huế từ năm 1945 đến giữa năm 1947 hay không… Các ông có trách nhiệm đính chính việc này, vì đây là lịch sử của Đảng.

Trên đường phố Huế hoặc nơi nào đó trước năm 1945 Vĩnh Mai đã hoạt động. Tôi cứ nghĩ về Ông và về những gì qua cuộc đời biến động mà ông đã nếm trải. Từ việc đi cải cách ruộng đất đợt đầu tiên ở Thanh Hóa năm 1953, vì tranh luận với vị lãnh đạo cao cấp về phần trăm địa chủ áp đặt cho từng xã, làm ông bị đoàn ủy bắt kiểm điểm rồi trả về chi hội văn nghệ liên khu IV. Rồi trong vụ nhân văn giai phẩm. Ông không ký tên hùa theo để phản đối và phát biểu chính kiến của mình là Trung ương đừng thô bạo với văn nghệ sĩ như Văn Cao, Nguyễn Hữu Dang, Phan Khôi…

Chính Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu… đã nói rằng với anh Vĩnh Mai: “chúng tôi ngã mũ chào anh”. Đến năm 1960 Ông bị kỷ luật về tội phát ngôn nhưng nhiều người cho biết cái tội của ông là làm thơ đã kích Mao, Mao là con gà chọi

Cất lên tiếng gáy thấy hừng đông

Tưởng mình đem lại mặt trời hồng

Suốt ngày theo mái phờ đôi cánh

Đấm đá nhau toặc cả mồng

Áo năm bảy màu quần chẳng có

Ngày năm bảy vợ tối nằm không

Này hỡi coi chừng thân gà chọi

Không khéo chỉ còn một nhúm lông”.

Với cái án “xét lại hiện đại”, họ ám ảnh cái kỷ luật cổ điển áp đặt của Vĩnh Mai và quên rằng năm 2002 nhà nước đã truy tặng thưởng huân chương độc lập hạng I và các huân chương kháng chiến chống Pháp chống Mỹ bị gác lại, nay Truy tặng đầy đủ. Đợt tặng này có nhà văn Tô Hoài.

Cuối tháng 12 năm 2014 này anh em văn nghệ ở thành phố có mặt ở đồi Từ Hiếu thắp hương dâng sách lên hương hồn nhà thơ: Chiêu Tuyết cho một nhà thơ, nhà cách mạng, một Con Người Viết Hoa đã sống đẹp cho lý tưởng và bị bạc đãi để chết yểu mệnh như phút ra đi “Nhờ anh về thưa với trung ương lần này thì Vĩnh Mai đi… đứt thật rồi đấy”.

Sống trăm năm chắc gì đại thọ

Ông yểu mệnh mà đời tôn vinh

Xin cúi đầu lạy người dưới mộ

Sống như ông thiên hạ cúi mình

Nhân đây xin nói để anh em văn nghệ Quảng Trị biết Vĩnh Mai là chính là người sáng lập nhóm thơ Nguồn Hàn từ năm 1947-1948 cùng với Dương Tường, Lương An, Trần Hồng Chương v.v…

Trước anh linh của vợ chồng nhà thơ đã từng dùng bút hiện BÚT TẠ để đập vào những cái đầu u mê tham nhũng hại dân, lươn lẹo. Lớp văn nghệ sĩ chúng tôi xin trọn đời noi theo con đường văn dĩ tải đạo để phụng sự tổ quốc Việt Nam.

Xin nghiêng mình trước Đồi Thiêng TỪ HIẾU.

 Huế cuối tháng 12 năm 2014

( Tác giả gửi cho QTXM)


Chuyên mục