Đăng bởi: Ngô Minh | 22.04.2012

CHUYỆN NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH

CHUYỆN “…NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH ”

Ngô Minh

mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
thương tôi nên ở góa nuôi tôi
… mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc
đêm nào mẹ cũng khấn thầm
mong con khôn lớn cất mặt với đời…

Thế hệ thanh niên yêu thơ những năm chống Mỹ ở miền Bắc ai cũng xúc động khi đọc “ Bài thơ của một người yêu nước mình” , “ bài từ miền Nam gửi ra” của Trần Vàng Sao. Với tôi, bài thơ như viết cho hoàn cảnh riêng của mình, có lẽ cũng là hoàn cảnh riêng của nhiều người Việt Nam trong thời binh đao tao loạn. Ba tôi bị giết oan khi tôi mới bảy tuổi. Mạ tôi ở góa , đi mót khoai hà, đội nón mê đi ăn xin tôm cá dọc biển, rồi buôn thúng bán bưng chạy chợ suốt ba chục năm ròng nuôi năm đứa con khôn lớn nên người. Nên mỗi lần đọc lại Bài thơ của người yêu nước mình của Trần Vàng Sao, tôi đều ứa nước mắt…. tôi yêu đất nước này xót xa… tôi yêu đất nước này cay đắng… tôi yêu đất nước này áo rách…tôi yêu đất nước này rau cháo… tôi yêu đất nước này lầm than… tôi yêu đất nước này chân thật… Cái điệp khúc “ tôi yêu đất nước này…” lúc cất lên như tiếng nấc, lúc chìm sâu như nỗi nghẹn ngào, khi nghe như tiếng vọng của tâm linh thăm thẳm. Thật may cho tôi, hơn 30 năm nay, ở Huế , nhiều lần cùng nâng chén, chuyện trò với nhà thơ mà mình ngưỡng mộ. Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt về Huế , tôi lại chở về Vỹ Dạ thăm Trần Vàng Sao, Nguyễn Trọng Tạo vô Huế lại rủ tôi xuống Trần Vàng Sao, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên từ Hà Nội vào cũng mò xuống thăm Trần Vàng Sao… Tôi thấy ở nhà Lâm Thị Mỹ Dạ có loại rượu quê Lệ Thuỷ cực ngon, tôi lại năn nỉ xin một chai nhỏ mang xuống cho Trần Vàng Sao…Nhiều lần tiếp xúc với nhà thơ nổi tiếng không biết Hội Nhà văn là gì này, tôi mới nghiệm ra một chân lý : Càng “yêu nước mình” Trần Sao càng khổ, càng bị hất ra ngoài rìa cuộc sống !…

Anh Nguyễn Đính ( tên thật của nhà thơ Trần Vàng Sao) ở đường nhánh Tuy Lý Vương , vòng vèo sâu hút trong thôn Vỹ Dạ. Tôi về thăm anh nhiều lần, lần nào cũng đi sai đường, phải hỏi thăm người đi đường :“ Nhà anh Nguyễn Đính chỗ nào?” Nhiều người không biết. Lại hỏi “ Nhà của nhà thơ Trần Vàng Sao ở đâu?”, thì ai cũng biết , nhiệt tình dắt đến tận nơi. Cái thôn Vỹ Dạ nổi tiếng trong thơ Hàn Mặc Tử ấy là nơi sinh trưởng nhiều nhà thơ , nhà văn ,họa sĩ danh tiếng như Tuy Lý Vương, Bửu Chỉ, Nguyễn Khoa Điềm , Mường Mán, Trần Vàng Sao…Gia đình nhà thơ sống trong một ngôi nhà vườn cổ đã xuống cấp do ông nội để lại. Ba của nhà thơ tham gia Việt Minh thời chống Pháp bị Tây bắn chết ngay tại thôn Vỹ Dạ năm 1947 . Mẹ anh ở vậy tần tảo chạy chợ nuôi anh mười mấy năm ròng. Nên tuổi thơ anh buồn, cô đơn, chơi suốt ngày với lá vú sữa, lá mít rụng trong vườn.
Những đứa bà con hàng ngày chửi bới
chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi…

Ở xóm này mỗi lần lụt là nước ngập đến bụng, nên phải đắp nền nhà rất cao. Mỗi lần tôi đến chơi đều thấy nhà thơ tóc xoăn mặc bộ quần áo nâu sòng, ngồi hút thuốc , hoặc nhấp tí trà, tí rượu , bó gối nhìn ra cổng . Thỉnh thoảng anh vẽ tranh Bồ Đề Đạt Ma bằng bút chì, hay đọc sách Phật . Nhà treo đầy tranh Bồ Đề Đạt Ma . Giá sách nhà anh ngoài sách văn học, sách bạn bè tặng, còn có bộ “Kinh Đại Bát Nhã ” 30 tập dày cộm . Trên bàn để đầy một chồng sổ sách và bản thảo thơ gạch xóa viết trên loại giấy vở học trò xé ra. Hơn 15 năm nay, anh vẫn viết hàng trăm bài thơ tự sự dài dằng dặc, rất gan ruột, nhưng chẳng in ở đâu, mà chỉ để cho bụi phủ. Tôi hỏi anh sao không đưa in tạp chí Sông Hương? Anh trầm ngâm :” Thơ buồn lắm. In ra người đọc lại buồn lây , rồi lại hiểu nhầm…” . Nhưng khi tôi gợi đến chuyện ở trên chiến khu xưa , thì nhà thơ như bừng tỉnh , nói chuyện rất sôi nổi.

Anh Nguyễn Đính sinh năm 1941. Năm 1961 tốt nghiệp tú tài, sau đó ghi tên vào Đại học văn khoa Huế. Những năm sinh viên anh đã tham gia hoạt động tranh đấu xuống đường. Lứa học sinh sinh viên Huế đấu tranh thời đó có rất nhiều người nổi tiếng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ ,Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao.v.v..Có thể gọi đó là Thế hệ Vàng của Huế những năm 60 của thế kỷ trước . Thế hệ được học hành tử tế và được tắm trong luồng gió triết học hiện sinh , phân tâm học Fờ-rớt từ phương Tây thổi tới ! 1963 , mới 22 tuổi, anh Đính đã tham gia chuyên san “Nhận Thức” do Nguyễn Đắc Xuân làm chủ biên đấu tranh đòi tự do hòa bình cho xứ sở. Anh viết bài điểm sách, giới thiệu bài thơ “ Hoa Cô Độc” của Ngô Kha với bút danh Trần Sao. Lúc này anh đã tham gia tổ chức cách mạng hoạt động bí mật như rải truyền đơn, vận động sinh viên tranh đấu. Anh Đính kể, khỏang cuối năm 1964 hay đầu năm 1965 gì đó , anh nhận được một lá thư theo đường dây bí mật từ “Trên Xanh” ( chiến khu) gửi về Huế. Đó là thông báo quyết định của Thành ủy Huế kết nạp Nguyễn Thiết, Nguyễn Đình Hương ( những người cùng hoạt động nội thành với anh) và Nguyễn Đính vào Đảng, viết dưới hình thức một bức thư do đồng chí Hà, tức Lén, bí thư Thành Ủy lúc đó ký. Nhưng lễ kết nạp không được tổ chức. Sau đó không nghe cấp trên nói gì nữa. Coi như Trần Vàng Sao đã một lần vô Đảng hụt !

Tháng 6- 1965, vì bị lộ nên tổ chức đưa anh “ lên Xanh”, công tác tại Ban Tuyên huấn Thành Ủy Huế. Anh kể rằng, hồi đó bom đạn ác liệt lắm. Thành ủy Huế thành lập một cái đài truyền thanh ở chiến khu A Lưới. Phải đào sâu vào lòng núi để đặt điện đài. Nhưng chưa kịp phát buổi đầu tiên đã bị bom Mỹ đánh sập. May mà không ai việc gì, chỉ hư máy móc. Ác liệt thế nhưng anh em ai cũng hăng say. Thời gian đó anh viết bài cho đài truyền thanh, cho báo “Cờ giải phóng”, viết bài gửi về Huế phần nhiều ký tên Trần Sao. Có lần anh ngồi cả tháng, soạn một bài “ Cương lĩnh Diễn Ca” hàng trăm câu song thất lục bát để tuyên truyền đường lối của Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng, phục vụ cho công tác binh vận. Những lúc bom đạn ác liệt, đói cơm, thiếu muối, phải đi đào củ mài ,củ chụp, Nguyễn Đính vẫn làm ca dao hò vè động viên anh em :” Hy sinh gian khổ sá chi. Tự Do Độc Lập có gì quý hơn”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người “trên xanh” cùng thời kể :” Mùa thu năm 1966, địch bắn pháo vào nơi đóng quân , Nguyễn Đính bị thương vào chân ở chân dốc Kết Nghĩa gần núi Kim Phụng, phải vô nằm trạm xá. Tôi hỏi anh bị thương như thế mà họ có cấp thẻ thương binh cho anh không, có cái thẻ thương binh là có thêm tiền đấy !. Anh Đính bảo :” Mình bị thương nhiều người biết , bây giờ trở trời vẫn đau nhức rất khó chịu ở vết thương nơi đầu gối, nhưng biết múi mớ mô mà khai cho có thẻ ! Ngay cả ba mình là Việt Minh bị Tây bắn ngay tại làng, ai cũng biết, mà chẳng biết khai báo, chạy vạy những đâu để được liệt sĩ. Mà mình không chạy thì nhất định nhà nước không làm, nên đành thôi vậy !” .

Anh quên chuyện của mình, nhưng lại rất nhớ những người đồng chí đã hy sinh :
… mi về Đông Xuyên trước Tết
và thoát chết trong một trận càn
hầm ngập hết nước
mi ăn gạo sống chảy nổi ngoài cồn mả ba ngày ba đêm
mi gửi cho tau mấy viên thuốc dạ dày
và một xấp Phong Lai
bây giờ mi chết thật rồi sao…( Đồng Chí ).
Cũng như trong “ Bài thơ của một người yêu nước mình”, điệp khúc “ bây giờ mi chết thật rồi sao” trong bài thơ Đồng Chí là tiếng khóc của tình ruột thịt , lay động tâm can . Đó là thứ thơ gan ruột, như moi tim óc mình ra mà viết.

Tôi hỏi hoàn cảnh ra đời của “ Bài thơ của người yêu nước mình” và tại sao anh lại ký là Trần Vàng Sao , một cái tên rất dễ gây nguy hiểm khi về hoạt động trong lòng địch. Trần Vàng Sao sôi nổi kể : Cuối năm 1967, mình bị sốt rét nặng phải vô Trạm xá chiến khu. Lúc đó Ban Tuyên Huấn Thành ủy đang làm tập văn thơ “ Nổi lửa”, chuẩn bị tuyên truyền cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân. Anh em vào viện hỏi mình có bài gì không để in. Mình viết ngay một mạch được bài thơ , toàn chuyện của đời mình . Họ in ronéo ở chiến khu, sau đó đưa về Huế hàng ngàn bản cho lực lượng hoạt động nội đô phát hành vào tháng 12- 1967. Không ngờ bài thơ cũng là tâm trạng chung của mọi người. Mới hay yêu nước không chỉ là chuyện “ xuống đường” hay “ đấu tranh giai cấp”, mà yêu nước còn là tiếng nấc của sự đồng cảm trước nỗi đau của những người cùng khổ ! Lúc đầu mình ký là Trần Sao . Nhưng sau đó sửa lại Trần Vàng Sao, vì lúc nghe Tổng tấn công thì sướng quá, cứ ngỡ thắng lợi đến nơi ! Nhưng cái tên ấy cũng cũng khí khái , hợp tạng mình , nên mình vẫn giữ đến bây giờ !

Trần Vàng Sao là người thẳng thắn , trực cảm mạnh, thơ anh nhiều tầng nghĩa, nhưng lại là những hình ảnh thường ngày trong đời sống gia đình, bè bạn. Đó là một thứ thơ không dễ viết , viết không dễ hay! Nhưng anh đã viết và viết rất hay, viết thấm đẫm nỗi đời. Anh không bao giờ giấu giếm hay “tô hồng” cuộc sống. Những chuyện bi phẫn , chuyện buồn đau ngậm ngùi trong cuộc sống hàng ngày anh đều đưa vào thơ, như là một sự sẻ chia , an ủi . Kể chuyện cùng các con múa lân rằm Trung thu , anh viết
… cái trống loong mặt ni lông và hai chiếc đũa tre tôi đánh
múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu tiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con
cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
tôi vỗ tay hoan hô
và không biết mình có nhớ ra được cái mặt nạ ông địa không.

( Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình ).

Bài thơ này Trần Vàng Sao viết tháng 9-1984, nhân sinh nhật tuổi Tỵ của mình, khi anh được trên cho nghỉ hưu non, như là để loại ra khỏi cơ quan một thắng “mất dạy”. Hưu sớm lương rất ít, vợ không có nghề nghiệp, phải nuôi hai đứa con, nên buồn là phải . Nhưng lại có người cực đoan , một chiều đã phê bình rằng “ bài thơ u ám, bất lực, tuyệt vọng !”. Có người bụng dạ ác độc lại suy diễn ra rằng, bài thơ nói xấu đất nước, vì năm 1984 đúng 43 năm Cách mạng Tháng Tám,30 năm Quốc Khánh… Người đàn ông bốn mươi ba tuổi… “đang nói về 43 năm lập nước một cách tiêu cực”. Thế là nhà thơ bị báo đài tỉnh nhà “ đánh” tới tấp vì cho rằng bài thơ không có “lập trường” rõ ràng! Người ta về chợ Đông Ba bắt bà con tiểu thương phát biểu ý kiến phê phán tập thơ, rồi in lên báo, trong lúc bà con tiểu thương ở chợ buôn bán tối mắt tối mũi, có bao giờ đọc tạp chí Sông Hương !

Ôi, “một người yêu nước mình” đã từng thảng thốt :” Tôi yêu đất nước này rau cháo . Bốn nghìn năm cuốc bẩm cày sâu. Áo đứt nút qua cầu gió bay…” với cái bút danh”cờ đỏ sao vàng”, thách đố kẻ thù là Trần Vàng Sao, làm sao mà tuyệt vọng được, làm sao lại nói xấu đất nước mình yêu được! Hình ảnh một người đàn ông bốn mươi ba tuổi “ thường không có một đồng dính túi”,” một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa…”,” … muốn được say rượu / họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng’… là hình ảnh thật buồn, nhưng sâu đậm chất người, chất nhân văn. Từ vụ “ Người đàn ông 43 tuổi…” đó anh ngồi ở nhà, tôi không thấy anh đăng thơ ở đâu nữa.

Sự phán xét cực đoan một chiều hay sự “hiểu nhầm” này một thời cũng đã làm cho Trần Vàng Sao khốn khổ ở Hà Nội. Năm 1970, anh được đưa từ chiến Khu A Lưới ra chữa bệnh và an dưỡng ở miền Bắc. Trong thời gian chữa bệnh anh có một cuốn sổ ghi nhật ký và những bài thơ mới viết của mình . Anh vốn trực tính, thấy cái gì chướng tai gai mắt thì ghi, thì viết. Có người đọc được những suy nghĩ đó của anh, liền báo cáo với cấp trên, thế là họ tổ chức chụp ảnh toàn bộ cuốn nhật ký, thơ của anh. Từ đầu năm 1972 đến cuối năm 1974, ba năm ròng rã, tại viện điều dưỡng K65 ở thị xã Sơn Tây, rồi K.100 ở thị xã Phú Thọ,“ Người yêu nước mình” bị những người cực đoan mao-ít kiểm điểm, đấu tố , làm nhục, bị xa lánh, bị nhổ nước bọt truớc mặt, vì “mất lập trường, tư tưởng phản động động, bị nghi là CIA” và đau nhất là mất luôn tất cả mấy chục bài thơ tâm huyết ở trong cuốn sổ đó !Thậm chí người ta còn đề nghị anh nên bỏ cái bút danh Trần Vàng Sao đi!

Tháng 3 năm 1975, Huế giải phóng, Trần Vàng Sao là một trong những người đầu tiên đăng ký về “xây dựng quê hương”. Anh đã được ghi tên vào danh sách, nhưng sau đó bị cấp trên gạt ra. Hình như người ta muốn gạt anh ra khỏi đội ngũ những người đi theo cách mạng . Và họ đã thành công. Sốt ruột quá, anh xin đi nhờ một chiếc xe của văn nghệ về Huế, trong tay không có bất cứ loại giấy tờ tùy thân gì. Vì có ai cho mà có ! Về Huế, lúc đầu chính quyền không nhận vì không có giấy chuyển , mãi sau người ta mới bố trí anh về làm “mõ làng”, tức liên lạc ở xã. Sau một thời gian, anh được rút lên công tác tại Phòng Văn hóa Thành phố Huế , rồi lại điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu , cho đến khi nghỉ hưu . Lương anh sau khi đã tăng lên 10% vào tháng 10 năm 2004 là 500 ngàn đồng, sau mấy lần tăng theo kiểu “giá ơi chờ lương với”, đến nay gần triệu đồng, vừa đủ cơm rau qua ngày.

Sau khi hồi hưu non , nhiều buổi hai vợ chồng phải trốn chui vào sân bóng đá Tự Do để bán thuốc lá cho người xem bóng đá. Trần Vàng Sao cũng đã từng ba lô cuốc thuổng đi đào vàng trên núi Quảng Nam, A Lưới, nhưng mấy tháng ròng không kiếm được chỉ vàng nào cả. Chị Hay, vợ nhà thơ, lúc thì chạy chợ, lúc đi bán bánh canh cá lóc. Một thời gian, chị gánh bánh canh cá lóc, bún chay lên tận khuôn viên Hội Nhà báo tỉnh ở 22 – Lê Lợi để bán. Anh em văn nghệ báo chí bảo nhau :” Đi ăn bánh canh cho vợ Trần Vàng Sao”. Hết vốn lại về chăm sóc vườn nhà, kiếm ngày dăm bảy ngàn tiền rau dưa. Có lần tôi về Vỹ Dạ tặng anh tập thơ mới in của mình. Anh bắt tay tôi cám ơn, rồi mở cuốn sách hít hít mùi giấy mới :” Giấy thơm hè, thơm hè !”. Tôi nhìn anh ngửi mùi giấy tập thơ mà xốn xang trong lòng. Thơ Trần Vàng Sao hay thế, nhưng muốn in thì phải có tiền. Mà anh thì tiền lương hưu không đủ nuôi con ! Mấy năm trước, bạn bè bên Mỹ tập hợp in cho anh một tập , lấy tên sách là “ Bài thơ của một người yêu nước mình”. Họ gửi về tặng anh một cuốn. Đây là tác phẩm thơ đầu tay của Trần Vàng Sao. Nhưng anh chưa nhìn tận mặt sách thì có người giành mượn rồi chuyền đi đâu mất tang! Ôi, giá mà có tiền để in toàn bộ thơ Trần Vàng Sao , tôi tin đây là một tuyển thơ rất hay !

Có lần hai nhà thơ Nguyễn Hoa và Nguyễn Trọng Tạo từ Hà Nội vô Huế đến thăm anh. Nhà thơ Nguyễn Hoa gợi ý anh làm đơn vào Hội Nhà văn, vì từ lâu rồi anh đã rất xứng đáng. Trần Vàng Sao vuốt tóc xoa tay cười thật thà :” Thật cám ơn sự chú ý của các anh, nhưng tôi hưu rồi, vô Hội làm được gì cho Hội nữa !”. Nói thế, nhưng “người đàn ông 64 tuổi” ấy vẫn làm thơ hàng ngày. Thơ anh chan chứa, đắng cay, đau buồn như chính cuộc đời nhân dân, đất nước ! Chiều mát , anh lại đạp chiếc xe đạp cà tàng đi thăm bạn bè. Trong các cuộc rượu bạn bầu, anh lại kể miên man về những kỷ niệm thời chiến khu, và hát, những bài hát miên man về Huế, rồi anh đọc thơ . Những câu thơ mặn như nước mắt…chuyện bông hoa mọc một mình trên đá / cứ hay cười mà không biết có người buồn…


Trả lời

  1. […] CHUYỆN NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH (Ngô Minh). “Có người bụng dạ ác độc lại suy diễn ra rằng, bài thơ nói […]

  2. […] Chuyện ngừơi yêu nước mình  (Ngô Minh) – “Có người bụng dạ ác độc lại suy diễn ra rằng, bài thơ nói xấu đất nước… Thế là nhà thơ bị báo đài tỉnh nhà ‘đánh’ tới tấp vì cho rằng bài thơ không có ‘lập trường’ rõ ràng! Người ta về chợ Đông Ba bắt bà con tiểu thương phát biểu ý kiến phê phán tập thơ, rồi in lên báo, trong lúc bà con tiểu thương ở chợ buôn bán tối mắt tối mũi, có bao giờ đọc tạp chí Sông Hương!”. […]

  3. […] Chuyện ngừơi yêu nước mình  (Ngô Minh) – “Có người bụng dạ ác độc lại suy diễn ra rằng, bài thơ nói xấu đất nước… Thế là nhà thơ bị báo đài tỉnh nhà ‘đánh’ tới tấp vì cho rằng bài thơ không có ‘lập trường’ rõ ràng! Người ta về chợ Đông Ba bắt bà con tiểu thương phát biểu ý kiến phê phán tập thơ, rồi in lên báo, trong lúc bà con tiểu thương ở chợ buôn bán tối mắt tối mũi, có bao giờ đọc tạp chí Sông Hương!”. […]

  4. Dó là cái giá mà ông Trần Vàng Sao (hay Vàng Mắt) phải trã cho sự ngây … của mình.

    Posted by 42.119.116.216 via http://webwarper.net, created by AlgART: http://algart.net/
    This is added while posting a message to avoid misusing the service

  5. “Có người bụng dạ ác độc lại suy diễn ra rằng, bài thơ nói xấu đất nước… Thế là nhà thơ bị báo đài tỉnh nhà ‘đánh’ tới tấp vì cho rằng bài thơ không có ‘lập trường’ rõ ràng! Người ta về chợ Đông Ba bắt bà con tiểu thương phát biểu ý kiến phê phán tập thơ, rồi in lên báo, trong lúc bà con tiểu thương ở chợ buôn bán tối mắt tối mũi, có bao giờ đọc tạp chí Sông Hương!”

    Sự bất nhân và bẩn thỉu sao giống nhau !


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục