Đăng bởi: Ngô Minh | 13.07.2012

RA MẮT HẢI KỲ TUYỂN TẬP

                          RA MẮT HẢI KỲ TUYỂN TẬP  

                                                                     Ngô Minh

alt

Hóa vàng HẢI KỲ TUYỂN TẬP trước mộ nhà thơ

             Bạn đọc thân mến. Từ sáng ngày 10 đến ngày 11/7/2012, Ngô Minh  ra Đồng Hới dự giỗ một năm nhà thơ Hải Kỳ mất và  Lễ ra mắt HẢI KỲ TUYỂN TẬP. Lễ tổ chức  sáng 11/7/2007 do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình và Hội VHNT Quảng Bình phối hợp thực hiện. Buổi lễ trang trọng và xúc động. Nhà văn Hữu Phương, chi hội trưởng Chu hội Nhà văn VN tại Quảng Bình là người dẫn chương trình. Nhà thơ Mai Văn Hoan, người đại diện cho nhóm biên soạn  mở đầu câu chuyện. Nhà thơ kể lại  từ ngay sau khi đám tang nhà thơ Hải Kỳ, việc làm tuyển tập Hải Kỳ đã được bàn  bạc giữa Hữu Phương, Ngô Minh và Mai Văn Hoan cìng gia đình nhà thơ. nghĩa là đã tròn một năm công phu chuẩn bị . Đã thông báo lên mạng để bạn bè gửi  thư từ , bài vở liên quan đến Hải Kỳ, tổ chức biên soạn vô phu cẩn trọng. Tiếp đó là thư từ công văn xin Hội Nhà văn VN đầu tư kinh phia để in tác phẩm.

alt

Quang cảnh buổi ra mắt HKTT

         Tiếp theo là tham luận của tiến sĩ Nguyển Thị Nga, giảng viên dạy văn ở Đại học Quảng Bình nhan đề “THƠ HẢI KỲ – NHỊP TIM ÁNH NHỮNG ĐIỆU BUỒNviết rất sâu về điệu buồn trong thơ Hải Kỳ. Do tiến sĩ Nga bận  thi vấn đáp học trò nên  bài viết do chị Lê Na, Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ đọc. Tiếp theo là bài viết gần như tổng kết nội dung HẢI KỲ TUYỂN TẬP của nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong, giảng viên Khoa ngữ văn Trường Đại học khoa học Huế . Nhà văhn Phạm Phú Phong bận dạy học không ra Đồng Hới được nên bài viết  của Phạm Phú Phong do nhà thơ Lê Đình Ty đọc. Có chuyện hi hữu là trước đó gần  một tiếng đồng hồ, nhà thơ Lê Đình Ty do lơ đãng nên bỏ quên bài viết ở đâu không biết. Ty lục tìm khắp nơi toắt mồ hôi, vẫn không thấy. Cuối cùng Ty ra đứng giữa trời cầu khấn hương hồn nhà thơ Hải Kỳ:” Hải Kỳ ơi, mình đánh rơi bài viết của Phạm Phú Phong ở đâu không nhớ, ông linh thiêng chỉ cho mình với. Mình sắp lên  đọc rồi mà bài viết  chưa tìm ra”. Khấn xong , Lê Đình Ty vào  chỗ ngồi, kéo cánh cửa ra cho mát, bỗng  thấy bài viết rơi xuống. Thiêng thật ! Sau Lê Đình Ty, nhà văn Nguyễn Thế Tường đã lên phát biểu vo về “sự chơi”, “cái tài hoa” của nhà thơ Hải Kỳ. Bài phát biểu  rất  sôi nổi. Nguyễn Thế Tường  nói :” Hải Kỳ là cây dó,  cây dó ấy bị những nhát chém của cuộc đời, làm nên nên những vết thương, để từ đó dó sinh ra trầm. Thơ Hải Kỳ là trầm hương, là kỳ nam…”. Ngô Minh cũng đã phát biểu đôi lời về  việc xin các tác giả có bài  nghiên cứu, phân tích thơ Hải Kỳ,  thơ  tặng Hải Kỳ được in trong HẢI KỲ TUYỂN TẬP thông cảm vì  kinh phi eo hẹp,  xin các tác giả  hỗ trợ cho khoản nhuận bút. Vì gia đình nhà thơ Hải Kỳ thì nghèo, vợ không có lương hưu. Đề nghị của Ngô Minh được mọi người tán đồng.

alt

Nhà thơ Mai VĂn Hoan phát biểu

         Sau cùng, nhà thơ Nguyễn Bình An, chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình lên tổng kết, cám ơn các tác giả đã dó những bài viết tâm huyết, đánh giá đúng  về quá trình sáng tác cũng như nhân cách của nhà thơ Hải Kỳ. Thơ Hải Kỳ sống mãi với thời gian…

        Sau lễ giới thiệu sách, mọi người đến gia đình nhà thơ Hải Kỳ thắp nhang  tưởng niệm một năm nhà thơ rời cõi tạm. Trước đó, chiều ngày 10/7, nhà văn Nhất Lâm, Ngô Minh, nhà thơ Lê Đình Ty đã cùng các cháu con nhà thơ Hải Kỳ  đã hóa vàng HẢI KỲ  TUYỂN TẬP trước mộ nhà thơ. Ngọn lửa hóa vàng cháy rừng rực. Cả cuốn sách dày 600 trang, không xé, vẫn cháy  thành tro.

          Bài viết của tiến sĩ Nguyễn Thị Nga chúng tôi đã giới thiệu trênngominhblog.wordpress.com và ngominh.vnweblogs.com . Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết ĐỌC HẢI KỲ TUYÊN TẬP của nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong

   

                            ĐỌC HẢI KỲ TUYỂN TẬP

 

                                                                                  Phạm Phú Phong(*)

  Nhân ngày giỗ đầu nhà thơ Hải Kỳ (23.07.1011-2012), với tất cả tấm lòng yêu mến và trân trọng về cả nhân cách và sự nghiệp thơ ca, bạn bè thân hữu và gia đình, với sự hổ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam, đã tổ chức sưu tầm biên soạn và cho ra mắt Tuyển tập Hải Kỳ (Nxb Thuận Hóa, 2012). Sách dày gần 600 trang, khổ lớn (14,3 x 20,3cm), ngoài Lời thưa đầu sách, Tiểu sử nhà thơ Hải Kỳ, tríchĐiếu văn, các ca khúc phổ thơ Hải Kỳ và 45 bức ảnh, về nội dung gồm có ba phần chính:

Phần 1, Thơ tuyển (từ trang 19 đến trang 394), với 272 bài thơ, là sự chọn lọc, tinh tuyển nhất của suốt chặng đường hơn bốn mươi năm sáng tác của Hải Kỳ, sự sắp xếp theo trình tự thời gian một cách tương đối, chủ yếu là được rút từ năm tập thơ như Ngọn gió đi tìm (1987, tái bản 2001), Đồng vọng (1989), Nằm đếm trời sao (1997), Đối thoại lục bát (1999), Giấc mơ (2009) và những bài thơ in báo, in trong các tuyển tập, hoặc anh mới làm trước khi qua đời. Nếu đặt riêng từng bài, từng tập có thể chỉ nhận diện thơ Hải Kỳ ở từng giai đoạn khác nhau, gắn liền với hơi thở đời sống của đất nước, của bối cảnh xã hội và những cảm xúc trinh nguyên của một tâm hồn yêu đời, yêu người, yêu quê hương đất nước vượt lên trên tất cả những góc khuất, phần tăm tối, eo sèo, khó khăn trĩu nặng của đời sống thời nào cũng có, để thể hiện một thế giới tâm hồn rộng mở, với một niềm tin mảnh liệt, lúc nào cũng trong tư thế muốn vươn tới, bước tới, trải rộng hồn mình để giao hòa với tha nhân. Nhưng đặt những tinh tú trong một bầu trời có sự trồi sụt, gần xa khác nhau, lại tạo nên một dải ngân hà với những tia sáng lấp lánh không xa xôi mà gần gủi với tầm với của con người. Hải Kỳ không quá khó khăn đi tìm cảm xúc, không quá cầu kỳ trong phương thức biểu hiện, không quá cố gắng tìm kiếm những ý tưởng cao siêu, những định đề triết lý, mà xuất phát từ những cảm xúc, những tình cảm chân thành của đời sống được chưng cất, ấp ủ từ cõi tâm hồn hướng về cái đẹp, tạo thành câu thành chữ, thành giọng điệu thơ ca, vừa giản dị vừa khiêm tốn, nhưng thấm đẩm vị mặn của đời sống như một qui luật hiển nhiên:

Biết làm sao, tôi làm con suối nhỏ

Làm con đường ven vệ cỏ bờ đê

Mồ hôi mặn và máu thì phải đỏ

Và thơ thì không dối được điều chi

                                                                   (Tôi thường được…)

Thơ là sự thố lộ tình cảm chân thật tự lòng mình. Có thể nói, mọi cung bậc tình cảm của đời sống được chắt lọc qua tâm hồn trong suốt, mỏng mảnh, dễ bị tổn thương của anh, đều có thể trở hình tượng nghệ thuật, thành thơ như một sự hồn nhiên hiển thị. Anh viết về tình yêu quê hương đất nước, khơi sâu những trữ lượng trầm tích trong nguồn mạch văn hóa dân tộc, về làng quê văn hiến ở Lệ Thủy, ở Đồng Hới nơi anh có một tuổi thơ trong tình yêu thương chăm bẳm của người mẹ, anh viết về Huế nơi anh từng học và nhiều miền đất nước anh đã từng qua, từng có những khoảnh khắc vụt qua để sống hoặc để hướng về. Những cảm xúc đầy ắp thương yêu anh dành để nói về mẹ, về vợ con và những bạn bè thân hữu, những đối tượng trữ tình anh thoáng gặp trên đường đời, trong đó sâu nặng nhất là đối với người vợ đã đồng cam cộng khổ chia ngọt sẽ bùi. Cũng như nhiều nhà thơ có sự giao thiệp rộng rãi khác, anh có nhiều bài thơ để tặng bạn thơ, tặng người thân, trong đó có nhiều bài dành tặng vợ – cái hình tượng đối tượng trữ tình trung tâm, mà anh đã có ít nhất sáu bài đề tặng (Một chuyến em điAnh ở trong này, Bất ngờ câu lý, Tôi ra cửa biển, Em ốm, Nếu ngày tôi chết) hoặc khi viết về một “em”nào đó, nhưng anh vẫn có sự liên tưởng, nhớ về, băn khoăn như bị cột neo tình cảm không thể thờ ơ. Một thi nhân từ trong bản chất, yêu cái đẹp đến nồng say, dễ bị lay động bởi những ánh mắt đuôi mày như anh, thậm chí có lúc còn buông thả cảm xúc hong phơi nơi này nơi khác, nhưng cuối cùng vẫn đằm chứa bên trong một tình yêu thương không gì có thể lay chuyển nổi, xem ra anh không bị những cảm xúc dễ dãi chi phối, ít bị ngoại cảnh làm tổn thương đến đời sống tinh thần, hay nói đúng hơn thế giới tâm hồn của Hải Kỳ luôn kiến tạo bằng một thứ vàng ròng. Chả thế mà người đời thường dạy, lấy lửa để thử vàng, lấy vàng để thử đàn bà, lấy đàn bà để thử đàn ông. Tâm hồn anh là vàng, là lửa, là sắc đẹp, nhưng lại vượt lên trên tất cả những chất dễ cháy của cảm xúc, anh có một khối vàng ròng không thể phôi pha, đó là tình cảm thủy chung trước cuộc đời, là phẩm chất cuộc đời của thi nhân. Sự thủy chung đó không chỉ thể hiện trong tình nghĩa vợ chồng mà còn thấm đẫm trong những câu thơ anh viết về bằng hữu, đặc biệt là những bạn thơ, viết về những người anh gặp trong đời sống, (như người bán rượu ở Quán rượu Hằng NgaNgười hànhkhất, Người phu mộ…), hoặc viết về các con, các cháu (Ông cháu cùng lên cầu thang, Cháu và ông đá bóng mùa Uôn cúp, Gọi cháu qua điện thoại, Cháu thăm ông, Đêm nằm viện mơ thấy cháu), nhất là những vần thơ tác giả dành để “Kính dâng Mẹ”:

Mẹ tôi ngày ấy rất hiền

Thường ra đứng ngóng trước thềm đợi tôi

…..

Bây giờ tôi đã là tôi

Mẹ thành nắm đất cuối đồi sim mua

                                                                     (Mẹ tôi)

Thơ Hải Kỳ sinh ra từ đời sống cần lao, là tiếng nói của đời sống, gần gủi với đời sống nhưng không dễ dãi về cảm xúc và cố nhiên, càng không dễ dãi về ngôn từ. Thơ anh tròn vần, tròn điệu, nhưng vẫn gần gủi với vốn văn học dân gian, ca dao hò vè của một vùng quê văn hiến, đã được làm mới, làm lạ hóa giọng điệu, thể hiện tư duy hiện đại. Có lẽ vì thế, tuy anh đã ướm thử nhiều thể thơ, nhưng có lẽ thành công nhất đối với Hải Kỳ là thể thơ lục bát. Trong tuyển tập này chỉ có bốn bài thơ văn xuôi nhưng có đến bốn mươi mốt bài lục bát (không kể hai bài in lặp lại), và phải khẳng định đó là những bài thơ hay không chỉ của riêng Hải Kỳ mà còn cả ở trên thi đàn nước ta. “Hải Kỳ làm rất nhiều loại thơ, nhưng sắc sảo nhất vẫn là thơ lục bát. Thơ lục bát Hải Kỳ không lẫn vào bất cứ người nào. Ông có niềm riêng của ông. Cái niềm riêng ấy đã đưa thơ ông vào vị thế tên tuổi các nhà thơ trữ tình. Con người thơ Hải Kỳ giàu tình cảm, bộc trực và đầy cá tính. Cái riêng biệt và cá tính trong đời sống đã chắp cánh cho cái riêng biệt và cá tính sáng tạo bay lên trong thơ ông”. Đó là những nhận xét xác đáng của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, trong Điếu văn được trình bày trong lễ truy điệu Hải Hỳ.

Phần 2, Bài viết, nhật ký, thư từ (từ trang 395 đến trang 434), trích bài Tôi của ngày xưa, Hải Kỳ tự viết về lai lịch cuộc đời chìm nỗi của mình như một tấm gương soi về số phận, cũng chính từ đó mà hình thành nên quan niệm về cuộc sống và thơ ca của anh: “Tôi và em trai tôi – chú Hà – côi cút nuôi nhau, sau này chú Hà lấy thím Loan con gái mẹ Suốt, Bảo Ninh, tôi làm đại diện nhà trai hỏi vợ cho em năm 1974. Khi tôi lập gia đình, Lý – vợ tôi chịu khổ nuôi con cho tôi đi thi đại học. Tôi thi đỗ và học bốn năm Đại học Sư phạm Huế với những người học trò tôi. Người dạy tôi là bạn học cấp ba với tôi ở Lệ Thủy (…) Và đến giờ tôi vẫn làm nghề dạy học. Từ trang vở học trò trong nhà trường đến trang đời tôi cũng giống như bao bè bạn là thơ phải lật qua  bao cay đắng mới đến trang thơ màu nhiệm” (tr.401). Ở phần Nhật ký, chỉ trích vào tuyển tập có bốn mươi hai ngày, bắt đầu từ 20.03.1979 ghi lại cuộc sống kham khổ thời bao cấp, nhưng vẫn giữ thói viễn du, những chuyến “giang hồ vặt” như cách nói của Vũ Hoàng Chương, thăm viếng bạn thơ, đến những ngày vật vã đấu tranh với tử thần trên giường bệnh, mà ngày cuối cùng là 01.05.2011, trước khi qua đời 89 ngày. Nhật ký luôn dành riêng cho một người đọc, đó chính là người viết. Người ta có thể “làm dáng” trong nhiều thể văn khác, nhưng với nhật ký luôn ghi lại sự thật đời sống, sự thật tình cảm, cảm xúc mà chỉ có mình mới hiểu cho chính lòng mình. Đọc nhật ký mới thấy, tác giả đã biết trước cơn bệnh hiểm nghèo và lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận cái chết trong tư thế chấp nhận, như số phận đã an bài. Phần Thư từ, cũng là những trang viết hết sức cảm động, trong đó có bức Thư gửi mẹ viết ngày 17.9.1968, để báo cho mẹ biết mình đã có giấy báo đi học Sư phạm 10+2, nhưng khi thư đi đến nơi thì mẹ anh đã chết  vì đạn rocket từ máy bay Mỹ. Sau đó là thư từ trao đổi qua lại giữa anh và các bạn thơ, trong đó có người là bạn học thời còn trung học như Mai Văn Hoan, Lê Đình Ty, Ngô Minh, Hoang Vũ Thuật…Qua thư, càng bộc lộ đời sống tâm hồn và nhân cách của một con người sống hết lòng vì bạn, vì đời và vì sự nghiệp thơ ca.

Phần 3, Hải Kỳ trong lòng bè bạn (từ trang 435 đến trang 556), gồm có 13 bài viết về Hải Kỳ và 13 bài thơ vết tặng Hải Kỳ, trong đó có những người tài danh như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Hải Bằng, Ngô Minh, Nguyễn Quang Lập, Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Hoan, Lê Xuân Đố, Hồ Thế Hà… Có người, cả bài viết và thơ có đến bốn, năm bài (Ngô Minh ba bài viết, hai bài thơ, một bài sưu tầm, Mai Văn Hoan hai bài viết, hai bài thơ, Hoàng Vũ Thuật một bài viết, hai bài thơ…). Những bài thơ viết tặng Hải Kỳ, được xếp theo vần tên tác giả, chủ yếu là những tiếc thương vô hạn, những lời chia buồn khi bất lực nhìn tử thần mang bạn đi vào cõi vô cùng:

                          Bạn ơi, no đói sang hèn

                          Một lần là hết, nhớ quên bời bời

                          điếu văn rời cõi viết rồi

                          chỉ còn thơ bám hồn người

                          không đi…

                                                                   (Ngô Minh, Bạn ơi)

Xác định sự sống là tạm thời, chỉ có cái chết mới là mãi mãi, nhưng không hề hư vô, bi lụy:

                                Ta sẽ gặp nhau nơi miền cực lạc

                                Xin để lại những tác phẩm: ảnh, thơ, phim, nhạc…

                                Và những dòng lịch sử quê hương…

 

                                Xin chôn theo những câu thơ dang dở

                                Những dự định chưa làm để nhắc nhở cháu con

 

                                Rồi chúng ta sẽ lần lượt ra đi

                                Như chiếc lá úa vàng rơi rụng…

                                                                           (Cảnh Giang, Những chiếc lá)

Những bài viết xếp theo thời gian xuất hiện, ngoài những bài bình thơ, là những bài nghiên cứu, phê bình có giá trị học thuật, như bài viết của Hồ Thế Hà, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Hoan, Hồ Ngọc Diệp, bên cạnh những ký ức một thời của những người “cùng một lứa bên trời”. Những bài viết này không chỉ phân tích những đóng góp của Hải Kỳ về cả nội dung và nghệ thuật, cả giá trị hình tượng và ngôn từ, mà còn xác định vị trí thơ của Hải Kỳ trong dòng chảy của thơ Việt hiện đại. Điều quan trọng hơn, nhằm khắc họa chân dung thi sĩ, chính là những trang viết về hồi ức kỷ niệm, những tâm sự, lối sống, quan hệ, giao thiệp mà chỉ có những người bạn thơ, gần gủi nhất với Hải Kỳ mới hiểu được, không chỉ góp phần phát ra tiếng nói âm vang giọng điệu thơ ca của anh, mà còn thể hiện con người thật, Hải Kỳ một trăm phần trăm, là chân dung một con người suốt đời rong chơi, khao khát yêu, khao khát thơ, khao khát sống đến mức đắm say: “Quen Hải Kỳ gần ba chục năm, mình biết đời Hải Kỳ tóm lại mỗi chữ chơi. Đi học chơi nhiều hơn học, đi dạy chơi nhiều hơn dạy, đến khi già, không còn sức bay nhảy nữa thì suốt ngày chơi với cháu. Đến tuổi ngũ thập lục thập nhiều kẻ lo đánh bóng cái bao bì, vài cái huân chương, dăm cái giải thưởng, danh hiệu để khi chết có cái cho người ta đọc điếu văn. Anh không, chỉ chơi với cháu, chẳng quan tâm đến cái gì sất. Anh nghiện chơi với cháu đến nỗi một hôm mình đến nhà thấy anh đang ngồi bó gối bên đứa cháu đang ngủ, mình hỏi cháu làm sao, anh cười, nói có chi mô. Tau ngồi chờ hắn thức dậy để chơi./ Lối chơi của Hải Kỳ là lối chơi con nít. Nghĩa chỉ thuần chơi không, chả vì một cái gì, cũng chả cần ý tứ, so đo chơi với ai không chơi với ai, cứ thế anh chơi tràn, vui đùa giận hờn tràn cung mây, y chang con nít” (Nguyễn Quang Lập, Nhớ Hải Kỳ, tr.494).

          Không phải đến những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh, anh mới nghĩ đến cái chết. Anh không hư vô, bởi lúc nào cũng tâm niệm “Sự sống tuần hoàn vĩnh cửu tháng năm” (Tâm tình trở biếc), nhưng cũng đã nhiều lần anh nhắc đến cái chết: “Nếu một ngày mai tôi chết đi” (Nỗi buồn mùa thu, 8.1976), nên thơ anh nói nhiều về thời gian, năm tháng, bốn mùa, có thể nói anh bị ám ảnh về thời gian, anh đã mường tượng ra cái hữu hạn của đời người sẽ trở nên bất lực trước cái vô hạn của đất trời là tất yếu. Vì vậy, một trong những bài lục bát hay nhất của anh, cũng là bài thơ cuối cùng trước khi từ giả cõi đời, không chỉ là sự tiên cảm về cái chết, mà là một bản di chúc về thơ, về sức sống của thơ:

Nếu ngày tôi chết, em ơi

Xin chôn thơ xuống cùng nơi tôi nằm

Dù tôi ngủ giấc nghìn năm

Cây Thơ xanh – Rễ từ tâm xanh đầy…

                                                                  ( Nếu ngày tôi chết)

Trước khi chết mà còn tĩnh tâm, bình thản dặn vợ như thế, thì có lẽ thi sĩ đến như thế là cùng, và cũng thuộc loại hiếm hoi trong thế gian, trong giới thi nhân.

        Tuyển tập Hải Kỳ chưa phải là một sưu tập đầy đủ tất cả những gì làm nên đời thơ Hải Kỳ, cũng như không phải đã tuyển đủ những bài viết về Hải Kỳ. Nhưng những gì có được đã là quý giá lắm rồi, cần phải ghi nhận công lao và tấm lòng của nhiều người, mà theo tôi biết, người có công lớn nhất là nhà thơ Ngô Minh, không chỉ với Hải Kỳ mà còn với cả nền thơ ca của đất nước. Đọc Lời thưa đầu sách của Ngô Minh, nói đến công sức nhiều người làm nên tuyển tập, tôi tự thấy mình có lỗi với vong linh Hải Kỳ, và viết những dòng này như thắp thêm một nén nhang bên mộ Hải Kỳ, nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ.

 ————-

(*) : Phạm Phú Phong, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, giảng viên Khoa ngữ văn, Trường Đại học khoa học Huế


Trả lời

  1. […] HẢI KỲ người đi khuất, thơ ở lại (Lê Thiếu Nhơn).  – RA MẮT HẢI KỲ TUYỂN TẬP  —  (Ngô […]

  2. […] Nhương). – HẢI KỲ người đi khuất, thơ ở lại (Lê Thiếu Nhơn).  – RA MẮT HẢI KỲ TUYỂN TẬP  —  (Ngô […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục