Đăng bởi: Ngô Minh | 07.09.2012

VĂN HÓA VÀ DU LỊCH

VĂN HÓA VÀ DU LỊCH  

                                                                               Ngô Minh

 

            Trước khi nói về văn hoá du lịch, chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là văn hóa . Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, vì chuẩn mực văn hóa luôn phát triển theo thời gian và mang tính khu biệt : Văn hóa người Ka Tu, M’Nông, Mường…; văn hóa Việt, văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc…; văn hóa phương Đông, Phương Tây.v.v..Tuy nhiên trên góc độ rộng, văn hóa là toàn thể  thành tựu của loài người  hình thành trong quá trình sản xuất vật chất và tinh thần, là sự hiểu biết về sự vật, cách xử thế, là phép tắc lịch sự ; văn hóa còn là đạo đức, lối sống, tư tưởng, tình cảm mang đặc thù dân tộc, để dân tộc đó mãi mãi là mình trong cộng đồng nhân loại. .

 

          Theo chúng tôi làm du lịch chính là làm văn hóa. Khái niệm văn hóa du lịch gồm khai thác văn hóa để làm du lịch và làm du lịch có văn hóa. Không có ngành nghề nào đòi hỏi tầm nhìn và ứng xử văn hóa cao như ngành du lịch.  Du lịch là một nhu cầu văn hóa thiết yếu của đời sống con người, xuất phát từ ham muốn tìm hiểu, khám phá thế giới , nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh…Cuộc sống càng hiện đại, phương tiện đi lại càng thuận tiện thì như cầu du lịch ngày càng tăng lên. Có nước như Pháp, Ai Cập, Trung Quốc, Hà Lan…mỗi năm đón hàng trăm triệu lượt khách du lịch.  Nhu cầu khách du lịch gồm : Ăn, ngủ, đi lại, mua sắm hàng lưu niệm và đi tham quan, giải trí. Tùy theo sức hấp dẫn, chiều sâu văn hóa của di tích tham quan, khả năng đáp ứng nhu cầu  ăn ngủ, đi lại và mua sắm, văn hóa ứng xử của nhân viên các hãng du lịch địa phương mà khách chỉ “một lần không trở lại”, hoặc đến nhiều lần. Từ đó  sinh ra khái niệm kinh tế du lịch. Kinh tế du lịch là một ngành kinh tế lớn của nhiều nước trên thế giới. Kinh tế du lịch là nghành khai thác lợi thế tự nhiên và văn hóa truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Để hấp dẫn du khách  người làm du lịch phải am hiểu văn hóa ở cả  2 bình diện : Thấu hiểu căn kẽ văn hóa dân tộc và các nước trên thế giới mà mình quan tâm ; hai là người làm du lịch phải là những người có văn hóa ứng xử cao. Đó là hai nội dung cơ bản của  văn hóa du lịch.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc có một nhận xét rất xác đáng :” Nói đến văn hóa ở thời đại kỹ thuật là nói đến biện pháp kinh doanh văn hóa, đổi mới văn hóa để đất nước giàu có, phát triển”. Hiểu theo Phan Ngọc, thì đối tượng của văn hóa du lịch là những nét riêng biệt có ở từng lĩnh vực, từng sự vật tạo nên độ lệch văn hóa hay ưu thế lựa chọn của sự vật đó. Làm kinh tế du lịch là làm cho du khách nắm được, hiểu được cái độ lệch văn hóa ấy, thích thú khi thưởng thức nó và cảm thấy mình giàu có lên về tinh thần và  tình cảm. Việt Nam ta có bề dày văn hóa 4000 năm, có 54 dân tộc ,  mỗi  vùng miền đều có những sản phẩm văn hóa đặc trưng. Khai thác những nét văn hóa đặc  trưng đó sẽ tạo nên độ lệch văn hóa . Ví dụ như Lễ hội đâm trâu , lễ hội cồng chiêng ở Tây Nguyên, chọi trâu Đồ Sơn, đua voi ở Buôn Ma Thuột, dệt thổ cẩm, uống rượu cần của các bản làng dân tộc, hay chợ tình Sa Pa, Lễ hội hoa Đà Lạt; sống trong nhà vườn Huế; hay các di sản văn hóa thế giới nổi tiếng như Quần thể Di tích Cố Đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng, Ghênh Ráng-Hàn Mặc Tử ( Bình Định).v.v.. Đó là những sản phẩm văn hóa  tạo nên độ lệnh văn hóa cao đối với du khách nước ngoài. Ở Hội An ,người dân thiết lập  xưởng  nghề thủ công truyền thống của Thương cảng Hội An xưa như thêu thùa, chạm khắc mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, dệt lụa, dệt chiếu, may đo  theo yêu cầu của khách.v.v…Ở đây  khách đến xem thợ làm , rồi mua những thứ mà họ thích ; hay đặt may quần áo  bằng các loại thổ cẩm .  Nhiều năm nay,  du lịch Hội An đã có thêm những tour du lịch mới như  tour “ Một ngày làm cư dân phố cổ”,”MỘT NGÀY LÀM ĐÈN LỒNG”… “ Một ngày làm cư dân phố cổ” du khách quốc tế được làm nông dân làng rau Trà Quế- Cẩm Hà. Du khách được trực tiếp  cuốc đất, xới đất , cấy cải, bón phân trồng những luống rau mới;  rồi nhổ cải, bó cải thành từng bó . Du khách rất xúc động khi được cùng sống, cùng lao động một ngày với người phố cổ…Có thể nói Hội An là điển hình về hiểu biết và khai thác văn hóa truyền thống phục vụ du lịch.

Chúng ta đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, 4 sao,  học nấu món  ăn Âu, Á, món ăn Hồi giáo, món ăn Ấn Độ…, tìm hiểu phong tục ăn uống, sinh hoạt của từng nước, cũng là tìm hiểu văn hóa của họ để phục vụ họ tốt hơn. Nhưng  mục đích của mỗi chuyến du lịch của  khách là sự hiểu biết, sự thưởng thức văn hóa Việt Nam. Nên chỉ đầu tư xây dựng khách sạn , mà quên việc  đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, các  khu du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống, thì không thể thu hút được du khách. Đó là khiếm khuyết lớn của du lịch hầu hết các tỉnh hiện nay.  Khách du lịch quốc tế không phải đến Việt Nam để ở  khách sạn nhiều sao, để ăn cơm Tây, uống rượu Tây, khiêu vũ…, mà họ đến để mong được sống một đêm trong nhà vườn Huế, một đêm với bản làng dân tộc ở  Bản Đôn, Sa Pa. Họ đến để thưởng thức nhã nhạc Huế, cồng  chiêng Tây Nguyên , thưởng thức các món ăn Việt Nam, để uống rượu gạo Ba Đồn, Bầu Đá, Làng Vân… của Việt Nam . Hiện nay nhiều  hãng du lịch nước ta bắt đầu đầu tư ra thế giới. Ví dụ Công ty Du lịch Hương Giang mở quán bán món ăn Huế ở Nhật Bản. Nhiều món ẩm thực là thương hiệu Việt nổi tiếng thế giới như phở, nem, bún bò Huế.v.v… Không hiểu hết sức mạnh của các thương hiệu đặc trưng đó sẽ thất bại khi đầu tư mở nhà hàng ăn uống ở nước ngoài. 

Ứng xử văn hóa của người làm du lịch quyết định khả năng thu hút khách của hãng du lịch đó. Khách sạn, nhà hàng du lịch không hiểu tập quán của người Hồi giáo, của người theo đạo Hindiu Ấn Độ, hay sở thích ăn ở, đi lại của các  VIP ,các thương gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… để phục vụ chu đáo, sẽ đễ làm cho lòng tự trọng của khách bị tổn thương, họ sẽ “một lần không trở lại”. Nhân viên du lịch không biết lịch sự  “xin lỗi”, không biết “cám ơn”, không luôn luôn nở nụ cười , không tận tâm với du khách, thì dù khách sạn có nhiều sao , khách cũng không muốn ở. Một hãng du lịch mà không biết quảng bá các sản phẩm du lịch của mình  ra thế giới, chỉ ngồi chờ sung rụng, thì  nhất định không phát triển được . Đặc biệt đối với  những người “hướng dẫn du lịch” hàng ngày thuyết trình cho du khách  về các di tích văn hóa, mà không hiểu sâu di tích, không nhiệt tình giảng giải cho du khách, thì khó mà chinh phục du khách.  Đối với khách quốc tế, cách tổ chức bữa ăn, lời mời, câu chào , sự lịch lãm có khi hơn cả chất lượng những món ăn. Môi trường du lịch thường làm cho khách khó chịu hay thích thú, đó cũng là văn hóa du lịch. Đến một điểm tham quan mà du khách luôn bị quấy nhiễu bởi những người ăn xin, người bán hàng rong, xích lô, xe thồ ..níu kéo, hay những quán bán hàng “cắt cổ” sẽ tạo ra cảm giác khó chịu, làm cho buổi đi tham quan của họ bị ức chế. Tất cả những ứng xử hàng ngày  đó đều thuộc về văn hóa du lịch. Muốn có “môi trường du lịch sạch” phải nâng cao dân trí, phải huy động sức mạnh của  nhiều nghành tác động liên tục, kiên quyết, chứ không thể “khoán” cho ngành du lịch.

Văn hóa du lịch quyết định sự tăng trưởng và sức hấp dẫn lâu bền của du lịch một tỉnh, một vùng. Hiện nay, kiến thức văn hóa dân tộc , văn hóa nhân loại và  thái độ ứng xử văn hóa đang là điểm yếu nhất của hệ thống du lịch Việt Nam, lại chưa được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu tại các trường du lịch. Đây là  vấn đề bức xúc đang đặt ra cho các nhà quản lý và đào tạo  du lịch.

 


Trả lời

  1. […] – VĂN HÓA VÀ DU LỊCH (Ngô Minh). […]

  2. Chữ “nghành” của bác Ngô Minh thừa chữ cái Hờ”..:)

  3. […] vẫn phải nhập muối? (DV). – Tôm Việt gặp báo động đỏ ở Nhật  (NNVN). – VĂN HÓA VÀ DU LỊCH (Ngô Minh). – Trung Quốc tăng mua gạo Việt Nam (TT). – Châu Âu tiến tới việc […]

  4. […] – VĂN HÓA VÀ DU LỊCH (Ngô Minh). […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục